„The Third Eye“ là bút
danh của một nhà báo và là nhà bình luận sống ở Dhaka, Bangladesh, đã đưa
ra một cái nhìn khá bi quan về bài giảng của các linh mục. Đây là quan điểm
riêng của tác giả. Mời quí độc giả theo dõi bài viết được lấy từ
trang UCAN.
..................
Tuy nhiên, tôi rất thường thấy mình đang ở trong tình cảnh
đau khổ – như nhiều người ở các hàng ghế bên cạnh tôi – vì linh mục luôn không
thể có được bài giảng truyền cảm hứng sâu sắc nào. Người Công giáo Bangladesh
ngày càng bất mãn về chất lượng bài giảng trong Thánh Lễ, khiến việc tham dự
Thánh Lễ trở thành gánh nặng thay vì niềm vui.
Ngày nay các bài giảng kể đi kể lại các câu chuyện trong Tin Mừng hay những ý tưởng ngẫu hứng nào đó của linh mục. Như thế không những là
không chuyên nghiệp mà còn không chu toàn một trong những bổn phận chính của
người mục tử trong Giáo hội.
Họ không noi gương Chúa Giêsu chăm lo cho đám đông nghèo,
đói mệt đi theo ngài từ trên núi xuống biển để nghe ngài giảng dạy. Các linh
mục của chúng ta không còn là nguồn cảm hứng trong khi cố gắng cung cấp lương
thực dưỡng nuôi linh hồn cho những người hết sức cần được nuôi dưỡng.
Tôi cảm thấy tội cho mình, nhưng tội cho những người khác
hơn, những người cố gắng hết mình dành thời gian trong ngày để đi lễ trước hay
sau giờ làm việc, và vào Chủ nhật – ngày làm việc ở quốc gia đa số Hồi giáo
Bangladesh.
Linh mục nên dùng bài giảng làm công cụ cắt nghĩa Tin Mừng
cho cộng đoàn một cách rõ ràng và cụ thể. Giáo dân không phải người trừu tượng.
Họ là người bằng xương bằng thịt, có vui có buồn thật sự, và tìm câu trả lời
thành thật cho những câu hỏi nghiêm túc mà tín hữu mọi thời đại đều muốn biết.
Tại sao những điều xấu lại xảy ra cho người tốt? Tại sao sự
dữ dường như chiếm ưu thế hơn điều thiện?
Nếu bác sĩ không thể kê đơn thuốc đúng hay điều trị tốt cho
bệnh nhân, danh tiếng sẽ bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ bỏ đi nơi khác và bác sĩ
thậm chí có thể chịu hậu quả pháp lý.
Dĩ nhiên, đây không phải là trường hợp của linh mục. Đa số
người Công Giáo vẫn tận tâm và hy vọng mọi chuyện sẽ cải thiện. Họ tiếp tục
chịu đựng lối giảng thuyết nhàm chán nhưng không cố gắng đương đầu với vấn đề
này bằng cách yêu cầu cải thiện.
Qua nhiều năm tham dự Thánh lễ, tôi phát hiện hai nguyên
nhân chính của vấn đề thuyết giảng tồi.
Thứ nhất, nhiều
linh mục dường như cảm thấy những gì họ được dạy cách đây nhiều thập niên trong
chủng viện vẫn còn thích hợp. Họ làm ngơ trước những diễn biến quan trọng về
thần học và thuật giảng thuyết, hay những thay đổi và thách thức của cuộc sống
hiện đại.
Thứ hai, họ dường
như dành thời gian xem xét nhu cầu, kinh nghiệm hay quan tâm riêng của mình nhiều
hơn, và sau đó áp đặt lên khán thính giả – trên thực tế là nói cho giáo dân
biết những gì họ quan tâm hơn là trang bị cho giáo dân những hướng dẫn dựa trên
Tin mừng để đối phó với những thách thức trong đời thường.
Các linh mục của chúng ta cần bước xuống khỏi tháp ngà của
mình để nhìn rõ cuộc sống ở nơi các con phố xa xôi, nơi họp chợ và những ngôi
nhà nhỏ bé của Dân Chúa.
Họ nên tìm hiểu cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn của những
người được Thiên Chúa giao cho họ coi sóc. Họ nên tìm hiểu thế giới và mong
muốn giải thích thật hay cách mà Tin mừng vẫn còn đủ khả năng giải quyết mọi
khủng hoảng trong một thời đại có nhiều khủng hoảng. Họ nên nhiệt tình giúp đàn
chiên tìm câu trả lời cho những câu hỏi ngày càng phức tạp.
Tôi không có ý nói tất cả các linh mục phải đạt đến mức hoa
mỹ như các nhà hùng biện nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng ít ra
cũng có được sự khiêm tốn và bác ái của Thánh John Marie Vianney, bổn mạng của
các linh mục quản xứ.
Linh mục là người hòa giải giữa Thiên Chúa và
dân Ngài. Vai trò của họ là chuyển tải sự kỳ diệu và niềm vui của đức tin và
tình yêu sâu sắc giữa Thiên Chúa và tạo vật Ngài sáng tạo.
Vì thế họ nên luôn quan tâm đến trách nhiệm lớn lao của chức
vụ này và nhớ rằng Thánh lễ không phải là nghi thức cứng nhắc, mà là sự nuôi
dưỡng đàn chiên đói khổ rất cần hướng dẫn hữu ích, có am hiểu và thực tế.
Nguồn: Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình