"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chuyện ngôn ngữ: Dấu hỏi hay dấu ngã?



„Hỏi“ hay „ngã“ là một đề tài làm khổ nhiều người. Dân „Bắc Kỳ rau muống“, ngoài cái bệnh „nờ cao, nờ nùn“, thì có vẻ ít gặp khó khăn hơn trong vấn đề này. Bài viết sau đây là một tổng kết từ nhiều nguồn khác nhau và được đơn giản hoá để mong góp phần vào việc giải quyết một vấn nạn „chính tả“ phổ biến. Từ ngữ „quy luật“ trong bài vì thế chỉ mang tính một hướng xác định. Ngoài ra, đây không phải là một bài viết nghiên cứu khoa học ngôn ngữ. Trong bài chỉ đề cập đến 4 „quy luật“ thường gặp.

1. Quy luật „sắc-không“ và „huyền-nặng“ trong các từ ngữ „láy“:
- „Sắc-không“ là những từ có dấu sắc hoặc không dấu.
- „Huyền-nặng“, là những từ có dấu huyền hoặc dấu nặng.
- „Láy“ là một từ kép, trong đó thường thì một chữ có nghĩa và một chữ không; một chữ mang nghĩa chính, một chữ đệm. Thí dụ: „mạnh mẽ“, chữ mạnh thì có nghĩa, chữ mẽ là chữ đệm.

1a) Quy luật „sắc-không“:
Khi một chữ mang dấu sắc hoặc không dấu, thì chữ kia mang dấu HỎI.
Thí dụ: vui vẻ, trẻ trung, sắc sảo, ngớ ngẩn, ngả nghiêng, khoẻ khoắn, lẻ loi, vắng vẻ, hiển linh, hoảng hốt, dở dang  v.v.

1b) Quy luật „huyền-nặng“:
Khi một chữ mang dấu huyền hoặc dấu nặng, thì chữ kia mang dấu NGÃ.
Thí dụ: mạnh mẽ, mỡ màng, lặng lẽ, quạnh quẽ, ngỡ ngàng, sẵn sàng, lỡ làng, rõ ràng, kỹ càng, bẽ bàng, rạng rỡ v.v.

2. Quy luật „Hán-Việt“:
Các từ ngữ có gốc Hán (thường là từ kép) bắt đầu bằng các vần D, L, M, N và V mang dấu NGÃ.
Thí dụ: dĩ vãng, lữ khách, lẽ phải, miễn trừ, nỗi lòng, vĩnh viễn, vĩ đại, v.v.

3. Quy luật „trợ từ“:
„Trợ từ“ ở đây chỉ những từ thêm vào để nhấn mạnh như vẫn, cũng, nữa v.v.
hoặc để diễn tả „thì“ („đã“ cho quá khứ hoặc „sẽ“cho tương lai) của động từ (tiếng Việt không „chia“ động từ!).
Thí dụ: - Em vẫn đẹp như ngày nào. Tôi cũng nhớ nhà. Anh muốn làm gì nữa?
- Cô ấy sẽ đi xa. Em đã quên mùa thu.
Các „trợ từ“ này luôn mang dấu NGÃ.

4. Quy luật trong „họ“ và „tên nước“:
Không hiểu vì sao, nhưng các họ của người Việt Nam không mang dấu hỏi.
Thí dụ: Đỗ, Lữ, Nguyễn, Võ …
Ngoài ra các tên quốc gia khi phiên âm thành tiếng Việt thường mang dấu ngã. Nước Mỹ, nước A Phú Hãn (Afganistan), Mễ Tây Cơ (Mexico) v.v.
Ngoại lệ: Bỉ quốc (Belgien/Belgique)

„Người thợ sửa xe ngồi bên cỗ máy uống ly sữa nóng. Một cô gái có chửa đến nhờ anh chữa giùm cái xe máy không nổ. Cô gái đẹp như một nàng tiên trong cổ tích… Mải ngắm người đẹp, anh quên mất không chào khách. Mãi dến khi cô hỏi lần thứ hai, anh mới giật mình, suýt làm đổ ly sữa nóng trên tay. Cô gái đỗ xe bên cạnh cỗ máy, nhìn anh mỉm cười: „Anh cũng khoẻ chứ?“ Anh ngỡ ngàng. Đến lúc này thì anh đã nhận ra: đó là cô bạn học ngày nào. Nàng vẫn đẹp như xưa… Mái tóc bồng bềnh lả lướt trên bờ vai thon. Đôi mắt hồn nhiên trên khuôn mặt rạng rỡ. Khuôn mặt ấy ngày xưa anh vẫn lặng lẽ nhìn thật lâu. Dĩ vãng quá xa vời...“

JB Lê Văn Hồng