Từ hai dụ ngôn
1. Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành: “Một người trên
đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột
sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình
cờ, có một thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông
tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế một thầy Lêvi đi tới chỗ này, cũng thấy,
cũng tránh qua bên kia mà đi.” (Lc 10,30-32)
và cuộc phán xét chung
“Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân
bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho
tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta
khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp
rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các
ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy
Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là
trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?” Bấy giờ Người sẽ
đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như
thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho
chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người
công chính ra đi, để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,41-46)
đến “vô cảm” ngày nay.
Chúng ta không xét đoán bất kỳ ai (x. Mt 7,1; Lc 6,37) nhưng
rõ ràng trong xã hội hiện thời, chúng ta bắt gặp quá nhiều “thầy tư tế”, những
“thầy Lêvi”, làm ngơ khi gặp người hoạn nạn, những “ông nhà giàu” không sẵn
lòng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật,… và những “quân bị nguyền rủa”
nói trên.
Tất cả họ, khi sinh thời, đi giảng dạy Chúa Giêsu đã quở
trách và báo trước cái án phạt dành cho họ. Ngày nay, chúng ta gọi họ là “người
vô cảm”. Những điều đúng ra mọi người theo lương tâm phải làm nhưng không một
ai làm là do cái “vô cảm” mà nguyên nhân như nhiều người đã nói là bởi tính ích
kỷ của con người.
Ích kỷ là thuộc tính của con người từ sau Ađam và Eva phạm
tội lỗi nghịch với Chúa, nên cái vô cảm có từ khi có con người, nhưng trong một
xã hội ưa chuộng vật chất, đạo đức suy thoái thì cái “vô cảm” ngày càng phát
triển, đến mức đau lòng.
Vô cảm dưới cái nhìn đức tin người Công giáo
Chúa Giêsu đã chỉ rõ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần
các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các
ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”.
Quả thật, dù xác định kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức,
hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (Mt
22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28) là giới răn trọng nhất, nhưng Chúa Giêsu đã
phân thành hai điều rõ ràng là kính mến Thiên Chúa và yêu người, nhờ kính
mến Thiên Chúa chúng ta mới có thể yêu người, phục vụ con người được. Càng
kính mến Thiên Chúa thì càng yêu người, và ngược lại, vì con người được tạo
dựng giống hình ảnh Chúa. (St 1,27)
Mặc dầu vậy, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vấn đề “vô cảm” với
cái nhìn thông cảm, độ lượng với con người, và rất người, gần gũi với người khi
Ngài nói: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì
chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế
đó” (Mt 7,12; Lc 6,31).
***
Lạy Chúa, chúng con cứ luôn miệng nói kính mến Chúa nhưng
ngại khó, ngại khổ không làm một điều chi cho những người anh em quanh chúng
con đây. Xin thêm lòng kính yêu Chúa cho chúng con để ít là, chưa vì kính mến
Chúa, chúng con biết làm những điều chúng con muốn người khác làm cho
chúng con.
Chúng con cầu xin vì được như thế thôi thì xã hội chúng con
đang sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều rồi…
Tôma Hoàng Kim Khánh