"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ban Công lý và Hòa bình giáo phận Vinh phản đối bản án phi pháp và bất công



Phát xuất từ niềm tin Kitô giáo và trách nhiệm công dân với ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái, cùng với những người yêu chuộng công lý và hòa bình, tự do và dân chủ, bình đẳng và bác ái, chúng tôi phản đối các quyết định trên của TAND tỉnh Nghệ An và các quyết định tương tự, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng sự thật và xem xét lại bản án trong phiên tòa phúc thẩm, trả tự do cho những nạn nhân của các quyết định vi hiến và bất công đó.
...............................................................


Ngày 08/01/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ an đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật Hình sự. Đây là một bản án bị dư luận và những người yêu chuộng công lý cho là phi pháp và bất công vì không minh bạch từ đầu đến cuối. Ban Công lý và Hòa bình giáo phận Vinh bày tỏ quan ngại và lặp lại những quan điểm đã khẳng định trước đây, đồng thời nhấn mạnh thêm một vài điểm sau:

1. Việc công dân tham gia hoạt động đảng phái, bày tỏ lập trường quan điểm chính kiến chính trị là quyền của một người dân bình thường được luật pháp quốc tế bảo đảm.

Để đảm bảo tính hiệu lực trên phạm vi Quốc tế, Điều 30 Tuyên ngôn Nhân quyền quy định: “Không được diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm mục đích phá hoại bất kỳ quyền hoặc tự do nào nêu trong bản Tuyên ngôn này”. 

Theo đó, Nhà nước không thể dựa vào các yếu tố quốc gia, dân tộc, tôn giáo, văn hoá truyền thống, các điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội, v.v… để tùy tiện diễn giải dẫn đến phủ nhận tính phổ quát của quyền con người - kết quả của nhận thức chung, mục đích chung, nguyện vọng chung của tất cả mọi cá nhân trong xã hội về quyền con người; Nhà nước cũng không thể viện vào các điều kiện đặc thù của quốc gia, khu vực hay dân tộc để áp đặt ý thức hệ lên trên quyền con người.

Khoản 1 Điều 6 Luật ký kết, tham gia và thực hiện Điều ước Quốc tế của Việt Nam được Quốc Hội thông qua ngày 14/6/2005 quy định: “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Nghĩa là Nhà nước đã thừa nhận giá trị pháp lý của luật Quốc tế lớn hơn luật quốc gia. Đây cũng là nguyên tắc nhất quán của luật quốc tế.

2. Quyết định của TAND Nghệ An đã đi ngược Hiến pháp Việt Nam hiện hành

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 cũng khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình”.

Như vậy, những thanh niên này cũng có quyền tham gia hay thành lập các tổ chức, kể cả các đảng phái chính trị. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ an cáo buộc 14 thanh niên Công giáo và Tin lành tham gia Đảng Việt Tân nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam là thiếu luận cứ và luận chứng xác đáng. TAND tỉnh Nghệ an cáo buộc họ có hành vi tham gia các khóa huấn luyện về “đấu tranh bất bạo động”, kỹ năng thuyết phục người khác tham gia vào đảng Việt Tân, kỹ năng tuyên truyền về tự do, dân chủ và nhân quyền cho người khác và tìm hiểu, tham gia vào đảng Việt Tân, là chưa đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, đấu tranh bất bạo động là hình thức đấu tranh hòa bình, phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi đất nước, xã hội theo chiều hướng tự do, dân chủ và tiến bộ hơn là trách nhiệm của mọi công dân trước vận mạng của đất nước. Hình thức này được cộng đồng quốc tế tuyệt đối ủng hộ. Những thanh niên này tham gia các hoạt động xã hội để phát huy quyền làm chủ của công dân, nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh là điều hợp hiến.

3. Tiến trình tố tụng thiếu minh bạch và sai pháp luật tố tụng

Trong khi đó, các cơ quan Tư pháp đã không tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hình sự về quy trình tố tụng từ công đoạn bắt người, điều tra, truy tố, xét xử. Trên thực tế, có những người bị bắt vào ngày 30, 31/7/2011 nhưng lệnh bắt lại ghi ngày 02/8/2011. Sự chênh lệch về khoảng thời gian chính thức bị bắt so với lệnh bắt không có một văn bản nào nói rõ về việc này. Khi các bị cáo khai ở phiên tòa mới lộ ra là không có lệnh bắt, lệnh tạm giữ. Đó là những việc làm tùy tiện, xem thường pháp luật, coi rẻ nhân phẩm và sinh mạng con người của các cơ quan tư pháp. Hơn nữa, bản cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát đã không chứng minh được những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. 

Trong thực tế, 14 thanh niên này cũng không có hành vi bạo động, tàng trữ vũ khí để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền. Nếu nói cấu thành“Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là cấu thành tội phạm cắt xén, nghĩa là chỉ cần có hành động biểu hiện ý định phạm tội thì tội phạm đã ở thời điểm hoàn thành, không cần tính đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại từ hành vi đó, phải chăng đó cũng là một kiểu lý luận vòng vo, áp đặt đã gây nên bao mối oan sai cho nhiều người? 

Điều 79 quy định “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì…”, nhưng như thế nào là tham gia, làm những việc gì, thực hiện những hành vi gì thì bị coi là “tham gia”? Cũng không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về điều luật này. Ngoài ra, Hồ sơ đã không thu thập được những tôn chỉ mục đích, hiến chương, điều lệ của đảng Việt Tân mà nói rằng đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố, một đảng phản động thì chưa được đầy đủ và thiếu tính thuyết phục.

Chúng tôi thấy cần nhắc lại quan điểm của Công đồng Vatican II về vai trò và sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo đối với xã hội trần thế: “Do sứ vụ và thẩm quyền, Giáo Hội hoàn toàn không thể hòa lẫn vào một cộng đồng chính trị, và cũng không hề bị ràng buộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào”; “Trong khi rao giảng chân lý Tin Mừng, khi dùng giáo lý và chứng tá đời sống các Kitô hữu để soi sáng mọi lĩnh vực của sinh hoạt con người, Giáo Hội vẫn luôn tôn trọng và cổ vũ cho tự do cũng như trách nhiệm của các công dân trong phạm vi chính trị” (GS, số 76). 

Thật vậy, Giáo Hội không thể và không phải thay thế nhà nước, nhưng Giáo Hội cũng không thể và không phải đứng bên lề của cuộc đấu tranh cho công lý.

Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình, những tác động của nó phát xuất từ thực tiễn đời sống xã hội, từ tâm nguyện của người dân, từ những khát vọng có một đời sống công bằng, tự do, dân chủ. Đó là những giá trị chân chính mà nhân loại tiến bộ ghi nhận, kết quả đấu tranh lâu dài và gian khổ của con người trong tiến trình lịch sử phát triển xã hội. Chẳng lẽ Nhà nước Việt Nam lại phủ nhận những giá trị mà cộng đồng quốc tế đang cổ võ và đang tâm chà đạp lên những quyền tự do căn bản của con người?

Phát xuất từ niềm tin Kitô giáo và trách nhiệm công dân với ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái, cùng với những người yêu chuộng công lý và hòa bình, tự do và dân chủ, bình đẳng và bác ái, chúng tôi phản đối các quyết định trên của TAND tỉnh Nghệ An và các quyết định tương tự, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng sự thật và xem xét lại bản án trong phiên tòa phúc thẩm, trả tự do cho những nạn nhân của các quyết định vi hiến và bất công đó.


Ban Công Lý Hòa Bình Giáo phận Vinh