Chuyện kể rằng, một vị vua tài đức nọ giàu đức hạnh, nhưng
không có hoàng tử nối ngôi. Vị vua nghĩ tới việc chiêu mộ những người trẻ tài
đức để có thể kế vị ông sau khi ông qua đời.
Một ngày kia, vua cho mời tất cả các trẻ em từ 5 đến 12 tuổi
vào hoàng cung. Vị vua giải thích cho các em ý định của ông là muốn tìm người
tài đức để thay ông cai quản đất nước. Ông trao cho mỗi em một hạt giống và dặn
các em rằng sau 3 năm, các em hãy mang mỗi cây mà mình sẽ trồng đến trình diện
tại cung điện.
Đúng ngày đã hẹn, cả nước nhộn nhịp tiến vào cung điện để
xem thử cây nào là cây đẹp nhất, có nhiều trái nhất, và để xem ai sẽ là vị vua
tương lai cho đất nước. Quả đúng như dự tính, mỗi em đều mang đến cây mà mình
đã trồng với nhiều màu hoa hương sắc. Người ta cũng thấy có những cây đã kết
trái thật xum xuê. Nhà vua đi đến từng địa điểm để hỏi thăm các em, cách thức
các em trồng cây. Sự hồi hộp và im lặng của đám đông càng tăng lên khi nhà vua
tiến đến những cây tươi trái tốt; nơi mà nhiều người nghĩ rằng một trong số các
em này sẽ được chọn là hoàng tử.
Thế nhưng, nhà vua vẫn tiếp tục đi qua và bỗng
dưng ông dừng lại trước một cậu bé. Trên tay cậu bé là một chậu đất không
cây. Thấy nhà vua đứng lại bên mình, cậu biểu lộ sự thất bại bằng dòng nước mắt
chảy dài trên má.
Nhà vua hỏi: “Tại sao con khóc?”
Cậu bé thưa: “Con đã gieo
hạt giống vào chậu đất này, con đã bón phân cho nó, con đã tưới nước cho nó
hằng ngày, con đã che nắng cho nó và con đã làm nhiều cách để chăm sóc hạt
giống của con, nhưng cuối cùng không có cây nào.”
Càng nói, cậu bé càng khóc
lớn tiếng. Nhà vua ôm cậu vào lòng và ra lệnh cho quân lính cáng cậu lên chỗ
cao danh dự. Giờ đây, trước sự sững sốt của bao nhiêu người, và kể cả cậu bé,
nhà vua bắt đầu lên tiếng:
“Hôm nay, trẫm đã tìm được người mà trẫm mong đợi từ
lâu. Cậu bé đây đã chân thật khi nhận sự thất bại của mình. Và thực đúng là như
vậy. Vì tất cả hạt giống ta trao cho các con cách đây 3 năm, chúng đã bị luộc
chín cả rồi.”
Nhà vua quay qua cậu bé và nói: “Con đã biết trung thành và trung
tín trong việc nhỏ, con đã không bị ngai vàng và danh lợi mê hoặc; con đã cần
mẫn chu toàn công việc của con với hết khả năng của mình. Đó là điều ta mong
muốn.”
Nhà vua nói tiếp: “Trên tay con là chiếc chậu đất không cây, nhưng chính
trong trái tim con, con đã gieo hạt giống sự thật vào lòng mọi người hôm nay.”
* * *
Bạn thân mến, câu chuyện trên như thêm khẳng định cho chúng
ta rằng: giá trị của sự thật thì vĩnh cửu. Sức mạnh của sự đơn sơ và chân thật
rất thầm lặng đến nỗi không phải ai cũng có khả năng để nhận ra được, nhất
là khi chúng ta đang sống trong một xã hội dường như chỉ yêu chuộng bề ngoài.
Biết bao nhiêu bực thánh nhân, vĩ nhân đã bị hiểu lầm và kết
án chỉ vì họ sống đơn sơ chân thật. Họ nhìn thấy được giá trị siêu việt của đời
người không phải ở lời ca tụng hay chê bai, thành công hay thất bại, nhưng là
chân giá trị phát xuất từ ý ngay lành của họ. Msgr. John Cippel, một nhà truyền
giáo và linh hướng nổi tiếng hiện đang sống tại Florida đã chia sẻ rằng: “Thách
thức lớn nhất trong đời linh mục của tôi là đi vào sự thật.”
Những người như
Msgr. John Cippel luôn can đảm ráo rốt tìm câu trả lời xuất phát tự trong lương
tâm họ: “Động cơ tối hậu của tôi là gì?”[1] Tôi có đơn sơ thi hành
những phận vụ này xuất phát từ ý ngay lành của tôi hay vì một mục đích lý do
nào khác?
Như thế đó, sự đơn sơ và chân thật đi luôn với nhau. Trái
tim và ánh mắt của trẻ thơ dạy cho chúng ta biết sự đơn sơ chân thật. Đối với
các em, ai ai cũng là bạn, ai ai cũng có thể bắt chuyện, ai ai cũng có thể chơi
đùa. Nếu các em dừng lại, ngập ngừng, e sợ,… đó là lúc các em bắt đầu tiếp cận
với thế giới “người lớn”. Buồn thay, thế giới ấy là thế giới cạnh tranh và
nhiều mưu mô.
Đâu rồi sự đơn sơ chân thật như trẻ thơ trong mỗi người
chúng ta? Hãy là trẻ thơ với nhau đi, đừng gây thêm hận thù và chia rẽ nữa!
------------
[1] Priest Vocation Stories, The Diocese
of St. Petersburg, 5
Nguồn: http://brhuynhquang.org