BẢN CHẤT
Hôm nay chúng ta sẽ trình bày tội bỏ vạ cáo gian. Vậy bỏ vạ là gì?
Cáo gian là gì?
Trước hết, bỏ vạ là không tôn trọng sự thật, có nói không,
không nói có, vu khống một cách công khai với mục đích làm hại đối phương.
Tiếp đến, cáo gian là vu khống trước tòa án, mượn luật pháp
xác nhận cho những điều mình thêu dệt, bịa đặt, để đối phương bị thiệt hại.
Nạn nhân của sự bỏ vạ cáo gian, chúng ta thấy đầy dẫy, ở mọi nơi và trong mọi lúc, từ Chúa Giêsu, Giáo Hội đến cá nhân mỗi người chúng ta.
- Ai trong các ngươi có thể thấy được một tội nào nơi Ta.
Hay như thánh Phaolô đã xác quyết:
- Đức Kitô đã trở nên một người như chúng ta, ngoại trừ tội
lỗi.
Thế nhưng, bọn biệt phái luôn rình rập, soi mói, để rồi bỏ
vạ cáo gian Ngài đủ mọi thứ tội: nào lộng ngôn phạm thượng, nào không tuân giữ
ngày nghỉ lễ, nào xúi dân nổi loạn, nào không nộp thuế cho chính quyền…
Mặc dầu Philatô đã tuyên bố:
- Tôi không thấy ông này có tội lỗi chi.
Nhưng dưới áp lực nặng nề của bọn biệt phái, Philatô đã phó
mặc Chúa Giêsu cho chúng đem đi đóng đinh vào thập giá.
Thứ đến là hãy nhìn vào đời sống Giáo Hội. Thực vậy, suốt ba
thế kỷ đầu, Giáo Hội đã bị bách hại, đã bị cấm cách do các bạo vương La mã. Mỗi
khi mất mùa, dịch tễ, hạn hán, bão lụt, động đất…là người ta lập tức gán cho
các Kitô hữu là nguyên nhân sinh ra những tai họa ấy, để rồi từ đó, ra sắc chỉ
tận diệt.
Lịch sử còn để lại những chứng tích rõ ràng, chẳng hạn bạo
vương Nêron, muốn chỉnh trang lại thành phố Rôma, đã ngầm sai người đốt cháy,
gây nên một cuộc hỏa hoạn lớn, rồi vu cho những Kitô hữu là thủ phạm. Kết quả
là một cuộc bách hại gay gắt và đẫm máu nhất đã xảy ra.
Giáo Hội Việt Nam cũng thế, suốt ba trăm năm cấm cách dưới
thời các vua nhà Nguyễn: Minh mạng, Thiệu trị, Tự đức…Người công giáo đã bị gán
cho những tội như: phản quốc, theo tây, đi với thực dân, không tôn trọng thánh
hiền và những tâp tục của cha ông…Đó chỉ là những hình thức chụp mũ mà các vua
chúa thời xưa đã dùng để rồi ra lệnh tróc nã người Công giáo Việt Nam.
Sau cùng, hãy nhìn vào đời sống cá nhân. Trong Kinh thánh,
chúng ta thấy không thiếu những mẩu chuyện nho nhỏ cho vấn đề này.
Chẳng hạn như chuyến tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Sau khi bị
bán sang Ai cập, ông đã phải đi ở đợ cho quan Putiphar. Nhân lúc quan ông đi
vắng, quan bà rất muốn được ăn dở với ông, nhưng Guise đã từ chối thẳng thừng.
Bực tức, quan bà đã tố cáo Giuse là đã cưỡng bức bà, để rồi Giuse bị tống ngục.
Chẳng hạn như chuyện bà Suzana bị hai lão quan án già dở trò
hãm hiếp, nhưng bà cứ một mực cự tuyệt. Thấy chuyện không thành, hai lão già
liền vu khống cho bà đã phạm tội ngoại tình với một chàng trai lạ mặt, để rồi
kết án và ra lệnh ném đá bà. Nhưng may thay, bà đã được cậu bé Danien cứu thoát.
Ngay trong lãnh vực đời sống thường ngày, chúng ta cũng đã
từng chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp đau buồn xảy ra.
Cách đây không lâu có một nữ sinh trẻ đẹp đã nhảy xuống sông
tự tử, làm xôn xao dư luận trong nước. Lý do thật đơn giản. Số là có một chàng
thanh niên, thầm yêu nhớ trộm cô ta, nhưng bị cô ta chối từ. Giận cá chém thớt,
không được ăn thì đạp đổ. Anh chàng đã tung tin, phao cho cô ta là đã quan hệ
trên mức tình cảm cho phép đối với mình…
Và thế là cô ta liền bị mọi người nhìn bằng cặp mắt khinh
bỉ. Chịu không nổi sự khinh bỉ ấy, cô ta đã gieo mình xuống giòng nước tự tử để
minh chứng cho lòng trong trắng của mình.
Rất có thể vì những bất đồng, những thù oán nho nhỏ, chúng
ta đã lôi nhau ra tòa và dùng mọi mánh lới, mọi thủ đoạn, mọi cách thức, dù là
bịa đặt, thêu dệt và bóp méo sự thật miễn sao mình thắng cuộc và đè bẹp được
đối phương.
TÍNH CÁCH NẶNG NỀ
Luật pháp các quốc gia đã trừng phạt nặng nề những kẻ bỏ vạ
cáo gian. Vua Titus của đế quốc La mã đã truyền đánh đòn những kẻ có thói quen
bỏ vạ cáo gian, rồi sau đó đem bán họ đi làm nô lệ.
Dân Sarasin có luật chẻ làm đôi, từ trên xuống dưới, từ đầu
tới chân, những kẻ vu oan cho người khác.
Tại Ba lan, những kẻ bỏ vạ cáo gian sẽ phải chui rúc dưới
gậm giường, cũng như dưới bàn ăn. Nếu như luật này được phổ biến và thi hành ở
mọi nơi, thì chắc hẳn có rất nhiều người phải sống như những con chó.
Đối với người Kitô hữu, thì nói hành nói xấu cũng như bỏ vạ
cáo gian là tội lỗi điều răn thứ tám. Nặng hay nhẹ còn tùy theo điều mình nói
và những hậu quả gây ra. Đây là một tội lỗi đức bác ái đã đành, mà còn là một
tội lỗi đức công bằng.
Lỗi đức bác ái vì nó làm sứt mẻ tình yêu thương, gây nên bất
bình, cãi cọ, chửi bới, đánh lộn và thù oán… Trong khi người đời chủ trương: mắt
đền mắt, răng thế răng, ân đền oán trả, thì Chúa Giêsu lại dạy chúng ta: hãy
tha thứ cho kẻ thù và yêu thương những kẻ làm khốn mình. Có nghĩa là Ngài bảo
chúng ta phải lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Ngoài ra đó còn là một tội lỗi đức công bằng vì chúng ta làm
mất đi danh dự và uy tín của người khác. Thực vậy, danh dự và uy tín là một cái
gì quí giá nhất của con người. Thà rằng mất tiền bạc còn hơn là mất danh thơm.
Thà rằng bị đau yếu bệnh tật còn hơn là mất tiếng tốt. Dù có phải chết, người
ta cũng sẵn sàng, miễn sao bảo vệ được danh dự và uy tín của mình.
Lỗi đức công bằng, thì xưng tội mà thôi chưa đủ, chúng ta
còn có bổn phận phải đền bù. Lỗi đức công bằng về vật chất, chúng ta đền trả
tương đối dễ dàng, chứ còn lỗi đức công bằng về danh dự uy tín của người khác,
làm sao chúng ta có thể đền bù cho được vì như người xưa đã bảo:
- Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy, có nghĩa là một lời
nói ra khỏi miệng, bốn ngựa đuổi theo cũng khó mà kịp.
Nắm lông vịt được tung lên trong gió, làm sao chúng ta lượm
lại cho hết. Làm sao chúng ta có thể thanh minh, thanh nga để phục hồi danh dự
và uy tín cho họ được.
THỰC HÀNH
Ngôn ngữ và lời nói là dụng cụ Chúa ban để chúng ta truyền
đạt tư tưởng và ý nghĩ cho người khác. Bởi đó, phải thận trọng, đắn đo, cân
nhắc như người xưa đã dạy:
- Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.
Trước hết, hãy dùng những lời nói ôn tồn và thành thực để an
ủi và khích lệï lẫn nhau, hầu tạo được một bàu khí hòa thuận và bắc được một
nhịp cầu cảm thông, vì:
- Lời nói chẳng mất tiền mua,
liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tiếp đến, phải cố gắng tránh đi những lời nói dèm pha hạ
nhục uy tín của người khác, những lời nói điêu ngoa xảo trá không tôn trọg sự
thật, như Chúa Giêsu đã dạy:
- Có nói có, không nói không, thêm ra bớt vào là do ma quỉ.
Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến sự vu oan, bỏ vạ và tố cáo lẫn
nhau. Trong sách Giáo lý Công giáo về điều răn thứ tám có câu:
H. Ta phải tôn trọng danh giá người khác thế nào?
T. Ta phải nghĩ tốt cho mọi người, không nên nói xấu ai và
khi không có luật lệ hay công ích đòi buộc, thì không được tố cáo điều lỗi của
người khác.
Đó là mới nói về những điều lỗi của người khác, chứ chưa đề
cập đến sự vu oan cho nhau, trắng nói thành đen, đen nói thànhtrắng. Có nói
thành không, không nói thành có.
Rất có thể những lời vu khống của chúng ta làm cho người
khác bị thân bại danh liệt, danh dự bị tiêu ma, tài sản bị sụp đổ và bản thân
thì bị tù tội. Mặc dù thắng được người ta trước pháp luật hay tòa án phần đời,
nhưng trước mặt Thiên Chúa và tòa án lương tâm, chúng ta sẽ bị trừng phạt, sẽ
bị dày vò cắn rứt, bởi vì chúng ta không thể nào che dấu được trước cái nhìn
của Thiên Chúa. Ngoài việc xưng tội, chúng ta còn có bổn phận phải đền bù những
thiệt hại về danh dự cũng như về vật chất do những lời vu oan của chúng ta gây
nên, bởi vì đó là một hành động sai lỗi đức công bằng.
Bởi đó, để dập tắt ngọn lửa thù hận, đứng trước những xích
mích giữa hai cá nhân, giữa hai gia đình, giữa hai dòng họ…chúng ta hãy bình
tĩnh và sáng suốt tìm hiểu sự thật một cách khách quan để xem mình lỗi hay
người ta lỗi. Sau đó, chính mình hay nhờ người khác giúp đỡ để đi tới chỗ hòa
giải.
Đừng vội nóng nảy đâm đơn này đơn khác, để rồi cả hai cùng
vác chiếu ra hầu tòa vì:
- Bên thẳng thì bên phải chùng, hai bên đều thẳng thì cùng đứt giây.
Bao lâu còn nước thì còn tát. Đừng quan trọng hóa vấn đề,
nhất là đừng bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ, cái bé xé ra to, để rồi cạn tàu
ráo máng với nhau và thù oán cứ kéo dài thêm mãi.
Nếu chúng ta có bị thiệt hại đôi chút, thì cũng hãy sẵn lòng
bỏ qua và tha thứ cho nhau. Để chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa và là môn
đệ Đức Kitô. Còn nếu không biết tha thứ thì chắc chắn chúng ta chỉ là một hạng
vô đạo và gian dối mà thôi.
Để kết luận, tôi xin kể lại nơi đây vở kịch của Albert
Thompson. Vở kịch ấy như thế này:
Sau khi Đức quốc xã bị sụp đổ, quân đội đồng mình đi lục
soát trong các trại tập trung và gặp được một quả phụ còn sống sót. Chồng bà là
một người Do thái đã trở lại Công giáo và đã bị thủ tiêu. Bà cũng biết được
rằng lúc phải đứng trước những họng súng thù hận, chồng bà đã cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ.
Nhưng người con trai thì khác. Nộ khí nổi lên bừng bừng. Anh
đã giật được một khẩu súng và bắn vào đám mật vụ, khiến cho một người bị thương
nặng. Và chàng mật vụ này, lúc hấp hối trong bệnh viện đã mời bà quả phụ đến và
cả hai cùng đọc một kinh Lạy Cha:
- Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con.
Tấm bi kịch này được trình diễn rất nhiều lần, đã gặt hái
được những thành công rực rỡ và đã tạo được một xúc động sâu xa cho người xem.
Thế nhưng, trong một lần trình diễn, khi tới lúc đọc kinh
Lạy Cha để kết thúc, thì diễn viên thủ vai chàng mật vụ đang hấp hối đột nhiên
ngừng lại, không đọc tiếp câu:
- Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con.
Rồi bỗng chàng chỗi dậy, xua tay và nói lớn:
- Đóng kịch, đóng kịch hết, tất cả đều là đóng kịch mà thôi.
Phải, nếu chúng ta không biết yêu thương và tha thứ cho
nhau, thì chúng ta chỉ là những kẻ gian dối, đóng kịch trong cuộc đời khi chúng
ta cùng nhau đọc lời kinh Chúa dạy:
- Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con.
TÓM LƯỢC
BẢN CHẤT
Bỏ vạ là không tôn trọng sự thật, vu khống một cách công
khai với mục đích làm hại đối phương. Còn cáo gian là vu khống trước tòa án,
mượn pháp luật để xác nhận những điều mình thêu dệt để đối phuong bị thiệt hại.
Trong lịch sử cũng như trong cuộc sống, chúng ta thấy chính Chúa
Giêsu, Giáo Hội và rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của sự bỏ vạ cáo gian.
Trong số đó, biết đâu có cả chính chúng ta.
TÍNH CÁCH NẶNG NỀ
Bỏ vạ cáo gian không phải chì là một tội lỗi đức bác ái vi
làm sứt mẻ tình yêu thương mà còn là một tội sai lỗi đức công bằng. Lỗi đức
công bằng thì xưng tội mà thôi chưa đủ, chúng ta còn có bổn phận phải đền trả
về vật chất cũng như về danh dự do hậu quả những lời vu khống gây nên. Đền trả
về vật chất tương đối dễ, còn đền trả về danh dự thì làm sao chúng ta có thể
thực hiện nổi vì lời nói của chúng ta được truyền từ người này đến người khác.
THỰC HÀNH
Hãy thận trọng đắn đo trong lời nói để có được nhưng lời nói
ôn tồn thành thực, hầu khích lệ an ủi lẫn nhau, nhờ đó tạo được một bàu khí cảm
thông, đồng thời hãy tránh xa những lời nói dèm pha hạ nhục uy tín người khác,
nhất là những lời nói bỏ vạ cáo gian, gây nên những hậu quả nghiệt ngã cho họ
mà chúng ta khó có thể đền trả được.
Thanh Nhiên
Nguồn: Giáo dục Công Giáo