Tội là gì? Nguyên nhân của tội và hậu quả của nó ra sao? Tội
có thật không hay do sự tưởng tượng của thế hệ trước nhằm “đe dọa” thế hệ sau?
Tội có phải là sự ám ảnh tâm lý không? Giáo lý công giáo định nghĩa về tội như
sau, “Tội được định nghĩa như:
‘Một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu”’ (GLCG,1849).
* * *
Trong DVD Seven
Deadly Sins, Seven Lively Virtues, Linh mục Robert Barron đã nhắc đi nhắc
lại với khán thính giả. Tận gốc rễ của các loại tội chính là do sự sợ
hãi. Sự sợ hãi là căn nguyên và là cội rễ của tội lỗi mà con người mắc
phải.
Vậy nguyên nhân của sợ hãi đến từ đâu? Cốt lõi của sự sợ hãi
chính là cảm thấy thiếu vắng sự an toàn và thiếu hụt một điều gì đó. Các em nhỏ
sợ “ma,” sợ người lớn la mắng, sợ thi rớt, sợ bị điểm xấu. Khôn lớn thêm một
chút, các cô cậu sợ không được người khác phái yêu, sợ diện mạo mình xấu xí, sợ
không được nhìn nhận. Khi đã trưởng thành, con người vẫn tiếp tục sợ hãi: Sợ vì
yêu mà không được yêu lại, sợ bị phản bội, sợ bệnh tật đau ốm, sợ bị bỏ rơi, và
cuối cùng là sợ chết. Sợ hãi dẫn con người đi đến khả năng tự vệ, tức là tìm
một điều gì đó để “bảo vệ” chính mình, để có thể “che đậy” nỗi sợ hãi ấy, hoặc
có thể là để lẩn trốn sự sợ hãi ấy, và cũng có thể là để loại sự sợ hãi ấy ra
khỏi con người mình. Nói tóm lại, sự sợ hãi xuất hiện khi con người bắt đầu cảm
nhận một sự thiếu vắng gì đó, một sự không tròn đầy gì đó, một sự hụt hẫng gì
đó trong con người mình. Khi cảm nghiệm những điều này, con người sẽ tìm cách
bù trừ hoặc phủ lấp sự thiếu hụt ấy.
Sợ hãi không phải là tội, nhưng nếu ta không nhận thức đủ,
nó có thể dẫn ta đến tội. Ví dụ: Khi chúng ta nói xấu ám hại một ai, ta lỗi đức
công bằng. Đi sâu hơn bên trong của việc nói xấu, ta phần nào thấy, (1): Nguyên
nhân nào dẫn ta đến việc nói xấu? Do ghen ghét? Do thấy người ta hơn mình? Do
muốn hạ bệ người khác? (2): Tại sao ta “ghét, hạ bệ” người khác? Có phải vì
người ấy ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự, địa vị của ta? Có phải ta sợ người
ấy “hơn” ta, thì ta “thua” họ? Có phải vì khi người ấy được “nhìn nhận, được
yêu mến, thì ta sợ bị “ít được nhìn nhận, ít được yêu mến?” Xét như thế để giúp
ta phần nào nhận thấy rằng, ẩn núp đằng sau những hiện tượng “bề mặt,” luôn có
đó bóng dáng của sợ hãi. Tất cả những hiện tượng trên đều phản ánh sự sợ hãi
căn bản nhất, cốt lõi nhất – chính là sợ mất chính mình. Từ sự sợ hãi bí ẩn
này, ta tìm cách “bảo vệ” ta, “chống chế” cho sự “thua thiệt” của ta, và một
trong những giải pháp “chống chế” ấy có thể dẫn ta đến phạm tội.
* * *
Căn nguyên của tội chính là sự sợ hãi; và đúng như vậy. Tội
Nguyên Tổ đã phản ảnh điều đó khi Eva đã ăn trái cấm vì “muốn” bằng Chúa (ngoài
sự kiêu ngạo như chúng ta thường hiểu). Vì “muốn bằng,” tức là thấy mình “chưa
đủ, còn thiếu” (mà quên rằng mình chỉ là tạo vật). Ăn trái cấm chính là do biểu
hiện sự sợ hãi “thiếu, không bằng, mất mát, thiếu an toàn.” Bà Eva tưởng rằng,
ăn trái cấm thì sẽ được như mình mong muốn, như mình tưởng tượng, như lời của
con rắn hứa – tức là “bằng” Thiên Chúa. Hóa ra không! Ăn trái cấm là phạm tội
vì bất phục tùng Thiên Chúa. Eva sợ mất chính mình. Khi lấy mình làm trung tâm,
mà không phải là Thiên Chúa, con người bắt đầu bước vào tiến trình “sợ” và phạm
tội.
Thiên Chúa kêu gọi Moses (Ex 3: 1- 15) để thực hiện chương
trình giải thoát dân Israel ra khỏi Aicập, sứ mạng ấy làm Moses sợ hãi. Nhưng
Thiên Chúa củng cố sức mạnh cho ông để ông tiếp tục sứ mạng. Moses đã tin vào
Thiên Chúa, chứ không để sự sợ hãi chiếm ngự lấy ông. Hay nói cách khác, mỗi
con người chúng ta đều được Thiên Chúa ủy thác một sứ mạng, và Ngài ban ơn để
mỗi cá nhân hoàn thành sứ mạng của mình – tức là nên thánh. Như thế, bởi tội
Nguyên tổ, nên ngay khi con người nhận lấy sứ mạng từ Thiên Chúa, thì cũng
chính là lúc thế lực sự dữ – ma quỉ cũng tìm mọi cách để ngăn chặn con người
hoàn thành sứ mạng của mình. Vậy tại sao chúng ngăn cản con người nên thánh? Nếu
không lý do nào khác hơn chính là sợ con người “hơn” chúng? Vâng, chính ma quỉ
cũng sợ hãi – Sợ chúng ta hơn chúng. Ma quỉ “sợ” con người khi con người đến
gần và ở trong cung lòng Thiên Chúa. Vì ma quỉ sợ chúng ta hơn chúng, nên không
lạ gì chúng luôn tìm mọi cách để hạ gục chúng ta, tìm mọi cách bù trừ cho sự
thiếu hụt ấy. Cám dỗ để con người phạm tội là hạ sách chúng thường dùng để nhằm
đánh gục con người. Như thế, không lạ gì, cuộc đời Kitô hữu chúng ta gặp biết
bao trở ngại khó khăn trong việc nên thánh. Chỉ sau khi con người phạm tội, ma
quỉ mới hả dạ, vì chính trong tình trạng mất ân sủng con người trở nên “bằng”
ma quỉ. Ma quỉ thấy vui, thỏa mãn, khi con người “bằng” ma quỉ. Ngược lại, ma
quỉ “sợ và ghen ghét” con người khi họ sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Ma
quỉ “sợ” chúng ta “hơn” chúng bằng đời sống thánh thiện của chúng ta. Không lạ
gì cuộc đời các thánh nhân thường bị cám dỗ nhiều hơn người thường là như thế.
* * *
Tựu trung, sự sợ hãi bắt nguồn từ sự “quên” rằng chúng ta là
con Thiên Chúa. Khi bị thế giới sự ác vỗ về vào giấc ngủ “quên mình là con Thiên
Chúa,” chúng ta tự đứng dậy và nghĩ rằng, mình phải tự lo liệu cuộc sống và vận
mệnh của mình. Đồng thời vì quên đi hồng phúc này, ta không nhận ra tình yêu
của Thiên Chúa bao phủ lấy đời ta. Chính sự quên nguy hiểm này, làm chúng ta
nhìn thấy nhiều mối đe dọa từ nhiều hướng khác nhau trong cuộc sống dương thế.
Chính vì thế, sự sợ hãi len lỏi vào cuộc đời ta.
Các học giả Kinh Thánh đã thống kê có 365 câu Lời Chúa “Đừng
sợ hãi.” 365 câu “Đừng sợ hãi” như hằng ngày nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta
là con Thiên Chúa, chúng ta hãy vững tin vào Ngài. Dù những khó khăn trước mắt,
những bóng đen của tội lỗi, những thòng lọng như muốn bóp chặt cuộc đời ta,
chúng ta đừng sợ vì chúng ta có Chúa.
Để sống trong ân sủng Thiên Chúa, chúng ta hãy thoát ra khỏi
nỗi sợ hãi và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Những vấp ngã của thân phận con
người là có thật, nhưng tiếng gọi nên thánh cao cả và mãnh liệt hơn sự ù lì
sống trong tình trạng tội. Đừng để ma quỉ đánh lừa ta bằng sự sợ hãi, bằng sự
sợ mất chính mình, bằng sự sợ mất tương lai đời mình. Không! Tương lai cuộc đời
ta ở trong tay Chúa, Chúa đã cứu chuộc ta bằng máu của Đức Kitô rồi, nên đừng
sợ, nhưng hãy-sống-cho-ma-quỉ-sợ-ta bằng cách đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa.
“Ðừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isa 41:10).