Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Phương không muốn Giáo Hội nói
đến một số vấn đề đang gây khó khăn cho họ như vấn đề phá thai và hôn nhân đồng
tính; vấn đề tranh chấp giữa Do Thái và Palestine; vấn đề cuộc chiến ở Iraq đã
khiến hơn 120.000 thường dân bị giết, trên 1,5 triệu người phải rời nhà cửa,
trong đó có ít nhất 500.000 người buộc phải ở trong các lều tạm trú tồi tàn mà
không có các dịch vụ công cộng; vấn đề trên một triệu thường dân ở Congo bị tàn
sát trong các cuộc nội chiến, v.v. Ngay cả những vụ tàn sát ghê rợn người Kitô
giáo đang xẩy ra ở Nigeria, họ cũng không muốn Giáo Hội đưa những hình ảnh đó
ra trước công luận vì Nigeria không phải là “mục tiêu” của họ. Trong khi đó
Giáo Hội lại không ngừng báo động về những vấn đề này.
Trái lại, tại những nơi được coi là “mục tiêu, các quyền lực
muốn Giáo Hội phải đồng hành với họ và làm công cụng cho họ. Một thí dụ cụ thể
là năm 2010, khi biến cố Thái Hà nổi lên ở Hà Nội, có nhiều dấu hiệu cho thấy
các quyền lực muốn nhân cơ hội này biến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thành một lực
lượng đối kháng thay thế Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đang bị suy tàn. Khi “những
con nai vàng ngơ ngác” sắp bị trúng kế thì Giáo Hội đã can thiệp và ngăn chận kịp
thời.
Các quyền lực đang xử dụng các hệ thống truyền thông để tạo
một Giáo Hoàng theo ý muốn của họ bằng cách một mặt đánh phủ đầu để triệt hạ uy
tín của Giáo Hội và các giáo sĩ mà họ tin đang có ảnh hưởng quyết định trong
Giáo Hội, và mặt khác đưa ra những hình ảnh mà theo họ có thể đưa Giáo Hội ra
khỏi những khó khăn. Nhưng Giáo Hội đã có những biện pháp để ngăn chận những âm
mưu này.
KHI CÁC QUYỀN
LỰC RA TAY
Ngày 23.2.2013, Linh mục Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí
Tòa Thánh, đã mạnh mẽ tố giác sự xuyên tạc và vu khống của một số cơ quan truyền
thông về hoạt động của Tòa Thánh. Linh mục nói rằng hành trình của Giáo Hội
trong những tuần lễ cuối cùng của triều đại Giáo Hoàng Benedict XVI là rất là
cam go, xét vì tình trạng mới mẻ. Ngài nói:
“Thực vậy, không thiếu
những kẻ lợi dụng lúc kinh ngạc và ngỡ ngàng của những người có tinh thần yếu
đuối để gieo rắc hoang mang và sự mất uy tín cho Giáo Hội và các vị lãnh đạo
Giáo Hội, bằng cách dùng đến những phương thế cổ xưa - như nói xấu, xuyên tạc,
và đôi khi vu khống nữa - hoặc tạo sức ép không thể chấp nhận được để ảnh hưởng
đến việc thực thi nghĩa vụ bầu cử của thành viên này hay thành viên khác trong
Hồng Y Đoàn, cho rằng vị ấy không xứng đáng vì lý do này hay vì lý do khác.”
Sau đó Linh mục nói thẳng ra rằng “các quyền lực” (powers),
tức các nhà cầm quyền, muốn dùng hệ thống truyền thông để gây ảnh hưởng đến cuộc
bầu cử Giáo Hoàng. Linh mục nói:
“Qua diễn biến của các
thế kỷ, các Hồng Y thường phải đối phó với nhiều hình thức áp lực. Nếu trong
quá khứ cái gọi là các quyền lực (tức các nhà cầm quyền) đã thực hiện những áp
lực lên việc bầu Giáo Hoàng, thì ngày nay có một âm mưu thực hiện điều đó qua
công luận.”
[Through the course of the centuries, Cardinals have faced
many forms of pressure. If in the past, the so-called powers (i.e. states)
exerted pressures on the election of the Pope, today there is an attempt to do
this through public opinion.]
Quả thật, trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo đã xẩy ra nhiều
cuộc xung đột giữa thế quyền và giáo quyền. Thí dụ vào năm 824, vị đồng Hoàng Đế
Lothair cương quyết đòi phải cho những người La Mã, giới tu sĩ và giáo dân được
quyền tham gia vào việc bầu chọn Giáo Hoàng. Ông hứa sẽ không can dự vào cuộc bầu
cử với điều kiện vị Giáo Hoàng được chọn phải thề trung thành với Hoàng Đế. Năm
962, ĐGH Gioan XII phải đồng ý thề trung thành với Hoàng Đế La Mã là Otto lúc
đó, để đổi lại việc Hoàng Đế không can dự vào việc bầu cử.
Tháng 8 năm 1903, khi 62 vị Hồng Y họp để bầu người kế vị
ĐGH Léo XIII, các vua ba nước Áo, Pháp và Tây Ban Nha đã xử dụng quyền phủ quyết
(veto) với các ứng cử viên Giáo Hoàng. Dựa vào quyền này, vua nước Áo đã loại
trừ không cho ĐHY Mariano Rampolla, một Hồng Y nổi tiếng, tranh cử chức Giáo
Hoàng. Mãi đến khi ĐHY Giuseppe Sarto trở thành Giáo Hoàng Pius X, ngài mới ban
hành tự sắc hủy bỏ đặc quyền phủ quyết này của các vua.
Ngày xưa, phạm vi hoạt động của Giáo Hội còn giới hạn, nên
các quyền lực có thể can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của Giáo Hội. Ngày
nay, phạm vi hoạt động của Giáo Hội bao trùm cả thế giới nên các quyền lực
không thể can thiệp trực tiếp được nữa, nhưng họ đã can thiệp gián tiếp qua các
hệ thống truyền thông (media) như Linh mục Lombardi đã tố cáo.
NHỮNG QUẢ BONG BÓNG ĐƯỢC THẢ RA
Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố ngày
22.2.2013 cho biết hơn một nửa số người theo Công Giáo ở Mỹ cho rằng sẽ là một
điều tốt đẹp nếu Giáo Hoàng mới là người đến từ Nam Mỹ, Châu Á hoặc Châu Phi. Nói
cách khác, họ không muốn một Giáo Hoàng từ Âu Châu. Đây là một quả bong bóng.
Các cơ quan truyền thông khác đã thả ra hai quả bong bóng
khá hấp dẫn: Theo họ, một trong hai Hồng Y Mỹ sau đây có thể được cử làm Giáo
Hoàng, hoặc là ĐHY Timothy Dolan, hiện là TGM New York và là Chủ Tịch Hội Đồng
Giám Mục Hoa Kỳ, hoặc là ĐHY Patrick O'Malley, TGM Boston.
Tờ La Repubblica ở Ý, một tờ báo chuyên thả bong bóng về
Vatican trong hai tuần qua, loan tin rằng các Hồng Y người Ý đi tiên phong
trong việc đề cử một Hồng Y Mỹ làm Giáo Hoàng. Tờ này nói có tin cho biết ĐHY
Tarcisio Bertone, hiện là Quốc Vụ Khanh của Toà Thánh, một người đầy quyền lực,
đang lặng lẽ vận động cho “ứng cử viên” Dolan.
Ký giả Stéphane Bussard viết một bài bằng tiếng Pháp dưới đầu
đề “L’Amérique catholique rêve d’avoir son pape” (Người công giáo Mỹ mơ ước một
vị giáo hoàng của họ) đăng trên báo Le Temps, nói rằng từ khi nghe tin ĐGH
Benedict XVl từ nhiệm, người Công Giáo Mỹ ước mơ một ĐGH Mỹ.
Bài báo nói rằng ĐHY Dolan là người trung thành với giáo lý
của Vatican trong những vấn đề tu sĩ độc thân, truyền chức cho phụ nữ, cho phép
phá thai và ly dị, nhưng tên ngài không được nhắc đến trong danh sách các Hồng
Y kế vị, mặc dù tên ngài vẫn có trong danh sách bầu Giáo Hoàng.
Tác giả nói rằng theo dư luận thì trong cuộc bầu cử Giáo
Hoàng sắp tới nếu người kế vị ĐGH Benedict XVl là người Mỹ, Giáo Hội Công Giáo
có nhiều lợi thế hơn, vì số người Công Giáo Mỹ đông nhất thế giới sau Brésil,
Mexico và Philippines. Có 74 triệu người Mỹ được định danh là Công Giáo và gần
100 triệu người đã được rửa tội. Nhưng người Mỹ Công Giáo mất đà phát triển.
Theo tác giả, Hoa Kỳ từ lâu đã đóng góp lớn nhất cho
Vatican, trước cả Pháp và Đức. Việc bầu một người Mỹ còn là một sự bất ngờ làm
chấn động Công Giáo vẫn luôn nằm ở Âu châu.
Nếu các cơ quan truyền thông Mỹ đứng ra làm công việc “vận động”
này sẽ bị coi là “thổi ống đu đủ” hay gây áp lực. Để cơ quan truyền thông Ý và
Thụy Sĩ làm rồi các cơ quan truyền thông Mỹ loan lại sẽ được coi là “thông
tin”. Nhưng một câu hỏi lớn đã được đặt ra: Tại sao các cơ quan truyền thông Ý
và Thụy Sĩ lại đi “vận động” cho Giáo Hoàng Mỹ?
Khi các ký giả Hoa Kỳ vây quanh ĐHY Dolan và hỏi ngài về
chuyện ngài có thể được chọn làm Giáo Hoàng, ngài đã cười và nói: “Mấy người
nào đoán như thế thì là những người hút cần sa rồi nằm mơ giữa ban ngày.”
Còn ĐHY Patrick O'Malley cho rằng đó chỉ là việc "nhàn
rỗi trò chuyện" mà thôi. Ngài nói:
"Tôi biết rằng đã
có nhiều dự đoán về những người có thể thay thế đức Giáo Hoàng Benedict. Tuy
nhiên, tôi cho những dự đoán đó toàn là những chuyện hão huyền. Thay vào đó,
chúng ta nên tập trung vào việc cầu nguyện để Đức Thánh Linh ngự xuống giúp đỡ
và hướng dẫn các vị Hồng Y bầu cho được một người cần cho Giáo Hội tại thời điểm
này."
Trong bài “Tại sao sẽ
không có một Giáo Hoàng người Mỹ?” đăng trên FoxNews.com ngày 21.2.2913,
Linh mục Dòng Tên Thomas Worcester, giáo sư Sử tại College of the Holy Cross,
đã nhận định rằng nếu Trung Quốc thống trị thế giới, cơ hội có một Giáo Hoàng
người Mỹ có thể được đặt ra, nhưng hiện nay Hoa Kỳ đang thống trị thế giới về
quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá và kinh tế, ít người không phải là người
Mỹ muốn cộng thêm vào danh sách đó sự thống trị về tôn giáo.
NGĂN CHẬN SỰ CHI PHỐI
Ngày 22.2.2013 ĐGH Benedict XVI đã ban hành Tông thư Tự sắc “Normas
nonnullas” điều chỉnh một số điều khoản của luật bầu Giáo Hoàng để tránh những
sự chi phối từ bên ngoài. Tông thư khá dài, nhưng chúng ta chỉ cần lưu ý đến
hai quy định sau đây:
Quy định thứ nhất đáng chú ý là “không một Hồng Y cử tri nào sẽ bị loại trừ khỏi việc bầu cử tích cực
hay thụ động, vì bất cứ lý do hay viện cớ nào…”
Như vậy các Hồng Y dưới 80 tuổi đều đến tham dự Mật Nghị để
bầu Giáo Hoàng. Không ai có quyền viện lý do này hay lý do khác để ngăn cản.
Quy định thứ hai là ấn định thời hạn họp Mật Nghị để bầu
Giáo Hoàng mềm dẽo hơn. Trước đây thời hạn này được ấn định là 15 ngày kể từ
khi trống ngôi Giáo Hoàng và không quá 20 ngày. Tông thư mới cho phép Hồng Y
Đoàn quyền bắt đầu Mật Nghị trước 15 ngày, nếu nhận thấy có sự hiện diện của tất
cả càc Hồng Y cử tri, và cũng có thể kéo dài ra vài ngày nếu có các lý do
nghiêm trọng. Tuy nhiên, lâu nhất vẫn là 20 ngày. Quy định này có thể giúp Mật
Nghị Hồng Y họp sớm hơn, tránh cảnh dùng thời gian kéo dài để làm “lobby” hay
gây áp lực.
Giáo Hội Công Giáo tin tưởng rằng việc chọn ai làm Giáo
Hoàng là do sự soi sáng của Đức Chúa Thánh Thần. Do đó, các áp lực hay suy đoán
thường không đúng. Cụ thể là năm 2005, không ai liệt kê ĐHY Joseph Ratzinger
vào danh sách các vị có thể đắc cử Giáo Hoàng, nhưng ngài đã đắc cử và trở
thành Giáo Hoàng Benedict XVI.
Vatican có câu ngạn ngữ Latin: “Qui intrat papa exit cardinalis” ("Ai đi vào là Đức Thánh Cha, đi
ra là Hồng Y". Người Mỹ dịch "Who enters the conclave as Pope leaves as
a Cardinal").
LỜI CHÀO TỪ BIỆT
Năm nay, khi giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Roma vào Mùa Chay
với đề tài “Nghệ thuật cầu nguyện, nghệ thuật tin", ĐHY Gianfranco Ravasi,
Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, đã nói:
“Chúng ta đang ở trong thung lũng vây quanh bởi quân Amalek, nơi có bụi
mù, lo âu, và bao nhiêu điều kinh khủng, nhưng chính nơi đây cũng có những giấc
mơ và hy vọng vì ngay từ bây giờ chúng ta biết rằng trên núi có người chuyển cầu
cho chúng ta”.
Đoạn này được cảm nhận từ chương 17, sách Xuất Hành (Cựu Ước).
Chương này kể lại rằng trong trận đánh giữa người Do Thái và quân Amalek, bao
lâu ông Môisê giang tay cầu nguyện thì Israel chiếm ưu thế so với quân Amalek. Và
khi nào cánh tay của ông hạ xuống, Israel bị lâm vào thế yếu.
Ngày 23.2.2013, ĐGH Benedict đã kết thúc tuần tĩnh tâm nói
trên. Dựa theo bài giảng của ĐHY Gianfranco Ravasi, ĐGH nói:
"Vẻ đẹp của công
trình ấy (công trình do Thiên Chúa tạo dựng) bị sự ác trong trần thế này chống
đối, bị đau khổ và sự hư hỏng chống lại. Như thể ma quỷ muốn làm nhơ bẩn mãi
mãi công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa để làm cho chân lý
và vẻ đẹp của Ngài không thể nhận ra được…
“Trong thinh lặng của
đêm đen, chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa. Tin không là gì khác hơn là động
chạm đến bàn tay Thiên Chúa, trong đêm đen của trần thế, lắng nghe Lời Chúa,
nhìn thấy tình yêu”.
Ngài 27.2.2013, khi chào từ biệt khoảng 200.000 tín hữu trên
thế giới đến tiển đưa ngài tại công trường Thánh Phêrô, ĐGH đã nói:
“Con thuyền Giáo Hội
không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không
để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn qua cả các người mà Người
đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế.
“Thiên Chúa hướng dẫn
Giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội nhất là trong những lúc khó khăn. Người
luôn ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc
chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin
này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới.”
Tại Sài Gòn, trong văn thư đề ngày 25.2.2913, ĐHY Phạm Minh
Mẫn kêu gọi các tín hữu “hãy cùng nhau cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI và cho
vị Giáo Hoàng tương lai, để ngài tiếp nối các vị tiền nhiệm đáng kính, hướng dẫn
chúng ta bước theo Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, trên con đường hòa nhập vào gia đình
nhân loại, yêu thương đến cùng, khiêm tốn phục vụ cho sự sống mới và sự phát
triển toàn diện của con người.”
Ngày 28.2.2013
Lữ Giang