"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)
Ai là người thân cận của tôi hay tôi là người thân cận của ai?
Khi một luật sư hỏi câu gì, thì ông đã biết câu trả lời phải làm sao. Khi một luật sư hỏi bên bị, bên nguyên, ngay cả hỏi quan toà, thì ông đã tiên liệu trước câu trả lời. Nếu người được hỏi trả lời thế này, sẽ bắt bẻ thế này. Nếu trả lời ngược lại, sẽ bắt bẻ thế kia. Đối với một luật sư, họ không bao giờ hỏi một câu mà họ không biết chắc câu trả lời.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng có luật sư, mà Kinh Thánh gọi là luật sĩ, là thầy thông luật. Thầy sẽ hỏi và người được (bị) hỏi là Thầy Giêsu. Câu hỏi 1 của ông xuôi chảy, dẫu là để thử Chúa:
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp (nhưng là hỏi): "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
Vậy là ông hỏi Chúa, và ông cũng biết câu trả lời, nên khi Chúa hỏi lại, ông trả lời vanh vách. Nhưng khi Chúa khen, ông bị quê, nên phải hỏi một câu nữa cho ra nhẽ là thông luật. Sách Tin Mừng ghi: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng (và đây là câu hỏi 2): "Nhưng ai là người thân cận của tôi?"
Và khi hỏi câu đó, ông cũng biết tỏng câu trả lời: Người thân cận của tôi là người Do Thái chứ ai! Theo truyền thống Do Thái, người thân cận, làng xóm được định nghĩa như là: những người con trai của riêng xứ bạn. Tức là, người làng xóm láng giềng : không phải là tôi nhà số 12 Trần Phú, người hàng xóm sẽ là số 14 hoặc 16. Không phải. Kẻ ở thiệt xa, tôi Nhatrang họ Thái Bình, nhưng sẽ là làng xóm, láng giềng thân cận nếu họ cùng dân tộc. Người ở sát vách, mà là dân tộc khác, họ chẳng phải là láng giềng, lân cận.
Hãy yêu người lân cận như chính mình. Luật dạy thế. Vậy ai là người lân cận, chòm xóm. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của luật sư, mà kể ra một dụ ngôn gây sốc, dụ ngôn người Samaritano nhân lành, mà đối với người Do Thái, bất kể người Samaritano nào cũng đáng ghét cả. Họ ở xa cũng đáng ghét, họ ở gần càng đáng ghét hơn.
Kết dụ ngôn sẽ là một câu hỏi ngược lại cho nhà thông luật kia: "Vậy ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người ngoại Samaritano), ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Khi ông luật sĩ muốn biết rõ định nghĩa của hai chữ “thân cận”, tức “đối tượng” yêu mến thì Đức Giêsu lại cho ông hay về “chủ thể” của lòng mến yêu, tức người yêu thương, chứ không phải kẻ được yêu thương. Thay vì hỏi : ai là người thân cận, Chúa Giêsu chuyển qua câu hỏi: tôi là người thân cận của ai.
Người Samari là kẻ thi thố lòng yêu thương cho tha nhân, bất kể người đó là ai: Tây, Tàu, Nhật Bản, Do Thái hay Hy Lạp, Ả Rập. Bởi vì ông là người thân cận rồi, thì ông chẳng cần tìm hiểu xem ai là người thân cận để chỉ yêu người thân cận mà thôi. Thầy thông luật đã đặt sai câu hỏi. Ông muốn giới hạn lòng yêu mến: Xin Thầy chỉ cho tôi chính xác phải yêu mến tới đâu, người nào? Chúa Giêsu trả lời: Đừng hỏi thế, mà nên hỏi: Tôi phải yêu mến thế nào? Tới đâu là giới hạn.
Trong một buổi học ở Manila, 1995, các học viên được giảng viên yêu cầu mỗi người làm một thực tập nhỏ là lấy một tờ giấy lớn và ghi tên tất cả những người thân của mình, những người mà mình yêu thương đến độ có thể hy sinh mạng sống vì những người ấy. Ai nấy chăm chú suy nghĩ và cắm cúi viết. Một học viên người Việt sau giờ học tâm sự: “Thấy người ta ghi, tôi cũng ghi. Nhưng rất nhanh, tôi nhận ra rằng danh sách những người thân của tôi, những người mà tôi thương yêu hơn cả bản thân mình đến mức tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì những người ấy thì rất ngắn! Vì ngoài mẹ tôi, vợ tôi và hai con tôi, tôi không dám ghi thêm tên một người nào khác nữa, vì tôi không chắc là mình đã yêu thương những người ấy đến độ có thể hy sinh mạng sống cho một ai trong họ.
Tôi phải thú nhận rằng: dù giảng viên không yêu cầu chúng tôi nộp danh sách, cũng không yêu cầu học viên nói lên số người được ghi trong tờ giấy của mình nhưng riêng tôi, tôi rất xấu hổ: xấu hổ với Chúa và xấu hổ với chính mình. Vì người thân cận quá ít.”
Ấy vậy mà trong cuộc sống, người thân cận lại quá nhiều để mình phải yêu thương. Nói cách khác, vì tôi là người thân cận rồi, nên chẳng cần tìm ai là người thân cận để yêu thương nữa, mà là cứ yêu thương bất cứ ai.
Tại một giao lộ, một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường. Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Cô ta cũng đợi để sang đường. Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc vì nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó.
Đèn báo bật sáng. Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự sang đường. Khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy. Bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô. Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà.
Nhưng bà đã để cô đi qua. Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không. Chẳng khác gì thầy tư tế và Lêvi đi ngang qua và chạy nhanh khi gặp người bị cướp đánh cho nhừ tử.
Cho nên, nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà luôn luôn tự hỏi, "Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, 'Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?' Mình đã không làm vậy. Mình bước đi. Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò. Nhưng có sao đâu! Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô. Nhưng mình đã bỏ đi. Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện."
Hằng ngày chúng ta gặp những biết bao nhiêu người không bị đánh nhừ tử nơi thân xác, nhưng nơi tâm hồn. Chúa Kitô muốn chúng ta giúp đỡ không những người đau đớn thể xác, mà cả những kẻ đau khổ nơi tâm hồn. Giáo Hội của Chúa cũng dạy "thương người có 14 mối, thương xác 7 mối", mà thương linh hồn cũng 7 mối: "lấy lời lành khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết."
Ta có thể nói theo ngôn ngữ thông thường hơn về việc "thương người 7 mối" mặt tâm hồn: Làm thế nào? Ta có thể có 3 cái cho sau đây
- Một nụ cười chân thành. Mẹ Têrêxa Calcutta thường khuyên như thế, dù mẹ cười không đẹp, nhưng lòng thành của mẹ chẳng ai lại không thấy. Bao vết thương có thể lành miệng, nhờ ta mở miệng nở nụ cười.
- Một lời chào vui vẻ. Sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn. Lời chào lời thăm hỏi trực tiếp khi tiếp xúc mà cũng có thể qua phương tiện truyền thông như thư từ, điện thoại, email tất cả đều có sức chữa lành.
- Một lời cảm ơn nồng nàn. Nó có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Bạn hãy cố gắng cám ơn bác tài xế, người phu hốt rác, người phát thư và bạn cũng cần cám ơn những người trong gia đình bạn. Thầy cô giáo bạn, người chiêu đãi và cả người thợ cạo râu hớt tóc.
Quả thật, con đường từ Giêrusalem xuống Yêricô, trên đó kẻ cướp để nạn nhân nửa sống nửa chết, trên đó người Samatitanô nhân hậu đã chăm sóc nạn nhân, con đường đó khởi sự từ nhà thờ này, từ cửa nhà thờ tới nhà bạn, tới bàn giấy, tới xưởng thợ, tới nơi làm việc, tới lớp học của bạn. Dọc theo con đường ấy, có biết bao người bị thương nặng, nhẹ trong tâm hồn, hãy dừng lại và tiếp giúp họ. Nói vài lời, nở nụ cười, làm một việc để giúp đỡ.
Hãy là người thân cận của mọi người chứ không phải tìm ai là người thân cận để yêu mến một mình người đó không thôi, như ông luật sĩ nọ.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm