"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hai ngàn năm lịch sử Ơn Cứu Độ ... nhưng vẫn chưa được cứu rỗi?


Peter Seewald: Giáo-lí ơn cứu-độ đã được loan-truyền từ hai ngàn năm và từ hai ngàn năm nay có một Giáo-hội bước theo đức Ki-tô dấn-thân cho hòa-bình, công-lí và tình yêu. Nhưng vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai sau Kitô, kết-quả tổng-kê xem ra nghèo-nàn như chưa từng có. Thậm chí một nhà văn Mỹ, ông Louis Begley, gọi thế-kỷ 20 là "một tang lễ ma-quái". Đó là một hoả-ngục gây nên bởi tội-ác giết người, thảm-sát tập-thể và bạo-lực, nghĩa là một tổng-hợp gói trọn mọi thứ kinh-hoàng.

Trong thế-kỷ 20 số người bị giết cao trội như chưa từng thấy. Đây là thời-điểm xẩy ra cuộc tận diệt người Do-thái và sự phát-triển bom hạt nhân. Người ta những tưởng, sau đệ nhị thế chiến sẽ mở màn một kỷ-nguyên thanh-bình. Hẳn người ta phải biết, với bài học tàn-sát Do-thái, nạn kỳ-thị chủng-tộc cuối cùng sẽ đưa ta về đâu. Nhưng tiếp nối năm 1945 lại là một khoảng thời-gian rách-nát vì chiến-tranh như chưa từng thấy. Trong thập niên 90 chúng ta trải qua tại Âu châu bao cuộc chiến và xung-đột tôn-giáo; khắp nơi trên thế-giới gia-tăng nạn đói, xua-đuổi cư dân, kì-thị chủng-tộc và tội-phạm, sự ác chiếm thế thượng-phong. Dĩ-nhiên thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ cũng ghi-nhận những biến-đổi tốt-đẹp: chính-sách toàn-trị trong trong các nhà-nước cộng-sản cáo-chung, bức màn sắt ở Trung Âu đã sụp-đổ, những vùng có tranh-chấp sẵn-sàng đối-thoại và các nước Trung Đông rục-rịch xích lại gần nhau.

Suy-tư về những gì Thiên Chúa và nhân loại thực-hiện, nhiều người hoài-nghi tự hỏi: Có thực thế-gian được cứu rỗi? Có thể gọi những năm sau đức Ki-tô là những năm của ơn cứu-độ?

Đây quả là một chuỗi nhận-xét và vấn-nạn. Câu hỏi căn-bản ở đây thật ra là có phải Ki-tô giáo đã mang đến ơn cứu-độ, phải chăng Ki-tô giáo đã mang lại ơn cứu-rỗi hay Ki-tô giáo thật ra vô hiệu? Phải chăng Ki-tô giáo ngày nay đã mất sức sống?

HY Joseph Ratzinger: Về vấn-đề này tôi thiết nghĩ trước hết phải nói ngay, ơn cứu-độ, một ơn đến từ Thiên-chúa, không phải là một thực-thể có định lượng và vì thế không thể tính-toán đo-lường thêm bớt. Nhìn theo kiến-thức kỹ-thuật, sự phát-triển trong nhân loại có lẽ đôi khi bị khựng lại, nhưng tựu trung vẫn có sự tiếp-tục tăng-trưởng. Những gì thuần-tuý là lượng-số, hẳn nhiên ta có thể cân đo được và có thể nhận ra những tăng giảm của chúng. Nhưng sự thiện nơi con người không phát-triển theo quy-tắc định-lượng đó, vì mỗi người là một cá-thể mới và vì thế với mỗi người lại bắt đầu một lịch-sử mới trên một bình-diện nào đó.

Sự phân-biệt trên đây rất hệ-trọng. Cái thiện nơi con người không thể tính bằng lượng. Bởi thế không thể cho rằng Ki-tô giáo vào năm khởi-thủy bắt đầu như một hạt cải, và cuối cùng sẽ phải sừng-sững như một đại thụ và ai cũng có thể thấy nó phát-triển tốt-tươi hơn từ thế-kỷ này sang thế-kỷ khác. Trái lại nó luôn có thể bị nghiêng đổ hay vấp ngã, vì ơn cứu-rỗi gắn chặt với tự-do của con người và Thiên Chúa  không bao giờ muốn lấy đi tự-do này.

Vào thời Ánh-sáng đã nảy ra tư-tưởng cho rằng tiến-trình văn-minh gần như bắt-buộc phải đưa nhân loại liên-tục tiến lên trên con đường chân, thiện, mỹ, và vì thế trong tương-lai không thể có những hành-động man-rợ nữa.

Ơn cứu-rỗi luôn gắn liền với tự-do, có thể nói đó chính là cơ-cấu mạo-hiểm của ơn cứu rỗi. Bởi thế nó không bao giờ đơn thuần được áp đặt từ ngoài hoặc được xây-dựng kiên-cố với một cơ-cấu vững-chắc, nhưng nó được đặt vào một chiếc bình dễ vỡ là tự-do con người. Nếu cho rằng con người đã vươn tới một độ cao, thì cũng phải coi chừng nó có thể rơi xuống và tan-vỡ. Tôi thiết nghĩ đó chính là cuộc tranh-luận khi đức Ki-tô bị cám-dỗ: Phải chăng ơn cứu-rỗi phải như một cái gì kiên-định trên dương-gian, có thể tính-toán được theo nghĩa: mọi người đều có cuả ăn, từ nay không đâu bị đói nữa? Hay ơn cứu-rỗi là cái gì khác hẳn? Vì nó gắn chặt với tự-do, vì nó không bị áp-đặt cho con người trong những cơ-cấu có sẵn, mà trái lại luôn nhịp bước với tự-do của con người, cho nên trong một mức-độ nhất-định nó vẫn có thể bị tan-vỡ.

Ta cũng phải nhìn-nhận rằng Ki-tô giáo đã luôn toả ra một tình nhân-ái dạt-dào. Những gì Ki-tô giáo đã mang vào lịch-sử thật đáng kể. Goethe* từng thốt lên: Những gì đã xẩy ra quanh tôi làm tôi phải cúi đầu. Đúng thế, chỉ qua Ki-tô giáo mà hệ-thống chăm-sóc bệnh nhân, cưu-mang người yếu kém và cả một hệ-thống tổ chức từ-thiện đã hình thành. Cũng nhờ Ki-tô giáo mới phát-sinh sự tôn-trọng con người trong mọi hoàn-cảnh. Một sự kiện lịch-sử đáng ghi nhận: Sau khi chấp-nhận Ki-tô giáo, việc đầu tiên hoàng-đế Constantinus thấy phải thi-hành là cải-tổ luật-lệ, để chủ-nhật thành ngày nghỉ cho mọi người và cho người nô-lệ được hưởng một số quyền-lợi.

Tôi cũng có thể đan-cử trường-hợp Athanasius, vị giám-mục lỗi-lạc thành Alexandria trong thế-kỷ thứ tư. Qua kinh-nghiệm bản-thân ngài tả lại cảnh khắp nơi các bộ-lạc cứ nhăm-nhe dao búa kình-chống nhau, mãi tới khi trở thành ki-tô-hữu, họ mới biết chung sống hoà-bình. Nhưng đó là những đặc-tính không do cơ-cấu của một thể-chế chính-trị tự tạo nên. Chúng cũng có thể bị sụp-đổ, như ta ngày nay vẫn thấy.

Ở đâu con người xa rời đức tin, ở đó những tệ-nạn khủng-khiếp thời ngẫu-tượng sẽ ồ-ạt trở lại. Tôi tin rằng, ta có thể nhận thấy rõ Thiên Chúa  đi vào lịch-sử một cách nói được là mong-manh hơn chúng ta mong-muốn. Nhưng đó lại là câu trả lời cuả Ngài đáp lại tự-do của ta. Một khi ta muốn và chấp-nhận Thiên Chúa  tôn-trọng tự-do của ta, ta cũng phải học tôn-trọng và quí-chuộng tính-cách mong-manh của hành-động Ngài.

Ki-tô giáo ngày nay đã bành-trướng rộng-rãi trên khắp thế-giới như chưa bao giờ từng thấy. Nhưng ơn cứu-độ cho thế-gian đã không đương-nhiên đồng-bộ với nhịp tiến đó.

Đúng vậy, sự lan rộng tính được bằng con số tín-hữu ki-tô không đương-nhiên dẫn đến sự cải-thiện thế-gian, vì không phải tất-cả những ai mang tên ki-tô-hữu đều thực-sự là ki-tô-hữu. Ki-tô giáo chỉ ảnh-hưởng gián-tiếp lên khuôn mặt trần-gian qua con người, qua tự-do của họ. Sự dữ cũng không đương-nhiên bị khai-trừ khi ta thành-lập một hệ-thống chính-trị hay xã-hội mới.

Sự hiện-hữu của sự dữ mang ý-nghĩa gì đối với ơn cứu-rỗi hay không có ơn cứu-rỗi?

Sự dữ có thế-lực qua ngã tác-động lên tự-do con người và tạo nên những cơ-cấu riêng của nó. Rõ-ràng có những cơ-cấu của sự dữ. Chúng đè-nén con người, chúng có thể ngăn-chặn tự-do và như vậy tạo nên bức tường cản bước Thiên Chúa  đi vào trần-gian. Qua đức Kitô, Thiên Chúa  thắng sự dữ. Điều này không có nghĩa là từ nay tự-do con người hết bị sự dữ thử-thách, nhưng có nghĩa là Chúa sẵn-sàng đưa tay cho ta nắm và dẫn ta đi, song Ngài không ép-buộc ta.

Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có quá ít quyền-lực trên dương-thế?

Dù sao Ngài cũng không muốn sử-dụng quyền-lực theo cách như ta tưởng. Đó chính là vấn-nạn mà ông đã gợi lên lúc đầu và tôi cũng muốn đặt ra cho cái gọi là "tinh-thần thế-gian": Tại sao Thiên Chúa bất lực như vậy? Tại sao Ngài chỉ cai-trị một cách yếu-ớt lạ-lùng như một kẻ bị đóng đinh trên thập-giá, như một kẻ thất-bại? Nhưng rõ ràng đó là cách Ngài muốn cai-trị và xử-dụng quyền-lực. Còn như dùng quyền-lực qua cưỡng-bức, áp-đặt và bạo-lực lại không phải là cách cuả Ngài.

Xin trở lại câu hỏi lúc đầu: Tình-trạng thế-giới, diễn-tả qua cách nói "một tang lễ ma-quái" của thế-kỷ 20, không nhất-thiết làm ta hoảng-sợ sao?

Là tín-hữu Ki-tô chúng ta biết trần-gian luôn nằm trong bàn tay Thiên-chúa. Ngay cả khi con người tháo bỏ dây liên-kết với Ngài và lao vào huỷ-diệt, trong tình-trạng thế-giới đổ-nát đó Chúa sẽ ra tay làm lại một khởi đầu mới. Phần chúng ta, trong niềm tin vào Ngài, chúng ta hành-động để con người không xa lià Ngài và gắng làm hết sức để thế-gian có thể tồn-tại như kỳ-công và con người như thụ-tạo của Ngài.

Tuy nhiên một viễn-tượng hết sức bi-quan vẫn có thể xẩy ra, trong đó sự vắng bóng Thiên Chúa – Metz gọi đó là "cuộc khủng-hoảng Thiên Chúa" – trở nên trầm-trọng đến nỗi khiến con người rơi vào vực thẳm luân-lí và thế-giới rơi vào vực thẳm đổ-nát, đứng trước bờ tận-thế. Nguy-nan đó chúng ta phải tính tới. Nhưng cho dù viễn-tượng tận-thế kia có xẩy ra, thì Thiên Chúa vẫn còn đó để bảo-vệ những ai tìm Ngài; kết-cục tình yêu vẫn mạnh hơn hận-thù.

Gio-an Phao-lô  II có nhận-xét: "Vào cuối thiên niên-kỷ thứ hai Giáo-hội lại trở thành Giáo-hội của các vị tử-đạo". Thưa hồng-y, chính ngài cũng làm một bản thống-kê tương-tự: "Nếu chúng ta không tìm lại cái phần làm nên căn-tính ki-tô giáo của mình, chúng ta sẽ không đứng vững trước những thử-thách của thời-đại".

Chúng ta đã trao-đổi về đề-tài này : Giáo-hội sẽ mặc lấy những hình-thức khác, Giáo-hội sẽ bớt phần đồng-hóa với những cộng-đồng lớn, sẽ mặc lấy hình-thái Giáo-hội của thiểu-số, sẽ sinh-động qua những nhóm nhỏ với xác-tín vững-mạnh, sống và hành-động theo niềm tin. Chính qua cung-cách này, nói theo Thánh-kinh, Giáo-hội sẽ là "muối cho đời". Trong tình-thế xáo-trộn này tính-chất bền-bỉ - nghĩa là cái cốt-lõi không thể bị tiêu-diệt nơi con người – lại trở nên quan-trọng hơn và những nguồn sức mạnh nâng-đỡ con người lại càng cần-thiết hơn bao giờ hết.

Bởi thế, một đàng Giáo-hội cần có sự uyển-chuyển để có thể chấp-nhận những tư-tưởng và trật-tự biến-đổi trong xã-hội cũng như cởi bỏ những liên-hệ ràng-buộc trước đây. Đàng khác, Giáo-hội chính vì thế cần có sự trung-kiên để duy-trì cái cốt-lõi làm nên con người, cái làm cho con người sống-còn, cái bảo-vệ phẩm-giá con người. Giáo-hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng lên cao, hướng vể Thiên Chúa, vì sức mạnh hòa-bình trên dương-thế chỉ đến từ nơi cao đó.

Ngày nay nhiều người cho rằng, trải qua bao thế-kỷ Giáo-hội đã hành-động không đúng với mạc-khải. Giáo-chủ đã nêu lên sự bất tương-dung nhân danh tôn-giáo và sự đồng-loã trong tội ác phạm đến nhân-quyền như thí-dụ  điển-hình cho "vực thẳm tội-lỗi" của 2000 năm lịch-sử Ki-tô giáo. Ngày nay Giáo-hội hay nói đến lầm-lỗi của mình đối với người Do-thái cũng như đối với phụ-nữ. Trước đây những thú-nhận như thế bị coi là làm giảm uy-quyền. Liệu Giáo-hội có phải lên tiếng bằng sự cởi-mở không che đậy hơn nữa về những lỗi-lầm ngay trong lòng Giáo-hội qua dòng lịch-sử?

Tôi thiết-nghĩ sự thành-thực luôn là một nhân-đức nền-tảng, bởi cũng vì nhờ nó chúng ta nhận biết rõ hơn đâu là Giáo-hội và đâu không phải là Giáo-hội. Trong ý-nghĩa này sự thẳng-thắn mới đây - nếu muốn dùng kiểu nói này - một sự thắng-thắn thú-nhận không che đậy những khía-cạnh đen-tối của lịch-sử Giáo-hội, là một hành-động quan-trọng để chứng-tỏ sự thành-tâm và trung-thực của mình. Nếu sám-hối, xét mình, nhận ra và lãnh lấy chính tội-lỗi mình là cái cốt-lõi của một ki-tô-hữu, bởi chỉ qua đó tôi mới thành-thực với chính tôi và trở nên công chính, thì Giáo-hội như một tác-nhân tập-thể cũng không thể tránh-né việc mổ-xẻ, nhìn ra và nhận lãnh lỗi-lầm mình. Một "thánh-vịnh sám-hối" của Giáo-hội quả thực cần-thiết để Giáo-hội chứng-tỏ mình thành-thực trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người.

Nhưng một điểm khác cũng quan-trọng không nên bỏ qua. Đó là không nên quên rằng, mặc cho lỗi-lầm và yếu-đuối, lời Chúa vẫn luôn được loan-truyền và các bí-tích vẫn tiếp-tục được ban-phát, và nhờ vậy sức mạnh ơn cứu-độ vẫn tác-động chặn đứng sự dữ. Chính vào lúc Ki-tô giáo như cục than hồng tàn-lụi và biến thành tro bụi thì thần-lực Thiên Chúa lại dấy lên những bừng-khởi đạo-đức mới. Chẳng hạn vào thế-kỷ 10, khi các giáo-triều sa-sút thê-thảm và người ta những tưởng Ki-tô giáo tại Rôma tới thời mạt-vận, thì chính vào thời đó tinh-thần dòng tu lại bừng lên và một động-lực hoàn-toàn mới của niềm tin nảy sinh. Quả thực có sự sa-sút trong lòng Giáo-hội hôm nay, Ki-tô giáo còn đó trên hình thức, nhưng chẳng được mấy ai sống thực niềm tin đó. Tuy nhiên, sự hiện-diện của đức Ki-tô vẫn âm-thầm tác-động để đem lại sự đổi mới vào một lúc không chờ không đợi.

Xem ra gánh lịch-sử đè nặng trên vai Giáo-hội. Thí-dụ vào dịp kỷ-niệm 500 năm Cô-lôm-bôkhám-phá Mỹ châu người ta có dịp chứng-kiến những giao-động tình-cảm chống lại cuộc truyền đạo Ki-tô sôi-sục đến độ có thể tưởng như vấn-đề mới xẩy ra hôm qua.

Vấn-đề này xảy ra một phần do phán-đoán vơ đũa cả nắm, không có chứng-cớ lịch-sử, nhưng chỉ do những giao-động tình-cảm tức-thời. Đã có những lầm-lỗi xẩy ra, kể cả những lỗi-lầm trầm-trọng, điều đó tôi không chối-cãi. Nhưng, về lãnh-vực này, mới đây đã có những nghiên-cứu lịch-sử cho thấy đức tin và giáo-hội Công giáo cũng đã là nhân-tố chống lại sự chà-đạp thô-bạo lên văn-hóa và con người bản-xứ do những kẻ thực-dân đầy lòng tham gây nên. Phao-lô  III và những vị giáo-chủ kế tiếp đã mạnh-mẽ bảo-vệ quyền-lợi dân bản-xứ và đã ban-hành những luật-lệ tương-ứng. Vương-triều Tây-ban-nha, đặc-biệt là hoàng-đế Ca-rô-lô V, cũng ban-hành những khoản luật - mặc dầu một phần không được thực-thi - làm vẻ-vang danh-dự triều-đình, vì những luật này đề cao quyền-lợi dân bản-xứ, công-nhiên coi họ là đồng loại và như vậy có đầy-đủ nhân-quyền. Trong thế-kỷ huy-hoàng này của Tây-ban-nha các nhà thần-học và chuyên-gia giáo-luật đã khởi-xướng lên ý-niệm nhân-quyền. Về sau nhiều người lấy lại ý-niệm này, nhưng vương-triều Victoria của Tây-ban-nha đi tiên-phong tinh-luyện ý-niệm đó.

Những nhà truyền giáo lỗi-lạc thuộc dòng Phan-sinh và Đa-minh thực-sự chứng-tỏ là những trạng-sư bênh-vực con người. Không phải chỉ có Bartholomé de las Casas*, nhưng còn nhiều nhân-vật không tên tuổi khác nữa. Người ta mới khám-phá ra một khía-cạnh hi-hữu của lịch-sử truyền giáo. Những nhà truyền giáo dòng Phan-sinh tiên-khởi tại Mễ-tây-cơ - còn nặng ảnh-hưởng thần-học thần-linh của thế-kỷ XIII - đã rao truyền một hình-thức Ki-tô giáo đơn-sơ, nhẹ phần định-chế và đi thẳng vào lòng người. Không thể có những loạt người uà theo Ki-tô giáo như ta thấy ở Mễ-tây-cơ, nếu họ không cảm-nhận được đức tin như một sức mạnh giải-thoát; kể cả giải-thoát khỏi những tục thờ kính trước đó. Vì dân bản-xứ bị đàn-áp, muốn thoát gông-cùm, ngả theo Tây-ban-nha, nên Mễ-tây-cơ mới bị chinh-phục. Nhìn tổng-quát mới thấy đó là cả một bức tranh không đơn-giản, trong đó có những lỗi-lầm ta không được phép bỏ qua. Nếu lúc đó không có một thế-lực bênh-vực và giải-thoát để những nhóm dân bản-xứ còn tồn-tại như ngày nay tại Trung và Nam Mỹ , thì có lẽ lịch-sử đã xoay-chuyển khác hẳn.

Tại sao phải đợi bao thế-kỷ Galilêi* mới được phục-hồi danh-dự?

Tôi thiết nghĩ trong trường-hợp này người ta đã hành-động theo nguyên-tắc cứ để mọi chuyện tự trôi theo dòng thời-gian. Không ai thấy cần lên tiếng công-khai phục-hồi danh-dự. Chỉ vào thời Ánh-sáng vụ Galilêi mới được làm nổi cộm lên như một thí-dụ điển-hình cho những tranh-chấp giữa Giáo-hội và khoa-học. Cuộc tranh-chấp mang nặng ý-nghĩa lịch-sử, nhưng thoạt đầu không gây-cấn, giật-gân gần như một huyền-thoại. Thời Ánh-sáng cố trình-bầy sự-kiện như một triệu-chứng bệnh-hoạn về phong-cách Giáo-hội đối-xử với khoa-học. Do đó vụ Galilêi được đánh bóng như tiêu-biểu cho thái-độ bài khoa-học và cổ-lỗ của Giáo-hội. Dần hồi người ta nhận ra đây không chỉ đơn-thuần là câu chuyện của thời xa-xưa, nhưng là vấn-đề đang day-dứt lương-tâm hôm nay, vì thế cần phải giải-quyết một lần cho minh-bạch.

Lịch-sử đã xoay-chuyển ra sao nếu không có Giáo-hội, câu hỏi này không ai có thể trả lời được. Trong khi đó có thể dễ-dàng nhận ra đức tin Ki-tô giáo đã giải-thoát và làm cho thế-giới trở nên văn-minh qua sự phát-triển nhân-quyền, nghệ-thuật, giáo-dục thuần-phong mỹ-tục. Không thể hình-dung ra Âu châu nếu không có những tiến-bộ này. Nhà báo Do-tháiFranz Oppenheimer viết: "Những nền dân-chủ đã nảy sinh trong thế-giới Do-thái - Ki-tô giáo tây phương. Lịch-sử phát-triển của những nền dân-chủ này là điều-kiện nền-tảng cho thế-giới đa-nguyên chúng ta. Nhờ lịch-sử này chúng ta có những tiêu-chuẩn để đo lường, phê-phán và sửa sai những nền dân-chủ của ta". Và chính ngài cũng lưu-ý rằng, sự tồn-tại những nền dân-chủ có phần liên-quan tới sự tồn-tại những giá-trị ki-tô giáo.

Tôi chỉ có thể thừa-nhận câu nói của Oppenheimer. Ngày nay ta biết rằng mẫu-mực dân-chủ đã nảy sinh từ nội-qui dòng tu với những khoản luật dòng và việc bầu-cử nội-bộ của họ. Thể-chế chính-trị đã rút ra từ đó ý-niệm luật-pháp áp-dụng đồng-đều cho mọi công-dân. Phải công-nhận trước đó đã có khuôn-mẫu quan-trọng của nền dân-chủ Hy-lạp, nhưng nó đã sụp-đổ với thần-minh và phải mất công xây-dựng lại. Hiển nhiên là hai nền dân-chủ tiên-phong ở Mỹ và Anh đều dựa trên sự chấp-nhận những giá-trị Ki-tô giáo và chúng chỉ có thể vận-hành trên căn-bản đồng-thuận về những giá-trị. Không có sự đồng-thuận về giá-trị này, chúng sẽ tan-rã và sụp-đổ. Như vậy, trên bình-diện lịch-sử, ta có thể làm được bản thống-kê tích-cực về Ki-tô giáo, vì nó đã làm nẩy sinh một mối liên-hệ mới giữa người với người cũng như đã kiến-tạo nên một nền nhân-bản mới. Nền dân-chủ cổ Hy-lạp dựa vào sự bảo-hộ linh-thiêng của thần-linh. Nền dân-chủ ki-tô của Thời-mới dựa vào tính-chất linh-thiêng của những giá-trị được bảo-đảm từ đức tin Ki-tô giáo, những giá-trị triệt-tiêu tính-cách độc-tài của đa-số. Những gì trước đây ông nói về bản thống-kê của thế-kỷ 20 cũng cho thấy rằng  nếu như ta vứt bỏ Ki-tô giáo ra khỏi thế-giới này, thì những thế-lực cổ-xưa của sự dữ - đã từng bị Ki-tô giáo khai-trừ - sẽ đột-nhập thế-giới trở lại. Dưới cái nhìn thuần lịch-sử ta có thể khẳng-định: Nếu không có nền-tảng tôn-giáo, nền-tảng "linh-thiêng", thì không có dân-chủ.

Newmann, vị hồng-y người Anh, có lần nhận-xét về sứ-mạng truyền giáo của Giáo-hội: "Chỉ nhờ có ki-tô-hữu, nhờ màng lưới cộng-đoàn rải-rác khắp năm châu, nên thế-giới chưa bị huỷ-diệt. Sự tồn-tại của thế-giới gắn chặt với sự tồn-tại của Giáo-hội. Nếu Giáo-hội ngã bệnh, thế-giới sẽ than khóc thân-phận mình."

Có thể người ta cho nhận-xét trên là quá đáng, nhưng tôi nghĩ chính lịch-sử những thể-chế độc-tài vô thần lớn trong thế-kỷ chúng ta như chế-độ Đức quốc-xã và chế-độ cộng-sản, đã minh-chứng cho thấy là sự sụp đổ của Giáo-hội, sự phá-sản và vắng bóng đức tin như lực thúc-đẩy quan-trọng đưa đến hành-động, quả thực đã kéo theo thế-giới xuống vực thẳm. Trước kia thế-giới hỗn thần dù sao cũng còn đôi nét cao-đẹp, và nối-kết với thần-minh-cũng có nghĩa thừa-nhận những giá-trị uyên-nguyên, giúp con người kìm-hãm được cái dữ, chứ ngày nay, một khi kháng-lực chống lại cái dữ không còn nữa, thì sự sụp-đổ hẳn phải vô cùng bi-đát.

Qua hiểu-biết dựa trên kinh-nghiệm ta có thể quả-quyết, khi con người bỗng-nhiên bị lột hết sức mạnh luân-lí như được trình-bầy trong giáo-lí Ki-tô giáo, con người sẽ chao-đảo như con tầu va vào băng-sơn, và sự sống-còn của con người lúc đó thật mong-manh.

* Goethe (1749-1832) nhà văn, kịch, thơ đa tài nổi tiếng ở Đức.
* Bartholomé de Las Casas (1474-1566) một tay thực-dân người Tây-ban-nha, phản-tỉnh trở thành linh-mục và là chiến-sĩ nhân-quyền tiên-phong cho dân bản-xứ.
* Galilêi  (1564-1642) nhà toán, vật-lí, thiên-văn ngườI Ý, bị giáo-hội Công giáo kết án và bắt rút lại quan-điểm trái đất quay quanh mặt trời của ông, một quan-điểm trái với quan-điểm của Giáo-hội thời đó.

Trích từ: „Muối Cho Đời“, nguyên tác:"Salz der Erde“, của HY Joseph Ratzinger, trao đổi với Peter Seewald, chuyển sang Việt ngữ: Trần Hoành và Phạm Hồng Lam.