[Phỏng theo Joseph Doré, “L’ouvrage d’un théologien
Pape”,Documentation catholique, n. 2382 (17 juin 2007), trang 570-579].
1. Tác giả của tập sách là Joseph Ratzinger – Bênêđictô
XVI, sinh năm 1927 tại Vavière (Đức). Trong những năm 50, ngài đã từng là giáo
sư thần học đại cương tại Bonn, rồi giáo sư thần học tín lý tại Munster,
Tubingen và Ratisbonne. Ngài cũng là chuyên viên của Công đồng Vatican II. Chịu
ảnh hưởng sâu đậm của Thánh Augustin và Thánh Bonaventure, thần học của Joseph
Ratzinger chú tâm nhiều đến lịch sử và không ngần ngại dấn thân vào trong các
tranh luận, nhất là về đề tài đức tin trong một thế giới đã bị tục hoá. Vì thế
tác giả đã đặc biệt theo dõi tất cả những tiến bộ cũng như những sai lệch của
cuộc tìm kiếm lịch sử tính của con người Giêsu, một cuộc tìm kiếm
phát triển mạnh trong giới thần học gia Tin Lành lẫn Công Giáo vào hậu thế kỷ
thứ 20.
Chúng ta sẽ trả lời đầy đủ cho câu hỏi này ở phần sau, nhưng
cần lưu ý ngay: cho đến nay đây là lần đầu tiên một Giáo Hoàng viết một tác
phẩm chất chứa những suy tư và lập trường cá nhân về thần học và cho độc giả
được tự do phê bình. Như thế, chúng ta sẽ phân tích tác phẩm này vừa theo quan
điểm thần học vừa theo quan điểm mục vụ (như người ta vẫn để cả hai tên ở bìa
sách: Joseph Ratzinger và Bênêđictô XV.
2. Đó là về tác giả. Còn về tác phẩm thì ngay
tựa đề đã là một ngạc nhiên đối với chúng ta: Đức Giêsu thành Nazareth.
Các Giáo Hoàng thường nói về Đức Kitô như trọng tâm của đức tin. Theo
gót thánh Phêrô, các ngài luôn xưng nhận Đức Giêsu là “Đấng Kitô Giêsu” hoặc
“Chúa Giêsu” hay “Chúa Giêsu Kitô”. Đằng này một tựa đề sách trang trọng như
thế mà lại chỉ dùng một danh xưng đơn giản “Giêsu thành Nazareth” („Jesus von
Nazareth“). Vậy tác giả muốn nói gì? Trước hết ngài muốn nói đến một người giữa
muôn người, bằng cái tên mà Tin Mừng cũng như người đương thời gọi người ấy.
Đàng ngài cũng muốn bày tỏ lập trường thần học riêng của mình mà chúng ta sẽ
khảo sát sau. Cuối cùng, dĩ nhiên tác giả không bao giờ quên rằng danh hiệu
“Kitô” đã được các môn đệ và các tín hữu đầu tiên áp dụng cho Đức Giêsu và cũng
chính từ danh xưng đó mà họ mang danh là “kitô hữu”. Do đó chủ đề mà cuốn sách
đề cập đến hoàn toàn mang tính kitô học.
Với những lưu ý trên chúng ta sẽ dần dần khám pha ra phương
pháp (méthode), vấn nạn (problématique) cũng như tiêu chí thần
học (critériologie théologique) mà tác giả đã đặt ra cũng như cố công thực hiện.
Chúng ta sẽ theo dàn bài gồm ba phần (2). Trước hết, tóm tắt nội dung của
cuốn sách xem thử Đức Thánh Cha muốn nói gì, tranh luận với ai, đề nghị điều
gì, để rồi từ đó lẩy ra “chủ ý” của tác giả đồng thời làm sáng tỏ “luận đề”
ngài muốn bảo vệ; tiến đến khảo sát phương pháp tác giả dùng, nghĩa
là ngài đã tiếp cận, đã trình bày quan điểm mình như thế nào; và cuối cùng là uy
thế của tác phẩm cũng như những bài học rút ra từ công trình thần học này.
I. Nội dung
Tác phẩm với tựa đề “Đức Giêsu thành Nazareth” này thật sự
muốn nói gì?
I.1. “Lời nói đầu” và “Dẫn nhập”
Tác phẩm mở ra với “Lời nói đầu” trong đó tác giả chia sẻ lý
do sao ngài đã khởi sự viết cuốn sách này từ mùa hè năm 2003 lúc còn là Hồng y
tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức tin và tại sao ngài lại đeo đuổi việc này ngay cả
khi đã trở thành Giáo Hoàng và đã hoàn tất tập I vào ngày lễ thánh Hiêrônimô,
30 tháng 9 năm 2006. Tập sách khởi đi từ biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông
Giôđan cho đến cuộc Biến hình của Người trên núi Taborê. Tác giả để dành phần
mà ta quen gọi là “Phúc âm thời thơ ấu” cũng như cuộc khổ nạn và phục sinh
trong tập II sẽ hoàn tất sau này.
Sau “Lời nói đầu” là “Dẫn nhập”, tức phần mà tác giả gọi là
“Tổng luận đầu tiên về mầu nhiệm Đức Giêsu”. Phần này rất quan trọng vì cho ta
chìa khoá để hiều tư tưởng của tác giả về nhân vật Giêsu, một nhân vật vượt xa
Môisen, là Môisen mới và Môisen cũ chỉ là hình bóng: Đức Giêsu mới là người vén
màn cho ta thấy khuôn mặt thật của Thiên Chúa, vì Người là Đấng duy nhất đã
chiêm ngắm khuôn mặt đó như Phúc âm Gioan cho thấy: “ Thiên Chúa không ai thấy
bao giời; Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ờ trong cùng lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho ta biết” (cf.Ga 1,18).
I.2. Nội dung
Nhưng Đức Giêsu tỏ cho biết Chúa Cha thế nào? Mười chương
tiếp theo sẽ mang lại câu trả lời. Grosso modo, ta có thẻ chia 10 chương
này thành hai phần.
Phần thứ nhất khởi đầu với đời sống công khai của Đức
Giêsu, tức là Phép Rửa Người chịu tại sông Giođan (chương 1), tiếp đến là các
cám dỗ trong hoang địa (chương 2), trước khi bàn đến lời rao giảng về Nước Thiên
Chúa (chương 3), với trọng tâm là bài giảng Trên Núi, tức Tám mối phúc thật
(chương 4) mà tinh tuý là kinh Lạy Cha (chương 5).
Phần thứ hai cũng gồm 5 chương. Chương 6 bàn về lời kêu
gọi ngỏ với các môn đệ và sứ mệnh của họ; tiếp đến là sứ điệp qua các dụ ngôn
(chương 7), rồi các hình ảnh lớn trong phúc âm theo thánh Gioan như: dòng nước,
cây nho, rượu nho, bánh mì, mục tử (chương 8). Cuối cùng, đi liền sau chương 9
tức chương bàn về “hai biến cố nổi bật trong suốt lộ trình của Đức Giêsu” là
Tuyên Tín của Phêrô và cuộc Biến Hình, chương 10 khép tập I lại với “các lời
khẳng định về chính mình của Đức Giêsu”. Vì tác phẩm chưa có phần kết luận nên
ta có thể xem chương 10 như lời kết. Và như thế là trở lại với xác tín đã nêu
lên trong phần Nhập đề: nội dung của tác phẩm không gì khác hơn là mô tả
hành trình khám pha nơi “Đức Giêsu thành Nazareth” mạc khải đích thực về Thiên
Chúa, bởi vì Đức Giêsu là con Thiên Chúa.
I.3. Quả tim của tác phẩm
Xuyên qua 10 chương của cuốn sách, mỗi chương theo cách thế
riêng đã cố gắng trả lời cho câu hỏi liên quan đến căn tính của Đấng mà tựa đề
của sách đã khoác cho một cái tên thật đơn sơ “Giêsu thành Nazareth”. Nói cách
khác, qua các trang sách, độc giả sẽ dần dần khám phá ra điều có thể gọi là
“quả tim” của tác phẩm, một quả tim mang bốn yếu tố: 1/ tính tập trung vào
bản thân Đức Giêsu, 2/ tínhduy nhất của mối tương quan giữa Đức Giêsu với
Thiên Chúa, 3/ tínhtận căn của câu trả lời Đức Giêsu đã khơi lên trong tâm
hồn các môn đệ, 4/ và sau cùng là căn tính của Đức Giêsu thành Nazareth,
Con Thiên Chúa.
a. Đức Giêsu là trung tâm duy nhất
Hơn cả Rudof Schnackenburg là người đầu tiên và cuối cùng
được trích dẫn trong sách, tác giả mà Joseph Ratzinger tham chiếu nhiều nhất và
có trọng lượng nhất không ai khác ngoài “vị thông thái vĩ đại người Do Thái” có
tên là Jacob Neusmer, đặc biệt trong tác phẩm của ông nhan đề A Rabbi
talks with Jesus, New York, 1993 (tạm dịch: Cuộc trò chuyện tưởng tượng của một
giáo sĩ Do Thái với Đức Giêsu). Sau đây là đoạn văn căn bản được tác giả Joseph
Ratzinger trích dẫn:
“Sau khi đã theo Đức Giêsu
trong suốt cuộc đàm thoại nội tâm trọn ngày với Ngài, Neusmer rút về một thành
phố của người Do Thái để cầu nguyện và nghiền ngẫm kinh Thora cũng
như để đối thoại với vị giáo sĩ Do Thái về những gì ông đã nghe […]” [Vị giáo
sĩ trích dẫn một đoạn kinh Tamuld xứ Babylone và cuộc đối thoại giữa hai người
diễn ra như sau:]
Có phải đó là tất cả
những gì hiền nhân Giêsu đã nói với ông không? “Vị giáo sĩ hỏi Neusmer.
[Neusmer trả lời]: “Không hoàn toàn chính xác như thế nhưng cũng gần gần như
vậy”. [Vị giáo sĩ hỏi thêm]: Thế ông Giêsu đã loại bỏ những gì? [Neusmer trả
lời]: “Không loại bỏ gì cả”. [Vị thầy hỏi lại]: Thế thì ông Giêsu thêm vào điều
gì?” [Neusmer đáp]: “Giêsu!”
Từ đó Joseph Ratzinger chú giải:
“Trọng tâm của sứ điệp Đức Giêsu đã
làm cho người tín hữu Do Thái mang Tên Neusmer khiếp sợ, và lý do khiến ông từ
chối đi theo Đức Giêsu cũng như mãi mãi trung thành làm người tín hữu Do Thái
cũng không gì khác hơn ngoài đặc tính trung tâm của bản thân Đức Giêsu trong sứ
điệp của Ngài. Chính đặc tính ấy tạo nên hướng di mới cho tất cả mọi sự” (tr.
126-127).
Và dĩ nhiên Đức Bênêđictô đã tận dụng mọi cơ hội để làm nổi
bật lên điểm then chốt ấy, đặc biệt khi chú giải Bài giảng trên núi với
điểm nhấn Đức Giêsu dùng là: Các ngươi đã nghe người xưa dạy [liền sau đó là
một câu Lời Chúa trích từ kinh Thora]; còn Ta, Ta bảo các người
[tiếp theo là một Lời của chính Đức Giêsu]. Rõ ràng là Đức Giêsu đặt cái “Ta”,
tức bản thân Người, vào ngay chính trọng tâm của sứ điệp, ngay vào chỗ của kinh Thora,
của Lề Luật Thiên Chúa, của uy quyền Thiên Chúa trước
đây.
b. Duy nhất tính giữa Đức Giêsu với Cha của Người
Nếu Đức Giêsu đặt bản thân người làm trọng tâm, đặt Lời
Người như song đối với Lời của chính Thiên Chúa, thì Người cũng đặt chính mình
vào vị trí của Thiên Chúa, “ngang tầm với Thiên Chúa” như Đức Joseph
Ratzinger đã viết. Và như thế là Đức Giêsu đã “phạm thượng”, “tự coi mình là
Thiên Chúa” như những người sẽ giết Người sau này tố cáo.
Đó là “vấn nạn vô cùng quan trọng” như tác giả viết ở cuối
chương 3 là chương bàn về các chước cám dỗ Đức Giêsu phải chịu, vấn nạn vốn sẽ
theo chúng ta trong suốt cả tác phẩm và cũng là luận đề chính yếu của tác phầm:
“Đức Giêsu đã thực sự mang lại
gì, nếu Người đã không mang lại hoà bình cho thế giới, không mang đến hạnh phúc
cho con người, không mang lại một thế giới tốt đẹp hơn? Người đã mang lại gì?
Câu trả lời thật đơn giản:
Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mang lại Thiên Chúa. Người đã mang cho nhân loại vị
Thiên Chúa mà chân dung Người đã hé mở dần dần kể từ Abrâhm cho đến nền văn
chương khôn ngoan xuyên qua Môsê và các Tiên Tri _, vị Thiên Chúa vốn chỉ mạc
khải chân dung đích thực của mình trong dân Israel và chỉ được tôn vinh nơi các
dân tộc khác dưới các kiểu biến hoá (avatars) mơ hồ _ chính vị Thiên Chúa đó,
Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop, Thiên Chúa
đích thực, đã được Đức Giêsu mang đến cho mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái
đất. Thật vậy, Đức Giêsu đã mang đến cho chúng ta Thiên Chúa, từ đó chúng ta
mới có thể biết được dung mạo của Thiên Chúa, từ đó chúng ta mới có thể kêu cầu
Người, từ đó chúng ta mới có thể biết được con đường, mà trong tư cách con
người, chúng ta phải xử dụng. Đức Giêsu đã mang lại Thiên Chúa và cùng với Thiên
Chúa, Người cũng mang đến cho chúng ta chân lý về cội nguồn và vận dụng của
chúng ta; Người cũng mang lại cho chúng ta đức tin, đức cậy và đức mến” (tr
63-63).
c. Tính tận căn của lời đáp trả nơi các môn đệ
Ở đây chúng ta có thể trở lại điều Đức Joseph Ratzinger đã
nói về Neusmer:
“Để làm bằng chứng về điều
[duy nhất] được Đức Giêsu “thêm vào” trong truyền thống Thánh Kinh vốn có trước
Người: Neusmer trích dẫn […] lời Đức Giêsu ngỏ với người thanh niên giàu có:
“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết những gì anh có rồi đến đây theo
ta” (cf, Mt 19,20). Như thế, từ nay sự hoàn hảo, tiến trình nên thánh như Thiên
Chúa là Đấng Thánh như sách Thora đòi hỏi (cf. Lv 19,2; 11,44) hệ tạ ở một điểm
duy nhất: theo Đức Giêsu!”
Bởi thế rõ ràng là Neusmer không còn chọn lự nào khác ngoài
việc từ chối đi theo Đức Giêsu bởi vì như ông đã bày tỏ (Disutatio, trang 70),
đối với ông câu trả lời Đức Giêsu khơi lên nơi các môn đệ thì “chỉ một mình
Thiên Chúa” mới có thể đòi hỏi nơi ông mà thôi.
d. Căn tính của Đức Giêsu trong tư cách là Con Thiên
Chúa
Đây là điểm tới của toàn bộ con đưòng chiêm niệm và suy tư
của Đức Thánh Cha. Nói cách khác, tất cả tiến trình của cuốn sách dần dần hé mở
và củng cố “luận đề” mà tác giả đã nói lên trong phần Dẫn Nhập, nghĩa là trong
Đức Giêsu và chỉ trong Đức Giêsu mà thôi mới có thể “thực hiện hoàn toàn điều
còn dang dở nơi Môsê: Đức Giêsu sống trước Nhan Thiên Chúa [trong lúc Môsê chỉ
thấy Thiên Chúa “từ sau lưng” (Xh 18,23], Đức Giêsu cũng không sống trong tư
cách bằng hữu như Môsê (Xh 33,11), nhưng trong phẩm chất cao quý của Người Con
sống trong niềm hiệp thông mật thiết nhất với Chúa Cha.
Đó chính là khởi điểm từ đó có thể hiểu được khuôn mặt Đức
Giêsu của Tân Ước. Tất cả những gì được kể lại về Đức Giêsu: lời Người nói,
việc Người làm, nỗi đau Người chịu cũng như vinh quang Người hưởng đều tìm được
ở đây điểm tựa [ancrage] duy nhất và vững chắc nhất. Nếu bỏ qua điểm tựa
đồng thời cũng là điểm trung tâm này, chúng ta sẽ chỉ đi bên cạnh điều làm nên
tính biệt loại của khuôn mặt Đức Kitô, thậm chí mâu thuẩn với khuôn mặt đó và
rốt cuộc sẽ làm cho khuôn mặt đó trở nên không thể nào hiểu nổi. Đây cũng là
câu hỏi mà tất cả độc giả của Tân Ước đều phải đặt ra cách tất yếu, nghĩa là
tìm cách hiểu cho được từ đâu mà Đức Giêsu đã có thể rút ra các giáo huấn của
Người, do đâu mà ta có thể giải thích các dạng thức của cung cách Người sống. Tất
cả chỉ có thể được phúc đáp nếu khởi đi từ luận đề cơ bản trên.
Nói cách khác, đối diện với kitô học “thấp” [christologie
‘basse’] vốn hoài công khảo cứu về mầu nhiệm Đức Kitô bằng một con đường duy
nhất là lịch sử, Joseph Ratzinger đi ngược lại khi trình bày một kitô học “cao”
[christologie ‘haute’] bằng cách khởi đi từ mối giây thâm tình giữa Đức Giêsu
và Cha của Người, “cội nguồn uyên nguyên cao cả của các hành vi, lời giáo huấn
cũng như niềm đau và nỗi khổ của Người” (tr.27) đúng như Tin Mừng đã thuật lại
cho chúng ta. Từ đó chúng ta mới hiểu tại sao tác giả lại đặc biệt khai triển
ba tước hiệu kitô học: Con Người, Người Con và thành ngữ “Ta là”: ba tước hiệu
này “vén mở” cho chúng ta căn tính độc nhất vô nhị của Đức Giêsu (x. tr. 383). Căn
tính hay mối giây thâm tình phụ-tử ấy đã được công đồng Nicée (325) diễn tả qua
thuật ngữ “đồng bản thể” (homoousios).
Hiển nhiên, tin hay không tin vào Chúa, điều đó không phải
tự nhiên mà có: một “giáo huấn” như vừa trình bày trên đây đâu phải dễ dàng
được chấp nhận! Bởi thế cần làm sáng tỏ những gì cho phép hoặc làm bảo chúng
cho những xác quyết trên. Nói cách khác, cần đặt câu hỏi về chính phương pháp
tác giả đã dùng đi đến những khẳng định như thế.
II. Phương pháp
Đâu là “điểm xuất phát” của kitô học nói chung ? Đứng trước
câu hỏi này thường có 4 khả năng phúc đáp và mỗi khả năng có những điểm mạnh
điểm yếu của nó:
1/ Một là ta có thể khởi đi từ giáo
huấn của Giáo Hội, đặc biệt là giáo huấn của các công đồng, về Lời Thiên
Chúa đã mặc lấy xác phàm.
2/ Hai là khởi đi từ một cuộc khải sát lịch
sử về khuôn mặt Đức Kitô.
3/ Ba là khởi đi từ khát vọng của
con người, khát vọng mà chỉ một mình Đấng Cứu Thế mới có thể đong đầy và Đấng
Cứu Thế ấy không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu.
4/ Sau cùng kitô học cũng có thể chọn điểm
xuất phát là chính thực tại của kitô giáo ngày nay, nghĩa là khởi đi
đồng thời từ nền tảng uyên nguyên cũng như từ những năng lực hiện tại, cụ thể
là khởi đi a) từ Đức Giêsu của những người ngày đầu kỷ nguyên kitô giáo và b)
từ một Đức Giêsu mà chúng ta tuyên tín hiện nay như Đấng Kitô.
Đây dĩ nhiên không phải là lúc khai triển rộng rãi các khởi
điểm trên đây nhưng chúng ta vẫn phải phân tích sơ lược để hiểu được phương
pháp kitô học Đức Thánh Cha đã dùng.
II.1. Đây không phải là một kitô học khởi đi từ những giáo
huấn của Giáo Hội
Thật vậy, trong tác phẩm kitô học này Joseph Ratzinger đã
không bắt đầu bằng một khảo luận có hệ thống về giáo huấn của Truyền thống và
của các Công Đồng về mầu nhiệm Đức Kitô, cũng không nghĩ mình có trách nhiệm
phải tìm cho được nền tảng chắc chắn bằng những lập luận rút ra từ Truyền
Thống, từ Thánh Kinh và từ “lý trí”, như các sách khoa thần học cổ điển được
dùng trong các đại chủng viện và các nhà đào tạo giáo sĩ. Tác giả không bảo
chúng ta rằng: bởi vì dọc theo bao tháng năm, Giáo Hội đã từng công bố những
giáo huấn rõ ràng qua các mệnh đề tín lý vốn làm nên uy quyền đối với đức tin
người tín hữu, vì thế phải khởi đi từ những mệnh đề tín lý ấy chứ không phải gì
khác, nghĩa là phải đón nhận chúng trong tâm tình vâng phục để rồi từ đó chỉ
còn một nhiệm vụ duy nhất là khai triển chúng. Theo nghĩa này, hiển nhiên là
mọi cách thức khác đều vi phạm kỷ luật và bắt đầu có dấu hiệu sai lạc.
Không, Đức Thánh Cha đã hoàn toàn không nói và làm như thế. Ngài
đã không hề trích dẫn công đồng Ephèse (431) lẫn Chalcédoine (451), tức hai
công đồng lớn nhất về kitô học. Và nếu công đồng Nicée (325), tức công đồng
chung đầu tiên, được nêu tên trong sách thì cũng chỉ là trong đoạn hầu như gần
cuối sách, và chỉ nhằm mục đích duy nhất là mở ra cánh cửa cho một chặng đường
mới của con đường thần học. Rồi tác phẩm của Denzinger-Schnmetzer là thủ bản
thu gom tất cả các tài liệu của huấn quyền công giáo cũng không được trích dẫn
cả trong bảng “ký hiệu” những tài liệu căn bản đã dùng (tr. 393-394, từ những
bộ giáo phụ lớn đến những từ điển thần học đồ sộ) lẫn trong thư mục trình bày cách
tỉ mỉ các sách tham khảo từ trna g395-404. Và, trong mục mang tựa đề “Bảng
trích dẫn Thánh Kinh và Giáo huấn của Giáo Hội” (trang 405) thì mục trích dẫn
Thánh Kinh chiếm từ trang 405-419 (tức 15 trang), trong lúc đó chỉ một trang
nhỏ (gồm 4 dòng) dành cho bốn tài liệu của giáo huấn Giáo Hội mà thôi.
Như thế điểm lưu ý đầu tiên về phương pháp luận đã được minh
xác. Không những chỉ vì người ký tên tác giả, dù là Giáo Hoàng, không hề có ý
thực thi quyền bính giáo huấn riêng của mình mà thôi; nhưng ít là ở đây trong
tác phẩm này ngày cũng đã không hề nại đến các lập trường của giáo huấn Giáo
Hội, lập trường mà về phương diện kitô học, đã được diễn tả hết sức dồi dào và
phong phú trải dài hơn 20 thế kỷ.
II.2. Kitô học này cũng không chọn khoa lịch sử về
Đức Giêsu làm khởi điểm
Chúng ta có thể nói ngay rằng tác giả đã cực lực chống lại
một thứ giáo khoa (có khi mệnh danh là “ lý thuyết tuyệt đối”) của phương pháp
phên bình-lịch sử (méthode historico-critique). Ngay từ Lời nói đầu tác
giả đã viết: “[…] kể từ những năm 50, cái hố thẳm đã không ngừng được khoét
rộng ra giữa “Đức Giêsu theo lịch sử” và “Đức Kitô của niềm tin”; và thoáng
nhìn vào ai cũng thấy ngay sự kiện là hai khuôn mặt đó đã thật sự cách xa nhau
muôn trùng. Từ đó câu hỏi thiết yếu được đặt ra: niềm tin vào Đức Giêsu như
là Đâng Kitô, niềm tin vào Đức Giêsu như là Con Thiên Chúa còn có ý nghĩa
gì không khi mà con người mang tên Giêsu lại khác xa với Đấng được các Phúc âm
giới thiệu, khác xa với Đấng mà Giáo Hội tuyên xưng khởi đi từ các Phúc âm?
“Tiến bộ của các nghiên cứu theo phương pháp phê bình-lịch
sử đã cho thấy những khác biệt ngày càng tinh tế giữa các tầng [strates] khác
nhau của truyền thống, và cuối cùng khuôn mặt của Đức Giêsu, khuôn mặt mà đức
tin luôn luôn qui chiếu vào cách tất yếu, đã dần dần trở nên mờ nhạt và thậm
chí đi đến chỗ tàn phai” (trang7-8).
Trong suốt tác phẩm Joseph Ratzinger rất dè chừng với loại
phương pháp trên. Dĩ nhiên chắc chắn tác giả đã rất chú trọng đến lịch sử của
Đức Giêsu, chắc chắn tác giả đã chân nhận tầm quan trọng và ngay cả tính “hoàn
toàn thiết yếu” (trang 11) của phương pháp phê bình lịch sử trong việc xử lý
các văn bản Thánh Kinh; nhưng tác giả đã hành xử hoàn toàn khác với những kẻ tự
cho rằng trong lãnh vực này tiếng nói đầu tiên và cuối cùng phải thuộc về các
mà ta gọi là “khoa học về lịch sử” như đã được hiểu và thực hành hoặc bởi
trường phái tự do [libéralisme] ở Đức, hoặc phái tân thuyết [modernisme] ở
Pháp, với đỉnh cao _ nếu có thể nói theo một nghĩa nào đó _ là R. Bultmann như
là đại diện trong những năm 40-50. Đức Joseph Ratzinger quả quyết: tiếng nói
cuối cùng về thực tại lịch sử và về những gì xảy ra trong lịch sử
không thuộc về lịch sử xét như là một khoa học về lịch sử.
Trong chương 2 khi bàn đến chước cám dỗ thứ hai của Đức
Giêsu, cuộc cám dỗ xảy ra giữa hai chuyên gia Kinh Thánh là ma quỷ và Đức
Giêsu, tác giả đã lưu ý rằng nếu không khéo thì việc chú giải Thánh Kinh có thể
trở thành khí cụ của Phản-Kitô. Ta có thể kiểm chứng điều này khi nhận ra rằng
lúc đó Thánh Kinh của Phản-Kitô trong đó Thiên Chúa không còn lên tiếng nữa (và
cũng không thể lên tiếng nữa) mới thật là khoa chú giải mang tính khoa học (cf.
trang 54-56)!
Tiếp đến trong chương 8 khi bàn về “các hình ảnh lớn trong
Phúc âm theo thánh Gioan”, tác giả đã giao chiến với R. Bultmann để khẳng định
rằng: hoàn toàn ngược lại với lập trường của thần học gia Tin Lành này, Phúc âm
thứ tư dựa trên những hiểu biết rất chính xác trong những gì liên quan đến nơi
chỗ và thời đại của Đức Giêsu, và như thế dù một dạng khoa học dạng tầm cao hay
những gì tự xưng như thế đều không phải là một bảo đảm chống lại những sai lầm
ngay cả trên bình diện lịch sử.
II.3 Kitô học này cũng không khởi đi từ những khát vọng của
con người
Về phương pháp luận, khả năng thứ ba trong lãnh vực kitô học
là khởi đi từ những đợi chờ và khát vọng của con người để rồi từ đó đi đến giả
thiết và cuối cùng là chấp nhận sự kiện Đức Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là tuyên
xưng Người như Đấng mạc khải về Thiên Chúa và là Đấng thực hiện kế đồ cứu độ
nhân loại. Ở đây cũng vậy, tác giả của chúng ta tỏ ra rất thận trọng và cực kỳ
dè dặt. Một lần nữa, kể từ chương 2 là chương bàn đến các chước cám dỗ của Đức
Giêsu, tác giả nhấn mạnh rằng chìa khoá để hiểu mầu nhiệm Đức Giêsu không thể
tìm gặp ở những gì là hiển nhiên mọi người đều thấy cũng không ở những nhu cầu
vật chất trong nguyên trạng của chúng.
“Còn gì bi thảm và đối nghịch với niềm tin vào một vị Thiên
Chúa tốt lành và một Đấng Cứu Thế của nhân loại hơn là cái đói của nhân loại? Tiêu
chuẩn đầu tiên để nhận ra vị Cứu Thế khi Ngài đối diện với thế giới và cho thế
giới không phải hệ tại ở chỗ Ngài phải đem lại cơm bánh để chấm dứt ngay cơn
đói của mọi người hay sao? Khi dân Do Thái lạc lối trong hoang địa, Thiên Chúa
đã nuôi sống họ bằng cách ban bánh từ trời, tức manna, từ đó người ta nghĩ có
thể lẩy ra một hình ảnh về thời cánh chúng: Đấng Cứu Tinh của nhân loại không
phải là một Đấng luôn luôn tỏ ra chân tính mình bằng cách ban của ăn cho mọi
người hay sao? Vấn nạn nghèo đói trên thế giới, và cách chung, vấn đề xã hội
không phải là tiêu chí đầu tiên và chính hiệu để đo lường hiệu năng cứu độ hay
sao? Người không đáp ứng tiêu chí nà có còn xứng đáng tự xưng là Đấng Cứu Thế
hay không? Chúng ta dễ dàng hiểu được tại sao thuyết mác-xít đã đặt lý tưởng
này vào ngay trung tâm của những hứa hẹn cứu độ: bằng mọi giá phải làm sao để
tất cả cơn đói chấm dứt và “sa mạc trở thành cơm bánh” (tr. 51).
Theo Đức Joseph Ratzinger, một bên là chế độ mác-xit, một
bên là các trợ giúp của Tây phương dành cho các nước thuộc thế giới thứ ba,
trong mức độ chúng gần như hoàn toàn nghiêng về bánh vật chất - cám dỗ mà thần
học giải phóng không dễ gì thoát khỏi - cả hai đều “nghĩ rằng mình sẽ biến đá
thành bánh, nhưng cả hai đã cho đá thay vì cho bánh” (tr.53). Trong thực tế,
bằng cách trich dẫn lời của Alfred Delf - một tu sĩ dòng Tên người Đức đã bị
Đức Quốc Xã hành hình - tác giả Joseph Ratzinger đã khẳng quyết rằng “bánh mì
thì quan trọng, tự do thì quan trọng hơn, nhưng điều quan trọng nhất trong tất
cả vẫn là lòng trung tín vững bền và niềm tôn thờ không bao giờ bội phản”.
“Nơi nào trật tự của những
thiện hảo trên đây không được tôn trọng, trái lại bị đảo lộn, thì ở đó cũng
chẳng còn công bình, ở đó người ta cũng chẳng thèm quan tâm đến những người đau
khổ nhưng lại tự tạo nên đảo điên và huỷ diệt, ngay cả trong những lãnh vực
thiện hảo vật chất. Nơi nào mà Thiên Chúa bị coi là thứ yếu khiến người ta có
thể tạm thời bỏ qua hoặc vĩnh viễn xoá nhoà nhân danh những điều quan yếu hơn
thì nơi đó những điều được giả thiết là quan trọng hơn rồi cũng sụp đổ theo. Lối
thoát tiêu cực của kinh nghiệm mác-xít không phải là kinh nghiệm duy nhất cho
ta thấy điều đó đâu” (trang 53).
Do đó tác giả nghĩ rằng trên hết mọi sự cần nhắc lại điều
ngược đời: điều Đức Giêsu đã “thực sự mang đến” cho nhân loại không gì khác hơn
là chính Thiên Chúa “bằng cách mang đến chính bản thân”, (như thánh Irénée đã
nói).
“Vương quốc” (chương 3) không thuộc về thế gian này. Phúc âm không phải
là một dự án về xã hội cũng chẳng phải là một chương trình chính trị (chương 4,
bài giảng trên núi). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã xác quyết ưu thế của Thiên
Chúa và Vương Quốc Người (chương 5).
Như thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI “Thiên
Chúa là Tình Yêu” đã nhiều lần nhắc đến, điều chắc chắn là niềm tin vào
một Đấng Thiên Chúa-Tình Yêu đã tự mạc khải mình ra trong Đức Kitô luôn mời gọi
con người dấn thân để phục vụ thế giới, trong đó những người nghèp khổ bất hạnh
nhất của cuộc đời luôn được đặt lên hàng vị trí ưu tiên; nhưng điều ngược lại
thì không đúng: không bao giờ chỉ khởi đi từ sự dấn thân trong thế giới và cho
thê giới mà con người lại có thể đạt đến chỗ khám phá ra Thiên Chúa hằng sống
đã mạc khải chính mình trong Đức Giêsu, khám phá ra điều Người hứa hẹn và tặng
ban […]
II.4. Cuối cùng, tác giả đề nghị một kitô học khởi đi từ dữ
kiện của Tân Ước
Dữ liệu của Tân ước là gì? Là dữ kiện đúng như các tác giả
Tân ước đã trình bày và chúng ta có thể tin rằng họ đã thực sự tin vào điều họ
tường thuật liên quan đến Đức Giêsu.
Dữ kiện của Tân ước là gì? Là dữ kiện đúng như việc nghiền
ngẫm Thánh Kinh cho phép ta hiểu, một việc nghiền ngẫm luôn đặt các dữ kiện đó
vào trong toàn bộ Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước (tức “khoa chú giải chính
quy”). Nói cách khác, tác giả đề nghị chúng ta đọc các bản văn Kinh Thánh khác
nhau bằng cách luôn qui hướng chúng về toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là
đọc Kinh Thánh như một đơn vị duy nhất và trong một toàn thể duy
nhất [comme unité et totalité].
Dữ kiện của Tân ước là gì nữa? Là nội dung đúng như chúng đã
được đón nhận qua các thế kỷ cũng như đang được đón nhận hôm nay trong đức tin
sống động cảu các kitô hữu trong Giáo Hội.
Chắc chắn Joseph Ratzinger không bao giờ chủ trương không
cần đặt nặng giáo huấn của Huấn Quyền: các dòng cuối của tác phẩm đã minh chứng rõ
ràng điều đó, nhưng ngài muốn nhấn mạnh đến đặc tính khắt khe cũng nhưng uyển
chuyển của phương pháp ngài chọn: ở đây ngài không trực tiếp nại đến Huấn Quyền
và cho thấy chính Huấn Quyền cũng phải bị “qui định” bởi Thánh Kinh. Chắc chắn
tác giả không muốn chối từ cũng chẳng muốn làm phương hại đến khoa học về lích
sử và khoa học chú giải phê bình lịch sử, nhưng ngài từ chối cho rằng chúng đã
đủ để nói lên chân lý về lịch sử. Chắc chắn tác giả không hề đánh giá thấp các
đợi chờ và khát vọng của con người, nhưng ngài từ chối chọn chúng làm điểm qui
chiếu để đo lường mọi hy vọng của con người cũng như ơn cứu độ sẽ đến trong họ.
Điều đó có nghĩa là tác giả của chúng ta phản đối chủ trương cho rằng khuôn mặt
của Đức Giêsu chỉ có thể là khuôn mặt của một con người như nhóm phê bình tự do
đã rêu rao hoặc công luận ngày nay có khuynh hướng nghĩ đến […] ngay cả khi cả
hai đều đồng ý rằng đó là một khuôn mặt biệt loại trong lịch sử nhân loại!
“Đối với tôi, - Joseph
Ratzinger viết - trình bày về Đức Giêsu, điều đó trước hết có nghĩa là
hoàn toàn đặt niềm tin vào các Phúc âm. Dĩ nhiên chúng ta luôn giả thiết tất cả
những gì Công đồng và khoa chú giải hiện đại cho biết về các thể loại văn
chương, về ý hướng của các khẳng định, về ngữ cảnh cộng đồng của các Phúc âm và
của những lời nói trong toàn bộ sưu tập sống động ấy. Nhưng bằng cách hội nhập
tất cả ấy tối đa có thể vào suy tư của mình, tôi đã muốn trình bày một Đức
Giêsu của Thánh Kinh như là một Đức Kitô đích thức, như một “Đức Kitô lịch sử”
theo nghĩa đen của hạn từ này. Tôi xác tín và hy vọng rằng độc giả cũng sẽ xác
tín điều đó, nghĩa là thấy rằng khuôn mặt ấy rất logic, rất đầy ý nghĩa lịch
sử, và rất dễ hiểu so với những tái tạo mà chúng ta phải đương đầu trong những
thập niên qua. Tôi tin chắc rằng Đức Giêsu ấy, tức Đức Giêsu của các Phúc âm là
một khuôn mặt hợp lý và hợp nhất (cohérents).
“Chỉ khi nắm chắc rằng nơi
Người dường như có cái gì đó ngoại thường đã xảy ra, chỉ khi nắm chắc rằng nơi
khuôn mặt và các lời nói của Người dường như có cái gì đó vượt quá cách tận căn
tất cả mọi khát vọng và đợi chờ của con người, vâng, chỉ khi đó cái chết của
Người trên thập giá và ảnh hưởng sâu đậm của Người mới tìm được lời giải thích
thoả đáng […].
[…] Quả vậy tin Đức Giêsu là
Thiên Chúa thật đồng thời cũng là người thật, tin Đức Giêsu đã làm cho ta hiểu
chân lý ấy trong một dạng thức giấu ẩn, tức dạng thức của các dụ ngôn mà ý
nghĩa chỉ được tỏ lộ ra dần dần, tất cả ấy dĩ nhiên vượt qua khả năng của
phương pháp lịch sử. Ngược lại, dưới ánh sáng của một niềm xác tín vốn đâm rễ
sâu trong đức tin, người ta có thể đọc các bản văn Thánh Kinh bằng cách dựa
trên phương pháp lịch sử và trên hướng đi của nó vốn khai mở về những điều lớn
lao hơn _ thì bấy giờ các bản văn ấy tự nhiên mở ra và từ đó xuất hiện một con
đưòng và một khuôn mặt rất đáng tin.
[…] Một cách đơn sơ tôi cố
gắng áp dụng những tiêu chí mới về phương pháp luận vốn cho chúng ta một giải
thích chuyên biệt về thần học Thánh Kinh. Và [nếu] những tiêu chí ấy đòi hỏi
đức tin cách hiển nhiên [thì chúng không muốn cũng không thể] chối bỏ gì xét về
mặt lịch sử đúng tầm mức khắt khe của chúng (tr. 17-19).
Để kết luận phân tích nay, ta có thể trích lời nhận định của
Jean-Luc Marion về phương pháp được dùng trong Đức Giêsu thành Nazareth:
“Ngày từ thuở mới khai sinh, khoa chú giải phê bình lịch sử đã trao quyền ưu
tiên […] cho một lược đồ ưu tuyển: chúng ta không thể có bản tường trình về các
biến cố lịch sử liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu, bởi vì các trình thuật ấy đều
xuất phát từ các lần biên soạn sau cái chết của Đức Kitô, những biên soạn vốn
chú giải quá mức [sur-interprètent] và “thần học hoá” [theologisent] lịch sử
của Người. Trong cái nhìn ấy, lịch sử được ghi lại trong Tân ước xác nhận niềm
tin kitô giáo hâu-phục sinh chứ không phải các sự kiện lịch sử. Trong tác phẩm
của mình về Đức Giêsu Joseph Ratzinger đề nghị một quan điểm ngược
lại: sự vĩ đại khôn sánh của biến cố Giêsu không phát xuất từ các nhà chú giải
sau này, tức một khoa chú giải vốn không thể tự mình nâng lên mức suy lý thoả
đáng về cái chết và cuộc phục sinh của Đức Kitô (vì họ có thể tìm chúng được ở
nơi đâu), những phát xuất từ chính biến cố đó” (3).
III. Uy thế của tác phẩm
Phương phát mà tác giả áp dụng đã tạo cho tác phẩm của ngài
một vị trí xứng đáng trong lòng Giáo Hội; từ đó việc rút ra uy thế của nó dường
như không mấy khó khăn. Thật ra chính tác giả đã làm nhẹ gánh công tác này vì
ngay ở Lời nói đầu tác giả đã nói rõ lập trường của mình: “Rõ ràng là tôi không
cần phải khẳng định rằng cuốn sách này không phải là một bản văn của huấn
quyền, nhưng chỉ là một cách diễn tả cuộc tìm kiếm “dung nhan Thiên Chúa” (cf.
Tv 27,8) cảu riêng cá nhân tôi mà thôi. Vì thế mỗi người đều có thể có tự do
nói ngược lại với những gì tôi nói trong sách. Tôi chỉ đơn giản xin độc giả nam
nữ vui lòng đọc tác phẩm tôi với thiện cam vì nếu thiếu thiện cảm này có lẽ
cuốn sách sẽ trở nên khó hiểu” (tr.19).
Vậy hãy mổ xẻ và phân tích tác phẩm! Chúng ta thật rất biết
ơn tác giả đã cho chúng ta tự do đó. Nhưng rốt cuộc, tuy chúng ta không nghi
ngờ gì về lòng thành của tác giả, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng tác phẩm này
không thuần tuý là một tác phẩm giữa bao tác phẩm khác. Khẳng định này xuất
phát từ hai lý do: trước tiên vì đó là tác phẩm của một chuyên gia đã hoạt động
lâu năm trong lãnh vực thần học, là tác phẩm của một thần học gia tên tuổi mà
các cựu sinh viên của ngài rất sùng mộ, các đồng nghiệp của ngài rất kính nể và
đông đảo bạn đọc đánh giá rất cao (chúng ta chỉ cần gợi lên nơi đây âm vang của
một tác phẩm của J. Ratzinger xuất bản cách đây đã 30 năm, La foi
chrétienne, hier et aujourd’hui là đã đủ); lý do thứ hai: vì tác giả là
một Giáo Hoàng, vì thế không một ai, ngay cả bản thân ngài, lại không khảo sát
tác phẩm này mà không có lòng kính trọng nững gì tác giả nói hoặc viết. Do đó,
dù tác giả không nói gì thêm hoặc ngài nghĩ rằng nói như thế là đã đủ chúng ta
cũng phải đọc kỹ hơn để rút ra những bài học cần thiết.
III.1. Bài học về một suy niệm cá nhân
Trước hết là bài học về suy niệm của cá nhân tác giả. Khía
cạnh này rất quan trọng đối với Đức Joseph Ratzinger, quan trọng cho đến nỗi
ngài đã lưu ý ngay từ những dòng chữ đầu và còn được lập lại ở cuốiLời nói đầu một
lần nữa: “Cuốn sách này là kết quả của một tiếp cận nội tâm cá nhân” (tr.19).
Thật
vậy, Đức Bênêđictô XVI đã chiêm ngắm các hình ảnh lớn mô tả Đức Giêsu như mục
tử, như cây nho… và các khẳng định của Người về chính bản thân mình. Từ đó tác giả
đã chia sẻ cho chúng ta những gì mà ngài đã chiêm ngắm trong tư thế của một tín
hữu, một nhà giảng thuyết, _ vì tác giả không chỉ là một thần học gia chuyên
giảng dạy ở các đại học _ trước khi là một giám mục, rồi một hồng y và sau cùng
là một Giáo Hoàng.
Nơi tác phẩm này chúng ta chỉ có thể vui thoả trước vẻ đẹp
và sự phong phú của các khám phá mà tác giả đã khai mở và mời gọi chúng ta tiếp
bước. Hơn nữa, theo lời tâm sự của tác giả, việc đánh giá cao hay thậm chí
ngưỡng mộ các chia sẻ của ngài không bao giờ được xem như mục đích. Chính tác
giả đã nói rõ “mục đích” của mình không gì khác hơn là tạo điều kiện thuận lợi
“cho sự phát triển mối tương quan sống động với Đức Giêsu nơi các độc giả mà
thôi” (tr.20).
III.2. Bài học về khảo cứu của một chuyên gia
Chắc chắn trong tác phẩm kitô học này Joseph Ratzinger vẫn
mặc lấy phong độ của một thần học gia, phong độ mà ngày không ngừng phát triển
dầu đã là một Giáo Hoàng. Dĩ nhiên ở đây tất cả đều tuỳ thuộc vào giá trị hợp
pháp về mặt trí thức của các lập trường đã chọn và phẩm chất của các luận
chứng được trình bày nhằm bảo vệ các lập trường đó. Hẳn ai trong chúng ta
cũng nhận thấy ở đây cuộc tranh luận lập tức được mở ra cách tự nhiên và rộng
rãi cho các chuyên gia ở các lãnh vực liên hệ, đặc biệt là lãnh vự chú giải và
thần học.
Quả vậy, Joseph Ratzinger muốn đi xa hơn những gì
Schnackenburg đã từng nói; tác giả cũng rất nhiều lần chống lại Bultmann; ngài
lập luận khởi đi từ lập trường của Neusmer, của Jérémeas, của Dodd và Hêngl
nhưng cũng dựa trên các tác giả Pháp quan thuộc như Grelot, Daniélou và Lubac. Ngài
trưng dẫn giáo phụ Irénée, Cyprien, Origène, Truyền thống Đông phương, thánh
Bênêđictô… _ Trong tất cả các dẫn chứng ấy rõ ràng là tác giả muốn đặt mình vào
trong cuộc “hội thoại” với các thần học gia. Ngài cũng có những lập trường
riêng trong tư thế đối tác, gợi lên những thách đố, khơi lên những tranh luân,…
Người ta có cảm nghĩ như đang trong không gian cảu những tranh luận, của
disputatio.
III.3. Bài học về sự dấn thân kiểu bút chiến
Cần chú ý đến những yếu tố sau đây để hiểu được những bút
chiến này,
a. Trước tiên đó là cảm thức của một người đang yêu. Đối
với khuôn mặt của người mà mình đang yêu thương, Joseph Ratzinger không ngần
ngại gì cả. Tác giả cảm thấy bị tổn thương đau khổ khi người ta động chạm đến
Đấng mà ngài yêu hơn cả mạng sống mình, như thánh Phaolô đã từng chia sẻ. Vì
thế tác giả cảm thấy mình cần phải hổ trợ khi người bạn mình bị khinh chê, bị
biến dạng.
b. Tiếp đến, nỗi bức xúc của một chuyên gia. Dĩ
nhiên tác giả của chúng ta không đi đến chỗ bút chiến chống lại tác phẩm Da
Vinci Code như một số người đoán mò đoán mẫm trước khi tác phẩm phạm thánh
này xuất hiện. Nhưng ở trong tác phẩm này cũng như ở những nơi khác chúng ta
thấy rõ tác giả đã nổi giận thực sự khi có cảm giác Đức Kitô bị xúc phạm.
c. Cuối cùng, sự chăm lo của một mục tử. Xuyên qua các
trang sách ta thấy rõ Joseph Ratzinger đôi lúc phải khẳng định rằng ý kiến
chung chung của quần chúng thường liên kết một cách quá dễ dàng với những lập
trường cực đoan nhất, tiêu cực nhất, nghĩa là những lập truờng từ chối mầu
nhiệm Đức Kitô. Lúc đó, chống lại “những kể khôn ngoan thông thái” tác giả đã
bảo vệ “những người yếu đuối và bé mọn”, vì thật ra cuối cùng, như Thánh Kinh
cho thấy, họ mới là những người được mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trờì,
trong lúc đó đối với những người “thông thái” khác thì lại bị che khuất. Đó
thật là một thái độ của người mục tử. Ở đây ta lại gặp lại hình tượng của một
Phêrô với sứ mạng “củng cố đức tin cho anh chị em mình”.
III.4. Sau cùng là bài học của một chứng nhân
Dĩ nhiên tất cả mọi tín hữu kitô đều có sự mạng làm chứng
cho Đức Kitô giữa thế gian. Thật vậy, như ngày xưa Phêrô đã đại diện anh em
mình để tuyên tín: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, ngày nay
tác giả Ratzinger cũng không đi ra ngoài sứ mệnh đó để trả lời cho câu hỏi muôn
thuở của Đức Kitô đặt ra cho mỗi tín hữu: Còn anh em anh em bảo Thầy là
ai?
Tác phẩm Đức Giêsu thành Nazareth cũng là lời phúc
đáp trước câu hỏi Đức Giêsu đã ngỏ cùng Phêrô: Con có yêu mến thầy không?Qua
tác phẩm này, tác giả không những cho ta câu trả lời đầy xác tín nhưng còn gợi
lên trong mỗi người lời đáp trả và quyết tâm đi theo Đức Kitô. Như thế, nếu mục
đích của tác phẩm là giúp độc giả biết và hiều Đức Giêsu [connaitre et
comprendre Jesus] thì mục đích đó chỉ đạt được khi chúng ta gấp sách lại mà như
nghe được tiếng Chúa mời gọi đi theo Người trong ơn gọi và bậc sống của mình./.
Lm. Giuse Hồ Thứ
——————————————
(1) Joseph Ratzinger – Benoit XVI, Jésus de Nazareth I.
Du baptême dans le Jourdain à la Transfiguration. Edition francaise sous la
direction de Mgr Francois Duthel. Tranduit de l’allemand par Dieter Hornig,
Marie – Ange Roy et Dominique Tassel. Editión Flammarion, 2007, 430 pages.
(2) Cách chung, bài nói chuyện này theo sát các phân tích
của Đức Cha Joseph Doré p.s.s. trong bài báo mang tựa đề “L’ouvrage
d’un théologien Pape”, (Documentation catholique, n. 2382/17 juin 2007, trang
570-579). Ngoài ra, các tài liệu sau đây cũng được tham khảo và xử dụng : Carlo
M. Martini, “Un ardent témoignage sur Jésus de Nazareth”, lbid., trang 566-569;
M.Neusch, “Jésus de Nazareth I. Du baptême dans le Jourdain à la
Transfiguration”, site: www. Theologia. fr.
(3) Marcel Neusch, “Jésus de Nazareth I. Du baptême dans le
Jourdain à la Transfiguration”, site: www. Theologia.fr, (Documentation
catholique, số 2382, trang 579 trích dẫn lại). Những chữ in đậm là của chúng
tôi.
Nguồn: Đại chủng viện Huế
Nguồn: Đại chủng viện Huế