Anh Chị Em trong Tổng Giáo Phận Hamburg thân mến,
Trong một
truyện ngắn của nhà văn Franz Kafka có một người nhiều năm cứ quanh quẩn trước
một cánh cửa. Anh ta muốn nhất định phải vào và tìm cách mãi. Thế nhưng ở đó có
một người khác đứng trước cửa và không cho anh ta vào. Như một người canh cửa
trước một tiệm nhảy. Thời gian sau người canh cửa này ngưng việc đó và nói: “Cánh
cửa này chỉ dành cho anh. Bây giờ thì tôi sẽ đi và đóng nó lại.”
“Cửa Đức
Tin” – đó là từ khoá quan trọng đối với sứ điệp cho Năm Đức Tin của Đức Thánh
Cha Bênêdikt XVI. Mọi người được mời gọi để đi qua cửa này. Nhưng cũng giống như
trong truyện của Kafka, có nhiều chướng ngại tạo khó khăn hoặc làm cho việc bước
qua cửa Đức Tin trở thành bất khả thi.
Anh Chị Em
sẽ nhận ra một số kinh nghiệm. Có rất nhiều tính người trong Giáo Hội, cả những
thiếu sót và tội lỗi. Điều đó có thể là những chướng ngại cho niềm tin.
Nhưng liệu
tôi có nên để cho chúng phá hoại niềm vui trong Đức Tin của tôi không? Tôi cũng
chẳng để niềm vui về thể thao bị phá hoại, chỉ vì ở đó có những biến cố hoặc những
hội viên làm phiền tôi.
Điều quyết định
là: Thiên Chúa mời gọi tôi chung sống với Ngài.
Chuyện đó xảy
ra thế nào? Trong Phúc Âm người ta đã đặt câu hỏi này cho Chúa Giêsu. Câu trả cũng có giá trị cho hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Các
ông tin, đó là việc làm của Thiên Chúa.“ (xem Gioan 6,29).
Trong câu nói ngắn ngủi này của Chúa Giêsu hàm chứa hai điểm.
Điểm thứ nhất: Đức Tin của tôi không phải là việc của tôi, mà
là việc của Thiên Chúa. Tôi không thể tạo ra được Đức Tin của tôi. Đó là quà tặng
của Thiên Chúa cho tôi.
Điểm thứ hai: Mặc dù hoàn toàn đúng rằng, Đức Tin là việc của
Thiên Chúa, là quà tặng, là ân sủng, nhưng đồng thời điều khác cũng có giá trị:
Tôi có tự do để nói vâng hoặc không đối với quà tặng này. Tôi có thể nhận hoặc
chối từ nó.
Khi tôi cảm nhận nó đúng mức, thì niềm tin vào Thiên Chúa gần
như là điều thầm kín nhất trong xã hội hôm nay. Nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề
thân mật, cũng đã được đẩy ra công luận trong những buổi luận đàm. Nhưng khi nó
liên quan đến Đức Tin vào Thiên Chúa thì lại bao trùm một sự im lặng khó hiểu.
Hoặc Đức Tin được trình bày trong cách thế méo mó.
Có thể là vì Đức Tin chạm đến những phạm vi sâu thẳm nhất của con người.
Nó là câu hỏi liên quan đến từ đâu và đi đâu, đến ý nghĩa và mục đích của sự hiện
hữu, đến sự tàn phai và đến sự trường tồn của cuộc sống.
Hẳn nhiên nó cũng liên quan đến thực thể là Đức Tin chẳng
bao giờ có thể xem như đã giải quyết xong. Đức Tin là một lộ trình có cao có thấp,
với những bất ổn dằn vặt và với sự chắc chắn hoan lạc. Khác với một chứng minh
toán học hoặc một thí nghiệm vật lý, Đức Tin không bao giờ chấm dứt khi cuộc sống
còn kéo dài.
Chính vì thế tôi thấy Đức Tin vào Thiên Chúa thật quyến rũ,
bởi lẽ nó không nhắm đến một phạm vi, nhưng đến cả cuộc sống. Đối với tôi, điều này
buộc phải nằm trong cuộc sống.
Mới đây có người nói với tôi: „Ngài biết không, Đức Tin và
Giáo Hội hiện nay không hấp dẫn“. Có thể ông ta có lý.
Tuy nhiên tôi không muốn Đức Tin của mình tùy thuộc vào điều
hiện đang thời thượng. Điều chắc chắn rằng trước đây có nhiều người tham dự các
Bí Tích hơn. Và Giáo Hội trước đây cũng được tôn trọng hơn. Nhưng liệu tôi có nên
để Đức Tin của mình lệ thuộc vào những điều đó không?
Năm Đức Tin, bắt đầu từ ngày 10 tháng mười 2012 cùng với Lễ
Kỷ Niệm năm mươi năm Công Đồng (Vatican II), là một sự mời gọi Anh Chị Em nhìn lại lộ trình Đức Tin cá nhân của mình. Tôi
xin được gửi đến Anh Chị Em bảy điểm sau đây:
1. Như tình bạn cần trò chuyện và gặp gỡ thì Đức Tin cũng cần
sự cầu nguyện và các Bí Tích.
2. Đức Tin nhắm đến một tâm tình sống tích cực. Thiên Chúa
muốn chữa lành và đồng hành cùng ta cả trong những ngày tháng tăm tối. Ai tin sẽ
không đơn độc.
3. „Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết“, Thánh Kinh đã
cho biết như thế (xem Jakôbê 2,17). Căn cứ vào những hành động nào để kẻ khác có thể thấy
rằng, tôi là một tín hữu?
4. Đức Tin đòi hỏi sự hiểu biết. Cùng với việc mừng lễ Kỷ Niệm
50 năm Công Đồng chúng ta cũng mừng Lễ Kỷ Niệm 20 năm Giáo Lý. Đức Thánh Cha Bênêdiktô
XVI gọi đó là „một trong những hoa trái quan trọng nhất“ của Công Đồng. Hiện
nay đã có bản Giáo Lý dành cho tuổi trẻ („YouCat“).
5. Cùng chia sẻ với nhau về những câu hỏi liên quan đến Đức Tin cũng trợ lực cho Đức Tin cá nhân. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau trong tiến trình đối thoại về những câu hỏi liên quan đến Đức Tin mà Anh Chị Em đã gửi đến.
6. Cả bên ngoài các Cộng Đoàn của chúng ta cũng có nhiều cơ
hội để thực hành sống Đức Tin. Tôi xin Anh Chị Em lưu tâm đến.
7. Trong Năm Đức Tin có nhiều gợi ý và nhiều tổ chức. Tôi
mong Anh Chị Em được thông báo về điều này.
Liên quan đến bảy điểm này Anh Chị Em tìm thấy các giải thích
chi tiết hơn trong tập sách cho Năm Đức Tin của Tòa Giám Mục.
Anh Chị Em thân mến,
Tôi mời Anh Chị Em cùng tham dự cùng mừng Năm Đức Tin, ngõ hầu
Đức Tin của mình có thể thăng tiến hơn. Tôi cầu chúc Anh Chị Em cảm nhận được rằng,
Đức Tin của chúng ta đã chuyển bị sẵn cho ta một phẩm chất cuộc sống không thể
so sánh.
Mỗi người có cửa đến Đức Tin riêng biệt. Ta cần phải đi qua
nó. Ngay cả đôi khi, như trong truyện của Kafka, ở đó có những chướng ngại muốn
ngăn cản Anh Chị Em.
Tôi thành tâm cầu chúc Anh Chị Em sẽ đi qua cửa đó niềm vui
trong Đức Tin sẽ tăng trưởng.
Dr. Werner Thissen
Tổng Giám Mục Hamburg
Nguồn: Bistumheft zum
Jahr des Glaubens – 11.10.2012 bis 24.12.2013 của tòa TGM Hamburg
Chuyển ngữ: JB Lê Văn
Hồng