"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ba bước thực hành lòng thương xót


Thực hành lòng thương xót là việc chúng ta cần làm trong suốt cuộc đời. Vì đây là một trong những mối phúc mà Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ, sống: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện lòng xót thương cách thiết thực đối với mọi người. Vì thế, trong bài viết ngắn này, xin đề nghị ba bước thực hành lòng thương xót: cảm xúc, thấu cảm và hành động. Lòng thương xót thực sự phải hội đủ ba yếu tố này. 

Làm sao có được hành động chứng tỏ lòng thương xót thực sự nếu không thấu cảm tình cảnh của tha nhân? Và làm sao thấu cảm được tình cảnh của tha nhân nếu không biết trân trọng những thông điệp mà cảm xúc ban đầu đem lại?

* Cảm xúc:

Đứng trước bất cứ một thực tại nào, phản ứng đầu tiên của con người là bộc lộ cảm xúc. Nó được hiểu như phần bề mặt cạn cợt và hời hợt, đồng thời, nó truyền tải một thông điệp chóng qua về một người hay một sự việc đã tác động cách nào đó đến bản thân. Có người cho rằng đây chỉ là loại hình thức bề ngoài giả tạo chẳng đáng người khác quan tâm. Nhưng thực ra, nó đóng vai trò không thể thiếu trong một tiến trình dẫn đến thực hành lòng thương xót.

Chẳng hạn, khi đứng trước đau khổ của người đồng loại, chúng ta cảm thấy xúc động mạnh mẽ, muốn làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của họ. Xúc động này được thánh Toma Aquino giải thích từ sự bất toàn của hữu thể, nghĩa là tôi cảm nhận một sự thiếu thốn nào đó trong mình nên cũng dễ thông cảm với những nỗi đau của người khác. Xét dưới một góc độ khác, cảm xúc hay xúc động ban đầu ấy là biểu hiện cụ thể của “mầm thiện” mà Thiên Chúa đã đặt để vào lòng người để con người có thể tương giao với mọi người bằng tình yêu và lòng xót thương. Dù xét theo phương diện nào, tự thân cảm xúc ấy là một biểu hiện thiết thực trong đời sống: vui với người vui, khóc với người khóc là thế!

Thực tế cho thấy, đôi khi có thái độ cẩn trọng hay do vì những gian dối trong đời thường mà con người bỏ qua hoặc phủ nhận những biểu hiện ấy khiến dần dà trở nên dửng dưng trước mọi nỗi thống khổ của con người. Có những người bảo: làm ơn mắc oán, và từ đó, họ đã có thể gạt bỏ tiếng nói bên trong mời gọi họ thi thố lòng thương xót. Bởi đó, chỉ có những người thực sự can đảm mới khả dĩ biểu thị lòng thương xót trong một xã hội nhiễu nhương như hiện nay. Như người Samaritanô nhân hậu, chúng ta cần “chạnh lòng thương” khi đối diện với đau khổ của đồng loại, đến nỗi không phân biệt người đó là nam hay nữ, là lương hay giáo…mà xuống lừa, ra khỏi sự an toàn của bản thân để đến bên người bất hạnh kia; mặc dù, có thể biết rằng mình bị thiệt thòi cách nào đó. 

Lòng thương xót phải là sức mạnh giúp ta vượt thắng mọi trở ngại dọc đường. Thiết tưởng, đó cũng là tâm tình Đức Phanxicô mời gọi mọi người khi nói: “Tôi muốn có một Hội Thánh, bị tổn thương và nhơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49). Qua đó, chúng ta nhận ra chỉ những người đã từng bị tổn thương và nhơ bẩn mới dễ dàng đồng cảm với nỗi thống khổ của tha nhân, đồng thời, thấu hiểu khát vọng được chữa lành nơi người bất hạnh.

Làm sao chúng ta có thể thực thi lòng thương xót khi ngoảnh mặt làm ngơ bỏ mặc người kia dở sống dở chết? Chúng ta có thể nhân danh một thứ luật thanh sạch nào đó để bỏ qua một tác động của lòng thương xót. Hoặc nhân danh một sự an toàn bản thân giả tạo nào đó mà chúng ta đã loại người anh em ra khỏi cuộc đời mình. Thật ra, những xúc động và cảm xúc ban đầu là cửa ngỏ mở ra cho một tương quan tốt đẹp và sâu xa đối với nỗi bất hạnh của người khác. Nhưng nếu dừng lại ở bước đầu này, con người chỉ làm thỏa mãn nhất thời một thứ tình cảm ủy mị, nó thực tế nhưng không hiệu quả, nếu không muốn nói là đôi khi phản tác dụng và lệch với ý hướng tốt đẹp ban đầu. Điều cần thiết lúc này là tiếp cận trực tiếp với thực tại quanh ta.

* Thấu cảm:

Nó được hiểu là sự nhận thức đúng đắn về thực tại mình đang sống. Thật thế, nếu như đặc tính của muối là sát khuẩn nhưng khi được dùng vào việc chà xát vết thương hở thì càng làm cho đương sự cảm thấy đau xót hơn. Cũng vậy, nếu chúng ta hành động nóng vội khi chưa tiếp cận và hiểu biết thực sự về tình trạng của người khác, chúng ta có thể làm họ tổn thương hơn. Bởi đó, thấu cảm là một khả năng siêu việt có sức mạnh nội tại đi vào tận bên trong những tâm tình sâu kín đang ẩn khuất tự lòng người. Một người thấu cảm có thể sống nỗi đau của người khác như một vết thương của lòng mình bằng cách để cho huyền nhiệm của người khác đi vào cuộc đời mình.

Chuyện kể rằng một vị linh mục kia đã đi đến an ủi một người giáo dân vừa mất chồng trong một vụ tai nạn. Sau khi nghe những lời “huấn giáo” của vị mục tử, bà nhìn thẳng vào ngài và nói: “Cha có phải là con không mà có thể khuyên bảo và an ủi một kẻ mất chồng?”. Vị linh mục tỉnh ngộ và nhận thức rằng mình chỉ khuyên trên lý thuyết và sách vở mà không ăn nhập gì với nỗi đau của người kia. Thấu cảm đòi buộc một thái độ lắng nghe chân thành mà vị linh mục kia quên sót.

Làm sao chúng ta có thể thấu cảm nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác? Cần bước đi bằng chính đôi giầy của họ. Bởi đó, một khi không nhận thức đủ về thực tại đau thương của người khác mà mình đang đối diện, có thể khiến cho tình trạng của họ thêm trầm trọng chăng! Có ý hướng ngay lành chưa đủ, cần một con tim biết lắng nghe.

Điều này chúng ta có thể tìm câu trả lời nơi Đức Maria. Trong lúc chủ tiệc cưới tại Cana muốn che giấu nỗi lo lắng và xấu hổ vì phải chịu cảnh hết rượu, Mẹ Maria đã tinh tế nhận ra những thao thức của họ mà xin Chúa Giêsu trợ giúp. Thật vậy, một con tim biết lắng nghe bao hàm một tâm hồn nhạy cảm, chấp nhận đi vào cuộc đời người khác mà không làm họ tổn thương. Chính khi đã thấu cảm nỗi thiếu thốn của người đồng loại, Mẹ biết mình cần phải làm gì. Và một khi nhận ra sự bất lực ấy, Mẹ chạy đến với Chúa Giêsu.

* Hành động:

Hành động là hệ quả tất nhiên của một tâm hồn thấu cảm. Với kinh nghiệm đã được chữa lành, họ biết cách làm cho người khác sống vững mạnh hơn. Với óc quan sát thực tiễn, họ có thể thực thi lòng thương xót trong tinh thần phục vụ và yêu thương. Như người Samaritanô tốt lành, sau khi đã thấu cảm về những gì người bất hạnh gánh chịu, ông lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại; đồng thời, đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc, hơn thế nữa, ông sẵn sàng chấp nhận mọi tốn kém miễn sao cho người kia được chữa lành (x. Lc 10, 29-37). Cái giá của lòng thương xót không chỉ mua bằng tiền mà còn cả lòng quảng đại cho đi bất chấp sự phiền toái đến với bản thân mình. Khi thực thi lòng thương xót, đôi khi người ta phải đình hoãn những dự phóng của bản thân mình để có thể cúi xuống những mảnh đời bất hạnh. Tương lai phó thác cho lòng thương xót Chúa, hiện tại họ sống lòng thương xót với người anh em. Họ sẽ nhận được gì? Thưa: lời chúc phúc của Chúa: "Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương."

Nhìn chung, ba bước thực hiện lòng thương xót ấy được cụ thể nơi cuộc đời mẹ Têrêsa Calcutta. Vào một ngày đẹp trời, khi ra khỏi tu viện, Mẹ đã xúc động trước nỗi thống khổ của những người bất hạnh trong khu ổ chuột tại Calcutta. Mẹ thấu cảm được nỗi cô đơn của họ khi cái chết gần kề, rình rập cướp đi sự sống và phẩm giá của họ. Mẹ nhận thức rằng họ muốn chết với cái chết của một con người đáng được tôn trọng. Lời Chúa: "Ta khát!", cứ ám ảnh Mẹ suốt ngày đêm khiến người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã quyết định hết sức táo bạo: chấp nhận ra khỏi sự an toàn của bốn bức tường tu viện để phục vụ những người bất hạnh ở đây. 

Và ước nguyện của Mẹ đã được đón nhận khi một người trong họ chết đi với lời nhắn gởi: "Cám ơn Mẹ đã cho tôi chết cái chết của một con người". Rồi Mẹ cũng đã ra đi, nhưng nghĩa cử ấy lại được nhân rộng qua những tâm hồn quảng đại khác ở khắp nơi trên toàn thế giới. Qua đó, Mẹ như muốn nói với nhân loại: Lòng thương xót không phải thực hiện tùy hứng nhưng nó phải trở thành ơn gọi, ơn gọi thực thi lòng thương xót, nghĩa là con người không thể sống nếu không thi thố lòng xót thương.

Eymard An Mai Đỗ, O.Cist.