Vấn đề ngày tháng diễn ra Bữa Tiệc Ly do có sự trái ngược
giữa các Phúc âm nhất lãm (Synoptic Gospels) và Phúc âm theo thánh sử Gioan.
Thánh sử Máccô, người mà thánh sử Matthêu và Luca theo những điểm chính, cho
chúng ta biết ngày tháng chính xác: "Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không
Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: "Thầy
muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chiều đến, Đức Giêsu và
Nhóm Mười Hai cùng tới" (Mc 14:12, 17). Chiều ngày thứ nhất trong tuần
Bánh Không Men, những con chiên Vượt Qua được hiến tế trong Đền Thờ, trước Lễ
Vượt Qua (Passover). Theo niên đại của các Phúc âm nhất lãm thì đó là thứ Năm.
Khoa nghiên cứu niên đại gặp vấn đề là cuộc xử án và đóng
đinh Chúa Giêsu đã xảy ra vào ngày Lễ Vượt Qua, mà năm đó rơi vào thứ Sáu.
Đúng, nhiều học giả đã cố gắng chứng minh cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu hợp
với quy luật Lễ Vượt Qua. Nhưng dù các học giả tranh luận như vậy, vẫn có vẻ
khả nghi không biết cuộc xử án trước mặt Philatô và việc đóng đinh Chúa Giêsu
có được phép và có thể xảy ra vào ngày lễ quan trọng của người Do Thái như vậy
hay không. Vả lại, có lời bình luận trong Phúc âm theo thánh sử Máccô ngược lại
giả thuyết này. Ngài nói với chúng ta rằng hai ngày trước lễ Bánh Không Men,
các thượng tế (chief priests) và các kinh sư (scribes) tìm cách gài bẫy Chúa
Giêsu để bắt giết Ngài, nhưng về phương diện này họ tuyên bố: "Đừng làm
vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động" (Mc 14:2). Theo trình thuật
này, việc xử tử Chúa Giêsu thực sự xảy ra vào chính ngày lễ đó.
Chúng ta hãy qua trình thuật của thánh sử Gioan. Thánh sử
Gioan viết dài nhất để chứng tỏ rằng Bữa Tiệc Ly không là bữa ăn Vượt Qua.
Ngược lại: Chính quyền Do Thái dẫn Chúa Giêsu đến trước tòa Philatô để tránh
vào dinh (praetorium), "họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ
Vượt Qua được" (Ga 18:28). Do đó, Lễ Vượt Qua chỉ bắt đầu vào buổi chiều
tối, và lúc xử án thì bữa ăn Vượt Qua chưa diễn ra; cuộc xử án và đóng đinh
Chúa Giêsu xảy ra vào ngày trước Lễ Vượt Qua, vào "ngày chuẩn bị",
không phải chính ngày lễ. Lễ Vượt Qua năm đó từ chiều tối thứ Sáu đến chiều tối
thứ Bảy, không phải từ chiều tối thứ Năm đến chiều tối thứ Sáu.
Mặt khác, kết cuộc của các sự kiện vẫn giống nhau: Chiều tối
thứ Năm – Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhưng không là bữa ăn Vượt
Qua; thứ Sáu, trước ngày lễ, không là chính ngày lễ – cuộc xử án và đóng đinh
Chúa Giêsu; thứ Bảy – an táng trong mồ; thứ Bảy – phục sinh. Theo trình tự này,
Chúa Giêsu chết lúc những con chiên Vượt Qua bị sát tế trong Đền Thờ. Chúa
Giêsu chết như một con chiên thật, chỉ được các "sát thủ" báo trước
trong Đền Thờ.
Nối kết quan trọng này về phương diện thần học, cái chết của
Chúa Giêsu xảy ra đồng thời với việc sát tế các con chiên Vượt Qua, đã khiến
nhiều học giả loại bỏ cách mô tả của thánh sử Gioan là thần học. Họ cho rằng
thánh sử Gioan đã thay đổi niên đại để tạo sự nối kết thần học này, điều được
coi là minh nhiên trong Phúc âm. Ngày nay, càng lúc càng rõ ràng rằng niên đại
của thánh sử Gioan có thể thích hợp lịch sử hơn niên đại của Phúc âm nhất lãm.
Vì như đã nói ở trên: cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu vào ngày lễ là khó có
thể hiểu. Mặt khác, Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có vẻ rất gần với truyền thống
Lễ Vượt Qua, từ chối đặc tính Lễ Vượt Qua này là khó hiểu.
Do đó đã có nhiều cố gắng để dung hòa hai niên đại. Điều
quan trọng nhất và thực sự thu hút nỗ lực dung hòa hai truyền thống này đã được
nữ học giả người Pháp Annie Jaubert phát triển một loạt giả thuyết được công bố
từ năm 1953. Chúng ta không đi vào chi tiết của các giả thuyết này; chúng ta
hãy hạn chế vào những điểm chính.
Bà Jaubert dựa vào hai văn bản ban đầu đề nghị cách giải
quyết vấn đề. Trước tiên, bà nói đến lịch cổ có trong Sách Năm Toàn Xá (Book of
Jubilees), đó là văn bản bằng tiếng Hê-brơ có từ nửa sau của thế kỷ II trước
Chúa Kitô. Lịch này có các chu kỳ mặt trăng và dựa vào năm có 364 ngày, chia
thành 4 mùa, mỗi mùa có 3 tháng, có hai mùa có 30 ngày và một mùa có 31 ngày.
Thời đó mỗi quý có 91 ngày, chính xác là 13 tuần, và mỗi năm có chính xác 52
tuần. Theo đó, các lễ phụng vụ rơi vào cùng ngày mỗi năm. Đối với Lễ Vượt Qua,
điều này nghĩa là ngày 15 tháng Nisan luôn luôn là thứ Tư và bữa ăn Vượt Qua
được tổ chức sau khi mặt trời lặn vào chiều tối thứ Ba. Theo Jaubert, Chúa
Giêsu mừng Lễ Vượt Qua theo lịch này, nghĩa là vào chiều tối thứ Ba, và Ngài bị
bắt trong đêm chuyển sang thứ Tư.
Jaubert so sánh cách giải quyết này với 2 vấn đề: Trước
tiên, Chúa Giêsu ăn bữa Vượt Qua thật, như truyền thống nhất lãm vẫn giữ; nhưng
thánh sử Gioan cũng đúng, theo đó chính quyền Do Thái, theo lịch của họ, không
mừng Lễ Vượt Qua cho đến sau khi xử Chúa Giêsu, và do đó Chúa Giêsu bị xử vào
ngày trước Lễ Vượt Qua thật, không phải chính ngày lễ. Cả truyền thống nhất lãm
và truyền thống Johan có vẻ đúng về cơ bản của sự khác nhau giữa hai lịch.
Sự thuận lợi thứ hai được Annie Jaubert nhấn mạnh cho thấy
cùng thời điểm đó nỗ lực giải quyết còn yếu kém. Bà chỉ ra rằng các niên đại
truyền thống (Phúc âm nhất lãm và Johan) phải ép toàn bộ các sự kiện thành vài
giờ: nghe nói trước khi Chúa Giêsu bị dẫn đến Philatô, vợ Philatô có một giấc
mơ, Chúa Giêsu bị giao cho Herod, rồi giao lại cho Philatô, rồi ông rửa tay
thanh minh, rồi việc kết án tử, vác thập giá và bị đóng đinh. Theo Jaubert,
hoàn tất mọi thứ trong khoảng vài giờ có vẻ khó khả thi. Cách giải quyết của bà
cung cấp một cách sắp xếp thời gian từ đêm chuẩn bị sang thứ Tư cho đến sáng
thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Bà cũng tranh luận rằng thánh sử Máccô đưa ra một hệ quả
chính xác về các sự kiện Chúa nhật Lễ Lá (Palm Sunday), thứ Hai và thứ Ba,
nhưng rồi chuyển thẳng qua bữa ăn Vượt Qua. Theo ngày tháng truyền thống, hai
ngày còn lại không có gì được tính đến. Cuối cùng, Jaubert nhắc chúng ta rằng,
nếu lý thuyết của bà đúng thì chính quyền Do Thái có thể đã thành công theo kế
hoạch giết Chúa Giêsu vào giờ tốt trước ngày lễ. Lúc đó Philatô trì hoãn việc
đóng đinh cho tới thứ Sáu, vậy là lý thuyết đúng dù có chút lưỡng lự.
Dĩ nhiên, người ta phản đối cách sửa lại niên đại của Bữa
Tiệc Ly vào thứ Ba là truyền thống lâu đời ấn định lễ vào thứ Năm, điều mà
chúng ta thấy rõ ràng được thiết lập ngay từ thế kỷ II. Bà Jaubert đáp lại bằng
cách chỉ ra văn bản thứ hai mà lý thuyết của bà dựa vào: Cái gọi là Didascalia
Apostolorum (1), một văn bản từ thế kỷ III đặt Bữa Tiệc Ly vào thứ Ba. Bà cố
gắng chứng tỏ sách này duy trì một truyền thống cổ, cũng có trong các văn bản
khác.
Để đáp lại, người ta phải nói rằng các dấu vết truyền thống
đối với bà ám chỉ là chưa đủ thuyết phục. Khó khăn khác là Chúa Giêsu không thể
dùng lịch theo quy luật Qumran. Chúa Giêsu lên Đền Thờ dự đại lễ. Thậm chí Ngài
nói tiên tri về sự tàn phá Đền Thờ và xác định điều này bằng hành động mạnh mẽ,
Ngài vẫn theo lịch Do Thái, đặc biệt là chứng cớ trong Phúc âm theo thánh sử
Gioan. Thật vậy, người ta có thể đồng ý với Jaubert rằng lịch năm Toàn xá không
hạn chế theo Qumran và Essenes (2). Nhưng điều này không đủ để bào chữa cho
việc áp dụng lịch đó đối với Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Như vậy điều này có
thể hiểu rằng lý thuyết Annie Jaubert – thu hút ngay từ đầu – bị đa số các nhà
chú giải bác bỏ.
Vậy chúng ta nói gì? Cách đánh giá tỉ mỉ có trong một cuốn
sách của John P Meier viết về Chúa Giêsu, ông giới thiệu cuốn 1 là cuốn nghiên
cứu về niên đại của cuộc đời Chúa Giêsu. Ông kết luận rằng người ta phải chọn
giữa niên đại nhất lãm và Johan. Ông tranh luận rằng, về cơ bản của mọi nguồn,
các chứng cớ đều "ủng hộ" thánh sử Gioan.
Thánh sử Gioan đúng khi ngài nói rằng lúc xét xử Chúa Giêsu
trước tòa Philatô thì chính quyền Do Thái chưa ăn Lễ Vượt Qua, và như vậy phải
giữ đúng nghi lễ. Thánh sử Gioan đúng khi cho rằng việc đóng đinh không xảy ra
vào ngày lễ, nhưng vào hôm trước ngày lễ. Điều này nghĩa là Chúa Giêsu chết vào
giờ mà các chiên Vượt Qua đang bị sát tế trong Đền Thờ. Sau đó các Kitô hữu
thấy điều này không trùng khớp, họ coi Chúa Giêsu là con chiên thật, theo cách
này mà họ hiểu ý nghĩa thật của nghi lễ con chiên – điều này có vẻ theo tự
nhiên.
Vấn đề vẫn còn: Tại sao Phúc âm nhất lãm nói về bữa ăn Vượt
Qua? Điều gì là cơ bản đối với truyền thống này? Không phải Meier có thể đưa ra
cách trả lời thuyết phục cho vấn đề này. Ông đã cố gắng – như nhiều nhà chú
giải khác – qua những bài phê bình của ông. Ông tranh luận rằng Mc 14:1a và
14:12-16 – những đoạn duy nhất mà thánh sử Máccô nói đến Lễ Vượt Qua – được
thêm vào sau. Ông nói rằng khi nói đến Bữa Tiệc Ly không có ám chỉ nào về Lễ
Vượt Qua.
Tuy nhiên, tranh luận này là giả tạo. Nhưng Meier đúng khi
chỉ ra trong cách diễn tả về chính bữa ăn, Phúc âm nhất lãm kể lại một ít về
nghi thức Lễ Vượt Qua như thánh sử Gioan. Như vậy, với chút dè dặt nào đó,
người ta có thể đồng ý với kết luận của ông: "Toàn bộ truyền thống Johan,
từ đầu tới cuối, hoàn toàn đồng ý với truyền thống nhất lãm nguyên thủy về đặc
tính phi Vượt Qua (non-Passover character) của bữa ăn" (A Marginal Jew, i,
tr. 398).
Chúng ta phải hỏi Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu thực sự là gì.
Và bằng cách nào có được cách quy kết ban đầu khả nghi về đặc tính của Lễ Vượt
Qua? Câu trả lời của Meier rất đơn giản và có nhiều khía cạnh thuyết phục: Chúa
Giêsu biết Ngài sẽ chịu chết và biết Ngài không thể ăn Lễ Vượt Qua lần nữa.
Hoàn toàn biết rõ nên Ngài mời các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly theo cách thức rất đặc
biệt, không theo nghi thức Do Thái, nhưng là cách từ giã của Ngài; khi đang ăn,
Ngài trao cho họ điều mới lạ, Ngài trao ban chính Ngài là con chiên thật và do
đó Ngài thiết lập Lễ Vượt Qua của Ngài.
Trong các Phúc âm nhất lãm, lời tiên tri về cái chết và sự
phục sinh của Chúa Giêsu hình thành một phần của bữa ăn. Thánh sử Luca giới
thiệu một cách nghiêm trọng và bí ẩn: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ
Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay,
Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn
vẹn trong Nước Thiên Chúa" (Lc 22:15-16). Cách nói nước đôi. Có thể Chúa
Giêsu đang ăn bữa Vượt Qua bình thường với các môn đệ lần cuối cùng. Nhưng cũng
có thể Ngài không còn ăn bữa Vượt Qua nữa, mà Ngài muốn ăn bữa Vượt Qua mới.
Có điều nổi bật từ toàn bộ truyền thống: Đặc biệt là bữa ăn
chia tay này không là Lễ Vượt Qua cũ, nhưng là Lễ Vượt Qua mới mà Chúa Giêsu đã
hoàn tất. Cho dù Ngài chia sẻ bữa ăn với Nhóm Mười Hai không là bữa Vượt Qua
theo nghi thức đạo Do Thái (Judaism), nhưng sự liên kết bên trong toàn bộ sự
kiện với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vẫn rõ ràng. Đó là Lễ Vượt Qua
của Chúa Giêsu. Và theo nghĩa này, Ngài vừa ăn mừng vừa không ăn mừng Lễ Vượt Qua:
Các nghi thức cũ không thể được thực hiện – khi thời giờ của họ đến, Chúa Giêsu
đã chết rồi. Nhưng Ngài đã trao ban chính Ngài, do đó Ngài thực sự ăn mừng Lễ
Vượt Qua với các môn đệ. Lễ cũ không bị bãi bỏ mà vẫn đầy ý nghĩa.
Các chứng cớ mới đây nhất đối với quan điểm về lễ cũ và lễ
mới, có cách giải thích mới về đặc tính Lễ Vượt Qua trong bữa ăn của Chúa Giêsu
qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, được thấy trong thư thứ nhất của thánh
Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô: "Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột
mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên
lễ Vượt Qua của chúng ta" (1 Cr 5:7; x. Meier, A Marginal Jew, i, tr.
429f). Như trong Mc 14:1, đây là ngày thứ nhất trong tuần lễ Bánh Không Men và
ngay sau đó là Lễ Vượt Qua, nhưng cách hiểu theo nghi thức cũ được chuyển thành
cách hiểu theo Kitô học (Christological) và hiện sinh (existential). Ngày nay
Bánh Không Men ám chỉ chính các Kitô hữu, những người được giải thoát khỏi tội
lỗi bằng cách thêm men vào. Nhưng Chiên hiến tế là Đức Kitô. Ở đây thánh Phaolô
hài hòa với cách giới thiệu của thánh sử Gioan về các sự kiện. Đối với ngài, sự
chết và sự phục sinh của Đức Kitô trở thành Lễ Vượt Qua kéo dài mãi mãi.
Về cơ bản này, người ta có thể hiểu rất sớm về Bữa Tiệc Ly
của Chúa Giêsu – kể cả không chỉ một lời tiên tri mà còn sự tham dự thực sự của
Thập giá và sự Phục sinh trong Thánh Thể – được coi là một Lễ Vượt Qua: như Lễ
Vượt Qua của Ngài. Và như vậy đó.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CatholicHerald.co.uk)
..........................
(1) Sách Giáo lý các Tông đồ là sách chuyên khảo bằng tiếng
Hy Lạp về luân lý và tín lý mà truyền thống cho rằng do các thánh Tông đồ soạn
ra. Có lẽ phần lớn do một giám mục ở Syria viết trong thế kỷ III. Nó tạo phần
đầu của Hiến chương Tông đồ, nghĩa là 8 cuốn sách đầu tiên của các Tông đồ.
Sách bàn về việc chăm lo các hối nhân, bổn phận của giáo sĩ và giáo dân, và bảo
vệ đức tin chống lại lạc giáo. Cuốn sách này thường được gọi là nỗ lực đầu tiên
của Bộ giáo luật.
(2) Phái Êsêniô là các nhóm người Do thái sống khổ hạnh
trước CN, không được nêu tên trong Kinh thánh hoặc sách Talmud (Huấn giáo Do
Thái), nhưng được Philo nhắc đến (năm 20 trước CN đến năm 40 sau CN), Josephus
(năm 37 trước CN, khỏang năm 100), và Pliny Cả (năm 23-79). Danh từ này có
nghĩa là "những người đạo đức". Họ dường như bắt đầu sống khổ hạnh
vào thế kỷ II trước Công nguyên, và chấm dứt phái này vào thế kỷ II sau CN, và
luôn tồn tại ở Palestine. Theo Josephus, số người theo phái này khỏang 4.000
người vào cuối thế kỷ I. Họ là một hội chuyên biệt, chủ yếu làm nông nghiệp.
Nói chung là họ không lập gia đình, nhưng không bác bỏ giá trị hôn nhân, và
tuyển người vào hội bằng cách nhận trẻ em làm con nuôi. Họ thực hiện đời sống
cộng đòan cách nghiêm ngặt nhất, và cũng là hệ thống đẳng cấp cứng rắn. Ngòai
mê tín dị đoan, họ còn tin Đức Chúa (Giavê) và sự bất tử. Họ hầu như bị quên
lãng trong lịch sử tôn giáo, cho đến khi người ta phát hiện các Sách cuộn Biển
Chết vào năm 1947. Hầu như chắc chắn đây là một cộng đoàn phái Êsêniô, đã làm
ra kho tàng văn chương được tìm thấy ở Qumran, gần Biển Chết. (Từ nguyên Hy Lạp
là Hosioi – thánh nhân, tu sĩ; hoặc từ chữ Aramaic – người thinh lặng).
Nguồn: TGP Hà Nội
Nguồn: TGP Hà Nội