"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức tin và tội lỗi


Đôi khi chúng ta hành động như thể tội lỗi chỉ là những “vết đen” đối lập với chúng ta hoặc là những “món nợ” của chúng được “ghi” ta trong sổ sách của Thiên Chúa.

Chuyện người bại liệt trong trình thuật Mc 2,1-12 khiến chúng ta biết rõ hơn về thực chất của tội lỗi. Tội lỗi “lớn” hơn lầm lỗi. Tội lỗi là khoảng cách xa giữa chúng ta với Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sống và Sức Mạnh. Thánh Thần Thiên Chúa là “sức mạnh” phải có trong chúng ta nếu chúng ta muốn có sự sống và sức sống đích thực.

Tội lỗi luôn là hệ quả tồi tệ của sự quyết định sai lầm. Tội Nguyên Tổ do quyết định sai lầm của các cụ cố Adam và Eve, khiến chúng ta “thừa kế” bản tính yếu đuối ngay từ khi được thụ thai và phải xa cách Thiên Chúa. Tội lỗi là hậu quả từ quyết định của chính chúng ta. Một số quyết định có thể khiến chúng ta hoàn toàn xa lìa Nguồn Sống của Thiên Chúa, mất ơn nghĩa với Ngài, đó là các “tội trọng”. Một số quyết định không làm chúng ta mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, nhưng vẫn làm suy yếu sự sống, đó là các “tội nhẹ”.

Nhưng dù Tội Nguyên Tổ hay tội của chúng ta, dù nặng hay nhẹ, tội lỗi vẫn luôn “rút cạn” sự sống thiêng liêng ra khỏi chúng ta. Vì chúng ta xa cách Thiên Chúa, chúng ta càng ngày càng suy yếu về tâm linh cho đến khi chúng ta quyết tâm trở về Nhà Cha để được hưởng nhờ lòng thương xót bao la của Thiên Chúa.

Sau chuyến đi làm sứ vụ đầu tiên, Chúa Giêsu tới Caphácnaum, người ta theo Ngài đông như kiến. Nhưng có một người bại liệt không thể nào hoà vào dòng người, đành nằm yên đó mà dõi mắt nhìn người ta đi qua mình. Mấy người bạn thấy tội nghiệp nên khiêng anh ta đi gặp “dị nhân” Giêsu, nhưng người đông quá, họ không thể nào khiêng anh bạn bại liệt tới gần Chúa Giêsu. Họ tính kế khác: Trổ mái nhà và thả anh bạn xuống. Diệu kế. Họ thực hiện ngay!

Chắc là Chúa Giêsu cũng “giật mình” khi thấy chiếc giường rơi ngay trước mặt Ngài. Và hẳn Ngài cười khi thấy cách mạo hiểm của họ thật độc đáo, nhất là Ngài rất vui khi thấy đức tin của họ quá mạnh. Ngài bảo người bại liệt: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Mc 2,5).

Nghe Ngài nói vậy, mấy Kinh sư trợn tròn mắt và nóng mặt nói với nhau: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7). Ngài biết tỏng họ nghĩ gì nên nói với họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Anh đã được tha tội rồi’; hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của anh mà đi’, điều nào dễ hơn?” (Mc 2,8-9). Họ cứng họng!

Chúa Giêsu cười và xác định: “Vậy là để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2:10). Rồi Ngài “chiều lòng” họ mà nói với anh chàng bại liệt: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của anh mà đi về nhà!” (Mc 2,11). Thấy người bại liệt đứng phắt dậy, họ lại tròn mắt và sửng sốt bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2,12).

Người chết còn được Chúa Giêsu cho sống lại thì việc chữa bệnh đối với Ngài chỉ là “chuyện nhỏ”. Ngài chữa bệnh thể lý cho chúng ta nhưng chúng ta được chữa lành bệnh tâm linh mới thực sự là điều Ngài muốn. Đó là sự tha tội. Nhưng muốn được “chữa lành” thì phải có đức tin. Ngài muốn chúng ta hợp tác chứ không thụ động, chỉ muốn lãnh nhận như “chờ sung rụng”. Ngài tha thứ cho chúng ta tức là Ngài muốn chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.

Người bại liệt được chữa lành là nhờ anh ta đã tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đúng vậy, đức tin quan trọng hơn phép lạ. Chúa Giêsu luôn nói rằng “chính đức tin đã cứu quý vị” (Mt 9,22; Mc 5,34; Mc 10,52; Lc 7,50; Lc 8,48; Lc 17,18; Lc 18,42).

Bệnh bại liệt là bệnh đáng sợ, nhưng bại liệt tâm linh còn khủng khiếp hơn nhiều! Phạm tội mãi sẽ tạo thành “thói quen”, và thói-quen-tội-lỗi đó sẽ làm bại liệt linh hồn.

May thay, chúng ta có “thuốc” ngăn ngừa bại liệt là “tin vào Đức Giêsu Kitô”, Ngôi Hai Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài đã vừa phân tích vừa xác định: “Thật, Tôi bảo thật quý vị: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước Tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,7-10).

Tin vào Đức Kitô là thế nào? Rất đơn giản: Đó là tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện qua mặc khải với Thánh nữ Maria Faustina Kowalska (1905-1938): “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.

Trầm Thiên Thu

Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh