Tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Đaminh
Tên gọi
Mai Khôi, Môi Khôi, Mân Côi hay Văn Côi là cách đọc
khác nhau của hai chữ Hán mà sách „Đại Nam Quốc Âm Tự Vị“ của Paulus Huỳnh Tịnh
Của phiên âm là môi khôi, còn „Hán Việt Từ Điển“ của Đào Duy Anh phiên âm
là mai khôi. Cách đọc đúng theo âm Hán Việt hiện đại là môi côi.
Tiếng La-tinh là Rosarium,
tiếng Bồ và tiếng Ý là Rosario, tiếng
Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, tiếng Đức là Rosenkranz, có 3 nghĩa như sau:
1. Một tràng, một chuỗi, một xâu hoa hồng (Rosa, Rose = Hoa
Hồng)
2. Một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo quanh cổ người
phụ nữ;
3. Một vườn Hoa Hồng.
Sang đến Việt Nam, chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là
“Chuỗi Mân Côi”, hoặc “Chuỗi Văn Côi”; riêng người miền Nam và miền Trung lại
gọi là “Chuỗi Môi Khôi”. Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương
nêu trên, các cha Dòng Đa-minh thuộc nhánh Lyon, Pháp còn gọi là “Chuỗi
Mai Khôi”. Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ
và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm.
Thật ra, “Mân” là tên một thứ đá rất đẹp, bên ngoài có vân
như ngọc nhưng lại không có giá trị bằng ngọc. Có nơi lại gọi loại đá này là
“Văn” có nghĩa là một thứ đá có vân đẹp. Còn “Môi” hay đọc đúng chính âm là
“Mai” lại là tên một thứ ngọc quý màu đỏ. “Côi”, hay còn đọc là “Khôi” nghĩa là
hiếm, quý, lạ (tính từ).
Ghép lại, hai chữ “Mai Côi” còn chỉ một loài hoa rất
thơm, sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai, ngày nay người ta dùng hoa này chưng cất
lấy hơi tẩm ướp vào rượu để sản xuất ra một thứ rượu quý nổi tiếng Trung Hoa,
gọi là “Mai Côi Lộ Tửu”, thường được gọi trại ra là “Mai Quế Lộ”.
Có ý kiến cho rằng chúng ta không nên dùng chữ: Mân Côi vì
cho rằng nó không được cao quý bằng Mai Khôi (hay Mai Côi, Môi Khôi) (vì Mân
Côi chỉ nói đến một thứ đá lạ, quý hiếm nhưng không bằng ngọc, nó cũng không có
nghĩa là hoa hồng). Hơn nữa, chữ Mai Khôi đọc lên nghe cũng thanh nhã hơn.
Lần chuỗi Mai Khôi là một hình thức cầu nguyện với Mẹ, qua
Mẹ. Việc đọc kinh Mai Khôi như là một cử chỉ tôn kính và dâng lên Mẹ Maria
những đoá hoa hồng thiêng liêng là các Kinh Kính Mừng. Một trăm năm mươi kinh
Kính Mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi Thánh vịnh dâng
kính Mẹ, vì chuỗi Mai Khôi được coi như tập Thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống
như một trăm năm mươi Thánh vịnh để tôn vinh, ca tụng và cầu xin cùng Chúa vậy. Trong
khi đọc thì lòng suy gẫm về vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu nhiệm Cứu
độ được gắn kết với cuộc đời Mẹ.
Nguồn gốc chuỗi Mai
Khôi
Lần chuỗi Mai Khôi là một hình thức cầu nguyện với Đức Mẹ. Hình
thức này đã được hình thành từ thời Trung Cổ rồi được phổ biến vào thế kỷ XII. Tên
Của Chuỗi Mai Khôi phát xuất từ thói quen kết vòng hoa trên đầu cho những bức
tượng của Đức Trinh Nữ từ thời Trung Cổ, những hoa hồng tượng trưng cho những
lời nguyện dâng lên Mẹ Maria.
Ngay từ thế kỷ XI, thời thánh Bênađô, những người có lòng
sùng kính Đức Mẹ vẫn đọc một chuỗi các kinh Kính Mừng, vừa đọc vừa nghĩ đến
những sự vui mừng của Đức Mẹ. Có thể nói đó là hình thức khởi đầu của chuỗi Mai
Khôi. Sau này, năm 1328 ngưòi ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức
Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mai Khôi cho thánh Đaminh. Và
từ đó trở đi, người ta cứ truyền tụng cho nhau là thánh Đaminh đã lập ra chuỗi
Mai Khôi. Vì thế, trong dòng Đaminh mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai Khôi cho
thánh Đaminh.
Thực ra, theo cha Lacordaire, một tu sĩ dòng Đaminh và một
nhà giảng thuyết trứ danh tại nhà thờ Đức Bà Paris vào giữa thế kỷ XIX, thì năm
1209 ở miền Toulouse, tình thế lúc bấy giờ rất nhiễu nhương: quân của quận Chúa
Raymond theo bè rối Albigeois đánh nhau với quân của quận chúa Simon de
Montfort theo Công giáo. Thánh Đaminh làm việc tông đồ ở miền Toulouse lúc bấy
giờ. Người thấy rằng bao lâu chưa có hòa bình thì bấy lâu rất khó giảng giải để
đưa các người theo bè rối về nẻo chính đường ngay. Vì thế, người mới cầu nguyện
và xin ai nấy cầu nguyện cho hòa bình. Người được ơn soi sáng kiện toàn kinh
Mai Khôi đã có từ thế kỷ XIII, bằng cách cứ sau mỗi mười kinh thì dừng lại một
chút, rồi thêm vào một câu hát vắn hay mấy lời lấy trong các sách Tin Mừng về
cuộc đời Chúa Cứu Thế, cho thay đổi và đỡ nhàm chán. Ban đầu chỉ lấy những câu
nói về các niềm vui, sau mới thêm những câu nói về các nỗi khổ và các điều
mừng.
Từ thế kỷ XV trở đi, chuỗi lần hạt Mai Khôi được tổ chức như
chúng ta thấy ngày nay, nghĩa là chia làm ba chuỗi, mỗi chuỗi năm chục kinh suy
ngắm về một số các mầu nhiệm liên quan đến các niềm vui, nỗi khổ và các điều
mừng.
Hai tu sĩ dòng Đaminh là linh mục Alain de la Roche người
Pháp ở tỉnh Douai, (sau được nâng lên hàng chân phước) năm 1470 và linh mục
Jacob Sprenger người Đức ở tỉnh Koeln năm1475 đã lập ra các Hội Mai Khôi. Từ
thế kỷ XVI, các ĐGH chính thức giao cho dòng Đaminh nhiệm vụ rao giảng về chuỗi
Mai Khôi và thành lập các hội Mai Khôi.
Nguồn gốc Lễ Mai Khôi
Ngày Chúa nhật 07/10/1571, hải quân công giáo thắng hải quân
Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lepante (giữa Co-rin-tô và
Pa-trát). Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa
lúc các hội viên Mai Khôi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã
nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, ĐGH Piô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải
làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, ĐGH Grêgôriô đặt tên cho lễ
này là lễ Mai Khôi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ và nhà nguyện của
các Hội Mai Khôi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, ĐGH Clément XI truyền
cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, lễ Mai Khôi
được ấn định vào ngày 7 tháng 10 mỗi năm.
Joseph Nguyễn Tro Bụi
Nguồn: Chuỗi Mai Khôi
.......................................................
Chuyện kể rằng, trên một chuyến tầu nhằm hướng thủ đô Paris
của nước Pháp, có một ông già ngồi bên cạnh một chàng sinh viên trẻ trong toa
hạng hai.
Khi tầu chuyển bánh được ít lâu thì ông già từ tốn lấy ra
trong túi một chuỗi hạt và chỉ ít phút sau ông đã chìm sâu trong sự cầu nguyện.
Anh sinh viên liếc nhìn tỏ vẻ khó chịu...
Thời gian trôi đi, lúc lâu sau thấy ông già vẫn im lặng,
thành kính, say mê lần hạt. Anh sinh viên khó chịu quá thốt lên:
- Này ông! Đến bây giờ
ông vẫn còn tin vào sự vớ vẩn này ư?
Ông già từ từ nhìn lên và nhè nhẹ gật đầu:
- Vâng... Tôi vẫn tin,
vậy còn anh?
Anh sinh viên cười khẩy:
- Kể ra, hồi nhỏ tôi
cũng có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin được, khi khoa học đã mở mắt
cho tôi, đã khám phá ra những chân trời mới, đã cống hiến cho nhân loại...
Ông già giơ tay ngắt lời chàng sinh viên trẻ:
- Này anh, anh vừa nói
là khoa học đã khám phá ra những chân trời mới, vậy anh có thể cho tôi biết
chân trời mới ấy là thế nào không?
Anh sinh viên sôi nổi quả quyết:
- Vâng... Nếu muốn,
xin cứ cho tôi biết địa chỉ của ông. Tôi sẽ gửi đến cho ông một cuốn sách, khi
đọc xong cuốn sách ấy, ông sẽ tức khắc bỏ những niềm tin vơ vẩn này đi ngay.
Ông già điềm tĩnh lấy ra tấm danh thiếp đưa cho anh sinh
viên. Anh đọc tấm danh thiếp, thoáng nhìn ông, bỗng ngượng tái mặt lẳng lặng bỏ
sang toa khác.
Trên tấm danh thiếp của ông già chỉ ghi vỏn vẹn có mấy chữ: „Louis Pasteur - Viện trưởng Viện Hàn Lâm
Khoa Học Paris“.