“Hãy trao cho ĐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (ĐHY) một cơ hội ở bất cứ đâu, bất cứ môi
trường, hoàn cảnh nào, ĐHY luôn chụp bắt, vì đó là cơ hội đẹp nhất để thi hành
3 sứ mạng: Ngôn Sứ, Tư Tế và Quản Trị. Đó là cơ hội tốt nhất để Tin Mừng Chúa
Giêsu được loan báo”.
Trên đây là lời chia sẻ của Linh mục Giuse Vương Sĩ Tuấn,
phụ tá Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, đã nói đến trong Thánh lễ cầu nguyện cho Tôi
tớ Chúa ĐHY nhân kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 10 của Người vào lúc 09g00 ngày
15/9/2012, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, do Cha Gioan Baotixita
Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận TPHCM chủ sự, cùng với 7 linh mục
đồng tế.
Chia sẻ cảm nghiệm về
ĐHY
Trước Thánh lễ, quý cha đồng tế dâng hương trước di ảnh ĐHY.
Sau đó, cha Tổng Đại diện chia sẻ: ĐHY là Tôi tớ Chúa, là người được Giáo hội
công nhận đã hưởng nhan thánh Chúa, Ngài có một cuộc đời đặc biệt thể hiện Đức
Tin, Đức Cậy, Đức Mến vượt trổi. Cho nên, chúng ta hiệp dâng Thánh lễ này là để
cùng với vị Tôi tớ Chúa dâng lời cảm tạ, tri ân Thiên Chúa là Cha, chúng ta
cũng tiếp tục cầu xin Chúa cho người Tôi tớ Chúa đây được sớm lên hàng Chân
phước và Hiển thánh, cũng vì danh của Chúa chứ không phải để vinh danh bất cứ
một ai, kể cả Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê của chúng ta.
Tiếp theo, Cha Đaminh Trương Kim Hương, học trò của ĐHY tại
Đại Chủng viện Xuân Bích Huế trong 2 năm 1964 – 1965, là người có sự gần gũi
đặc biệt với ĐHY chia sẻ: ĐHY muốn thích nghi với mọi người trong cuộc sống,
nơi Người có sự đặc biệt, mặc dầu bị tù đầy, đau khổ nhưng Ngài không phàn nàn
chê trách ai cả, đây là điểm son của Ngài. Nhất là cách xử sự của Ngài, đã làm
cho những cán bộ canh giữ Ngài rất cảm phục. Nhờ tấm lòng bác ái cao cả của
Ngài, sau này cũng có người là cán bộ đã trở lại đạo Công giáo. Bài giảng tĩnh
tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, Người chia sẻ rất thực tế, nói nên sự
can đảm, lòng yêu mến Chúa của Ngài không có sự hận thù, ghen ghét, dù Ngài
phải chịu đau khổ.
Cha Giuse Tuấn chia sẻ thêm: Khẩu hiệu của ĐHY khi làm Giám
mục Nha Trang “Vui mừng và hy vọng” là tên của một Hiến chế. Với Hiến chế này,
Giáo hội không nhìn thế giới này như là thù nghịch, tăm tối, sợ hãi phải loại
trừ và lên án, mà Giáo hội mời gọi để đối thoại với tất cả mọi môi trường, mọi
hoàn cảnh xã hội, và chế độ khác nhau. Đối thoại để gặp gỡ, hiểu nhau, tạo nên
một con đường hy vọng, niềm vui trong cuộc sống. Khi ĐHY lấy Khẩu hiệu “Vui
mừng và hy vọng” là Ngài luôn nhìn thấy nơi đó có một niềm hy vọng, nhờ đối
thoại, nhờ lấy Đức Kitô làm ánh sáng soi chiếu cho cuộc đối thoại của mình với
Chúa, với chính mình và với nhau.
Sau đó, lần lượt 3 người là bà con, đồng hương với ĐHY chia
sẻ về ĐHY. Những chia sẻ đã nói lên sự đơn sơ, hòa đồng, quan tâm đến mọi
người, không oán trách, muốn đem hoàn cảnh, thân phận của mình đã trải qua,
cũng như sự hiện diện của mình để đem ánh sáng công lý Phúc Âm đến cho mọi
người, và có cán bộ còn nói: Ông ấy là thánh sống. Ngài còn dạy: Khi vào nhà
thờ, cầu nguyện thì nhắm mắt lại, sẽ nghe được Chúa nói.
Thánh lễ
Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Cha Giuse đã nói lên những suy
niệm của cha về ĐHY, cha nói: ĐHY là Tổng Giám mục phó với quyền kế vị Tổng
Giáo phận Sài Gòn lại chưa một lần dâng lễ tại Nhà thờ Chính tòa này. Nhưng khi
nhìn cuộc đời ĐHY thì Nhà thờ Chính tòa của ĐHY như đang hiện diện ở khắp mọi
nơi. Bởi vì, trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, Ngài luôn luôn thi hành 3 sứ
vụ: Ngôn Sứ, Tư Tế và Quản Trị bằng chính cuộc sống của mình. ĐHY vẫn luôn luôn
là một nỗ lực, quên mình, tự hủy để cuộc đời không còn là sống cho riêng mình
mà là dâng hiến cho Thiên Chúa qua thời khắc và công việc cụ thể. Ngay trong
hoàn cảnh khó khăn, không gần gũi với cộng đoàn TGP SG, ĐHY vẫn luôn chăm sóc
các linh hồn, quản lý được tâm hồn những người đến gặp gỡ ngài, bởi chính cuộc
đời ĐHY đã thu hút, đã biến đổi những ai tiếp xúc với Ngài. Hãy trao cho ĐHY
một cơ hội, ở bất cứ đâu, ĐHY luôn luôn chụp bắt, vì đó là cơ hội đẹp nhất để
thi hành sứ mạng, là cơ hội tốt nhất để Tin Mừng Chúa Giêsu được loan báo.
Cha nói tiếp: ĐHY đi theo con đường của Chúa Giêsu. Chúa
Giêsu trong cuộc sống trần thế này, Ngài rao giảng Tin Mừng chỉ có gần 3 năm,
nhưng trong bất cứ cơ hội nào, Chúa Giêsu cũng loan báo vinh danh Chúa Cha, và
tỏ bầy tình yêu của Chúa Cha cho những người đến với Ngài. Lời Chúa Giêsu “Xin
hãy làm vinh danh Chúa Cha”, đó là một cơ hội Chúa Giêsu đang trên con đường
đến với thập giá, đối với chúng ta đó là con đường không ai chờ đợi, nhưng với
Chúa Giêsu đó là cơ hội tốt nhất để có thể tỏ bầy tình yêu cứu độ mà Chúa Cha
muốn trao cho nhân loại.
Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Cha TĐD căn dặn: Chúng ta
tưởng nhớ đến ĐHY với tình cảm đặc biệt, và lòng kính trọng mến yêu của chúng
ta. Khi cầu nguyện cùng ĐHY, nếu chúng ta đón nhận được những ơn lành nhờ sự
chuyển cầu của ĐHY, vị Tôi tớ Chúa, chúng ta loan báo về cho văn phòng thu thập
những ơn lành nhờ sự chuyển cầu của ĐHY, nhờ những chứng nhận, những ơn lành
Thiên Chúa ban cho chúng ta, thì việc tôn phong Chân phước, và tiếp đến tôn
phong Hiển thánh sẽ sớm hơn. Đó cũng là thánh ý Chúa, vì vinh danh của Cha trên
trời. Cho nên, chúng ta không những đọc kinh xin ơn này trong gia đình, mà phổ
biến mời gọi để có nhiều người đọc kinh xin ơn. Chúng ta đừng ngại vì đây là cơ
hội hết sức đặc biệt. Riêng bản thân tôi, hôm nay xin thú nhận với niềm vui,
với lòng biết ơn, tôi nhận được rất nhiều ơn nhờ lời chuyển cầu của ĐHY.
Trước khi ra về, những người tham dự Thánh lễ lần lượt thắp
nhang trước di ảnh Tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Đôi dòng tiểu sử Đức
cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
-Sinh ngày 17/4/1928, tại Phủ Cam, Tổng Giáo phận Huế, là
con trưởng trong một gia đình có 8 người con (3 trai và 5 gái).
-Gia nhập chủng viện An Ninh (Cửa Tùng – Quảng Trị) năm
1940.
-Ngày 11/6/1953, lãnh nhận chức linh mục tại Nhà thờ Chánh
tòa Phủ Cam.
-Năm 1956, Cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng
Urbania, Roma.
-Năm 1957, Cha Tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật.
-Từ Rôma về Giáo phận Huế, Cha được bổ nhiệm làm Giám đốc
chủng viện Hoan Thiện, rồi Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế vào năm 1964.
-Ngày 13/4/1967, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm
làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, khi 39 tuổi, và chọn khẩu hiệu “Vui Mừng và
Hy Vọng”.
-Ngày 24/4/1975, Đức cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ
nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài
Gòn với quyền kế vị.
-Ngày 9/4/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ngài
làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình.
-Ngày 24/11/1994, Ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục phó
Tổng Giáo phận Sài Gòn, để phục vụ tại Giáo Triều Rôma.
-Ngày 24/6/1998, Ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng
Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình, thay thế Đức Hồng y Roger Etchegaray.
-Mùa Chay năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời
Ngài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo hoàng và Giáo triều Rôma.
-Ngày 21/01/2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố
tuyển chọn Ngài vào Hồng y Đoàn.
-Vào lúc 18g00, ngày 16/9/2002, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Thuận đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Đức
Hồng y qua đời, Đức cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hoàng
Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh vừa qua đời.”
Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn
_____________
Ghi chú của CĐCGHH:
Bản tiểu sử của Tổng Giáo Phận TP.HCM thiếu giai đoạn quan trọng nhất (từ năm 1975 đến 1994) trong cuộc đời của Hồng Y Thuận: Đó là giai đoạn tù đày 13 năm dài với 9 năm tù biệt giam, mà tác nhân là đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang nắm chính quyền.
Nói đến cuộc đời của Cố Hồng Y Thuận nhưng lại (cố tình) bỏ quên giai đoạn "làm nên con người", dù là do áp lực chính trị, là một hành vi kém cỏi (để tránh chữ "hèn") trong thái độ và thiếu nghiêm túc; chưa kể đến chuyện coi thường độc giả.
_____________
Ghi chú của CĐCGHH:
Bản tiểu sử của Tổng Giáo Phận TP.HCM thiếu giai đoạn quan trọng nhất (từ năm 1975 đến 1994) trong cuộc đời của Hồng Y Thuận: Đó là giai đoạn tù đày 13 năm dài với 9 năm tù biệt giam, mà tác nhân là đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang nắm chính quyền.
Nói đến cuộc đời của Cố Hồng Y Thuận nhưng lại (cố tình) bỏ quên giai đoạn "làm nên con người", dù là do áp lực chính trị, là một hành vi kém cỏi (để tránh chữ "hèn") trong thái độ và thiếu nghiêm túc; chưa kể đến chuyện coi thường độc giả.