Dẫn nhập
Giáo hội Công giáo được hình thành vào ngày lễ Ngũ Tuần,
ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, “rào rào như thể do cuồng phong thổi đến”,
dưới hình “những lưỡi như thể là lửa”,[1] với các tông đồ được tràn đầy Thánh
Thần, trên nền tảng của lòng tin mạnh mẽ vào ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô đã thực
hiện qua cái chết và sống lại của Người. Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần trong
việc loan báo Tin mừng cứu độ của Đức Kitô là Con và là Đấng mạc khải Thiên
Chúa, Giáo hội ấy đã phát triển ra ngoài thế giới của Do Thái giáo để đến với
muôn dân.
Do hoàn cảnh của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, khởi
sự với các thừa sai ngoại quốc, hàng giáo sĩ người Việt xuất hiện tương đối
muộn:[2] tình hình bắt bớ đạo và trục xuất các thừa sai kéo dài…. Trong bối
cảnh đó, người giáo dân đã có phần đóng góp quý báu, thiết yếu và hữu hiệu: (1)
công cuộc truyền bá Tin mừng cứu độ cho lương dân, (2) việc duy trì, tổ chức và
điều khiển các cộng đoàn tín hữu đã được thiết lập, và (3) việc bảo đảm sự hiện
hữu và phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Hội Các Thày Giảng, một tổ chức do Cha Alexandre de Rhodes
thiết lập vào năm 1630, quy tụ những người giáo dân nhiệt thành để được đào tạo
kỹ lưỡng về mặt giáo lý, nhằm có thể sát cánh với các thừa sai trong công cuộc
truyền giáo. Rồi Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên do Đức giám mục Pierre Lambert de
la Motte, Đại diện tông tòa giáo phận Đàng Trong và Giám quản tông tòa giáo
phận Đàng Ngoài, thành lập vào các năm 1670-1671, cũng cho thấy rằng người giáo
dân đã có những đóng góp đặc biệt trong việc thiết lập và phát triển Giáo hội
tại Việt Nam.
Trong tổng số 117 vị được phong thánh tử đạo Việt Nam năm
1988, những người đã đổ máu và hy sinh mạng sống để góp phần xây dựng nền móng
của Giáo hội tại Việt Nam, đã có đến 44 vị là giáo dân, và 13 vị là thày giảng.
Thêm vào đó, Thày giảng Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, cũng đã
được phong chân phước.
Do đó, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960
có thể được xem là một xác nhận sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo Việt
Nam; và như thế, cũng là xác nhận vai trò của người giáo dân trong tiến trình
lịch sử của đạo Công giáo, góp phần rất tích cực để đưa Giáo hội Công giáo Việt
Nam đạt tới bước trưởng thành này.
Và Năm thánh kỷ niệm 50 năm việc thành lập Hàng Giáo phẩm
Việt Nam vào năm 2010 tới đây sẽ là dịp, theo cách nói của Đề cương Giáo
hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, “là thời điểm của ân
sủng”,[3] để Giáo hội nhắm đến những bước phát triển mới qua việc canh tân,
củng cố niềm tin vào Thiên Chúa, nỗ lực làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời và sống
trọn vẹn căn tính đích thực của các môn đệ Đức Kitô.
Đây hẳn cũng sẽ là “thời điểm của ân sủng” đối với người
giáo dân trong Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay, để:
1. mọi người cùng nhau xem lại bước đường 50 năm qua;[4]
2. dưới ánh sáng của Tin mừng và giáo huấn của Giáo hội, của
các chủ chăn về vai trò của người giáo dân, nhận ra những điểm được và chưa
được;[5] và
3. từ đó có những quyết tâm mới giúp nối tiếp ngọn lửa đã
được thắp lên nơi cha ông, đồng thời thực hiện “ơn gọi riêng” của người giáo
dân trong việc cùng với các thành phần khác của dân Chúa “làm tỏa sáng hình ảnh
Nước Trời” hơn nữa ở Việt Nam và trong thế giới.[6]
Thật vậy, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles
laici), ban hành năm 1987, cũng khẳng định:
Suốt thời gian nghiên cứu, Thượng hội đồng luôn
luôn đề cập đến Công đồng Vaticanô II, vì các giáo huấn của Công đồng về vai
trò giáo dân, mặc dù đã sau hai chục năm vẫn luôn hợp thời một cách lạ lùng,
mang dấu chỉ của lời tiên tri: Một giáo huấn như thế có thể soi sáng và hướng
dẫn để giải đáp vấn đề mới của thời đại hôm nay.[7]
Nếu canh tân trong Giáo hội có nghĩa là trở về nguồn của mạc
khải, như Công đồng chung Vaticanô II đã khẳng định và kêu gọi, thì điều ích
lợi và cần thiết đối với chúng ta là bắt đầu ở đây với việc nhìn lại giáo huấn
của Giáo hội vốn diễn tả cách cô đọng qua mạc khải của chính Thiên Chúa về vai
trò của các thành phần khác nhau thuộc dân Chúa và về mối quan hệ giữa các
thành phần này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô và Giáo
hội của Người. Chính đó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho việc nhìn lại vai trò của
người giáo dân trong Giáo hội, rồi mới đưa ra những nhận định, và tiếp đến sẽ
là những đề xuất cụ thể cho các vị trí hoạt động tông đồ của người giáo dân
trong Giáo hội và trong xã hội.
Mà thật vậy, dân Chúa bao gồm các tín hữu vốn là những người,
nhờ bí tích thánh tẩy, được hiệp thông với Đức Kitô, và do đó, tham dự, theo
cách thế riêng, vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Người.[8] Cũng do
sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác
viên có chức thánh, theo luật, được gọi là giáo sĩ và các tín hữu khác được gọi
là giáo dân.[9] Các tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, theo điều kiện và ơn gọi
riêng của mỗi người, cùng được kêu gọi thực hành sứ mệnh Thiên Chúa đã giao phó
cho Giáo hội chu toàn trong thế giới, trong sự bình đẳng về phẩm giá và hoạt
động. [10]
Giáo sĩ và giáo dân đều là thành viên của dân Chúa với ơn
gọi chung là nên thánh. Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa,
làm thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Tin mừng, làm cho mọi
người khắp thế giới biết đến và đón nhận sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa. [11]
Người giáo dân thực hiện ơn gọi riêng của mình bằng cách
sống trong trần thế, làm thấm nhập tinh thần Tin mừng vào mọi hành động của
mình, để xếp đặt các việc trần thế theo thánh ý của Thiên Chúa. Mà Giáo hội
được Thiên Chúa thiết lập, cũng luôn có nhiệm vụ do Thiên Chúa giao phó là chu
toàn việc bổn phận hằng ngày sao cho tinh thần Tin mừng được thấm nhập vào thế
giới mỗi ngày một hơn.
Tất cả cần được thực hiện trong sự bình đẳng và tôn trọng ơn
gọi riêng của mỗi người. Bình đẳng vì cùng “được tái sinh trong Đức Kitô”. Ơn
gọi riêng vì được Thiên Chúa đặt để trong những hoàn cảnh, điều kiện sống riêng
để khắp nơi trên thế giới đều được nghe Tin mừng cứu rỗi và mọi người mọi nơi
đều có thể lên tiếng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu
chuộc.[12]
Giáo hội Công giáo được thiết lập tại Việt Nam cũng
được kêu gọi thực thi và đã thực thi chương trình này của Thiên Chúa qua nhiều
thời kỳ khác nhau, trong những điều kiện xã hội và chính trị khác nhau.
Giáo hội không thuộc thế gian nhưng không tách khỏi thế
gian. Năm mươi năm qua của Giáo hội là những năm tháng hồng ân Chúa ban nhưng
cũng là những năm tháng “không yên tĩnh” của cả dân tộc.
Lịch sử Việt Nam trong 50 năm này có thể được xem là đã lần
lượt trải qua ba thời kỳ lớn: (1) thời kỳ phân chia hai miềnNam Bắc
(1954-1975), (2) thời kỳ thống nhất Nam Bắc và xây dựng chế độ xã hội xã hội
chủ nghĩa trên cả nước (1975-1986), và (3) thời kỳ của một nước Việt Nam chọn
nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1986 đến nay). Trong
đó, Giáo hội Công giáo thường xuyên bị đặt trước nhiều vấn đề đòi hỏi Giáo hội
phải “luôn tỉnh thức” để có thể thực thi nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó trong sự
trung tín với Lời của Chúa.
1/ Thời kỳ phân chia hai miền Nam Bắc (1954-1975)
Khi Tòa thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm
1960, Giáo hội Công giáo Việt Nam đang sống trong một đất nước bị chia cắt
thành hai phần Nam Bắc, theo hai chế độ chính trị khác nhau, nếu không nói là
đối nghịch nhau: một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và một nước Việt Nam cộng
hòa. Cuộc chiến tranh kéo dài và ác liệt trên cả hai miền Nam Bắc càng làm cho
sự chia cắt này thêm gay gắt. Do đó, sự khác biệt cũng hiện rõ trong sinh hoạt
của Giáo hội tại hai miền và đặc biệt qua việc thực thi vai trò của người giáo
dân trong Giáo hội và trong xã hội.
a. Giáo hội tại miền Bắc
Hiệp định Genève chia đôi đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1954,
đã gây nên một thay đổi lớn trong tổ chức của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Thi hành quyền tự do chọn nơi cư trú được quy định trong
hiệp định, một lượng rất đông những người Công giáo sống tại miền Bắc, trong đó
có nhiều giáo sĩ,[13] lo sợ cho niềm tin tôn giáo của mình bị ảnh hưởng cách
bất thuận lợi do phải sống dưới chế độ do Đảng cộng sản lãnh đạo, đã chọn con
đường di cư vào miền Nam. Do bởi một số đông giáo sĩ di tản, miền Bắc thiếu hẳn
những hoạt động cần thiết của các vị mục tử, làm ảnh hưởng đến sự hướng dẫn và
giáo dục đoàn chiên về mặt đức tin; hơn nữa, hoàn cảnh xã hội chính trị xem ra
không thuận lợi cho việc phát triển niềm tin Kitô giáo.
Một trong những hậu quả của sự việc trên là: Giáo hội tại
miền Bắc lâm vào tình trạng thiếu giáo sĩ một cách trầm trọng. Cụ thể là Tổng
giáo phận Hà Nội:
Sau năm 1954, nước Việt Nam bị chia cắt làm hai
miền Bắc Nam. Khi ấy, hai phần ba số linh mục của Giáo phận Hà nội đã di
cư vào Nam, số còn lại chưa đầy sáu mươi linh mục. Trong số đó, phần lớn
là những linh mục cao tuổi, chỉ có khoảng chục linh mục trẻ ở lứa tuổi ba lăm
bốn mươi, phải phục vụ một trăm ba mươi lăm giáo xứ với gần năm trăm nhà
thờ.[14]
Tình hình ở một số giáo phận khác ở miền Bắc còn khó khăn
nhiều mặt, điển hình như: Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh,
không có giám mục. Mỗi giáo phận chỉ còn lại từ 10 đến 20 linh mục, phần nhiều
là các vị đã già yếu; nhưng nhìn chung, người giáo dân vẫn can đảm giữ vững
niềm tin của mình. Các giáo phận không có giáo sư, thiếu chủng sinh để kế tiếp
ơn gọi linh mục, dẫn đến tình trạng thiếu giáo sĩ trầm trọng và kéo dài. Đến
năm 1955, Tổng giáo phận Hà Nội mở chủng viện, được một thời gian ngắn, nhằm bổ
sung cho số linh mục đã già yếu, bệnh hoạn, và vì hoàn cảnh mà xa rời nhiệm sở.
Ngoài ra, sinh hoạt công khai của Giáo hội bị hạn chế tới
mức tối đa và bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ, sinh hoạt hội đoàn trong
giáo xứ hay giáo phận do đó cũng bị hạn chế. Quan hệ giữa Giáo hội Việt Nam—vốn
theo tinh thần Thư chung các giám mục Đông Dương (09-11-1951) và giáo huấn của
Giáo hội về chủ nghĩa cộng sản—với nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo diễn ra
trong bầu khí căng thẳng. Người giáo dân không được tham gia một số lĩnh vực
thuộc công cuộc xây dựng xã hội lúc bấy giờ như ngành y tế, giáo dục…
Trong bối cảnh trên, cuộc sống đạo của người giáo dân chủ
yếu chỉ còn là những cuộc tập họp tại nhà thờ để dâng thánh lễ (nếu may mắn có
linh mục tới được), cử hành các “á phụng vụ”, nghe đọc sách đạo đức, hay tổ
chức rước kiệu, dâng hoa, ngắm mười lăm sự thương khó. Nói chung, đó là những
việc đạo đức đã được vun đắp từ xa xưa và mang nặng “tính cách giáo dân” vì
không có giáo sĩ vẫn có thể được cử hành cách “trọng thể và sốt sắng”. Các việc
đạo đức này có thể đã đáp ứng được ít nhiều lòng đạo của phần đông tín hữu sống
ở nông thôn miền Bắc. Đối với nhiều người trong số các tín hữu này, đó còn là
cách thức để thể hiện lòng gắn bó của họ đối với Giáo hội, với Đạo.
Thế đấy, đức tin đơn giản, phụng vụ đơn giản, nhưng trong
suốt thời gian khó khăn ấy, anh chị em miền Bắc vẫn kiên trì bám trụ quanh ngọn
đèn chầu chẳng bao giờ tắt. Thật đáng phục hình ảnh của một cụ trùm họ mỗi tuần
đạp xe hàng chục cây số để cung nghinh Mình Thánh Chúa về cho cộng đoàn rước lễ
sáng Chúa nhật và duy trì ngọn đèn chầu cho cộng đoàn kinh hạt sáng chiều.
Lòng gắn bó với Giáo hội, sự quyết tâm giữ đạo này cũng đã
thúc đẩy đông đảo anh chị em giáo dân, theo gót của các vị tử đạo Việt Nam, đã
kiên trì, bất chấp mọi khó khăn, bắt bớ, tù đày để gắn bó với công việc của
Giáo hội, như tổ chức sinh hoạt trong giáo xứ, duy trì các buổi đọc kinh cầu
nguyện của cộng đoàn, dạy kinh bổn, làm việc truyền giáo…. Qua sự gắn bó nhiệt
tình này, niềm tin vào Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, vào ơn cứu độ của Người,
vẫn được duy trì và phát triển trên một phần lãnh thổ rất quan trọng này của
đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ các việc đạo đức đó không mà thôi thì không
thể góp phần tích cực vào việc giúp người giáo dân phát triển đức tin của mình
và thể hiện vai trò của mình trong xã hội. Người giáo dân cần có dịp thuận lợi
và phương tiện thích ứng để đào sâu giáo lý, cần có cơ hội được nâng đỡ đầy đủ
để có thể cảm thấy dễ dàng hơn trong việc vượt thắng các khó khăn đặt ra cho
lòng tin của họ trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Không ít người, đặc biệt tại
các nơi thành thị, đã lơ là với cách sống đạo và cử hành việc đạo mà họ cho là
không còn thích hợp. Và từ đó, đã đi tới chỗ lơ là với chính Giáo hội, với
chính niềm tin Kitô giáo của mình.
b. Giáo hội tại miền Nam
Khác với tình hình trên đây của miền Bắc, Giáo hội tại miền Nam gặp
nhiều thuận lợi hơn trong việc công khai sống và cử hành niềm tin của mình:
không chỉ tại nhà thờ, tại giáo xứ mà cả trong sinh hoạt xã hội nữa.
Giáo hội có những điều kiện để phát triển cách bình thường,
rất tự nhiên: một hàng ngũ giáo sĩ người Việt đông đảo, đa dạng và tăng trưởng
không ngừng, các dòng tu cũng phát triển mạnh, các tu sĩ tham gia hầu hết mọi
lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Người giáo dân có nhiều cơ hội để thực hiện vai
trò của mình trong mối tương quan thích đáng với hàng giáo sĩ và tu sĩ; họ có
nhiều cơ hội thuận lợi để thể hiện những đặc trưng đoàn sủng của mình. Một
trong những thuận lợi dành cho quảng đại quần chúng giáo dân là việc giáo dục
tôn giáo và văn hóa. Các hội đoàn được hình thành, được thiết lập chính thức,
hoạt động hầu như khắp nơi, quy tụ giáo dân theo tuổi tác, nghề nghiệp.
Năm 1956, bốn năm trước khi diễn ra sự kiện trọng đại là
việc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Tòa thánh đã phê chuẩn và cho thi hành
bản Hiến chương Công giáo tiến hành Việt Nam, một tổ chức thúc đẩy người giáo
dân Việt Nam thi hành ơn gọi riêng của mình trong Giáo hội và trong xã hội.
Năm 1957, tổ chức đã có trụ sở riêng đặt tại Sài Gòn với
Trung tâm sinh hoạt đào tạo là biệt thự Thánh Tâm ở Đà Lạt. Có thể nói, tổ chức
này có đủ nhân sự cần thiết để thực hiện công việc điều hành, huấn luyện, triển
khai các dự án mục vụ.
Người giáo dân, ở mọi lứa tuổi, đều có nhiều cơ hội để dấn
thân phục vụ Giáo hội qua việc thường xuyên được mời gọi để sinh hoạt trong các
hội đoàn. Các hội đoàn này được chia ra làm hai loại: (1) chuyên biệt, tức dành
cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động nào đó; và (2)
không chuyên biệt, chung cho mọi thành phần giáo dân.
Ngoài ra, Phong trào Công giáo tiến hành còn bao gồm nhiều
tổ chức chuyên biệt khác như: (1) Caritas Việt Nam để chăm lo các việc bác ái
xã hội; (2) Trung tâm ATAS (âm thanh và ánh sáng) đặc trách các hoạt động
truyền thanh, truyền hình, phim ảnh; (3) Ủy ban giáo dục đặc trách các hoạt
động giáo dục trong các trường tư thục Công giáo; (4) Ủy ban báo chí xuất bản
đặc trách các hoạt động truyền thông xã hội….
Mục tiêu của các hội đoàn Công giáo tiến hành này rất đa
dạng: đạo đức, giáo dục đức tin và nhân văn, làm việc tông đồ. Thật vậy, các
hội đoàn hoạt động để giúp người giáo dân, ở mỗi độ tuổi, sống cuộc sống đạo
đức, kết hiệp với Đức Kitô, chu toàn bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã
hội. Hoạt động của các hội đoàn này giúp người giáo dân sống sứ mạng tông đồ
bằng nhiều cách thức khác nhau và theo những độ tuổi khác nhau, để làm chứng
cho Đức Kitô đang hiện diện giữa thế gian. Bằng những cách thức khác nhau,
nhưng các hội đoàn Công giáo tiến hành luôn có một ước muốn rất giống nhau:
được góp phần cùng với những người thiện chí xung quanh biến đổi trật tự xã hội
theo chiều hướng tiến tới một xã hội lành mạnh hơn, công bằng hơn, và biết tôn
trọng con người hơn.
Với tính cách cá nhân và đoàn thể, người giáo dân ở miền Nam có
nhiều điều kiện để dấn thân phục vụ xã hội trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề
khác nhau: y tế, giáo dục, bác ái từ thiện, truyền thông xã hội, kinh tế, khoa
học….
Được tiếp xúc rộng rãi với các trào lưu tư tưởng, triết học,
thần học, xã hội, chính trị trong và ngoài nước, nhất là với tinh thần của Công
đồng chung Vaticanô II diễn ra vào những năm đầu của thập niên 60, một lớp
không ít những giáo dân thức thời, biết ưu tư về những vấn đề cấp bách của Giáo
hội và của xã hội đã xuất hiện. Họ lập ra các diễn đàn để phát biểu những suy
nghĩ của mình về Giáo hội và về xã hội. Một số tờ báo, tạp chí do một số giáo
dân chủ trương, quy tụ giáo sĩ, giáo dân và cả những người ngoài Giáo hội Công
giáo để chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc xây dựng Giáo hội và xã hội.
Báo chí Công giáo từ sau Công đồng Vaticanô II đã là một
trong những họat động nổi bật nhất của cộng đồng Kitô hữu miền Nam Việt Nam.
Ngoài những tờ báo “thuần đời” như Xây Dựng, Hòa Bình, hoặc “thuần đạo” như Hợp
Tuyển Thần Học, Phụng Vụ, Nhà Chúa…, còn có những tờ báo có chủ trương rõ rệt
là muốn hội nhập tối đa, gắn đạo với đời, như Tinh Thần, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,
Sống Đạo, Thẳng Tiến. Đặc biệt, tờ Đối Diện thể hiện rất rõ khuynh hướng muốn
dấn thân, nhập cuộc.
Báo chí Công giáo Việt Nam toát lên nỗ lực canh tân của Giáo
hội Việt Nam và đặc biệt nhất là sự khẳng định vài trò giáo dân trong việc diễn
tả đức tin trong cuộc sống xã hội. Văn học Công giáo Việt Nam từ sau Công đồng
Vatican II đã trở thành bức tranh sinh động phản ánh những hoạt động, đời sống
và đặc biệt là chân dung tinh thần của người tín hữu Công giáo Việt Nam cuối
thế kỷ XX.[15]
Trong tất cả các tờ báo nêu trên đây đều có sự tham gia đông
đảo của anh chị em giáo dân; có những tờ báo do chính những người giáo dân trực
tiếp sáng lập. Nói chung, họ cộng tác sát cánh với các linh mục, các tu
sĩ.
Ở đây, chúng ta cũng phải kể đến những anh chị em giáo dân
đã tích cực hành động trong các phong trào góp phần xây dựng một Giáo hội dấn
thân hơn vì người nghèo, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, hy vọng và cả những khắc
khoải lo âu của thế giới và con người nói chung; họ thực sự muốn góp phần xây
dựng một xã hội lành mạnh, công bằng, một nền kinh tế không tạo những hố sâu
quá lớn giữa người giàu và người nghèo, một đất nước Việt Nam hòa bình nói
riêng.
Năm 1975, chiến tranh chấm dứt trên cả nước. Đức Tổng giám
mục Nguyễn Kim Điền đã lên tiếng thật rõ ràng:
Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng
ta mong ước và cầu nguyện từ ba mươi năm nay. Thời gian sống trong hãi hùng, lo
âu qua rồi…[16]
Và sự kiện lịch sử này cũng đã được hai đức tổng giám mục:
Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận của Sài Gòn chào đón trong tinh thần yêu
chuộng hòa bình, một mối phúc của Tin mừng: các diễn biến sau 1975 được kỳ vọng
là khởi đầu cho một cuộc sống mới của quê hương không còn bom đạn, hướng đến tương
lai của người Kitô hữu với “niềm phấn khởi cao siêu, thiêng liêng, bất diệt từ
nơi Thiên Chúa mà đến” dẫu biết rằng không dễ gì mà người Kitô hữu có thể chung
sống, chung xây với xã hội thực tại ấy: “… mà vẫn là Kitô hữu”.
Điều quan trọng là hướng về tương lai…. Đối với người tín
hữu, chúng ta còn có một niềm phấn khởi cao siêu, thiêng liêng, bất diệt từ nơi
Thiên Chúa mà đến. Niềm phấn khởi đó, Phụng vụ của mùa Phục sinh luôn luôn nhắc
lại trong những ngày này…[17]
Bước chân chúng tôi đã dứt khoát, nhưng vấn đề căn bản vẫn
tồn tại: làm sao chung sống với người cộng sản mà vẫn là Kitô hữu và đem được
phần đặc thù của mình vào trong công cuộc xây dựng này?[18]
Phải chăng chúng ta có thể hy vọng lời Thánh vịnh (Tv
71,2-3) xưa sẽ ứng nghiệm cho hoàn cảnh chúng ta đang sống:
Quyền lợi kẻ nghèo sẽ được bênh vực
Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ,
Đồi rước về nền công lý vạn dân,
Người bảo toàn quyền lợi hàng lê thứ,
Ra tay cứu độ đám dân nghèo,
Đập tan lũ cường hào ác bá.[19]
Sự thống nhất đất
nước đã được tái lập. Dường như cả nước được hô hào phải tuyệt đối một lòng,
quyết tâm xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Người ta cũng đọc được ý
tưởng này trong Thư của Hội nghị giám mục hai giáo tỉnh Sài Gòn – Huế.[20]
Nhưng rồi qua “Một chặng đường…”,[21] nhiều nhân vật trong
Giáo hội Việt Nam có thêm những nhận định làm kim chỉ nam cho đường
hướng mục vụ.
Để có Thư chung, không những phải có Công đồng, mà Giáo Hội
miền Nam đã làm quen và đã thấm nhuần không nhiều thì ít, nhưng cũng phải có
Thư chung của các giám mục hai giáo tỉnh Sài Gòn và Huế năm 1976, những phát
biểu, những thư mục vụ, những bài giảng dạy của nhiều vị chủ chăn, cũng như
những suy tư, tranh luận, bài viết và thực hành của nhiều nhóm, nhiều tổ chức, nhiều
người trong và ngoài Hội đồng Giám mục trước và sau Thư chung 1976.[22]
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công
bố ngày 01 tháng 5 năm 1980 tại Hà Nội, đã vạch ra đường hướng rõ rệt: sống
Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.
Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự
giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM
15). Nhất là được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại
địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục Tử hiền lành
và khiêm nhường, để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với
chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là
sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.[23]
Tuy nhiên, thực tế đã không tạo được một niềm tin cần phải
có để mọi người an tâm bước vào “vận hội mới” của đất nước. Không ít anh chị em
giáo dân tại miền Nam Việt Nam đã di tản hay rời khỏi nước để đoàn tụ
gia đình. Trong khi đó, tình hình tôn giáo ở phía Bắc chẳng những không được
cải thiện mà ở một số nơi, đặc biệt, các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên,
còn xấu đi.
Sinh hoạt tôn giáo tại miền Nam bị bó hẹp, nhất là vào buổi đầu, gần như trở về với tình trạng của miền Bắc trước ngày thống nhất: sinh hoạt hội đoàn, sách vở, báo chí đạo bị cấm. Các phương tiện, cơ sở vật chất mà qua đó, người giáo dân cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, thể hiện tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ người nghèo trong xã hội—như 226 trường trung học, 1.030 trường tiểu học, 58 cô nhi viện nuôi hơn 6.000 trẻ em, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc—đều đã phải giao nộp cho nhà nước.
Sinh hoạt tôn giáo tại miền Nam bị bó hẹp, nhất là vào buổi đầu, gần như trở về với tình trạng của miền Bắc trước ngày thống nhất: sinh hoạt hội đoàn, sách vở, báo chí đạo bị cấm. Các phương tiện, cơ sở vật chất mà qua đó, người giáo dân cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, thể hiện tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ người nghèo trong xã hội—như 226 trường trung học, 1.030 trường tiểu học, 58 cô nhi viện nuôi hơn 6.000 trẻ em, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc—đều đã phải giao nộp cho nhà nước.
Thế rồi, nhờ có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo
hội hai miền Nam Bắc, nhờ được hấp thụ tinh thần của Công đồng chung Vaticanô
II, nhờ chính tầng lớp giáo sĩ và giáo dân trong Giáo hội Việt Nam vốn đã ý
thức hơn về vai trò của người giáo dân trong xã hội… và nhờ một số hoàn cảnh
chính trị riêng biệt, người giáo dân nói chung cũng vẫn có thể thực hiện vai
trò của mình trong hoàn cảnh mới của đất nước. Chính trong thời kỳ đất nước
thống nhất này, Công đồng Vaticanô II có cơ hội thuận tiện để được phổ biến
rộng rãi hơn cho giáo dân miền Bắc:
Sau 1975, những thông tin tốt đẹp của Công đồng Vaticanô II được
phổ biến cho giáo dân miền Bắc trong các nhà thờ, các lớp giáo lý. Sự đi lại dễ
dàng hơn giữa hai miền Nam Bắc đã giúp giáo dân Việt Nam nói chung,
cách riêng là giáo dân miền Bắc, thấy rõ hơn vai trò của họ theo tinh thần của
Công đồng…[24]
Thật ra, tuy sống trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi,
nhưng nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, người giáo dân miền Bắc trước đấy
vẫn đã có những bước đi phù hợp với nội dung Công đồng Vaticanô II: sống đức
tin mạnh mẽ, trung thành với Giáo hội, sùng kính Đức Maria cách đặc biệt.
Đối với giáo dân miền Nam, Công đồng Vaticanô II đã có
những ảnh hưởng rất rõ rệt, bởi lẽ:
… giống như Giáo hội ở miền Bắc ngay cả trước khi biết đến
Công đồng đã sống các lý tưởng của Công đồng, thì Giáo hội ở miền Nam sau biến
cố lịch sử 1975, với chút nhận thức rõ hơn về tinh thần Công đồng, xem ra cũng
đã nỗ lực khẳng định: người Kitô hữu không chỉ sẵn sàng chia sẻ số phận vật
chất, bấp bênh chung của dân tộc, mà còn cần sẵn sàng chia sẻ, thể hiện tinh
thần phục vụ, trở nên gần gũi với anh chị em đồng bào của mình hơn. Bởi khi
người Kitô hữu thực sự sống cuộc đời hành hương tiến về Nước Trời, họ đang cùng
với toàn thể Giáo hội làm biểu lộ rõ hơn khuôn mặt của Đức Kitô, vị Thầy hiền
lành, khiêm nhường, khó nghèo, và chịu đóng đinh.[25]
Thật vậy, mặc cho những khó khăn và thử thách, người giáo
dân vẫn tiếp tục sự hiện diện của mình với niềm tin Kitô giáo trong nhiều lĩnh
vực khác nhau: y tế, giáo dục, xưởng thợ, truyền thông, và cả trong các
lĩnh vực chuyên môn nghệ thuật.
Một số giáo dân họat động trong lĩnh vực y tế tiếp tục có
nhiều hoạt động trong những phạm vi xã hội khác nhau và góp phần không nhỏ
trong việc phục vụ con người.[26] Ngay từ những năm 1979, vốn là những năm còn
rất khó khăn về kinh tế cũng như về nhiều phương diện khác, người giáo dân đã
biết phối hợp tương đối thường xuyên với một số bác sĩ, y sĩ, nha sĩ, nha công,
dược sĩ, dược tá—đôi khi còn có sự tham gia của các nhóm giáo viên Công giáo—để
tổ chức thăm và khám bệnh cho các bệnh nhân trại phong, các viện cô nhi, những
người neo đơn và những người tàn tật; thực hiện phẫu thuật mắt, phẫu thuật
xương và giúp tập “vật lý trị liệu”; cung cấp thuốc miễn phí, tổ chức những bữa
ăn đặc biệt, sửa chữa những căn nhà bị hư hại cho các người già yếu, nghèo
đói.[27]
Vào những giai đoạn đầu của các công tác xã hội này, khi
chưa hình thành được một trung tâm nào ổn định, nhiều anh chị em còn tình
nguyện đến tận nhà người bệnh thăm khám và chăm sóc miễn phí. Sau
này nhiều trung tâm cũng như phòng khám được hình thành nhằm phục vụ các
đối tượng đặc biệt này. Ngoài việc khám bệnh và phát thuốc, họ còn chu đáo tổ
chức cung cấp một số phần ăn cho các bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó
khăn.
Một số anh chị em giáo dân lao động khác, thuộc các đoàn thể
giáo xứ tại các giáo phận,[28] hàng tuần vẫn quy tụ nhau tìm những phương cách
khả thi nhất để giúp những người nghèo trong vùng quê có được một căn nhà lành
lặn che nắng, che mưa. Họ tổ chức “nồi cháo bệnh viện”, cắt tóc cho học sinh
nghèo tại một số trường học, giúp đỡ người vướng mắc phải “căn bệnh của thế kỷ”
sớm được hòa nhập lại vào môi trường sống tự nhiên của xã hội, hay được chăm
sóc cách tận tình lúc căn bệnh trở nên nguy tử và rồi được chôn cất cách tử tế
khi qua đời.
Có thể nói, làm bác ái, từ thiện là hình thức rất quen thuộc
và phổ biến của người giáo dân để thể hiện vai trò làm chứng cho Đức Giêsu Kitô
giữa xã hội. Qua các việc bác ái từ thiện này, người giáo dân đã có thể góp
phần làm cho sống động hơn sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời,
Đấng cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, chữa lành kẻ bệnh tật… và dạy các môn đệ
của Người làm như thế để mọi người biết họ đích thực là môn đệ của Người.
Thật vậy, đường hướng phục vụ trong Thư chung 1980 của
Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để tạo hạnh
phúc cho đồng bào” là nỗ lực đưa tinh thần Tin mừng hội nhập nhiều hơn vào quê
hương Việt Nam, gắn bó chặt chẽ hơn với dân tộc Việt Nam. Điều này là
một trong những cách thế rất thực tế để người dân Việt có thể đóng góp cho sự
bám rễ sâu của Tin mừng nơi các giáo hội địa phương; và do đó, cũng góp phần
phát triển Giáo hội toàn cầu.
Nhờ những giáo huấn của Giáo hội giúp người giáo dân biết
chọn cách sống tốt hơn: sống đạo theo tinh thần Tin mừng thay vì giữ đạo theo
thói quen, giáo dân dấn thân nhiều hơn, biết chia sẻ trách nhiệm với tu sĩ,
giáo sĩ.[29]
Đại hội Liên hội đồng giám mục Á châu (Federation of Asian
Bishops’ Conference) (FABC) năm 2000 đã khích lệ việc phát huy các tài năng và
chuyên môn của giáo dân.
Đại hội Liên hội đồng giám mục Á châu (FABC) năm 2000 tại
Thái Lan đã nhắc lại một tư tưởng thường xuất hiện trong các văn kiện thần học
châu Á: phải phát huy những cơ cấu tham gia (participative structures) trong
Giáo hội, ngõ hầu các tài năng và chuyên môn của giáo dân nam nữ có cơ hội được
sử dụng đến. Có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và nhờ vào ân
sủng các bí tích củng cố, giáo dân phải quyết tâm dấn thân vào trong cuộc sống
góp phần thực hiện sứ mệnh của Giáo hội, đem Tin mừng của Đức Giêsu áp dụng vào
trong các lãnh vực nghề nghiệp: chính trị, giáo dục, y tế, phương tiện truyền
thông và lao động.[30]
Trong hiện tại, đất nước Việt Nam đang tiến đi
trên con đường phát triển theo kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ
nghĩa. Việc mở cửa làm ăn với thị trường quốc tế và khu vực, hiện tượng toàn
cầu hóa… đã tạo nên không ít những biến chuyển, những điều kiện sống mới, thuận
lợi và bất thuận lợi, cho mọi người dân. Thật vậy, người giáo dân Công giáo
không nằm ngoài những biến chuyển tích cực của xã hội; nhưng đồng thời, cũng
không phải là hoàn toàn không hề chịu ảnh hưởng tiêu cực của những điều kiện
sống mới này.
Một số lượng không nhỏ anh chị em giáo dân, tại nông thôn cũng như thành thị, đã tích cực đi theo chiều hướng đổi mới và đã ít nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều anh chị em giáo dân trong số các anh chị em tương đối thành công trên thương trường này, đã tập họp nhau lại thành nhóm doanh nhân Công giáo (giới doanh nghiệp). Nhóm này tích cực gắn bó với Giáo hội qua các sinh họat tôn giáo đều đặn, thực hiện các công cuộc bác ái từ thiện nơi này nơi khác, nhất là trong môi trường sống và phạm vi làm việc hằng ngày của mình.
Tuy nhiên, cũng có một số anh chị em giáo dân bị các thay
đổi của thời cuộc đẩy vào trạng thái hoang mang về mặt tôn giáo. Chẳng hạn, do
nhu cầu cuộc sống và công ăn việc làm, không ít người giáo dân ở các vùng sâu,
vùng xa, những vùng nông thôn nghèo khổ… đã kéo về các trung tâm đô thị. Đời
sống đạo của những người giáo dân này chưa được ổn định, giáo hội tại chỗ hầu
như chưa có chương trình rõ ràng, cách thức hoặc biện pháp thích hợp để phục vụ
cho những anh chị em di dân, giúp họ thích nghi với môi trường sống mới, và
giúp họ thực thi vai trò người giáo dân tại nơi họ làm việc, tại nơi họ cư trú.
Bị thời cuộc đưa đẩy ra khỏi khung cảnh sống đạo đơn giản và quen thuộc và bị
ném vào một môi trường văn hóa hoàn toàn khác và xa lạ, một số anh chị em di
dân này dường như không còn chỗ dựa cần thiết để tiếp tục cuộc sống đạo của
mình.
Người giáo dân ngày nay vẫn đang phải đối diện với những vấn
đề của thời đại mình, những vấn đề mới được đặt ra trong hầu hết mọi lĩnh vực. Tiếc
rằng, ngoài một đức tin truyền thống nói chung rất đáng quý của gia đình truyền
lại, thì hành trang vào đời của một số anh chị em này lại chỉ là những kiến
thức tôn giáo đã được thiết lập từ một thời xa xưa. Thật vậy, sự hội nhập của
những anh chị em này với xã hội trong tư cách là Kitô hữu chưa thực sự thích
đáng; và các hoạt động phục vụ của Giáo hội cũng chưa được cập nhật hóa cách
kịp thời để giúp đỡ họ. Giáo hội cần đồng hành với họ nhiều hơn… để giúp họ có
thể tự tin hơn mà bước vào môi trường sống mới.
Sinh hoạt của Giáo hội vẫn còn không ít những hạn chế: linh mục vẫn chưa tới được một số vùng, như ở cao nguyên, dù chỉ là để cử hành thánh lễ cho các tín hữu thuộc các dân tộc ít người. Tại đây, người điều khiển cuộc sống đạo của cộng đoàn vẫn là một “giáo phu” ( yao phu), được giáo dân đưa lên vì tư cách đạo đức và uy tín của người này. Vị giáo phu sắm vai nhà lãnh đạo tinh thần của giáo xứ.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Huấn từ về tông
đồ giáo dân dịp Năm thánh 2000, đã phát biểu tại Quảng trường Thánh Phêrô:
Giờ giáo dân đã điểm. Làm một Kitô hữu, chưa bao giờ là một
việc dễ dàng, ngày xưa cũng vậy mà ngày nay cũng thế. Muốn theo Chúa Kitô cần
phải can đảm chọn lựa dứt khoát, thường thường là phải lội ngược dòng…[31]
Thích ứng nhiều hơn với tinh thần Công đồng Vaticanô II,
người giáo dân Việt Nam hôm nay nói chung rất tích cực trong việc tham gia vào
các hội đồng, hội đoàn của giáo phận, giáo xứ, thực hiện các hoạt động tông đồ
với nhiều sáng kiến trong ý thức vâng phục “các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại
diện Chúa Kitô”.[32]
Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô
hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ
thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách là những thầy dạy và những
nhà lãnh đạo trong Giáo hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Kitô, Đấng đã
vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa
cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên
Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỉ mà không than vãn thi hành
nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dt
13,17). Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao
phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội, các ngài nên sẵn sàng chấp
nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao cho họ những công tác để họ
phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài
cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm theo sáng kiến của họ. Với tình
cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh
cầu, và khát vọng của họ (x. 1 Tx 5,19 và 1 Ga 4,1). Đàng khác, các chủ chăn
phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực
trần thế.[33]
Về phương diện hình thức, Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện
cũng đang có dáng vẻ chuyển mình khá rõ rệt. Sự trợ giúp quảng đại của kiều
bào, các giáo hội chị em từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế cùng với những
đóng góp chắt chiu của dân chúng trong nước, nhiều công trình xây dựng của Giáo
hội đã và đang được trùng tu, tôn tạo, hoặc xây dựng mới: nhà xứ, nhà sinh
hoạt, trung tâm mục vụ, chủng viện, tòa giám mục….
Từ một số thực tế trong phần được “Nhìn lại”, chúng ta có
thể đi đến những nhận định khái quát về việc thực thi vai trò của giáo dân
trong Giáo hội và trong xã hội Việt Nam 50 năm qua.
Tuy hoàn cảnh sống xem ra không mấy thuận lợi cho sinh hoạt
bình thường của Giáo hội, nhưng thực tế đó lại đã tạo cơ hội để người giáo dân
tại nhiều nơi thực hiện một cách tích cực hơn các vai trò của mình như được
nhìn nhận và cổ vũ trong Giáo hội. Người giáo dân ở đây đã nối tiếp truyền
thống của tầng lớp giáo dân trong buổi đầu và trong suốt quá trình phát triển
của Giáo hội tại Việt Nam. Những người giáo dân này đã thực thi vai trò
của mình cách dũng cảm vì Giáo hội và trong lòng tin ở Chúa, bất chấp các hiểm
nguy đối với cuộc sống, thậm chí mạng sống của mình, của gia đình và người
thân.
Lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam ghi nhận tên
tuổi vẻ vang của những người giáo dân đã bị cầm tù, bị kỳ thị… vì hoạt động tôn
giáo của mình. Sự gắn bó của những người giáo dân này với niềm tin nơi Đức Kitô
và Giáo hội của Người quả rất đáng trân trọng. Họ cũng có thể được sánh ví với
những người giáo dân thuở xưa, những người được Giáo hội chính thức nhìn nhận
công đức qua việc phong thánh năm 1988. Trong những hoàn cảnh đặc biệt như được
nêu lên trên đây, khó có thể đòi hỏi gì hơn nơi anh chị em giáo dân ngoài sự
gắn bó với lòng tin Kitô giáo, với Giáo hội và với cộng đoàn, dù qua những hình
thức giữ đạo và cử hành đạo có thể họ có lúc đã bị đánh giá là quá nặng về mặt
đạo đức tình cảm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đây là một hoàn cảnh bất
thường: người giáo dân đã thực hiện vai trò của mình một cách đơn độc trong sự
thiếu vắng giáo sĩ. Con số ít ỏi các giáo sĩ ở nhiều nơi xem ra không đủ để
“ban thánh lễ” mỗi tuần một lần cho các cộng đoàn; nói gì đến việc giáo dục đức
tin, giảng dạy, tạo cơ hội để người giáo dân sống đầy đủ cuộc sống bí tích, để
càng ngày càng thấm nhập tinh thần Tin mừng và để từ đó làm thấm nhập tinh thần
Đức Kitô vào đời thường của xã hội. Vai trò sống Tin mừng của người giáo dân
gần như chỉ còn gói ghém vào việc “thuần túy” gắn bó với Giáo hội và duy trì
niềm tin Kitô giáo. Trong khi đó, sự phục vụ đầy đủ nhất phải là một sự phục vụ
của toàn thể các thành phần trong Giáo hội “do sự thiết lập của Thiên Chúa” gồm
giáo sĩ và giáo dân để:
… theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ
mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội chu toàn trong thế giới.[34]
Ở một số nơi và trong một số hoàn cảnh, khi việc đào tạo
giáo sĩ không gặp khó khăn và ơn gọi linh mục tương đối dồi dào, hiện tượng
ngược lại đã diễn ra trong Giáo hội: giáo sĩ đảm nhận hầu như mọi công việc
trong Giáo hội với tính cách là người lãnh đạo và người giáo dân chỉ biết vâng
phục, đóng vai người phụ thuộc, thừa hành.[35]
Đành rằng, tại một số nơi, chúng ta đã chứng kiến sự xuất
hiện của những người giáo dân có ý thức về trách nhiệm của người có niềm tin
Kitô giáo đối với xã hội và thế giới; họ đã có những hành động cụ thể để thực
thi trách nhiệm này. Và gần đây, được xem như một tín hiệu vui, sự xuất hiện
những nỗ lực càng ngày càng lớn của nhiều giới trong việc thực hiện một sự kết
hợp hài hòa, bình đẳng trên cơ sở tôn trọng ơn gọi riêng của giáo sĩ và của
giáo dân, trong các hoạt động mục vụ khác nhau, như mục vụ gia đình, mục vụ
giới trẻ….
Cũng vậy, tại một số nơi khác, nhiều phần việc thuộc phạm vi
quản lý giáo xứ đã được giao phó cách tín nhiệm cho hội đồng giáo xứ gồm chủ
yếu là những người giáo dân. Việc đào tạo các linh hoạt viên cho mục vụ giới
trẻ, giáo lý viên để hợp tác với linh mục và tu sĩ lo việc dạy giáo lý cho trẻ
em… đã phát triển thành phong trào. Tuy nhiên, luồng gió đổi mới này vẫn chưa
đến được quảng đại quần chúng giáo dân.
Thực ra, theo giáo luật thì người đứng đầu giáo xứ vẫn là
linh mục chính xứ.[36] Với sự hợp tác lãnh đạo của các giáo sĩ khác, các tu sĩ
và giáo dân, linh mục chính xứ là người anh em với anh chị em đồng loại, nhưng
cũng là người mục tử cho anh chị em của mình, và vì anh chị em đồng loại của
mình. Tất cả các tín hữu Kitô trong một giáo xứ đều được mời gọi, mỗi người ở
vào vị trí của mình trong gia đình giáo xứ, để cùng tham gia tích cực vào công
việc chăm sóc và điều hành giáo xứ.[37]
Giám mục giáo phận ủy thác giáo xứ cho mục tử (pastor,
parochus). Với những quyền hạn và trách vụ được giáo luật… và qui chế của giáo
phận ban cho, mục tử thực sự lãnh đạo giáo xứ, không phải như một tổ chức,
nhưng như một cơ thể nhỏ bé. “Chức linh mục được thụ phong của ngài tuyệt đối
không thể thay thế.”[38]
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chính
là việc đào tạo giáo dân trong Giáo hội cho tới gần đây xem ra đặt nặng vào
việc giữ đạo hơn là sống đạo; lẽ ra việc giáo dục Kitô giáo phải làm cho người
giáo dân “thấm nhập tinh thần của Đức Kitô” để họ “kiện toàn trật tự trần thế
với tinh thần Phúc âm”. Thật vậy, về phương diện giữ đạo và tạo được tình cảm
đạo đức nơi các tín đồ, chúng ta có thể bằng lòng với thành quả đạt được. Nhưng
đối với nhiệm vụ “thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Tin
mừng” thì còn cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa từ mọi phía.
Cuộc sống đạo, việc thực thi ơn gọi riêng của giáo dân trong
xã hội trần thế nơi một số không nhỏ những Kitô hữu Việt Nam chưa được tổ chức
một cách có hệ thống, có phương pháp để công việc bác ái từ thiện và đời sống
chứng nhân của người Kitô hữu, hay nói một cách chính xác hơn, tình yêu thương
cứu độ của Đức Kitô, được thể hiện một cách liên tục và hữu hiệu, tích cực góp
phần đẩy lui tận căn cái xấu và góp phần thiết yếu vào việc xây dựng một trời
mới, đất mới.
Thao thức về một “trời mới, đất mới” cho thế hệ trẻ hôm nay,
có vị giám mục giáo phận đã từng đưa ra những nhận xét thật xác đáng, đề cập
đến chính nỗi lo âu tự nhiên của người lớn trong tư cách là bậc cha mẹ. Do đó,
lời phát biểu của ngài cũng tiềm ẩn sự đề cập đến nỗi sợ hãi của người giáo dân
trẻ trước cuộc sống với những khó khăn họ phải trực diện. Bởi lẽ,
… những gì họ tiếp nhận được từ gia đình, học đường, giáo xứ
không đủ khả năng giúp họ đương đầu với những phức tạp và khó khăn trong cuộc
sống ngày một gia tăng.[39]
Từ đó, những người giáo dân trẻ có thể hoặc theo truyền
thống văn hóa của gia đình, của Giáo hội: đi theo bước đường ngay thẳng của cha
ông; hoặc đi lệch hướng: có hướng đi tự chọn trong cuộc sống, nhưng lại là
hướng đi sai lạc vì lẫn lộn giữa phương thế và mục đích, tuyệt đối và tương
đối; hoặc thậm chí hoàn toàn lạc hướng, sống buông thả, sống cho qua ngày.
Lời mời gọi từ Thư mục vụ năm 2003 của Hội đồng
Giám mục Việt Nam thật đáng lưu tâm:
Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe
rao giảng Tin mừng, những vùng đất chưa in sâu dấu chân nhà truyền giáo. Đó là
những môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật…. Đó là những
lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Giáo hội và ánh sáng
của Tin mừng. Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin mừng,
hoặc đã nghe mà chưa sống Tin mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân
loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Giáo hội.[40]
Thực vậy, Thiên Chúa lúc nào cũng muốn con người, từ Đông
sang Tây, từ Nam chí Bắc, được vào dự tiệc trong nước Người.[41] Lệnh
truyền trang trọng của Chúa Giêsu đã được ghi lại rõ ràng trong Phúc âm theo
Thánh Mátthêu:
Vì vậy các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thánh
tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ vâng giữ hết mọi điều Thầy đã
truyền cho các con.[42]
Sự đồng thuận trong lãnh đạo, điều hành luôn luôn là việc
rất cần thiết; không chỉ là điều cần thiết đối với mối quan hệ giữa các nhà
lãnh đạo các cấp đối với nhau, mà cũng còn rất cần thiết đối với mối tương quan
“mục tử-con chiên” giữa giáo sĩ và giáo dân. Người giáo dân mong ước—với ý thức
đây cũng là ước mong của chính Giáo hội—được thấy vai trò tích cực của mình
trong các hoạt động mục vụ, các hoạt động tông đồ… trong đời sống Giáo hội Công
giáo tại Việt Nam. Giáo dân mong ước mình được huấn luyện thành những Kitô
hữu trưởng thành, có đủ năng lực để phục vụ Giáo hội trong cương vị của mình.
Người giáo dân chưa thực hiện đúng vai trò của mình trong
Giáo hội và trong xã hội vì những khó khăn khách quan, nhưng cũng vì sự mất cân
bằng giữa việc đào tạo dành cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và việc đào tạo dành cho
giáo dân về nhiều mặt: (1) cơ sở huấn luyện, (2) nhân sự huấn luyện và được
huấn luyện (formateurs et formation des formateurs), (3) tài liệu huấn luyện.
Nghĩa là, có sự mất cân bằng trong việc chăm sóc và huấn
luyện giáo dân ở thành phố cũng như giáo dân ở nông thôn; có sự mất cân bằng
trong đời sống thiêng liêng của người giáo dân: giữa việc đọc kinh, việc đạo
đức bình dân, đời sống nội tâm và việc cố gắng sống niềm tin tôn giáo của mình
trong xã hội.
Do vậy, người giáo dân rất cần một nền linh đạo thực sự
thích hợp cho mình. Những người hữu trách nói chung, cần tránh áp dụng “nguyên
xi” những nền linh đạo giáo sĩ, tu sĩ—dù rất hữu hiệu với các bậc sống tu
trì—lên đời sống người giáo dân. Bởi sứ vụ của người giáo dân là thực hiện
những công việc trần thế theo tinh thần Tin mừng, sống ơn gọi Kitô hữu của mình
ngay giữa trần thế.
Sự thiếu sót trong đào tạo này chắc chắn sẽ dẫn đến việc
người giáo dân, đặc biệt là người trẻ thiếu khả năng trực diện với những vấn đề
cuộc sống xã hội không ngừng đặt ra. Trước những vấn đề này, thay vì tìm cách
giải quyết theo tinh thần Kitô giáo, không ít người giáo dân đã lui về tìm nơi
an toàn dưới tháp chuông nhà thờ, giữa những người đồng đạo, và cũng không ít
người lại tìm giải pháp buông thả.
Ngoài ra, do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước trong 50 năm
qua, giữa các cộng đoàn giáo hội địa phương xem ra chưa có sự đồng thuận cao
trong việc chọn hướng đi cụ thể cho Giáo hội. Sự đồng thuận cao đặt nền tảng
trên ích lợi chung của Giáo hội, của quê hương Việt Nam cần sớm được
thực hiện; những khoảng cách cần phải được rút ngắn. Giáo hội sẽ khó có sự phát
triển mạnh và đồng đều, trong một nước Việt Nam đã thống nhất, nếu
tinh thần “thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, bác ái
trong mọi sự”[43] không được đề cao tối đa.
Từ những nhận định trên đây về vai trò người giáo dân Việt
Nam đã thể hiện trong năm mươi năm qua, trong những hoàn cảnh và môi trường
khác nhau, và cũng là để việc thể hiện vai trò của mình mỗi ngày một tốt hơn
trong ý định của Thiên Chúa, Ủy ban Giáo dân xin trình bày một số đề xuất.
Bản đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệp –
Hiệp thông – Sứ vụ của Ban tổ chức năm thánh 2010, khẳng định “Năm thánh
2010… là kairos qua đó Thiên Chúa muốn làm bừng dậy cuộc canh tân
Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam.”[44] Canh tân trong Giáo hội luôn được xem
là biểu hiện công cuộc hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới mọi sự trong
ngoài. Một trong những canh tân, đổi mới chúng ta chờ mong ở đây là sự đổi mới
cách nhìn về Giáo hội của Thiên Chúa ở ViệtNam. Sự đổi mới này, như Công đồng
chung Vaticanô II đã khẳng định, lại cũng có nghĩa là trở về nguồn. Nguồn ở đây
là mạc khải của Thiên Chúa chứa đựng trong Thánh kinh và giáo huấn của Giáo
hội, là những thôi thúc của Chúa Thánh Thần nơi mỗi cộng đoàn, ở bất cứ nơi nào
có những người họp lại vì danh Đức Kitô.
Do đó, đề xuất tiên quyết là Giáo hội cần xúc tiến việc
giảng dạy, giới thiệu nhiều hơn nữa, trong các chương trình học tập cho mọi
thành phần của Giáo hội, về mô hình một giáo hội lý tưởng—vốn chính là hình ảnh
nguyên vẹn về Giáo hội của Đức Giêsu Kitô—một giáo hội hiệp thông, trong đó có
sự tham gia tích cực của mọi thành phần dân Chúa, nhất là những tín hữu giáo
dân của thiên niên kỷ thứ ba này. Bởi lẽ, một trong những mục tiêu rõ rệt khi
Đức Giêsu Kitô thiết lập Giáo hội là: để tất cả mọi người tin theo Chúa có thể
cùng nhau tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng các bờ cõi trái
đất. Nghĩa là, để người tín hữu Việt Nam có thể chu toàn sứ mạng
Người trao trong thế giới và trong nước Việt Nam hôm nay.
Một ý thức đúng đắn về Giáo hội sẽ góp phần xây dựng nền
tảng cho các hành động thực thi vai trò của người giáo dân trong Giáo hội và
trong xã hội. Hành động hữu hiệu và đầy đủ ý nghĩa nhất của Giáo hội phải được
thực thi trong sự kết hợp hài hòa giữa giáo dân và giáo sĩ; nghĩa là trong sự
tôn trọng vai trò, chức năng riêng biệt của nhau “do sự thiết lập của Thiên
Chúa”.
Vì tầm quan trọng của dân Chúa trong Giáo hội nói chung, và
trong việc Giáo hội có bổn phận chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa đã trao cho mình
nói riêng, Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt là Hội đồng Giám mục Việt Nam,
cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến thành phần giáo dân. Bởi lẽ, thời gian qua,
Giáo hội xem ra đã chú trọng nhiều đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, nhưng chưa
đồng bộ trong việc đưa ra chương trình cũng như kế hoạch cụ thể để đào tạo hàng
ngũ giáo dân trưởng thành, mà công việc này lại thường chỉ trao cho các linh
mục chính xứ.
Hy vọng trong tương lai, việc huấn luyện giáo dân trưởng
thành sẽ được mọi cấp bậc trong Giáo hội lưu tâm chăm sóc chu đáo và tích cực
hơn. Việc xây dựng tầng lớp giáo dân trưởng thành “bằng tinh thần Phúc âm” để
làm “thấm nhập và kiện toàn trật tự thế giới với tinh thần Phúc âm” nhất thiết
cần được đặt lên hàng đầu trong số các ưu tiên phát triển Giáo hội hiện nay.
Nội dung của việc đào tạo giáo dân bao gồm, dĩ nhiên, việc
giúp giáo dân có được những kiến thức căn bản, hiểu rõ và chính xác các khái
niệm liên quan đến đức tin Kitô giáo, đời sống bí tích. Nội dung này cũng phải
bao hàm việc giúp giáo dân, và cùng với giáo dân, nhận ra đòi hỏi của Tin mừng
trong các tình huống khác nhau của cuộc sống. Điều cần thiết của chương trình
đào tạo người giáo dân trưởng thành chính là giúp giáo dân tìm được câu trả lời
của lòng tin, cho các vấn đề mà họ phải đương đầu và phải tìm ra câu giải đáp
từ Tin mừng của Đức Kitô, Đấng là “… đường, là sự thật và là sự sống”.[45] Bởi
nội dung của việc đào tạo phải giúp người giáo dân sống có ích cho đời và cho
chính hạnh phúc vĩnh cửu của họ—con đường sự thật và sự sống không miễn chước những
gian nan thử thách cho người đi đường—qua việc diễn tả niềm tin kiên vững vào
chính Đức Kitô, Đấng duy nhất là Chúa của muôn dân, là Thầy của cả giáo sĩ lẫn
giáo dân.
Nội dung đào tạo này sẽ chỉ thiết thực, đem lại nhiều ích
lợi thực sự và lâu bền khi được thiết lập bởi sự hợp tác giữa giáo sĩ và giáo
dân. Người giáo dân, với những hiểu biết của họ về các khoa học “trần thế”, với
những kinh nghiệm phong phú, đa dạng họ thu thập được trong cuộc sống lăn lộn
với xã hội, chắc chắn sẽ có những đóng góp cụ thể và thiết yếu cho nội dung của
việc đào tạo này. Cho tới nay, dường như Giáo hội vẫn chưa thực sự tận dụng hết
và trân trọng đủ những khả năng đóng góp to lớn mà sự hiểu biết và kinh nghiệm
của người giáo dân, trong lĩnh vực trần thế, có thể đem lại cho sự phát triển
của lòng tin Kitô giáo tại Việt Nam.
Điều 225: §1. Vì các giáo dân cũng như mọi tín hữu
Kitô, do bí tích thánh tẩy và thêm sức, được Thiên Chúa sai đi làm
việc tông đồ, nên, hoặc đứng riêng rẽ từng người hoặc tập họp trong các đoàn
thể, họ có nghĩa vụ chung và quyền lợi phải ra sức làm cho mọi người trên khắp
hoàn cầu hiểu biết và đón nhận Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa; nghĩa
vụ này còn cấp bách hơn trong những trường hợp mà chỉ nhờ họ người ta mới có
thể nghe Tin mừng và nhận biết Đức Kitô.
§2. Mỗi người, theo địa vị riêng, còn có nhiệm vụ đặc biệt
làm cho trật tự các thực tại trần thế thấm nhuần tinh thần Phúc âm và trở nên
hoàn hảo, và như thế, họ làm chứng cho Đức Kitô cách đặc biệt trong việc điều
hành những thực tại trên và trong việc thi hành những nghĩa vụ trần thế.
Cụ thể, Ủy ban Giáo dân kính đề nghị Hội đồng Giám mục Việt
Nam nên thiết lập cách quy mô hơn (đầu tư thật nhiều, đồng bộ và dài hạn) một
nhóm nghiên cứu gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân chuyên tìm hiểu về nhu cầu của
giáo dân hiện nay để đưa ra một kế sách đào tạo giáo dân cho hiện tại và tương
lai, trước mắt là kế hoạch cho 10 và 20 năm sắp tới.
2/ Củng cố các ủy ban giáo dân
Rất nên tăng cường thêm sức làm việc cho Ủy ban Giáo dân của
Hội đồng Giám mục Việt Nam, giúp củng cố các ủy ban giáo dân cấp giáo phận,
giáo hạt, giáo xứ.
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, để góp phần cụ thể hóa sự
canh tân trong ý thức và thực hành này, nên củng cố Ủy ban Giáo dân của Hội
đồng Giám mục Việt Nam bằng cách giúp ủy ban có thêm điều kiện và nhân sự làm
việc tích cực hơn, hiệu quả hơn, nhất là mau chóng trở thành một bộ phận điển
hình của sự kết hợp hài hòa giữa giáo sĩ và giáo dân trong việc thúc đẩy việc
thực thi vai trò của giáo dân.
Ủy ban Giáo dân thuộc các cấp phải trở thành nơi trao đổi,
thúc đẩy, thu tập và nhân lên các kinh nghiệm của sự hợp tác hài hòa và bình
đẳng trong đó có sự tôn trọng những khác biệt khả dĩ. Cũng cần thường xuyên tổ
chức những khóa học hỏi nhằm giúp giáo dân thực hiện nhiệm vụ làm thấm nhập và
kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc âm; giúp chính họ sống tinh thần
Phúc âm và vâng phục quyền giáo huấn của Giáo hội cách trưởng thành.
Cho tới nay, cơ cấu tổ chức Ban điều hành của Ủy ban Giáo
dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam bao gồm một vị giám mục trong Hội
đồng Giám mục làm chủ tịch và một linh mục làm tổng thư ký. Liệu có nên hay
chăng: có thêm một số giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân làm phụ tá tổng thư ký. Ủy ban
Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ bao gồm, ngoài ban điều hành, các
linh mục đứng đầu các ủy ban giáo dân giáo phận và cả các vị đại diện giáo
dân—cộng sự viên của các ngài trong các ủy ban này—làm thành viên.
Ủy ban Giáo dân cũng cần lưu tâm đặc biệt tới sự đóng góp
công sức vào sinh hoạt Giáo hội và xã hội của các giáo dân cựu chủng sinh, cựu
tu sĩ, vốn là những người cũng đã được hấp thụ một nền giáo dục đào tạo về tôn
giáo, tu đức tại các chủng viện, tu viện, và thường là những người hoạt động
rất tích cực trong Giáo hội và xã hội hiện nay.
Ủy ban Giáo dân phải được tổ chức cách khoa học, có hệ
thống, ở cấp giáo hội toàn quốc, giáo tỉnh, giáo phận và giáo xứ. Giáo hội nói
chung, Giáo hội Việt Nam nói riêng, và đặc biệt Ủy ban Giáo dân nên tạo nhiều
cơ hội, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, để các thành viên có thể
trao đổi những kinh nghiệm, những hiểu biết với gần một triệu anh chị em giáo
dân Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại, đặc biệt tại các quốc gia có truyền
thống Kitô giáo lâu đời. Những chuẩn bị chu đáo từ xa như thế có thể sẽ giúp
người giáo dân thích ứng cách hiệu quả hơn với những vấn đề sẽ đặt ra cho lòng
tin Kitô giáo của một Giáo hội Việt Nam, vẫn từng ngày không ngừng mạnh tiến
trong một đất nước đang dần phát triển.
Đối với các ủy ban giáo dân, những người hữu trách cần
phải thực sự ý thức rằng bổn phận chủ yếu của mình là chăm sóc và quan tâm đến
các sinh hoạt của chính giáo dân: chăm sóc các thành viên hội đồng, hội
đoàn giáo xứ chẳng hạn, và quan tâm đến những sinh hoạt của các hội
đồng, hội đoàn này.[46]
Biết rằng, có ít là 17 hội đoàn Công giáo tiến hành—liệt kê
trong Giáo hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2005—đã được Nhà nước nhìn
nhận cách này hay cách khác,[47] Ủy ban Giáo dân kính đề nghị Hội đồng
Giám mục Việt Nam vẫn nên có chương trình làm việc với các nhà cầm quyền lãnh
đạo đất nước nhằm giúp cho tất cả các hội đoàn Công giáo tiến hành, chuyên biệt
và không chuyên biệt, có thể được chấp nhận chính thức bằng văn bản cụ thể.
Một khi được chấp nhận bằng văn bản cụ thể, các hội đoàn
Công giáo tiến hành sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động:
(1) để công việc đào tạo người giáo dân của Giáo hội diễn ra cách tự nhiên bình
thường; qua đó Giáo hội có thể góp phần tích cực vào việc xây dựng một xã hội
lành mạnh và phát triển; và (2) để các sinh hoạt phục vụ của các hội đoàn có
thể dễ dàng giúp Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình (Church mission) trong đường
lối riêng của chính các hội đoàn và trong các điều kiện cụ thể của giáo xứ,
giáo phận….
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Bài giảng lễ bế mạc
Thượng Hội đồng Giám mục VII ngày 30 tháng 10 năm 1987, đã nói về những đóng
góp quý giá của các vị đại diện giáo dân nam nữ:
Chúng ta cảm ơn Chúa vì suốt khóa họp Thượng hội đồng này
không những chúng ta đã vui mừng đón nhận sự tham dự của giáo dân (dự
thính viên nam nữ), mà hơn nữa trong lúc bàn luận còn được nghe tiếng của những
đại diện giáo dân khắp nơi trên thế giới tới từ các quốc gia khác nhau. Nhờ đó,
chúng ta có dịp lắng nghe những kinh nghiệm, ý kiến và đề nghị của họ phát xuất
từ lòng tha thiết với quyền lợi chung.[48]
Vậy, để hướng vọng tới một tương lai tốt đẹp hơn, Giáo hội
Việt Nam rất cần đào tạo hàng ngũ những giáo dân trưởng thành:
Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium) và Sắc
lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem) của Công đồng
Vaticanô II đã mạnh mẽ nêu lên vấn đề giáo dân và đòi hỏi phải có sự đào tạo
giáo dân trưởng thành. Vì thế, sau Công đồng, việc đào tạo giáo dân trở thành
chủ đề rất được quan tâm của nhiều văn kiện và tổ chức của Giáo hội.[49]
Việc xây dựng sức sống hiệp nhất trong Giáo hội cũng đòi hỏi
sự cấp thiết của vấn đề phải đào tạo một hàng ngũ giáo dân trưởng thành với
chương trình thần học và mục vụ dành cho giáo dân. Người có nhiệm vụ đào tạo là
mọi thành phần dân Chúa, cách riêng là Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Giáo
dân, các giáo sĩ chuyên trách công việc đào tạo giáo dân, các tu sĩ và đặc
biệt, chính giáo dân cũng phải tích cực tham gia vào công việc đào tạo giáo dân.
Mô hình Giáo Hội như là hiệp thông được coi là mô hình lý
tưởng trong việc xây dựng Giáo Hội. Mô hình này đã được các giám mục tại Á Châu
nồng nhiệt đón nhận và tìm cách khai triển trong đời sống của từng giáo phận
như chính Đức Gioan Phaolô II đã viết trong tông huấn Giáo Hội tại Á Châu…[50]
Những tiếng chuông cảnh tỉnh liên tục vang lên, những nỗ lực
phải được thực hiện để Kitô hữu dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương. Thư
mục vụ năm 2005 của Hội đồng Giám mục Việt Nam viết:
… trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu
phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự
sống con người, Kitô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong
một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người
nghèo sang bên lề cuộc sống… Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn
minh tình thương. [51]
Ủy ban Giáo dân tin rằng: Năm thánh kỷ niệm 50 năm thành lập
Hàng Giáo phẩm Việt Nam sẽ là điểm khởi đầu cho một nỗ lực mới, một lễ Ngũ Tuần
mới để người giáo dân, dưới sự thúc đẩy của cùng một Thánh Thần, sẽ hòa với các
thành phần khác của dân Chúa, tạo thêm được những bước tiến mới trong việc thể
hiện sự hiện diện của Đức Kitô và Tin mừng cứu độ của Người, trên nền tảng
những gì tốt đẹp nhất mà Giáo hội đã thu thập được trong suốt chiều dài lịch sử
rất vẻ vang của mình tại Việt Nam.
Ủy Ban Giáo Dân / Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
16.11.2010
–––––––––––––––––––––––––––
[1] Cv 2,1-3.
[2] Hai thầy giảng là Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền được
truyền chức linh mục tại Siam năm 1668. Tháng giêng năm 1670, bảy tân
linh mục người Việt được phong chức lần đầu tiên trên đất Đàng Ngoài (x. Nguyễn
Hữu Trọng, Les origines du Clergé Vietnamien [Buổi đầu của hàng giáo
sĩ người Việt] Tinh Việt: Sàigòn, 1959, trg. 188-190). Đức cha Gioan Baotixita
Nguyễn Bá Tòng là người Việt Nam đầu tiên được tấn phong giám mục
(1933).
[3] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề cương Giáo
hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ (TP. Hồ Chí Minh:
Ban tổ chức Năm thánh 2010, 2008).
[4] Phần I: Nhìn lại.
[5] Phần II: Nhận định.
[6] Phần III: Đề xuất.
[7] CL 2.
[8] X. đ. 204.
[9] X. đ. 207.
[10] X. GLGHCG 872; đ. 208; LG 32.
[11] X. GLGHCG 898; LG 31; đ. 225.
[12] X. GLGHCG 898; đ. 227.
[13] Trên hai phần ba số linh mục miền Bắc di cư vào Nam.
[14] Bài Phỏng vấn Đức cha Lôrenxô Chu Văn
Minh—người lúc bấy giờ đang sống ở Chủng viện Hà Nội, đã kinh qua giai đoạn
lịch sử này—trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ), ngày
02 tháng 02 năm 2009.
[15] Nhiều tác giả, “Văn học Công giáo Việt Nam” trong Từ
điển văn hóa Kitô giáo (sắp xuất bản).
[16] Nguyễn Kim Điền, Tâm thư 01-4-1975.
[17] Nguyễn Văn Bình, Thư gửi anh chị em Tổng giáo phận
Sài Gòn 05-5-1975.
[18] Nguyễn Văn Bình, Tham luận tại Thượng Hội đồng
Giám mục thế giới lần thứ V năm 1977.
[19] Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận, Thư luân lưu
gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 12 tháng 6 năm
1975.
[20] Phiên họp bắt đầu từ 10-7-1976 đến 16-7-1976 tại TP. Hồ
Chí Minh.
[21] Những từ đầu tên gọi một tác phẩm của Lm. Nguyễn Hồng
Giáo: Một chặng đường Giáo hội Việt Nam, xuất bản tại Học viện
Phanxicô, TP. Hồ Chí Minh, năm 2008.
[22] Nguyễn Hồng Giáo, Một chặng đường Giáo hội Việt Nam (TP.
Hồ Chí Minh: Học viện Phanxicô, 2008), 173.
[23] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung năm
1980, lấy 01-4-2009 tại
http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=75&ctl=ViewArticle
Deail&mid=431&ArticlePK=35. “Có thể nói rằng Thư chung năm 1980 của
Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể dân Chúa trong hội nghị thường niên đầu
tiên của các giám mục hai miền Nam-Bắc (kể từ ngày nước nhà thống nhất), được
xem là kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong
nhiều năm qua”. [Tạ Huy Hoàng, Hội đồng, hội đoàn giáo xứ, Tập I (TP. Hồ
Chí Minh: Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận, 2008), 69]
[24] Tạ, Quản trị mục vụ, Tập I (TP. Hồ Chí Minh: Học
viện Mục vụ Tổng Giáo phận, 2008), 34-5. Trong bài phái biểu tại Thượng hội
đồng thế giới về giáo dân ngày 15 tháng 9 năm 2005, Đức cha Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Sang nói: “Giáo dân Việt Nam đã sống các lý tưởng của Công đồng
trước khi biết đến Công đồng theo đúng câu phương ngôn La Tinh: Primum
vivere, deinde philosophare (đầu tiên hãy sống trước đã, rồi thì mới triết
lý sau)”.
[25] X. Tạ, Quản trị mục vụ, 35.
[26] Gồm đủ mọi thành phần trong lĩnh vực này: bác sĩ, y sĩ,
y tá, y công.
[27] Sau này, một số y bác sĩ và cán sự xã hội còn được mời
gọi phục vụ trong những hoàn cảnh đặc biệt hơn như chăm sóc các bệnh nhân HIV-AIDS.
[28] Tại giáo xứ chính toà Long Xuyên chẳng hạn.
[29] Các văn kiện Công đồng Vaticanô II của những năm 60 nói
chung, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem) nói
riêng, rồi nhiều văn kiện khác cũng đã có những hướng dẫn cụ thể cho vai trò
của người giáo dân: Bộ giáo luật 1983; Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân
(Christifideles laici), Huấn thị về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của
các tín hữu không có chức thánh vào tác vụ của các linh mục (Instruction on
Certain Questions Regarding the Collaboration of the Non-Ordained Faithful in
the Sacred Ministry of Priests), Tông thư Thiên Chúa là tình yêu (Deus Caritas
est)….
[30] Tạ, Quản trị mục vụ, 42.
[31] Gioan Phaolô II, Huấn từ về tông đồ giáo dân (26-11-2000).
[32] X.
Hoang H. Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership in a
Parish Pastoral Council of Vietnamese People ( Washington, DC:
The Catholic University of America, 2005), 95.
[33] LG
37.
[34] Đ. 207.
[35] Thành
ngữ Anh-Mỹ ở trời Tây có thể cũng đã đúng cho hoàn cảnh này của trời Ta: Bổn
phận của người giáo dân là “vâng phục, cầu nguyện và chi trả” (obeying,
praying, and paying).
[36] X. đđ.
519; 532.
[37] X.
Thánh bộ giáo sĩ, “Huấn thị về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của các
tín hữu không có chức thánh vào tác vụ của các linh mục” trong The
Sacrament of Orders and the Clerical State (Bí tích truyền chức
và địa vị giáo sĩ), ed. Woestman, 289-94.
[38] X. Tạ
Huy Hoàng, Lãnh đạo hợp tác, Tập I (TP. Hồ Chí Minh, Đại chủng viện Thánh
Giuse, 2007), 27.
[39] Trích
trong bài chia sẻ của Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Nhà thờ
chánh tòa Sài Gòn, nhân Ngày giới trẻ thế giới lần thứ 13.
[40] Hội
đồng Giám mục Việt Nam, Thư mục vụ năm 2003.
[41] X. Mt 8,11; 22,9; Lc 13,29; 14,23.
[42] Mt 28,19-20.
[43] Cụm từ La Tinh nổi tiếng này “In necessariis
unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas” được gán cho Thánh Âutinh
là tác giả. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã sử dụng cụm từ này trong Thông điệp Ad
Petri cathedram (về chân lý, hiệp nhất, bình an trong tinh thần bác ái),
ban hành ngày 29 tháng 6 năm 1959.
[44] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề cương Giáo
hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ (TP. Hồ Chí Minh:
Ban tổ chức Năm thánh 2010, 2008), 4.
[45] Ga 14,6.
[46] Một trong những công việc hiện nay của Ủy ban giáo dân
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam là tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh
bản đề cương chung về quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ. Quy chế hội đồng mục vụ
giáo xứ này phải là phương tiện giúp các thành viên dấn thân tận tụy hơn
với công việc giáo xứ. Trong thực tế tại nhiều nơi, quý chức hội
đồng mục vụ thường rất quảng đại trong việc hy sinh thời gian, công sức
và tiền của cho công việc chung của giáo xứ.
[47] X. Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo
hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2005 (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2005),
425.
[48] CL 2.
[49] Tạ, Quản trị mục vụ, 51.
[50] Nhiều tác giả, Như Thầy yêu thương (Hà Nội:
Nxb. Tôn Giáo, 2008), 329.
[51] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư mục vụ năm
2005.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
.............................................
.............................................
Thành Lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam
I. Ðức Giám Mục tiên khởi người Việt Nam
Ngày
11/6/1933 Ðức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, nguyên chính xứ Tân Ðịnh
(Sàigòn), được Ðức Piô XI tấn phong Giám Mục tiên khởi người Việt Nam tại Ðền
Thánh Phêrô tại La-Mã.
II. Thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam
- Năm 1954: với Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt Nam
thành hai miền Nam và Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc dưới chế Ðộc
Tài Cộng Sản, miền Nam dưới chế độ Tự Do Cộng Hòa. Hơn 670,000 giáo dân miền
Bắc phải rời bỏ làng xóm để lánh nạn Cộng Sản, di cư vào niềm Nam tìm tự do.
- Ngày 24/11/1960: Trong lúc Giáo Hội tại miền Bắc dưới
chế độ Cộng Sản trở nên Giáo Hội thầm lặng, không phát triển được, thì Giáo Hội
tại miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa đã phát triển mọi mặt, nên ngày 24/11/1960,
Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã ra tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập
Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Giáo Tỉnh: Hà Nội - Huế - Sàigòn và các
lãnh thổ truyền giáo được nâng lên hàng Giáo Phận theo đúng quy luật Giáo Hội
hoàn vũ. Tông Hiến này được công bố trong ngày Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
+ Giáo Tỉnh Hà Nội (1679) bao gồm các giáo phận Lạng
Sơn (1913), Hải Phòng (1678), Hưng Hóa (1895), Bắc Ninh (1883), Phát Diệm
(1901), Bùi Chu (1848), Thái Bình (1936), Thanh Hóa (1932) và Vinh (1846).
+ Giáo Tỉnh Huế (1850) bao gồm các giáo phận Qui Nhơn (1844),
Nha Trang (1957), Kontum (1932), Ðà Nẵng (1963), và Ban Mê Thuột (1967).
+ Giáo Tỉnh Sàigòn (1844) bao gồm các giáo phận Vĩnh
Long (1938), Cần Thơ (1955) và 3 giáo phận mới là Ðà Lạt (1960), Mỹ Tho (1960),
và Long Xuyên (1960). Cùng những giáo khác mới thành được thiết lập sau này:
Phú Cường và Xuân Lộc (1966), Phan Thiết (1975).
Ðang lúc đó nhiều cộng đoàn đã được nâng lên hàng tỉnh dòng
như dòng Chúa Cứu Thế (1964), Chi dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam (1964), dòng Ða
Minh Việt Nam (1967) và dòng Phanxicô Việt Nam (1969), dòng Sư Huynh các trường
Công Giáo (1897), dòng các nữ tu thánh Phaolô (1864).
- Năm 1960: Cũng trong Tông Hiến Venerabilium
Nostrorum, Tòa Thánh thiết lập thêm 3 địa phận mới:
+ Giáo Phận Ðà Lạt: Gồm các tỉnh Tuyên Ðức, Lâm Ðồng, Quảng
Ðức, Phước Long. Tân giáo phận Ðà Lạt trao cho Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn
Hiền.
+ Giáo Phận Mỹ Tho: Gồm các tỉnh Ðịnh Tường, Kiến Phong. Tân
giáo phận Mỹ Tho đặt dưới sự chăm sóc của Ðức Cha Giuse Trần Văn Thiện.
+ Giáo Phận Long Xuyên: Gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang,
Chương Thiện. Tân giáo phận Long Xuyên được quản nhiệm bởi Ðức Cha Michael
Nguyễn Khắc Ngữ.
Ðức Tân Giám Mục Nguyễn Khắc Ngữ sinh năm 1909 tại địa
phận Lạng Sơn (Bắc Việt). Năm 1929, ngài du học tại Pháp và theo học tại chủng
viện Lucon, thụ phong linh mục năm 1934 và làm giáo sư chủng viện Lạng Sơn. Năm
1938, ngài được bổ nhiệm làm thư ký Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Huế, giúp việc
cho Ðức Khâm Sứ Antonin Drapier. Ngài làm cha chánh xứ họ Lục Bình, Mỹ Sơn và
bề trên địa phận Lạng Sơn. Ngày 1/12/1960, Tòa Thánh tấn phong ngài làm Giám
Mục chánh tòa, coi sóc tân giáo phận Long Xuyên.
- Năm 1960: Tòa Thánh cũng chọn Ðức Cha Phêrô
Khuất Văn Tạo làm tân Giám Mục giáo phận Hải Phòng. Ngài cũng làm giám
quản giáo phận Bắc Ninh cho đến năm 1963.
- Năm 1960: Cũng trong năm 1960, Tòa Thánh lại chọn cha Phêrô
Nguyễn Huy Quang làm tân Giám Mục giáo phận Hưng Hóa.
- Năm 1960: Giáo Phận Thái Bình đón nhận đức tân
Giám Mục Ða Minh Ðinh Ðức Trụ, được Tòa Thánh chọn làm giám mục giáo phận Thái
Bình ngày 5/3/1960.
- Năm 1960: Ðức tân Giám Mục Vincente Phạm Anh Dụ
cai quản giáo phận Lạng Sơn được phong Giám Mục ngày 5/3/1960 (nhưng cho
tới 1992, nhà cầm quyền Hà Nội mới công nhận). Ngài sinh ngày 14/10/1922 tại
Phát Diệm.
- Năm 1963: Giáo Phận Ðà Nẵng, gồm hai tỉnh Quảng
Nam và Quảng Tín được thành lập. Tân Giáo Phận được trao cho Ðức Cha Phêrô Phạm
Ngọc Chi.
- Năm 1963: Tòa Thánh tấn phong Giám Mục cho Linh
Mục Phaolô Trần Ðình Nhiên, và đề cử ngài làm Giám Mục phụ tá địa phận Vinh.
- Năm 1963: Ðức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn được
đề cử làm Giám Mục phó giáo phận Hà Nội (2/1963).
- Năm 1963: Ðức Cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, tân
Giám Mục giáo phận Bắc Ninh. Ngài sinh 1919 tại họ Cầu Mễ, thuộc xứ Quảng Nạp,
giáo phận Phát Diệm. Ngài thụ phong linh mục năm 1949, và được tấn phong Giám
Mục ngày 15/8/1963.
- Năm 1964: Tòa Thánh chọn cha Giuse Lê Quí Thanh
làm Giám Mục phụ tá giáo phận Phát Diệm.
- Năm 1965: Tòa Thánh chọn cha Giacôbê Nguyễn Ngọc
Quang, làm Giám Mục giáo phận Cần Thơ, thay thế Ðức Cha Philiphê Nguyễn
Kim Ðiền nhận quyền Tổng Giám Mục Huế.
- Năm 1966: Tòa Thánh cắt các tỉnh Long Khánh, Biên
Hòa, Phước Tuy và thị xã Vũng Tàu từ giáo phận Sàigòn, để thành lập Giáo
Phận Xuân Lộc, tân giáo phận này được trao cho Ðức Cha Giuse Lê Văn Ấn.
- Năm 1966: Tân Giáo Phận Phú Cường được
thành lập, gồm các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long. Giáo Phận
Phú Cường được trao cho Ðức tân Giám Mục Giuse Phạm Văn Thiên.
- Năm 1966: Giáo phận Sàigòn có thêm Ðức Cha
Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn.
- Năm 1967: Giáo Phận Ban Mê Thuột được thành
lập, bao gồm các tỉnh Ðắc Lắc, Quảng Ðức, Phước Long, tân giáo phận được trao cho Ðức
Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai.
- Năm 1967: Ðức tân Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận đảm nhận giáo phận Nha Trang.
- Năm 1967: Ðức Cha Anselmo tadeo Lê Hữu Từ tạ thế. Ðức
cố giám mục sinh ngày 28/10/1897 tại làng Di Loan, Quảng Trị, theo học tiểu chủng
viện An Ninh, sau đó đại chủng viện Phú Xuân (Huế). trong thời gian học đại
chủng viện, ngài xin gia nhập dòng khổ tu Phước Sơn, và thụ phong linh mục ngày
22/12/1928. Ngày 19/7/1945, Tòa Thánh chọn Ngài làm Giám Mục phụ tá giáo phận
Phát Diệm. Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ chính thức nhận quyền Giám Mục giáo phận
Phát Diệm. Ngày 24/4/1967, Ngài qua đời tại nhà hưu dưỡng Phát Diệm, Xóm Mới,
Gò Vấp, thọ 74 tuổi.
- Năm 1968: Cha Giacobê Nguyễn Văn Mầu được tấn
phong Giám Mục. Ngài là giám mục giáo phận Vĩnh Long, thay thế Ðức Cha Nguyễn
Văn Thiện.
- Năm 1968: Ðức Cha Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên tạ thế,
sau 5 năm làm Giám Mục phụ tá giáo phận Vinh.
- Năm 1971: Ðức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức tạ
thế. Ngài sinh năm 1892, tại Phước Tân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tỉnh. Ngài
theo học tại chủng viện Xã Ðoài. Ngày 15/9/1951, được Ðức Cha De Cooman tấn
phong Giám Mục. Ngài mất tại Xã Ðoài (Vinh) ngày 5/1/1971, sau 20 năm cai quản
giáo phận.
- Năm 1973: Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền tạ thế.
Ðức cố giám mục sinh ngày 23/3/1906 tại làng Nhu Lý, Quảng Trị. Ngài gia nhập
chủng viện ngày 8/6/1917. Năm 1932, du học tại trường Truyền Giáo Rome. Ngày
21/12/1935, ngài thụ phong linh mục và tiếp tục học tại Rome. Trở về Việt Nam
năm 1940, ngài được Tòa Giám Mục Huế bổ nhiệm làm giáo sư trường Thiên Hữu, sau
đó làm giám đốc đại chủng viện Kim Long. Ngày 20/9/1955, ngài được Tòa Thánh
chọn làm giám mục giáo phận Sàigòn. Năm 1960, ngài được đề cử làm giám mục tân
giáo phận Ðà Lạt. Ngài mất ngày 5/7/1973, sau 13 năm cai quản giáo phận Ðà Lạt.
- Năm 1974: Ðức cha Lê Quí Thanh tạ thế. Ðức cố Giám
Mục sinh ngày 19/3/1900 tại An Hòa, Duy Tiên, Hà Nam, là cháu ba đời của nhà
bác học Lê Quí Ðôn. Ngài thụ phong linh mục ngày 17/3/1934, giáo sư chủng viện
Phúc Nhạc, rồi giám đốc trường thày giảng Phát Diệm, giáo sư chủng viện Thượng
Kiệm. Ngày mồng Một Tết Giáp thìn (13/2/1964), ngài thụ phong Giám Mục, sau 10
năm giữ chức giám mục phó cho Ðức Cha Bùi Chu Tạo. Ngài qua đời vào ngày
7/5/1974, thọ 74 tuổi.
- Năm 1974: Ðức Cha Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn tạ thế. Ðức
cố Giám Mục sinh ngày 15/10/1912 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Nam Ðịnh. Năm 1927, ngài
được chọn vào chủng viện Ninh Cường; năm 1932 theo học lớp Triết tại Giáo Hoàng
Học Viện Nam Ðịnh. Qua 3 năm Triết, ngài xin gia nhập dòng Ða Minh Quần Phương.
Sau đó, du học tại Ða Minh Học Viện ở Hồng Kông (1/1936). Năm sau ngài qua Bỉ
(1937), và Paris (1938). Học nội trú tại Nhà Dòng Etoiles và theo học ban văn
chương tại đại học Sorbonne. Cũng năm ấy ngài thụ phong linh mục. Năm 1944,
ngài đậu tiến sĩ Thần Học, và dạy tiếng La Tinh, Hi Lạp, Do Thái tại nhà dòng
thánh Maximin và đại học Collegessete. Ngày 12/9/1950, ngài thụ phong Giám Mục
cai quản giáo phận Bắc Ninh. Năm 1963, nhận quyền Giám Mục giáo phận Qui Nhơn.
Ðức Cha Ðaminh Hoàng Văn Ðoàn mất ngày 20/5/1974 tại Qui Nhơn.
- Năm 1974: Ðức Cha Giuse Lê Văn Ấn tạ thế. Ngài mất
ngày 17/6/1974, sau 8 năm cai quản giáo phận Xuân Lộc.
- Ngày 11/8/1974: Tòa Thánh tấn phong Ðức Cha
Phaolô Huỳnh Ðông Các Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn.
- Năm 1975: Giáo Phận Phan Thiết được thiết
lập và trao cho Ðức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Ðây là giáo phận thứ 25
được thành lập kể từ khi 2 giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài thành hình.
- Năm 1975: Trước những biến chuyển mau lẹ của chiến
tranh tại Việt Nam, trong năm 1975, Tòa đã nhanh chóng thích ứng với những biến
chuyển mới của tình hình, đã phong thêm nhiều giám mục khác để cai quản các
giáo phận tại Việt Nam trong hoàn cảnh mới:
+ Tòa Thánh tấn phong cha Phanxicô Nguyễn Quang Sách làm
giám mục phụ tá giáo phận Ðà Nẵng.
+ Tân Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục
phó Tổng Giáo Phận Huế. (Năm 1983, Ngài đã xin về hưu).
+ Tân Giám Mục Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm, giám mục giáo
phận Ðà Lạt. Ngài sinh năm 1929 tại Thanh Hóa, thụ phong linh mục năm 1957, sau
đó xin gia nhập tu hội Xuân Bích, một Tu Hội chuyên về giảng dạy trong các
chủng viện. Ngài qua Pháp năm 1960, và sang Rome theo học tại đại học Thánh của
dòng Ða Minh. Năm 1963, ngài đậu cử nhân Thần Học, tiến sĩ Triết học. Trở về
nước ngài dạy Triết học và nhập môn Thánh Kinh tại đại chủng viện Xuân Bích
Vĩnh Long trong hai năm. Từ 1966 đến 1975, ngài làm giám đốc đại chủng viện
Xuân Bích Huế. Năm 1975, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám Mục giáo phận Ðà Lạt.
(Sau này, Ðức Cha Bartolomêô Nguyễn Sơn Lâm được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo
Phận Thanh Hóa ở ngoài Bắc).
+ Tân Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc, giám mục giáo phận
Kontum.
+ Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, tân Giám Mục giáo phận
Nha Trang.
+ Tòa Thánh thuyên chuyển Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn
Thuận từ giáo phận Nha Trang về Sàigòn. Ngài làTổng Giám Mục phó với quyền kế
vị Tổng Giáo Phận Sàigòn.
+ Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, tân giám mục Giáo
Phận Xuân Lộc.
+ Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật, tân giám mục phó với quyền
kế vị giáo phận Xuân Lộc.
+ Ðức tân Giám Mục André Nguyễn Văn Nam, giám mục phụ
tá giáo phận Mỹ Tho.
+ Ðức Cha Raphael Nguyễn Văn Diệp, tân giám mục phụ tá
giáo phận Vĩnh Long.
+ Ðức tân Giám Mục Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục
phụ tá giáo phận Cần Thơ.
+ Ðức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục phụ tá
giáo phận Long Xuyên.
- Năm 1975: Ðức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, giám mục giáo
phận Bùi Chu từ trần. Ðức cố giám mục thụ phong linh mục vào đầu thập niên 1940
sau nhiều năm phục vụ tại nhiều xứ đạo. Năm 1952, ngài được Ðức Cha Phạm Ngọc
Chi mời về làm thư ký tòa Giám Mục. Năm 1954, Ngài theo làn sóng người di cư
vào Nam, nhưng chạnh nghĩ lại số phận của hơn 10 ngàn tín hữu giáo dân Bùi Chu
còn ở lại, ngài xin trở lại miền Bắc. Ngày 10/11/1960, ngài được Tòa Thánh tấn
phong Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu. Ngài mất ngày 11/2/1975, sau 15 năm coi sóc
giáo phận.
- Năm 1976: Tháng 5 năm 1976, Ðức Tổng Giám Mục Giuse
Maria Trịnh Như Khuê, giáo phận Hà Nội, được Ðức Thánh Cha Phaolô VI chọn làm
Hồng Y. Ngài là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.
- Năm 1976: Ðức Cha Phanxicô Trần Thanh Khâm, Giám Mục
phụ tá giáo phận Sàigòn, tạ thế ngày 2/10/1976, sau 10 năm làm phụ tá giám mục
Sàigòn.
- Năm 1977: Tòa Thánh đặt linh mục Giuse Nguyễn
Thiện Khuyến làm giám mục phụ tá giáo phận Phát Diệm. Lễ tấn phong được cử hành
tại nhà thờ Phát Diệm vào ngày 9/3/1977.
- Năm 1978: Nhân dịp tham dự Hội Nghị Giám Mục Thế Giới
tại Rome, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã đề nghị và được Tòa Thánh chấp
thuận để cha Aloisio Phạm văn Nẫm làm Giám Mục phụ tá giáo phận Sàigòn.
Tân giám mục sinh năm 1913, từng là giáo sư, quản lý tiểu chủng viện Thánh
Giuse tại Sàigòn. Lễ tấn phong được Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cử hành
tại Sàigòn ngày 2/2/1978.
- Năm 1978: Ðức Cha Phaolô Nguyễn Năng, giám mục giáo
phận Vinh, từ trần tại Xã Ðoài, Nghệ An, vào ngày 17/6/1978, hưởng thọ 66 tuổi,
sau 28 năm làm linh mục và 10 năm giám mục cai quản giáo phận Vinh.
- Năm 1978: Ðức Hồng Y tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như
Khuê tạ thế tại Hà Nội. Cố Hồng Y sinh ngày 11/12/1899 tại Tràng Ðức, Hà Nội.
Thụ phong linh mục ngày 1/4/1944, tấn phong giám mục ngày 15/8/1960 tại nhà thờ
chánh tòa Hà Nội. Ngày 24/11/1960, nhậm chức Tổng Giám Mục, và ngày 14/5/1976
được Ðức Thánh Cha Phaolô VI tấn phong Hồng Y tại Rome. Ngài tạ thế vào sáng
thứ Hai, ngày 27/11/1978, hưởng thọ 78 tuổi.
- Năm 1979: Ðức Giám Mục Gioan Baotixita Urrutia (Thi),
nguyên giám mục Huế, tạ thế ngày 15/1/1979 tại Montheton, Pháp quốc. Ðức cố
giám mục sinh năm 1901, thụ phong linh mục năm 1925, được bổ nhiệm làm việc tại
giáo phận Huế. Ngày 17/5/1947, thụ phong giám mục. Năm 1960, Tòa Thánh thiết
lập hàng giáo phẩm Việt Nam, ngài trao giáo phận Huế cho Ðức Tổng Giám Mục Ngô
Ðình Thục rồi ra hưu trí tại Lavang. Hè 1972, ngài về Huế lánh nạn và sau đó về
Pháp. Ðức Giám Mục Thi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của ngài, và ao ước
được chôn cất thân xác trên giải đất Việt Nam.
- Năm 1979: Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phêrô Trần Xuân
Hạp làm giám mục giáo phận Vinh, thay thế Ðức Cha Nguyễn Năng, tạ thế năm 1978.
Tân giám mục sinh quán tại làng Nhân Hòa (Nghệ An), nguyên linh mục quản hạt
Hướng Dương (Quảng Bình). Lễ tấn phong Ðức Giám Mục Hạp được cử hành tại Hà Nội
ngày 19/3/1979.
- Năm 1979: Ngày 18/2/1979, Tòa Thánh cũng chọn cha
Giuse Nguyễn Tùng Cương, nguyên quản lý Nhà Chung Hà Nội, làm giám mục phụ
trách giáo phận Hải Phòng.
- Năm 1979: Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trao mũ Hồng
Y cho Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám Mục giáo phận Hà
Nội, vào ngày 16/5/1979. Ngài là vị Hồng Y thứ hai của Giáo Hội Việt Nam.
- Năm 1979: Ngày 8/8/1979, Tòa Thánh cũng chấp
nhận lời đề nghị của Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn, chọn cha Giuse Vũ Duy Nhất làm
Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu. Lễ tấn phong được Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn chủ tọa
tại Hà Nội. Tân giám mục sinh năm 1911, thụ phong linh mục năm 1960, và thụ
phong giám mục năm 1979.
- Năm 1979: Ngày 8/12/1979, Tòa Thánh chọn cha
Phêrô Giuse Ðinh Bỉnh làm Giám Mục phó giáo phận Thái Bình.
- Năm 1981: Tòa Thánh chọn cha Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Sang, cha chánh sở nhà thờ Hà Nội làm giám mục phụ tá giáo phận Hà
Nội. Tân Giám Mục xuất thân từ đại chủng viện Xuân Bích từ năm 1953, chịu chức
linh mục năm 1960. Từng nhiều năm làm thư ký cho Ðức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê,
và chánh xứ nhà thờ Hà Nội.
- Năm 1981: Cũng trong năm 1981, Tòa Thánh chấp
thuận cha Giuse Trịnh Chính Trực, linh mục chánh sở giáo phận Ban Mê Thuột, làm
giám mục giáo phận Ban Mê Thuột. Tân giám mục sinh năm 1925 tại Trác Bút, Hà
Nam. Thụ phong linh mục năm 1954 tại Hà Nội. Ngài giữ chức chánh sở địa phận
ban Mê Thuột từ ngày 8/9/1967 đến ngày thụ phong giám mục.
- Năm 1981: Ðức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, giám mục
phụ tá giáo phận Phát Diệm từ trần. Ðức cố Giám Mục Giuse sinh năm 1900, tại xứ
Mỹ Ðiện (Thanh Hóa), sau khi hoàn tất bậc tiểu và đại chủng viện. Ngài thụ
phong linh mục ngày 5/4/1930, do cố Giám Mục Marcou truyền chức. Ngài lần lượt
coi các xứ Khiết Kỷ, Hiếu Thuận, Tôn Ðạo, Văn Hải, Phúc Hải. Khi Ðức Cha Thanh
từ trần (1974), Ngài làm cha chính giáo phận. Ngày 24/4/1977, ngài được tấn
phong giám mục tại Phát Diệm, do Ðức Cha Căn chủ phong. Sau 4 năm phục vụ Giáo
Hội, ngài qua đời đột ngột ngày 15/12/1981 tại Phát Diệm (Bắc Việt), thọ 81
tuổi.
- Năm 1981: Tòa Thánh tấn phong Giám Mục cho linh
mục Phêrô Trần Thành Chung, giám mục phụ tá địa phận Kontum. Lễ tấn phong được
cử hành tại Kontum ngày 15/8/1981.
- Năm 1982: Ðức Cha Ðaminh Maria Ðinh Ðức Trụ tạ thế.
Ðức cố Giám Mục sinh tại Phú Nhai vào ngày 15/1/1908. Thụ phong linh mục
23/5/1938, sau đó được bổ nhiệm làm Giám Ðốc trường Thày Giảng Ðặng Ðức Thuận
(Hưng Yên). Ngày 5/3/1960, Tòa Thánh đặt ngài làm Giám Mục hiệu tòa Cataquas,
21 ngày sau ngài được Ðức cố Hồng Y Trinh Như Khuê âm thầm tấn phong giám mục.
Ngày 8/11/1960, Ðức Cha Ðinh Ðức Trụ chính thức nhận quyền giám mục địa phận
Thái Bình. Ngài tạ thế ngày 7/6/1982.
- Năm 1982: Tòa Thánh chọn cha Louis Hà Kim Danh
làm giám mục phụ tá giáo phận Phú Cường. Lễ tấn phong được cử hành vào ngày
10/10/1982.
- Năm 1984: Ðức Cha Paul Seitz (Kim) từ trần. Ðức cố
giám mục Seitz sinh tại Le Havre năm 1906. Ngài gia nhập hội Thừa Sai Paris
(MEP) và đến Việt Nam năm 1937. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm cha sở nhà thờ
chánh tòa Hà Nội. Năm 1925, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận
Kontum. Ngày 15/8/1975, ngài bị Cộng Sản trục xuất. Trở về Pháp, Ngài cho xuất
bản hai cuốn sách nói về tình trạng người dân miền Nam sống dưới chế độ Cộng
Sản: cuốn "Le Temps Des Chiens Muets" (Thời của những con chó câm),
và cuốn "Les Hommes Debout" (Những người đứng thẳng). Ngày 24/2/1984,
ngài từ trần tại Pháp vì bịnh ung thư phổi, hưởng thọ 78 tuổi.
- Năm 1984: Ðức Tổng Giám Mục Phêrô-Martinô Ngô Ðình
Thục từ trần. Ðức cố Tổng Giám Mục sinh tại Phú Cam (Huế) vào ngày 6/10/1897.
Ngài theo học tiểu chủng viện Phú Xuân. Năm 1919, Ðức Cha Allys (Lý) gửi ngài
du học tại Rome, ngài đậu tiến sĩ về triết học, thần học và giáo luật. Ngài thụ
phong linh mục ngày 20/12/1925, sau đó giữ chức giáo sư đại chủng viện Phú
Xuân, hiệu trưởng trường Providence (Thiên Hựu), chủ nhiệm tờ Sacerdos
Indosineses. Năm 1938, Tòa Thánh đặt ngài làm giám mục tiên khởi giáo phận Vĩnh
Long. Ngày 24/11/1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Việt
Nam, và đặt ngài làm Tổng Giám Mục Huế cho đến năm 1965. Ðức Tổng Giám Mục Ngô
Ðình Thục mất lúc 11 giờ ngày 13/12/1984 tại bệnh viện St. John (Joplin,
Missouri). Lễ an táng được cử hành lúc 11 giờ ngày 22/12/1984 tại giáo phận
Springfield - Cape Giardeau.
- Năm 1985: Ðức Cha Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang, giám
mục giáo phận Hưng Hóa, từ trần vào ngày 13/11/1985, tại Nhà Chung Sơn Tây, Bắc
Việt, hưởng thọ 78 tuổi.
- Năm 1987: Ðức Cha Ðaminh Lê Hữu Cung, Giám Mục giáo
phận Bùi Chu, tạ thế ngày 12/3/1987, tại Bùi Chu, Bắc Việt Nam.
- Năm 1987: Ðức Cha Giuse Phan Văn Hoa, giám mục phụ tá
giáo phận Qui Nhơn, tạ thế ngày 6/10/1987, sau 12 năm làm giám mục phụ tá giáo
phận.
- Năm 1988: Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi qua đời.
Ðức Cố giám mục sinh ngày 1909 tại Tôn Ðạo, Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 1920, ngài
gia nhập nhà tập Ba Làng (Thanh Hóa), tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1927, ngài
du học tại trường truyền giáo Rome, thụ phong linh mục ngày 23/12/1933 và tiếp
tục học tại đại học Apollinaire. Ngài đậu Tiến Sĩ triết học, cử nhân Thần Học,
và cử nhân văn chương, giáo luật. Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư
đại chủng viện Phát Diệm. Năm 1950, ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm giám mục
giáo phận Bùi Chu. Sau hiệp định Geneve (20/7/1954), ngài được ủy thác trông
coi hàng giáo sĩ và giáo dân di cư. Ngày 5/7/1957, ngài được đề cử cai quản
giáo phận Qui Nhơn. Sau đó, ngày 18/1/1963, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đặt ngài
làm Giám Mục tiên khởi giáo phận Ðà Nẵng. Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi mất
tại Ðà Nẵng ngày 21/1/1988, sau 25 năm cai quản giáo phận Ðà Nẵng.
- Năm 1988: Ðức Tổng Giám Mục Philiphe Nguyễn Kim Ðiền
qua đời. Cố Tổng Giám Muc Philiphe sinh năm 1921 tại Gia Ðịnh. Ngài gia nhập
dòng Tiểu Ðệ của cha Charles de Foucauld, sau đó ngài qua Phi Châu. Năm 1957,
cha Ðiền trở về Việt Nam và làm cho hãng khuân vác tại bến tầu. Ngày
24/10/1960, Tòa Thánh chọn ngài làm Giám Mục tiên khởi giáo phận Cần Thơ, sau
đó nhận chức Tổng Giám Mục Huế (1965). Ngài qua đời ngày 8/6/1988 tại Huế. Ngài
xứng danh được gọi là chiến sĩ quốc gia, vì ngài đã mạnh mẽ lên án nhóm linh
mục "quốc doanh". Ngài bị Cộng Sản làm khó dễ, và bị quản thúc tại
tòa Giám Mục. Cái chết của ngài là một thiệt thòi cho Giáo Hội và Tổ Quốc Việt
Nam.
- Năm 1988: Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục
giáo phận Xuân Lộc, từ trần ngày 19/12/1988. Trước khi được tấn phong giám mục,
ngài đã từng là giám đốc đại chủng viện Thánh Thomas Long Xuyên, và giữ nhiều
chức vụ quan trọng tại giáo phận Long Xuyên.
- Năm 1988: Tòa Thánh đã chọn cha Giuse Nguyễn Văn
Yến làm giám mục phó giáo phận Phát Diệm. Ðức tân Giám Mục sinh ngày 26/12/1942
tại Vĩnh Trị, Kẻ Vĩnh (Hà Nội). Từ năm 1954 tới 1960, ngài theo học tại tiểu
chủng viện Hà Nội. Trong lúc đang theo học, nhà nước ra lệnh đóng cửa chủng
viện, thày Yến ra ngoài làm thợ may suốt 13 năm dài. Năm 1973, thày trở lại
chủng viện, và thụ phong linh mục năm 1977. Ngày 14/11/1988, cha Yến được Tòa
Thánh chính thức bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Phát Diệm. Lễ tấn phong
được cử hành ngày 16/12/1988.
- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Phan Thế Hinh, giám mục Hưng
Hóa, tạ thế. Ðức cố Giám Mục sinh ngày 27/10/1928, thụ phong linh mục năm 1973.
Năm 1976, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục phó giáo phận Hưng Hóa. Ngày
13/11/1985, khi Ðức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang qua đời, Ðức Cha Phan Thế Hinh lên
kế vị trong việc coi sóc giáo phận, ngài qua đời sáng chủ nhật 22/1/1989.
- Năm 1989: Ngày 15/12/1989, Ðức Thánh Cha Gioan
Phaolô II đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến làm Giám Mục phụ tá giáo
phận Bắc Ninh. Ngài thụ phong linh mục bí mật vào năm 1975, nhưng mãi đến 1980
mới được nhà nước chấp thuận. Từ 1988, ngài được bổ nhiệm làm cha chánh sở nhà
thờ Bắc Ninh, và ngày 15/12/1989 được Tòa Thánh tấn phong giám mục. Lễ tấn
phong do Ðức Cha Phạm Ðình Tụng cử hành vào ngày 15/1/1989.
- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Trần Văn Thiện, giám mục giáo
phận Mỹ Tho, tạ thế ngày 24/2/1989, thọ 81 tuổi. Ðức Cố giám mục sinh tại Long
Ðiền (Phước Tuy) ngày 1/10/1908, thụ phong linh mục ngày 21/9/1935, sau một
thời gian làm cha phó, cha Thiện du học tại Pháp. Hồi hương năm 1947, ngài được
cử làm giám đốc Chủng Viện Thánh Minh. Năm 1958, ngài được cử làm Viện Trưởng
Ðại Học Ðà Lạt, và ngày 24/11/1960 ngài được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi
giáo phận Mỹ Tho.
- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Ðinh Bỉnh, từ trần ngày
14/3/1989 tại Tòa Giám Mục Thái Bình. Ngài nguyên là giám mục phụ tá của cố
giám mục Ðinh Ðức Trụ, và được Tòa Thánh chỉ định coi sóc giáo phận Thái Bình
sau khi Ðức Cha Trụ qua đời.
- Năm 1990: Ðức Cha Phêrô Phạm Tần, giám mục giáo phận
Thanh Hóa, tạ thế lúc 4 giờ sáng ngày 1/2/1990 tại Tòa Giám Mục Thanh Hóa,
hưởng thọ 77 tuổi.
- Năm 1990: Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tạ
thế. Ðức cố Hồng Y sinh tại Bút Ðông, Hà Nam, ngày 19/3/1921. Thụ phong linh
mục ngày 8/12/1949, và được chọn làm Tổng Giám Mục phó hiệu tòa giáo phận Hà
Nội ngày 5/2/1963. Nhận mũ giám mục ngày 2/6/1963 tại nhà thờ chính tòa Hà Nội,
và nhận mũ Hồng Y từ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 26/5/1979. Ngài là vị
Hồng Y thứ hai của Giáo Hội Việt Nam. Ngài tạ thế vào ngày thứ Sáu 18/6/1990
tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, thọ 69 tuổi, sau 41 năm linh mục, 27 năm giám mục
và 11 năm với chức vụ Hồng Y. Lễ an táng do Ðức Hồng Y Etchegaray cử hành vào
lúc 10 giờ sáng thứ Tư ngày 23/6/1990.
- Năm 1990: Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, giám mục
giáo phận Cần Thơ, tạ thế ngày 20/6/1990 tại Cần Thơ, hưởng thọ 81 tuổi, sau 25
năm cai quản giáo phận. Ðức cố Giám Mục sinh năm 1909 tại Sàigòn, thụ phong
linh mục năm 1935 và giám mục năm 1965.
- Năm 1990: Ðức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai tạ thế. Cố
giám mục sinh tại Khuyển Lương, Hà Nội ngày 3/7/1913. Năm 1967, ngài được
Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám muc tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột. Ngài qua đời
vào lúc 6 giờ ngày 4/8/1990, thọ 77 tuổi, sau 23 năm cai quản giáo phận Ban Mê
Thuột. Lễ an táng được cử hành vào ngày 8/8/1990. Ðức Cha Trịnh Chính Trực làm
Giám Mục Giáo Phận Ban Mê Thuột thay thế Ðức Cha Nguyễn Huy Mai.
- Năm 1990: Tòa Thánh chỉ định Ðức Cha Phạm Ðình
Tụng, giám mục giáo phận Bắc Ninh, kiêm giám quản tổng giáo phận Hà Nội. Và Ðức
Cha Nguyễn Văn Sang nhận chức Giám Mục Giáo Phận Thái Bình.
- Năm 1991: Ðức Cha Nguyễn Phụng Hiểu được cử làm
tân giám mục giáo phận Hưng Hóa. Ngày 11/4/1991, các Ðức Giám Mục Việt Nam đã
đến nhà thờ chính tòa Hưng Hóa để tham dự lễ truyền chức giám mục cho Ðức Cha
Giuse Nguyễn Phụng Hiểu. Ðức Cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, Giám Mục Bắc Ninh, kiêm
giám quản tổng giáo phận Hà Nội, là vị chủ phong. Ðức Tổng Giám Mục Alberto
Tricarico, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan, Lào, Miến Ðiện và Mã Lai cũng đên
tham dự, và chuyển lời chào mừng và phép lành của Ðức Thánh Cha tới Ðức tân
Giám Mục.
- Năm 1991: Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được Ðức
Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngày 19/10/1991 làm Giám Mục phụ tá Giáo
Phận Ðà Lạt với quyền kế vị. Sau thời gian theo học tại tiểu chủng viện Sàigòn
(1948-1958), ngài theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Ðà Lạt, đậu cử nhân
văn chương Pháp tại Ðại Học Ðà Lạt. Ngài được Ðức cố Giám Mục Simon Hòa Hiền
truyền chức linh mục ngày 21/12/1967, được bổ nhiệm làm giáo sư c chủng viện Ðà
Lạt (1971-1975). Từ 1975 ngài làm cha chánh sở nhà thờ chính tòa kiêm tổng đại
diện giáo phận Ðà Lạt. Thánh lễ truyền chức giám mục do Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm,
Giám Mục giáo phận Ðà Lạt, chủ tế với sự hiện diện của Ðức Cha Nicholas Huỳnh
Văn Nghi, Giám Mục Phan Thiết, và Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha
Trang, cùng hơn 15 ngàn tín hữu.
- Năm 1992: Ngày 15/2/1992, Ðức Cha Stephanô Nguyễn Như
Thể, Giám Mục hiệu tòa Tipasa di Mauritania, nguyên giám mục phó giáo phận Huế,
đã được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên Hội Ðồng Ðối Thoại Liên Tôn với
nhiệm kỳ là 5 năm. Ðức Cha Thể sinh ngày 1/12/1935 tại Quảng Trị, chịu chức
linh mục ngày 6/1/1962. Ngày 7/9/1975, ngài được Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn
Kim Ðiền tấn phong làm Giám Mục phó giáo phận Huế, chiếu theo đặc quyền của Tòa
Thánh ban cho các giám mục Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên ngày 23/11/1983, ngài
được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức. Với việc bổ nhiệm trên đây, Ðức Cha Thể
là vị giám mục Việt Nam duy nhất là thành viên của một cơ quan Tòa Thánh, và
như vậy sẽ được mời tới Rome tham dự các phiên họp khoáng đại 2 năm một lần của
Hội Ðồng nói trên.
- Năm 1992: Lễ truyền chức giám mục cho Ðức Cha
Thomas Nguyễn Văn Trâm, tân giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, đã được cử hành
trọng thể hôm 7/5/1992 tại khuôn viên Tòa Giám Mục Xuân Lộc, do Ðức Cha Nguyễn
Minh Nhật chủ phong, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu. Ðồng tế
Thánh Lễ còn có 15 vị giám mục và 530 linh mục khác. Ðức tân Giám Mục sinh ngày
9/1/1942 tại Phước Tuy. Sau khi theo học tiểu chủng viện và đại chủng viện
Thánh Giuse, Thày Trâm thụ phong linh mục ngày 29/4/1969 rồi được bổ nhiệm làm
cha phó một họ đạo tại Biên Hòa. Một năm sau đó, cha du học tại Rome ở trường
Thánh Phêrô 4 năm (1970-1974) và đậu tiến sĩ giáo luật tại Ðại Học Giáo Hoàng
Urbaniana của Bộ Truyền Giáo. Trở về Việt Nam, cha Trâm được Ðức Ðức cố Giám
Mục Nguyễn Văn Lãng chọn làm bí thư và giám đốc chủng viện Xuân Lộc từ 1975 đến
1979.
- Năm 1992: Ðức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu tạ thế, tại
Thủ Ðức lúc 2giờ30 chiều ngày 9/5/1992, hưởng thọ 70 tuổi, sau gần 3 tháng làm
giám mục giáo phận Hưng Hóa. Với sự ra đi của Ðức Cha Hiểu, Giáo Hội Công Giáo
Việt Nam vào lúc này (khoảng cuối năm 1992) còn 32 vị Giám Mục, và còn 4 giáo
phận chưa có giám mục chính tòa coi sóc là Hà Nội, Hưng Hóa, Huế và Thanh Hóa.
Ðức cố Giám Mục Hiểu sinh tại Hàm Phu, Ninh Bình, ngày 19/3/1921, thụ phong
linh mục năm 1951, đã từng bị giam cầm và bị quản thúc hơn 10 năm trời. Ngài
được bổ nhiệm giám mục chính tòa Hưng Hóa ngày 11/3/1990. Ngày 19/9/1991, ngài
phải sang Rome chữa bệnh phổi và ngày 7/10/1991 ngài được giải phẫu tại nhà
thương Piô XI và được bác sĩ xác nhận là ngài bị ung thư phổi. Hôm 7/5/1992, dù
kiệt sức, ngài vẫn cố gắng đi dự lễ tấn phong Giám Mục Thomas Nguyễn Văn Trâm,
và hai hôm sau ngài từ trần tại Thủ Ðức.
- Năm 1992: Ngày 24/7/1992, Tòa Thánh đã bổ nhiệm
cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên làm giám mục phó với quyền kế vị giáo phận
Vinh. Ðức tân Giám Mục sinh tại Trảng Lưu năm 1926. Sau khi hoàn tất học tiểu
và đại chủng viện Vinh, năm 1960 thầy Thuyên thụ phong linh mục, sau đó được
chỉ định làm cha sở và năm 1974 giữ chức quản lý giáo phận. Từ 1980, cha Thuyên
được Ðức Cha Hạp chỉ định làm tổng đại diện địa phận Vinh. Với việc tấn phong
Ðức Cha Cao Ðình Thuyên, Giáo Hội Việt Nam vào lúc này (khoảng cuối năm 1992)
có 33 vị giám mục, kể cả Ðức Cha Stephanô Nguyễn Như Thể, nguyên Giám Mục phó
giáo phận Huế.
III. Ðức Hồng Y tiên khởi và các Hồng Y người Việt Nam
- Ngày 24/5/1976 Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse
Maria Trịnh Như Khuê được Ðức Phaolô VI bổ nhiệm Hồng Y thứ nhất người
Việt Nam.
- Ngày 27/11/1978, Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê tạ
thế. Ðức Gioan Phaolô II, vào ngày 30/6/1979, đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Giuse
Maria Trịnh Văn Căn lên chức vụ Hồng Y thứ hai người Việt Nam.
- Ngày 18/6/1990, Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tạ
thế. Ðức Gioan Phaolô II, vào ngày 26/11/1994, đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Phaolô
Giuse Phạm Ðình Tụng lên chức vụ Hồng Y thứ ba người Việt Nam.
- Ngày 21/2/2001, Ðức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Ðức
Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh
về Công Lý Và Hòa Bình, lên chức vụ Hồng Y thứ tư người Việt Nam.
(Các tài liệu được trích dẫn từ:
- tập sách Giáo Hội Việt Nam của Ðức Ông Vinh Sơn
Trần Ngọc Thụ.
- bài Tìm Hiểu Giáo Hội Việt Nam của Nguyễn Vũ Tuấn Linh.
- Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, của Linh Mục Phan Phát Huồn,
CssR.)
catholic.org.tw/vntaiwan/veritas