"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ý nghĩa thần học và linh đạo của việc tôn thờ Thánh Thể


Dẫn Nhập

Nói đến ý nghĩa thần học và linh đạo của việc tôn thờ Thánh Thể, là nói đến sự phong nhiêu của chính ý nghĩa đó, làm sao để ý nghĩa trở thành căn nguyên, lẽ sống, lối sống hay đường hướng sống, giúp chúng ta cảm nghiệm được thực tại Thánh Thể: “Chúa đã ban Bánh bởi trời cho nhân loại”“Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon”. Như đọc thấy trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, Thánh Thể được minh định như là “nguồn và đỉnh cao tất cả đời sống và sứ mạng” của Giáo Hội, là “trung tâm của toàn thể đời sống tín hữu”[1], là bản toát yếu và tổng luận đức tin Kitô Giáo.[2]Do đó, biết Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Thánh thể là sống trọn vẹn nguồn ân phúc thiêng liêng dồi dào của Thiên Chúa, vì Thánh Thể chứa đựng “chính Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là Bánh trường Sinh trao ban sự sống cho nhân loại”[3]. Lời diễn ý của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh có thể cô đọng tất cả:

Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Độ của chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế khổ giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để uỷ thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai.[4]

Trong ý nghĩa đó, cử hành Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể là hai khía cạnh, “động và tĩnh”, hai nhịp điệu “bất khả phân ly” của một thực tại cội nguồn là Hy Lễ Tạ Ơn, là bản hoà âm chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa của toàn thể Giáo Hội. Chính vì vậy, được cử hành như một nghi thức tiếp nối hay nối dài Thánh Lễ, việc tôn thờ Thánh Thể, hay chầu Thánh Thể giúp chúng ta nghiệm lại được những hiệu quả của ơn cứu độ từ trong cuộc cử hành tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, là “Nguồn mạch bất tận của đời sống tâm linh”,[5]là nơi phát sinh “các đức hạnh”,[6]“căn nguyên và trung tâm đời sống linh mục” và là “nguồn mạch và chóp đỉnh của việc Phúc Âm hoá”.[7]Bởi vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, các tín hữu đã ý thức sâu xa về sự hiện diện cận kề của Chúa Phục Sinh nơi nhiệm tích Thánh Thể, vì biến cố Vượt Qua của Người vừa là “về cùng Cha”, vừa là “đến với” chúng ta. Cộng Đoàn các tín hữu đã trân trọng lưu giữa Mình Thánh Chúa như là Bánh Trường Sinh, để đem đến cho các bệnh nhân, hoặc để dành cho những ai, vì bị cách trở, không thể đến tham dự nghi thức bẻ bánh. Hơn nữa, vào thời Trung Cổ, khi các tín hữu không có mấy cơ hội được rước lễ thường xuyên, vì những hoàn cảnh sống với nhiều lý do và tình huống phức tạp, lòng họ ước ao được chiêm ngắm Bánh Thánh lại càng dâng cao mạnh mẽ. Từ đó, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, với nhiều hình thức sùng mộ khác nhau,  được khởi đầu và phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống Giáo Hội. Tiếp theo là Công Đồng Vaticanô II, và nhất là cho đến những năm gần đây, vị trí, tầm quan trọng cũng như giá trị của việc tôn thờ Thánh Thể được Giáo Hội chính thức xác nhận, minh định và đề cao như là một hành vi phụng tự. Chính Thánh Lễ khơi nguồn cho lòng tôn sùng Thánh Thể và lòng tôn sùng Thánh Thể quy hướng về cuộc cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ.  Trong Thông Điệp “Mysterium Fidei” [Giáo Lý về sự Tôn Sùng Thánh Thể], Đức GH Phaolô VI đã chứng thực:

Giáo Hội diễn tả niềm tin vào sự hiện diện của Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Thể và không ngừng thể hiện một lòng tôn thờ chỉ dành riêng cho Chúa.Giáo Hội đã và tiếp tục tổ chức nền phụng tự tôn thờ đối với bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ mà còn ngoài giờ cử hành Thánh Lễ nữa, qua việc cẩn thận lưu giữ những bánh lễ đa được hiến thánh, qua việc trưng bày cho các tín hữu long trọng chầu kính...Cầu nguyện trước Thánh Thể, những giờ tôn thờ Thánh Thể cách ngắn ngủi, lâu giờ hay hằng năm, chầu Phép lành, kiệu Thánh Thể, các Đại hội Thánh Thể.[8](56-74).

Cũng thế, trong Tông Thư “Dominicae Cenae”[Về mầu nhiệm Thánh Thể và việc phụng thờ Mình và Máu Thánh Đức Kitô], chúng ta có thể thấy rõ chủ đích của Đức Gioan Phaolô II, về mối tương quan giữa Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, khi Người nhấn mạnh: “vì linh mục là người của Thánh Thể, nên việc tôn thờ Thánh Thể cần được toả chiếu trong đời sống linh mục.” Bởi vậy, linh mục hiện hữu là “do Bí tích Thánh Thể” và “cho Bí tích Thánh Thể”. Và ở phần kết luận Tông Thư, Người đã khẳng định:

Mầu nhiệm này cũng được ban tặng cho toàn thể dân Chúa, cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô nhưng riêng chúng ta là linh mục, là những người đã được Chúa trao Bí tích Thánh Thể để phục vụ người khác. Họ là những kẻ mong đợi nơi chúng ta một chứng tá đặc biệt về lòng sùng kính và mến yêu bí tích này”.[9]Vì vậy, “Sự tôn thờ là câu đáp trả trọn nghĩa với “Tình Yêu”của Đấng đã hy sinh cho đến chết trên thập giá, và  đó là cách thức chúng ta “Tạ ơn”,nghĩa là dâng lên lời tri ân của chúng ta, lời ngợi khen, vì chúng ta đã được cứu thoát nhờ cái chết của Người và được chia sẻ đời sống bất tử nhờ cuộc phục sinh của Người”.[10]

Từ những suy tư trên, với tất cả tâm tình của người Mục Tử, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi các linh mục đáp trả sự mong đợi của Giáo Hội một cách quảng đại, khi nhận định rằng:

Hội Thánh và thế giới ngày nay đang rất cần việc tôn sùng Thánh Thể. Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Chúng ta đừng tiếc thời giờ để đến gặp Người trong tôn thờ, trong chiêm ngắm đầy đức tin và luôn sẵn sàng đền tạ các tội lỗi của thế giới. Chớ gì chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ việc tôn thờ Thánh Thể!.[11]

Như thế, theo những lời huấn dụ, những thao thức đó, chúng ta cảm nhận  được lý do sâu xa cũng như ý nghĩa thiêng liêng của việc tôn thờ Thánh Thể, để có thể “nếm thử và nghiệm xem cho biết Chúa thiện hảo dường bao”. Bởi vì tôn thờ Thánh Thể chính là cầu nguyện trước Thánh Thể. Theo nguyên ngữ La-tinh: “Adoratio”: tôn thờ, gồm chữ “Ad” là hướng đến hay đến gần và “Ora” là cầu nguyện. Như vậy, tôn thờ thánh Thể là một cuộc xuất hành thiêng liêng, nghĩa là ra khỏi chính mình, vượt qua cõi riêng mình, mà đến gặp gỡ Chúa, trong nhiệm tích Thánh Thể, để trọn vẹn sống cho và chạm được Đấng mà tất cả hiện hữu của Người là “xuất hành”, là tình yêu siêu vượt bản thân, đã đến trước chúng ta, đang chờ đợi và ngự giữa chúng ta, trong tấm bánh rất đơn sơ, tầm thường, như một lời ngỏ: “Hãy đến mà xem! Hãy đến mà thờ lạy!”. Hơn nữa, nếu kinh nghiệm tôn thờ đích thực là kinh nghiệm cầu nguyện, thì đó không phải là kinh nghiệm ở giai đoạn cuối, mà thực ra là kinh nghiệm ở ngay giây phút thánh thiêng khởi đầu, như một cuộc hội ngộ, một cách tiếp xúc với Chúa, trực tiếp nhất, thâm sâu nhất, bao hàm chiều kích hiện diện chủ vị và liên vị, đối thoại, hiệp thông và hoàn vũ trong đức tin, nếu như “giác quan không cảm thấy gì”.

1. Hiện diện liên chủ vị, đích thân và đích thực

Trước hết, tôn thờ Thánh Thể là cầu nguyện trước Thánh Thể, là đến với Chúa, hiện diện bên Chúa, như lúc nào Chúa cũng hiện diện và sự hiện diện của Người là sự hiện diện trong Thần Khí bao trùm cuộc sống của chúng ta. Đó là một sựhiện diện chủ vị, đích thân và đích thực trong tương quan liên vị với Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Một sự hiện diện thâm tình trọn vẹn, thiêng liêng huyền diệu của Đấng Phục Sinh, nhưng tự hạ, tự hiến và ẩn mình dưới hình dạng khiêm cung của Tấm Bánh. Tuy thật bé nhỏ, mọn hèn, mà Tấm Bánh có thể lấp đầy mọi khoảng cách giữa: “Này Thầy đây, đừng sợ !” (Mt 28:10) và “Này con đây, lạy Chúa !”, để chỉ muốn nói lên một điều tinh trắng, tinh tuyền, thật tình, tròn đầy của tình yêu chất chứa trong một Tấm Bánh: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).

Và nếu hiện diện đích thân, đích thực, trong kinh nghiệm nhân linh, vẫn luôn là sự hiện diện với một ai đó yêu thương và sống cho chúng ta, thì đó chính là sự hiện diện vì nhau và cho nhau từ hai phía của một tương giao thân tình. Phải chăng, vì thế, mà sự hiện diện “thực sự, đích thực và bản thể” của Đức Kitô trong Thánh Thể có thể được hiểu và cảm nhận trong bối cảnh của cấu trúc liên vị, bằng một ngôn ngữ hết sức giản dị, đơn thành hầu như vô ngôn lặng lẽ:“Chúa đó” và “con đây”. Như vậy, trước Thánh Thể, khi tôn thờ Đấng đang hiện diện “ở đây và lúc này”, chúng ta có thể xác tín rằng Người muốn chúng ta được ở nơi Người đang ở, trong ngày hôm nay, trong “giờ” của Người, giờ cứu độ siêu vượt trên mọi “thời giờ” của lịch sử, giờ tình yêu trong chính cung lòngcủa Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15: 4), “để niềm vui của anh em được nên trọn”. Phải chăng sự hiện diện thân mật và sống động đó đã nói lên tất cả ý nghĩa “bị đâm thâu” của trái tim Chúa và nỗi khát mong khôn nguôi của con người? Vì Chúa như thể: “Tôi khát” (Ga 19:28) trên đỉnh Canvê năm xưa, còn chúng ta như thể: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Như thế, sự hiện diện Thánh Thể là sự gặp gỡ của hai cơn khát, tìm đến nhau và cùng tìm về gặp gỡ. Khi tôn thờ Thánh Thể là lúc chúng ta dừng chân lại, ở bên Chúa, sống với Chúa, để học biết sự thật về Chúa là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29), vì có nơi nào hơn nơi đây, Người đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giầu có trong ân sủng. Người đã tự hiến chính mình, cho chúng ta được sống dồi dào sung mãn (Ga 10:10). Người đã “co cụm” hiện hữu của mình, mặc lấy thân phận mỏng manh thấp hèn của tấm bánh, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, không còn sống cho chính mình nữa. Tất cả hiện hữu của Người trọn vẹn là hiến dâng, trọn vẹn là sống vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, cho chúng ta được bước vào cảnh vực thần thiêng, được “ở cùng Người”, và “Người ở cùng chúng ta”, bởi vì vĩnh cửu là gì nếu không phải là “Hôm Nay”, là hiện tại ngay giữa dòng thời gian thắm thoát trôi qua. Nói cách khác, Đức Kitô, “hôm qua, hôm nay và ngày mai”, là Đấng duy nhất, đứng trên đỉnh viên mãn của thời gian, đã mặc lấy thân phận thời gian của con người, để dẫn đưa con người vào trong chính Người, là “Hiện Tại Vĩnh Hằng”. Vì là Tình Yêu siêu vượt trên tất cả, nên Trái Tim của Người mênh mông hơn thân phận giới hạn của chúng ta với những nỗi yếu hèn của con người trong thời gian và không gian. Một lần nữa, như lời Đức Gioan Phaolô II trong “Dominicae Cenae”:

Sự găp gỡ liên chủ vị làm nên bản chất của việc tôn thờ Thánh Thể: Trong tư cách là thầy dậy và người bảo vệ chân lý cứu độ về Mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cần chú tâm đến ý nghĩa và chiều kích của việc gặp gỡ Đức Kitô trên bình diện bí tích và sự thân mật với Người. Thật vậy, đó là những điều tạo nên bản chất của việc tôn sùng Mầu nhiệm Thánh Thể.[12]

Như thế, tôn thờ Thánh Thể có thể mở cho chúng ta cơ hội để sống “nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa”, để yêu thương, để biết “hiện hữu, sống và cử động”, để xuất hành ra khỏi chính mình và trải rộng thân mình đến mức vô biên vô tận là được hiệp nhất với Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu. Như lời Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, để con biết con”. Tôn thờ Thánh Thể cách đơn thành, vô vị lợi là tiếp cận với khả năng khai mở cao vời nhất của con người, và đó mới là ý nghĩa tâm linh đích thực của hiện hữu và đời sống kinh nguyện.

2. Đối thoại trong thinh lặng của cõi lòng

Hơn nữa, sự hiện diện “thực sự, đích thực và bản thể” của Đức Kitô trong Thánh Thể, để chúng ta tôn thờ, chúc tụng tôn vinh, và thuận tình gặp gỡ sẽ dẫn đưa vào một cuộc đối thoại trong thinh lặng, để cho tình yêu lên tiếng. Bởi vì, trở về với nguyên ngữ “Adoratio”, tôn thờ còn mang ý nghĩa chiêm ngắm, chiêm nghiệm hay trầm trồ thán phục khi chợt nhìn ra vẻ đẹp cuốn hút của một ai đó chúng ta thực tình yêu mến, và ngưỡng mộ đến độ tôn thờ. Vì thế cầu nguyện không nhất thiết là nói nhiều, mà là yêu mến nhiều. Hay như kinh nghiệm của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ, là tiếng kêu tri ân và yêu mến, trong cơn thử thách, cũng như lúc vui mừng”.[13]Thật vậy, trong giờ tôn thờ Thánh Thể, khi Mình Thánh Chúa được trưng bày, khi Lời Chúa được công bố, đó là lúc Chúa đến trong Lời của Chúa và nói với chúng ta “qua lời của con người, theo cách nói của con người, và khi ngài phán bảo, cũng là lúc ngài tìm gặp chúng ta” (Augustinô). Những bài ca tôn vinh chúc tụng được cất lên, những bài đọc với phần suy niệm theo phương cách “lectio divina”, những câu kinh khoan thai và lời nguyện cầu dịu dàng, có thể giúp chúng ta ra khỏi những mối quan tâm hay lo âu về chính mình, và khơi dậy ước muốn được dưỡng nuôi, được sống bằng Mình Thánh Chúa, khi  gậm nhấm Lời Chúa một cách thiêng liêng trìu mến. Tôn thờ như thế, tuy có thể là cầu xin khấn nguyện hay thổ lộ tâm tình, nhưng thực ra chính là để mình được Chúa yêu thương, là phó thác, là thanh thản buông xuôi tất cả vào trong cung lòng Người.

Trong ý nghĩa đó, cầu nguyện trước hết là thinh lặng. Nhưng thinh lặng không phải chỉ là im lặng, mà thực ra là thái độ lắng nghe Đấng là Lời và Bánh hằng sống của Thiên Chúa. Như vậy, hành vi tôn thờ là lãnh nhận, là chờ đợi tình yêu của Chúa. Đó là sự chọn lựa bước vào tương quan yêu thương với Người, vào trong sự hiện diện khiêm hạ thầm kín, nhưng bao trùm tất cả, và chấp thuận để Người tự do lên tiếng khi nào và cách nào Người muốn, như “nước được đem vào đây để hoá thành rượu” bội hậu trong tiệc cưới Cana, vào chính “giờ” của Chúa (Ga 2:1-11). Nói cách khác, tôn thờ là thinh lặng như “một ước ao cháy bỏng” để cho trái tim đàm đạo với trái tim, cho tình gọi tình, hay như lời vịnh gia: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm. Khi tiếng thác của Ngài kêu dội ầm vang” (Tv 42:8). Cũng chính ở đây, chúng ta có thể nhận thức rằng, cuộc đời và thế giới chúng ta đang sống đầy những nỗi vất vả truân chuyên, với biết bao nhiêu phấn đấu trăm chiều, nhọc nhằn, và có đôi khi hay nhiều khi bị chìm ngập trong những lời nói “trống trải” ồn ào, bên cạnh những cám dỗ “vô nghĩa” và sự đời náo động. Có lẽ giờ chầu Thánh Thể là thời điểm thích hợp nhất trong một ngày sống cho tâm thức phân định lắng nghe, nhất là đặt mình trong tư thế nội tâm cũng như trong cung cách hay thái độ “thinh lặng” nhẹ nhàng, đầy ý thức, tỉnh thức, và chú ý tới những điều Chúa muốn nói với chúng ta, qua các biến cố và mọi sự thể, để chính Chúa đem đến sức mạnh thần linh, nguồn an vui, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho tâm hồn.

Khi người tôn thờ đã quen dần với sự tĩnh lặng và chỉ để cho tâm hồn lên tiếng, họ sẽ cảm thấy toát lên một niềm vui, một sự bình an sâu thẳm trong nội giới, nhất là khi tâm tình cầu nguyện của trái tim bộc phát tự nhiên với hơi thở đều đặn mà không cần nỗ lực vất vả. Cảm nghiệm đó chính là một cảm thức về ân sủng của Thiên Chúa như là siêu nhiên bao trùm và thăng tiến tự nhiên, khi tự nhiên thuận tình hoà mình vào trong siêu nhiên. Đó chính là lúc tâm hồn được Thần Khí biến đổi, được tái sinh, khi chúng ta cảm nhận mình thực sự được yêu thương, tha thứ, được chữa lành những vết thương tâm và những nỗi lo sợ của phận người, được đón nhận và nâng lên để làm bạn hữu với Chúa, và liên kết với các Thánh của Người: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa... Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:15).  Như vậy, phải chăng tôn thờ Thánh Thể là “xuất hành”, là đánh mất chính mình mỗi ngày trước Thánh Thể, để rồi lại tìm được chính mình, một bản ngã phong phiêu, chân thực, hội nhất trong Chúa, để “hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình” (Tv 131:2), và từ đó mà niềm hoan lạc reo lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, trong Đấng Cứu Độ tôi” (Lc1:46).   

3. Hiệp Thông Sự Sống và Tình Yêu

Từ những kinh nghiệm trên đây, chúng ta nhận thấy, tôn thờ Thánh Thể trở thành một hành vi, một thái độ chiêm niệm, được đánh nhịp bởi các động từ “nhìn lên” Bánh Hằng Sống, “chiêm ngắm” Thánh Nhan Chúa, và “cảm nếm” tình yêu của Người. Tất cả được nội tâm hóa, chìm sâu vào cõi lòng như một kinh nghiệm chủ vị, một cuộc gặp gỡ thâm tình, hiệp thông với chính Ðấng đã mạc khải về mình như là “Đường, Sự thật và là Sự Sống” (Ga 14: 6), và Đấng ấy đã làm tràn đầy mọi khoảng không gian của cuộc sống chúng ta. Cũng nơi đây, có thể nói, Bánh Thánh Thể chuyên chở tình yêu của Đức Kitô, Đấng tự hiến ban thân mình cho nhân loại. Chính vì thế, tự bản chất, tôn thờ Thánh Thể không hệ tại ở việc dâng lễ vật, nhưng tiên vàn ở việc lãnh nhận tình yêu tự hiến của Đức Kitô, đến mức tuyệt đối là được thông hiệp với Đấng là Hy Lễ Tạ Ơn, để chính Người đưa chúng ta vào cung lòng Người, và cùng với Người mà chúng ta được dâng lên, được trở nên những kẻ thờ phượng đích thực trong tinh thần và chân lý. Nói khác đi, khi cầu nguyện trước Thánh Thể, chúng ta tôn thờ Người Con của Thiên Chúa đã hiến ban sự sống mình cho con người, để con người được hiệp thông với Người mà trở nên con cái Thiên Chúa và anh em của mọi người. Lời giảng sâu sắc của Thánh Augustinô, thiết tưởng, có thể diễn ý:

Nếu các tín hữu cung kính Mình Thánh Chúa Kitô, thì họ hiểu biết thân mình Người. Nếu họ sống bằng thần khí Đức Kitô, thì họ phải trở nên  thân mình Người… Bản chất của Bánh … Tất cả chỉ là một tấm bánh và một thân thể. Ôi! nhiệm tích tình yêu! Dấu chỉ hiệp nhất! liên kết Đức ái! Ai muốn sống thì nên nhận biết đâu là nguồn mạch sự sống. Xin hãy đến đây, hãy tin và sát nhập vào đây để được sống.[14]

Và như thế, chính nơi đây, khi chiêm ngắm Thánh Thể, chúng ta có thể trở thành điều mình chiêm ngắm và học biết hiến dâng sự sống mình cho Thiên Chúa và nhân loại. Năm 1996, Đức Gioan Phaolô II, trong lá thư chúc mừng ngày kỷ niệm 400 năm việc sùng kính 40 giờ chầu, đã viết rằng:

„Sự gần gũi với Chúa Ki-tô Thánh Thể trong thinh lặng và chiêm ngắm không tách chúng ta xa khỏi những người đương thời, trái lại, nó làm chúng ta mở ra trước những niềm vui và nỗi khổ của nhân loại, mở rộng trái tim chúng ta vươn tới toàn cầu. Bất kỳ ai cầu nguyện với Đấng Cứu độ Thánh Thể sẽ kéo toàn thế giới vào với Người và nâng lên cho Thiên Chúa“.[15]

Theo ý hướng đó, chúng ta cũng có thể cảm nhận, như lời Chân Phước Têrêxa Calcutta: “Trong Thánh Thể, chúng ta có Đức Giêsu dưới hình bánh, còn trong các khu nhà ổ chuột, chúng ta nhìn thấy và sờ được Đức Kitô nơi những thân xác nát tan và những trẻ thơ bị ruồng bỏ”. Bởi thế, có một lần, khi Têrêxa viếng thăm nước Mỹ, một nhóm phụ nữ hảo tâm đến hỏi là họ có thể làm được gì để giúp đỡ mẹ và công việc bác ái của hội dòng. Terêxa đã thản nhiện trả lời: “Sự giúp đỡ lớn lao nhất mà quý bà có thể cho chúng tôi, là dành một giờ mỗi tuần thinh lặng thờ lạy trước bí tích Thánh Thể”.[16]Phải chăng việc tôn thờ Thánh Thể giúp ta biết tôn trọng sự hiện diện của Đức Kitô trong những kẻ nghèo đói, trần truồng, ốm đau, khốn khổ, tù đầy và những cõi lòng tan vỡ, những tâm hồn cô quạnh bể nát, như là “bí tích” sống động đầy sự hiện diện của Người. Đức Gioan Phaolô II đã cảm nghiệm được điều đó, khi người nói: “Nếu việc tôn sùng Thánh Thể có giá trị đích thực, thì sẽ làm nảy sinh trong chúng ta ý thức về nhân phẩm của mọi người. Ý thức phẩm giá này trở thành lý do sâu thẳm nhất cho tương quan của chúng ta với tha nhân”.[17]Từ nhận thức đó, có thể nói, việc tôn thờ Thánh Thể là cầu nguyện như thể diễn tả tình yêu, để chính tình yêu biến đổi chúng ta thành khí cụ tình yêu. Và quả thật, nếu xuất phát từ tình yêu, thì việc tôn thờ Thánh Thể chắc chắn thúc đẩy chúng ta sống yêu thương, biết phục vụ con người và thế giới này trong mối tương quan “sống chết” giữa nhân loại với hoàn vũ theo dòng lịch sử, như một nét đặc thù và sâu thẳm nhất của ơn gọi kitô hữu.

Do đó, khi tôn thờ Đức Kitô trong Thánh Thể, Bánh Thánh còn làm cho chúng ta nhớ đến những hạt lúa miến, vừa là quà tặng thần linh vừa là hoa mầu của trái đất do lao công của con người. Và điều này gợi lên trong lòng chúng ta, từ trong kinh nguyện, ý thức tôn trọng sự sống của muôn loài thụ tạo, biết tiếp nhận thế giới thiên nhiên như hồng ân cao quý do Thiên Chúa tạo dựng và tặng ban vì sự sống con người. Nhờ tôn thờ và cử hành Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm thế giới tự nhiên như là “Nhiệm Thể Đức Kitô”, hòa điệu cùng muôn loài thụ tạo, trong lịch sử tiến hóavà xác tín rằng sự hoàn kết tương lai của nhân loại không thể tách rời sự thăng hoa biến đổi của tất cả tạo thành, trong một vòng tròn của những hy sinh âm thầm. Và nếu ngắm nhìn sâu hơn nữa, trong viễn tượng vạn thể tương tác và quá trình hình thành bánh rượu, chúng ta có thể hình dung được sự “hiện diện” của các cánh đồng, và bông lúa chín vàng nhờ ánh nắng mặt trời rực rỡ, chờ đợi từng cơn mưa tới, rồi lặng lẽ tăng trưởng dưới ánh trăng ngà và các vì sao đêm lấp lánh. Thật vậy, Thánh Thể là “dấu chỉ” khả giác được cấu thành, theo lời Giáo Phụ Irênê, “do hai yếu tố: một thuộc về đất, một thuộc về trời”.[18]Như thế, không có gì mà không “có mặt” trong bánh: không gian, thời gian, bốn mùa thời tiết, đất, nước, cỏ cây, mây trời, hơi ấm … mọi thực thể nhân linh, văn hóa, lịch sử con người và thế giới vật chất gắn chặt vào nhau, nương nhờ nhau theo một trật tự hài hoà để hiện hữu. Tấm Bánh, tuy nhỏ bé giữa muôn thụ tạo, nhưng kín đáo chứa đựng chính Đấng là “Đầu” của vũ trụ mênh mông (Eph 1:10; Cl 1:15-20). Như lời giảng của Giáo Phụ Justinô:

Chúng ta nên tạ ơn Thiên Chúa vì công trình sáng tạo và muôn loài thụ tạo trong hoàn vũ … Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và vạn vật vì loài người, cũng như đã giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, để chúng ta được sinh ra trong đó.[19]

Việc tôn thờ Thánh Thể,thật sự, cho chúng ta một cái nhìn mới về vũ trụ vạn vật, về cảnh vực môi sinh, về ý thức làm người ở cõi đời chóng qua và đạo đức môi trường. Như Đức Gioan Phaolô II đã nhận định:

Tất cả những gì thuộc về con người được biến đổi và được nâng cao một cách đặc biệt trong bí tích thánh này, bí tích của lương thực và thức uống. Việc tôn sùng Mầu nhiệm Thánh Thể không phải là sự thờ phượng một Đấng Siêu Việt vô phương đạt thấu, cho bằng phụng thờ một Thiên Chúa chiếu cố đến con người, đó là một sự biến đổi thế giới có tính nhân từ và cứu độ ngay trong tâm hồn con người.[20]

Kết Luận

Thế giới ngày nay, ngày càng náo động ồn ào, trước mọi thách đố của các trào lưu tục hoá, hưởng thụ, duy lợi nhận kinh tế, muốn loại bỏ thánh thiêng ra khỏi phàm trần, thiết tưởng, càng làm cho chúng cảm thấy sự khần thiết và tầm quan trọng của việc tôn thờ Thánh Thể, như một phương thức cầu nguyện chân truyền của Giáo Hội. Hơn nữa, như lời kêu gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, cũng như niềm xác tín của Đức Bênêđíctô, khi nói về Tân Phúc Âm Hoá để loan truyền Tin Mừng, là “tái phát xuất từ Đức Kitô”. Bởi vì, là “Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hay một ý tưởng cao quý, nhưng là việc gặp gỡ một biến cố, một Ngôi Vị, một cuộc gặp gỡ mang lại cho đời sống chúng ta chân trời mới và một hướng đi mang tính quyết định”.[21]

Như thế, phải chăng từ trong nhiệm tích Thánh Thể, qua việc cử hành và tôn thờ, chúng ta có thể tìm thấy căn nguyên, mẫu mực sự sống và niềm hy vọng, không những của Giáo Hội mà còn của mỗi đời sống kitô hữu? Vì linh đạo Thánh Thể tập trung vào việc gặp gỡ chính Con Người Đức Giêsu Kitô đang hiện diện ở giữa chúng ta. Và chúng ta “đáp lại sự hiện diện của Đức Kitô bằng lời cầu nguyện, ngợi khen và cảm tạ, bằng ý hướng giao hòa và trung gian cầu khẩn, nhân danh Giáo Hội và thay cho thế giới”.[22]Sự gặp gỡ chủ vị và liên vị làm nên bản chất của việc tôn thờ Thánh Thể. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể tìm thấy nơi Thánh Thể tất cả nguồn ““ân sủng và chân lý” rạng ngời của Thiên Chúa. Bởi vì:

Bánh rượu đã thành Thánh Thể vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta về Bữa Tối của Chúa, về việc tạ ơn của Hội Thánh và về hy lễ ngợi khen của toàn thể nhân loại. Một cách độc đáo, bánh rượu ấy cho chúng ta thấy rõ sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đổ tràn sự sống của Người vào trong chúng ta khi trao ban cho chúng ta Thần Khí của Người.[23]

Như thế, linh đạo Thánh Thể, có thể nói, là linh đạo cội nguồn của Kitô giáo, là “bản chất, trọng tâm và chóp đỉnh” của đời sống Kitô. Tất cả các linh đạo khác trong Giáo Hội chỉ có thể là sự kín múc từ Thánh Thể và quy hướng về nguồn ơn thánh đó. Chính nơi Thánh Thể, tình yêu Đức Kitô gánh lấy, rửa sạch trái tim phàm trần với những tật bệnh thù oán hận sâu, chia rẽ kỳ thị, phân biệt đối xử, và dạy cho con người biết chia sẻ cơn đau cùng khốn của những ai tan vỡ tâm hồn và những chết chóc tang thương của tội ác giữa lòng thế giới lịch sử.  K. Rahner, một nhà thần học nổi tiếng của Giáo Hội đã nói rằng người Kitô hữu của thế giới tương lai là người có kinh nghiệm thần bí, nghĩa là kinh nghiệm cầu nguyện thẳm sâu, chiêm nghiệm tôn thờ, thường xuyên trở về lòng mình như đền thờ của Thiên Chúa, nơi của mọi gặp gỡ, nơi mà sự sống chân thực bùng vỡ.[24]Nếu không phải thế, con người hiện đại rất dễ dàng bị cám dỗ rơi vào một thế giới vô nghĩa, tầm phào vô vọng. Và như Thomas Merton, một nhà tu đức của thời đại cũng viết rằng Giáo Hội luôn cần một cõi sa mạc giữa lòng đời, để biết “cầu nguyện không ngừng”, và nhờ lời cầu nguyện đó mà thế giới được cứu rỗi.[25]

Như thế, việc tôn thờ Thánh Thể sẽ làm cho lòng yêu mến Hy Lễ Tạ Ơn và nỗi khát khao lãnh nhận Mình và Máu Thánh càng thêm mãnh liệt. Cảm nghiệm thinh lặng khi tôn thờ Thánh Thể mở ra những cơ hội thiêng liêng, không những để phản tỉnh, hồi tưởng quá khứ và thức tỉnh trong hiện tại, mà còn mở lòng người hướng tới tương lai cánh chung được hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô và với nhau như Thiên Chúa đã hứa. Đôi mắt thể xác nhìn lên, nhưng đôi mắt tâm hồn có thể nhìn thấy một thoáng cảnh “trời mới đất mới” mà Thánh Thể tỏ lộ, cho chúng ta tiền dự vào “Bàn Tiệc Thiên Quốc” trong giây phút tưởng chừng như mong manh mà thực ra là “vĩnh cửu” theo dòng suối ân phúc này.

Cuối cùng, Thánh Thể là dấu chỉ của một tình yêu tự hiến trao ban sự sống. Sự hiện diện “thực sự, đích thực và bản thể” hay đích thân, chủ vị và liên vị của Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thể là dấu chứng của một tình yêu thiên linh cao nhã, ẩn náu, khép mình, phủ kín dưới bức màn của Tấm Bánh trắng tinh, giữa thế giới vật thể này, và chỉ một tình yêu hằng muốn hiện diện kề bên con người để dưỡng nuôi, chan chứa ân cần và nhiệt tình “huỷ mình ra không” như thế mới đáng tin, vì “đã đến ném lửa vào mặt đất”, với “những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12:49). Tình yêu của Chúa Thánh Thể mời gọi một tình yêu đáp trả về phía chúng ta. Người vẫn thiết tha đợi chờ và còn đang thốt lên lời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi…Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Con người vẫn là một tâm hồn khao khát giữa muôn tâm hồn khát khao, chỉ có thể nghỉ an trong lòng của tỉnh thức và cầu nguyện.

Xin được kết thúc với lời nguyện cầu:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn cứu chuộc Chúa ban. Amen.“
                                                                                                
Phaolô Vũ Chí Hỷ sss

[1]Lumen Gentium, 1; Christus Dominus, 30
[2]GLHTCG, 1327.
[3]Presbyterorum Ordinis, 5; Cf.Lumen Gentium, 42.
[4]Sacrosanctum Concilium, 47.
[5]Perfectae Caritatis, 6.
[6]Sacrosanctum Concilium, 10.
[7]Presbyterorum Ordinis, 14, 18, 5.
[8]Phaolô VI, Mysterium Fidei, 56-74.
[9]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae,  2:5.
[10]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 3:3.
[11]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 3:6.
[12]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 4:1.
[13]GLHTCG, 709.
[14]Augustinô, (Bài giảng về Phúc Âm Gioan, 26:13).
[15]Trích dẫn từ Robert Goedert,“Why Eucharistic Adoration?”, đăng trong http://www.therealpresence.org]
[16]Ibid.
[17]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 6:1.
[18]Irênê (Adv. Haer., IV, 18:5). Cf. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Bí Tích Thánh Thể, 248
[19]Justinô, (Tryphon, 41:1). Cf. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Bí Tích Thánh Thể, 246.
[20]Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 7:8.
[21]Bênêđíctô XVI, Deus Caritas Est, 1.
[22]Luật Sống Dòng Thánh Thể, 30.
[23]Luật Sống Dòng Thánh Thể, 29.
[24]Karl Rahner, The Practice of Faith, New York: Crossroad, 1992, tr. 69-90.
[25]Thomas Merton, The Seeds of Contemplation, Hertfordshire: Anthony Clarke Books, 1972.

Nguồn: Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin