"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Sống đời hạnh phúc trong đức tin


“Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21)

Thiên Chúa dựng nên con người và chỉ muốn con người được hạnh phúc. Ngài muốn tất cả chúng ta biết sống thế nào để cho cuộc đời thật là “đáng sống”. Chỉ như thế con người mới xứng đáng với “hình ảnh” của Đấng Tạo Hóa. Nhưng hạnh phúc là gì? Ai cũng muốn, nhưng lại không biết điều mình muốn! Tất cả chúng ta có đồng một quan điểm về hạnh phúc không? Có phải ai cũng ước mơ, tìm kiếm và quyết chinh phục cho được chỉ một thứ hạnh phúc hay nhiều kiểu hạnh phúc khác nhau? Và thứ hạnh phúc ấy có bền vững hay vĩnh viễn làm thỏa mãn được mọi người không? Trong Tam Nhật Tĩnh Tâm năm 2012 chúng ta hãy cùng nhau tìm ra một mẫu số chung cho đề tài: “Sống đời hạnh phúc trong đức tin“.

Chúng ta sẽ cố gắng tìm ra một hành trang để vững tâm vượt mọi hiểm nguy, bỏ lại đàng sau tất cả những gì không cần thiết mà lên đường chinh phục Đỉnh Cao Hạnh Phúc. Chỉ lúc đó chúng ta mới nhận ra: Hạnh Phúc là Quà Tặng của Thiên Chúa và thân thưa với Ngài: “Chỉ mong con chẳng còn gì, để nhờ thế con được gọi Chúa là tất cả của con” (R. Tagore).

„Hành trang hạnh phúc“ của chúng ta gồm có ba món đồ:
- Tám mối Phúc Thật
- Kinh Kính Mừng
- Thánh Cả Giuse

1. Tám mối Phúc Thật

Phúc thay… Khác với những lần giảng dạy khác, ở đây ta không thấy Chúa dùng những lời có vẻ đe doạ hay huấn dạy kiểu như: „nếu chúng con không làm điều nảy điều nọ… thì sẽ phải chịu hình phạt này nọ…“. Hay „chúng con phải vác thánh giá, không đuợc ngoại tình, phải từ bỏ của cải, hãy bỏ cha me anh chi em… mà theo Ta“ v.v… Nhưng trong „tám mối Phúc Thật“ Chúa chúc lành, chúc phúc, nói những lời tốt đẹp cho mọi người, giống như khi người ta chúc mừng sinh nhật ai, chúc mừng khi dự đám cưới, khi mừng các lễ lớn như Giáng sinh, Phục Sinh… Theo lời hứa thì cả đám đông phải được hạnh phúc, nhưng các môn đệ đã đáp lời Chúa kêu gọi, nên được hạnh phúc ngay từ lúc này. Các ông hạnh phúc vì được giải thoát khỏi những gì mình có. Niềm vui là kết quả của tự do. Nước Trời thuộc về các ông trước khi thuộc về người khác, vì các ông là những con người tự do, „có tinh thần khó nghèo“,hay „khó nghèo trong lòng“.

Tất cả Tám Mối Phúc Thật giống như một viên kim cương, tuy toả ra những ánh sáng lấp lánh khác nhau nhưng chỉ là một viên kim cương. Bẩy mối phúc trước quy về sự nghèo khó (các mối phúc từ 2 đến 7 chỉ là những cách diễn tả chi tiết mối phúc đầu tiên về sự nghèo khó). Mối phúc cuối cùng như một thứ kết luận: Nếu anh em sống như trên, chắc chắn anh em sẽ bị người đời bách hại, vì quấy động cuộc sống của họ, khiến họ phải lo lắng. Và vì muốn yên thân, không bị ai quấy nhiễu, họ sẽ gây khó dễ cho anh em.

Bản văn của Thánh Matthêu nói trên 9 lần làm nổi bật từ ngữ “Phúc cho”. Sứ điệp của Chúa Giêsu muốn tập trung vào “hạnh phúc thật”: hạnh phúc theo nghĩa tôn giáo, đó là hạnh phúc đặt con người trong tương quan đích thực với Thiên Chúa, và do đó, với toàn thể thực tại. Tất cả các mối phúc đều hướng đến đích điểm là được sống thân tình với Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền. Con người chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả. Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

2. Kinh Kính Mừng

Nơi Phúc âm theo thánh Gioan, trong biến cố tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria đứng ra cầu khẩn Chúa Giêsu, Con Mẹ, xin Ngài làm phép lạ giúp cho gia đình đang tổ chức tiệc cưới mà hết rượu. Nơi sách TĐCV, chương 1, câu 14, chúng ta thấy Mẹ Maria hiện diện giữa các Tông Đồ vào ngày Ngũ Tuần (Lễ Hiện Xuống), để cầu nguyện cùng với các Ngài và cho các Ngài, vào giây phút quan trọng khai sinh Giáo Hội của Chúa Kitô.

Ðọc lên kinh Kính Mừng với hết lòng đạo đức sốt sắng, chúng ta dâng lời chào kính Mẹ Maria, vừa đồng thời xin Mẹ đến hiện diện giữa chúng ta, cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta. Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng Maria là ta nhắc lại lời chào thánh thiện gồm 3 nguồn gốc sau:

a) Lời Thiên thần Gabriel khi Truyền Tin cho Ðức Mẹ: "Kính Mừng Maria đầy ơn phúc (ngày nay các nhà chuyên môn dịch là: Mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc) Đức Chúa Trời ở cùng Bà“.

b) Lời bà Isave khen ngợi, khi Ðức Mẹ thăm viếng bà: "Em được chúc phúc hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Em được chúc phúc".

c) Lời Hội Thánh dạy kêu cầu: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử (giờ chết) Amen.

Vậy ta nên đọc đi đọc lại những lời Kinh Kính Mừng đó, những lời nguyện khiêm tốn, đơn sơ, với lòng yêu mến và tin cậy. Chuỗi Mân Côi thêm sức cho ta bất cứ lúc vui cũng như buồn. Cần phải chăm chú khi tay lần chuỗi, miệng đọc, trí lòng để ý tới lời kinh. Một ngày kia, Đức Mẹ nói với chân phước Eulalie: "Mẹ thích một chuỗi chú tâm và lần thong thả hơn là ba chuỗi đọc vội vã chia lòng chia trí".

3. Hãy đến cùng Giuse

Trong những ngày ấy, cả nước Ai-Cập gặp nạn đói kém, dân chúng kêu vua Pharaon, xin cho họ của ăn. Vua trả lời họ rằng: "Các ngươi hãy đến cùng Giuse và ông bảo thế nào, các ngươi hãy làm như vậy". Cơn đói kém ngày càng gia tăng khắp mặt đất. Bấy giờ ông Giuse mở các kho lúa, bán cho người Ai-Cập, vì họ cũng đói kém khổ sở. Khắp mọi nước, người ta tuôn đến Ai-Cập để mua lương thực ăn cho đỡ đói. (Trích sách Sáng Thế: 41, 55-57; 42, 5-7a. 17-24a)
„Các ngươi hãy đến cùng Giuse“ – Chúng ta hãy lấy câu nói này và hãy coi đó là một lời khuyên bảo hữu ích – để tìm hiểu sâu hơn về vai trò của Thánh Cả GIUSE trong đời sống. Giáo dân Việt đã từng diễn tả với lòng biết ơn những kinh nghiệm đạo đức, nhất là khi có việc ngặt nghèo riêng của gia đình, trong kinh “Khấn Thánh Giuse”:

„Chúng con thân lạy Thánh Giuse, chúng con lâm cơn gian nan chạy đến cùng Người, và hết lòng nài xin Người phù hộ chúng con, như chúng con đã kêu xin Bạn rất thánh Người bào chữa. Chúng con thiết khẩn nguyện cầu, vì đức thương yêu đã kết buộc Người cùng Đức Nữ Đồng Trinh, là Mẹ Đức Chúa Trời, chẳng hề mắc tội tổ tông. Lại vì tình Cha yêu con, đã bảo dưỡng Đức Chúa Giêsu Hài Đồng, xin thương xem phù hộ chúng con, là phần cơ nghiệp Đức Chúa Giêsu Ki Tô đã lấy máu mình mà sắm, cùng xin lấy công ơn phép tắc mà phù trợ chúng con mọi bề túng ngặt.“

Thánh nữ Têrêsa Avila (1515-1582) là vị cải tổ Dòng Cát Minh. Bà đã thành lập 18 đan viện Cát Minh cải cách và giúp thánh Gioan Thánh Giá lập 13 Dòng nam Cát Minh. Năm 1970 bà được phong Tiến Sĩ Hội Thánh cùng với thánh nữ Catarina Sienna. Đoạn văn sau đây trích từ cuốn Tự Truyện bà viết do đức vâng lời, liên hệ đến thời kỳ ba năm bà bị bệnh bất toại (22-24 tuổi). Một tài liệu quí giá để chúng ta thâm tín hơn về việc sùng kính Thánh Giuse.

"Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Người với quyền làm cha và làm giám quản, thì nay ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý muốn của Người, mà nhận mọi lời Người cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên chạy đến cùng Vị Bảo Hộ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm. Vậy nên số các linh hồn sùng kính Thánh Cả Giuse ngày càng gia tăng, và những hiệu quả tốt lành do sự chuyển cầu của Thánh Cả ngày càng xác nhận lời tôi nói là sự thật ..."

Hãy tập trung vào hiện tại

Với một HÀNH TRANG gồm BA món như trên chúng ta còn ngại ngùng gì nữa mà không lên đường ngay để mau đạt tới bến HẠNH PHÚC không những ở đời sau, mà ngay bây giờ, ngày hôm nay, trong phút này, vì Hạnh Phúc đang ở trong Tầm Tay của mỗi người. Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng cũng cảm nhận về hạnh phúc như thế: “Hạnh phúc thật ở trong tâm hồn của mỗi người, và con người có thể luôn hưởng được nó, nơi huy hoàng tráng lệ của cung điện hoàng gia, hay trong tăm tối thâm u của chốn ngục tù”.

Một nhà tư tưởng người Đức đã đưa ra một bí quyết sống hạnh phúc thực tế như sau: “Người quan trọng nhất trong lúc này là người đối diện với ta; giờ phút quan trọng nhất trong lúc này là giây phút hiện tại; công việc quan trọng nhất là việc bổn phận ta đang làm. Chỉ chú ý vào người đối diện, vào giờ hiện tại, vào công việc ta đang làm, đó là bí quyết sống hạnh phúc”.

Người Nga cũng có một châm ngôn tương tự: “Chỗ quan trọng nhất là chỗ bạn đang đứng lúc này; công việc quan trọng nhất là công việc bạn định làm lúc này; con người quan trọng nhất là con người đang đứng trước mặt bạn và đang cần bạn”.

Vậy ngay từ bây giờ và đặc biệt trong 3 ngày Tĩnh Tâm sắp tới ta hãy sống giây phút hiện tại với tất cả tinh thần lạc quan và phó thác. Giây phút hiện tại quả là viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Hãy thử xem và nếm hưởng những niềm vui nho nhỏ ngay trong từng giây phút mình đang sống. Và hãy mạnh dạn ném trao vào tay Chúa (bàn tay này lớn lắm, có thể ôm trọn cả vũ trụ) mọi nỗi buồn phiền lo lắng: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 5). Thay vì ca những bài than vãn não nuột, thì hãy vui vẻ cất lên những lời ca tri ân giúp bạn SỐNG ĐỜI HẠNH PHÚC trong ĐỨC TIN.

Nào chúng ta hãy để Mẹ MARIA và Thánh Cả GIUSE cùng đồng hành, nắm tay  dẫn ta lên NÚI TÁM PHÚC của Chúa GIÊSU.

Lm. Dr. Francis Hồ Ngọc Thỉnh
Windheim, ngày 12.06.2012