theo tinh thần của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong Huấn Từ cho các Giám Mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm "Ad Limina"
Bài này nhằm khai triển một khía cạnh khá nhạy cảm, nhưng cần phải được nói rõ cho mọi thành phần của Dân Chúa
tại Việt Nam, đó là khía cạnh tương quan giữa Giáo hội tại Việt Nam với
Nhà Nước trong hoàn cảnh hiện nay.
Bài phát biểu của Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc tại buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, ngày 28-11-2009
1. Trước hết, tôi xin nói lên một vài cảm tưởng và suy nghĩ
khi lắng nghe và đọc đi đọc lại Huấn từ của Đức Thánh Cha. Cảm tưởng đầu tiên
của tôi là rất vui mừng, vì bài Huấn từ đáp ứng lại một cách tuyệt vời sự chờ
đợi của các giám mục Việt Nam. Quả thật chúng tôi cần sự hướng dẫn cụ thể của
Toà Thánh trong một hoàn cảnh rất tế nhị, mà chỉ một va vấp nhỏ cũng có thể
mang đến thiệt hại to lớn cho Giáo Hội và Đất Nước.
Nội dung của bài Huấn từ không dừng lại bình diện lý thuyết,
mà còn đưa ra những hướng dẫn thực hành cụ thể. Điều quan trọng là bài Huấn từ
đã vạch ra cho chúng tôi một phương hướng rất rõ, xác định tương quan cụ thể
giữa Giáo hội tại Việt Nam với Nhà Nước: đối thoại và hợp tác lành mạnh để
phục vụ sự phát triển con người toàn diện và sự phát triển của Đất Nước (x.
HT, đ.6, đ.7).
Phương hướng này hoàn toàn phát xuất từ Tin Mừng và dựa trên
Tin Mừng của Chúa Kitô về Tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa: “Tôi đến để cho chiên
được sống và được sống dồi dào” (Ga 10, 10 b).
“Khi loan báo Tin mừng Chúa Kitô, là sứ mạng đặc thù của
mình, Giáo hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con
người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của Đất Nước. Việc tham
gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là vào
thời điểm mà Việt Nam đang dần dần mở ra với Cộng đồng quốc tế” (x. HT,
đ. 6).
2. Vì một số lý do, có người bi quan về quan hệ giữa Giáo
Hội và Nhà Nước. Đức Thánh Cha biết rõ như vậy, nhưng vẫn khẳng định cùng với
chúng tôi và cho chúng tôi rằng một sự hợp tác lành mạnh và trung thực giữa
Giáo hội và Cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được (x. HT, đ.7).
Và mục tiêu của sự hợp tác đó là nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Sự hợp tác
dù có khó khăn, vẫn là con đường tốt nhất và phù hợp nhất để Giáo Hội dấn thân
theo đúng tinh thần Tin Mừng.
“Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung
thực nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và phù hợp với lẽ phải. Giáo
Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối
thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo Hội dự phần chính đáng vào đời sống
của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích
cực, ở vị trí thuộc về mình, và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo Hội không
bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như hoạt động có tổ chức
của các tín hữu” (x. HT, đ.7).
Với kinh nghiệm 2000 năm lịch sử của Giáo Hội, với đường
hướng mục vụ của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng và
sự vận dụng cụ thể Học thuyết xã hội của Giáo Hội, kể cả thông điệp mới nhất là
“Caritas in Veritate”, Đức Thánh Cha đã đưa ra những hướng dẫn hết sức quý báu
và cụ thể, đầy tình thương và sự khôn ngoan, thiết thực và có lợi cho việc loan
báo Tin Mừng của Giáo Hội tại Việt Nam, cho sự phát triển toàn diện của con
người và Đất nước Việt Nam.
3. Bài Huấn từ của Đức Thánh Cha chứng tỏ ngài biết về Giáo
Hội tại Việt Nam rất nhiều và rất rõ, ngài yêu mến Giáo Hội Việt Nam một cách
đặc biệt. Ngài đánh giá một cách khách quan tình hình của Giáo Hội và xã hội
tại Việt Nam , dựa vào đó đưa ra những lời khuyên vừa phù hợp với Tin Mừng, vừa
đáp ứng với hoàn cảnh cụ thể. Ngài nhắc các giám mục chú tâm đến việc đào tạo
giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đời sống đức tin và trình độ văn hoá của
người giáo dân để họ có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội một cách hữu hiệu (x.
HT, đ.4).
Đức Thánh Cha tỏ ra hết sức trân trọng đối với Hội đồng giám
mục Việt Nam, khi ngài trích dẫn một phần giáo huấn của HĐGMVN trong hai văn
kiện: văn kiện mới nhất của HĐGMVN là Thư mục vụ năm 2008 về Môi trường
Giáo dục gia đình công giáo, và văn kiện của Khoá Đại hội đầu tiên của HĐGMVN
thống nhất cho cả hai miền Nam Bắc, là Thư Chung năm 1980.
Ngài không trích dẫn Thư Chung năm 1980 một cách khuôn sáo,
nhưng nắm bắt và vạch ra ý tưởng chính yếu trong thư là “nhấn mạnh đến Giáo Hội
của Chúa Kitô giữa lòng dân tộc của mình” (x. HT, đ.6). Ở đây phải hiểu là
Giáo Hội tại Việt Nam giữa lòng dân tộc Việt Nam. Thành ngữ “Giáo Hội Việt Nam” mà chúng ta vẫn quen dùng là một cách nói tắt của một thành ngữ khác, đầy đủ
và chính xác hơn, đó là “Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam ”. Giáo Hội của
Chúa Kitô tại một quốc gia nào thì ở trong lòng dân tộc quốc gia ấy.
4. Một điều nữa mà chúng ta cần lưu ý là Đức Thánh Cha, vừa
như muốn nhắn nhủ chúng ta, vừa như muốn ngỏ lời với Nhà Nước Việt Nam , về sự
hiện diện tích cực của các tôn giáo, trong đó có đạo Công giáo. Ngài nói: “Phải
nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc
gia, vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hoá chính mình và, qua các tổ chức
của mình, các tôn giáo ước mong phục vụ tha nhân cách quảng đại và vô vị lợi” (x.
HT, đ.7).
Người Công giáo không xa lánh xã hội trần gian, không trốn
tránh các nghĩa vụ công dân, không âm mưu làm hại Đất Nước. Trái lại còn góp
phần tích cực vào việc phát triển toàn diện con người, sự phát triển lành mạnh
của xã hội và quê hương. Đức Thánh Cha viết: “Bằng đời sống xây dựng trên
đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng
minh rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” (x. HT, đ. 4)
5. Khi nói đến Năm Thánh 2010 của Giáo hội tại Việt Nam, Đức
Thánh Cha nhắc lại chứng từ của các Thánh Tử vì đạo Việt Nam, sự hy sinh anh
dũng của các ngài để gìn giữ và thông truyền “hồng ân đức tin”, để làm chứng về
Chúa Kitô. Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo hội tại Việt Nam can đảm tiếp nối
chứng từ ấy, vì “làm chứng về Chúa Kitô” là một việc phục vụ cao nhất mà Giáo
Hội có thể hiến tặng cho Việt Nam và cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, bởi vì
việc làm chứng đó đáp ứng sự tìm kiếm sâu xa chân lý và những giá trị bảo đảm
cho sự phát triển nhân bản toàn diện (x. HT, đ.5).
Đức Thánh Cha thấy rất rõ những thách đố cho việc làm chứng
của Giáo hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay, nên ngài khuyên chúng ta
phải hợp nhất với nhau hơn nữa để có thể làm chứng cho Chúa một cách tốt đẹp và
hữu hiệu: “Cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các giáo phận, giữa các
giáo phận và các dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau” (x. HT, đ.5).
Xin nhắc lại Toà Thánh đã vạch ra phương hướng cho chúng ta
là “Đối thoại và hợp tác lành mạnh” với Chính quyền để phục vụ tất cả mọi người
dân.
Vậy tại sao lại đối thoại? Đối thoại để làm gì?
6. Đối thoại là “tên gọi mới” của Niềm Hy vọng Kitô giáo (Instrumentum
laboris số 30, THĐGMTG năm 2001). Đó là một cách nhìn mới về đối thoại, cũng là
một cách nhìn mới về niềm hy vọng Kitô giáo. Cách nhìn này vừa bám sát lịch sử
đương đại, vừa được xây dựng trên Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng về Niềm
hy vọng được Cứu rỗi (x. Thông điệp Spe Salvi). Cách nhìn này đã được đưa
ra bàn bạc và trao đổi trong Thượng Hội đồng các giám mục thế giới năm 2001 với
chủ đề “Giám mục là tôi tớ phục vụ Tin Mừng cho Niềm hy vọng của thế giới”.
Thế giới của chúng ta hôm nay đang cần một Niềm Hy vọng để
tồn tại, và phát triển một cách đích thực. Thế giới của chúng ta cũng đang cần
một hướng đi. Giáo Hội Công giáo giới thiệu cho thế giới một hướng đi, đó là
hướng đi theo Tình yêu và Chân lý. Nhưng hướng đi này không thể áp đặt, chỉ
được đề nghị với mọi người, để mọi người bàn bạc trao đổi, và đón nhận một cách
tự do.
Thông điệp “Veritas in Caritate” của Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI là điển hình của sự đề nghị một hướng đi cho thế giới trong thời
kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay. Cũng là một điển hình cho ước muốn đối thoại
của Giáo Hội với mọi người, mọi Dân Nước, mọi Chính quyền, mọi cơ quan quốc tế.
Sự đối thoại rất cần thiết cho thế giới chúng ta. Đối thoại
là bàn bạc trao đổi với nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để cùng nhau
tìm ra giải pháp tốt nhất cho một số vấn đề quan trọng và cụ thể, tìm ra điều
thiện hảo cho mọi người. Ngày hôm nay, không một xã hội nào có thể xây dựng
tương lai tốt đẹp, nếu thiếu sự đối thoại. Chỉ có đối thoại mới mở đường cho
nhân loại, cho xã hội, và cho cả Giáo Hội, đi tới một tương lai tươi sáng hơn.
7. Mục tiêu của đối thoại là tìm sự thật, biết sự thật, nói
sự thật và làm sự thật. Sự thật luôn vượt lên trên cá nhân mỗi một người chúng
ta. Sự thật không là một ý tưởng; điều một người nghĩ là thật không đương nhiên
là sự thật, nhưng sự thật là “điều có thật” hoặc là điều phù hợp với “cái có
thật”. Có những tình huống cụ thể rất phức tạp, và chúng ta không thể nào hiểu
hết được, nếu không ngồi lại và bàn bạc với nhau cách thẳng thắn. Chính vì thế
mà chúng ta phải cùng nhau đi tìm, đi tìm “thực tại khách quan”, chứ không chỉ
áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Mọi người chúng ta đều có ánh sáng của lý trí.
Người Công giáo còn có ánh sáng đức tin bổ sung cho lý trí. Chúng ta tin vào
mạc khải của Chúa Kitô, vì Ngài “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 10,6).
Chúng ta hãy mạnh dạn giới thiệu ánh sáng đó cho mọi người.
Mục tiêu thực tế của đối thoại trong xã hội là cùng nhau đi
tìm “cái Ích lợi chung” để có thể hợp tác với nhau. Nếu chỉ vì lợi ích
riêng tư, người ta không cần đối thoại. Ý niệm “Công Ích” (Bien commun) được
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc tới nhiều lần trong thông điệp Caritas in
Veritate. Trong bài Huấn từ cho các giám mục Việt Nam, Đức Thánh Cha dùng chữ
“Công Ích” một lần, khi ngài đề cập tới việc giáo dục gia đình công giáo.
Ngài
nói: “Điều rất đáng ước mong là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm
ngay thẳng, trong sự trung thực và chân lý, thì mỗi gia đình công giáo trở nên
lò hun đúc các giá trị và đức tính nhân bản, trường dạy đức tin và đức mến đối
với Thiên Chúa. Về phần họ, bằng đời sống xây trên nền đức ái, sự liêm chính,
việc quý trọng công ích, các giáo dân phải chứng minh rằng người công giáo tốt
cũng là người công dân tốt” (x. HT, đ. 4).
Ngoài ra, có chỗ ngài dùng
từ ngữ “sự phát triển Đất Nước” (au développement du Pays). Chỗ khác ngài
dùng thành ngữ “việc phục vụ tất cả mọi người dân” (au service de tout le
peuple).
Theo ý của Đức Thánh Cha, mục tiêu của việc Giáo hội đối
thoại với Nhà Nước là để phục vụ tất cả mọi người dân, chứ không nhằm ích lợi
riêng tư.
Tại sao phải hợp tác? Hợp tác với Chính quyền để làm gì?
8. Trước hết vì đó là một bổn phận, là nghĩa vụ công dân (x.
HT, đ.6).
Đất Nước Việt Nam là đất nước chung của mọi người Việt Nam,
của mọi tôn giáo có mặt ở Việt Nam, mọi tầng lớp dân chúng, mọi sắc tộc ở Việt
Nam, mọi giới, từ các em thiếu niên nhi đồng, đến tập thể giới trẻ, các người
trưởng thành, người cao niên, và cả các cụ già. Không ai trong chúng ta được
phép đứng bên lề xã hội. Chính vì thế Giáo hội Công giáo cũng không nên tự loại
trừ mình ra khỏi xã hội.
9. Vả lại, văn hoá toàn cầu hôm nay là “một văn hoá nối kết”,
xu thế của thời đại chúng ta đang sống là xu thế hợp tác. Hợp tác không những
trên bình diện quốc gia, mà cả bình diện quốc tế nữa. Có những quốc gia chưa
hết thù địch với nhau, mà vẫn phải cố gắng đối thoại và hợp tác. Tờ báo Thanh
Niên số ra ngày 18/11/2009, trong bài nhận định về chuyến viếng thăm Trung Quốc
của Tổng thống Obama, đã chạy hàng tít lớn “hợp tác trong bất đồng”.
Trên bình diện kinh tế và xã hội, tư tưởng “loại trừ” đã
trở thành lỗi thời. Trái lại, một tư tưởng đang trở thành “chủ đạo”, là tư
tưởng “hợp tác và liên đới”. Ý tưởng “thương trường là chiến trường”,
một thời làm mưa làm gió, đã để lại biết bao nhiêu đau thương cho thế giới, đặc
biệt cho những người nghèo khổ và yếu thế. Ý tưởng ấy hiện nay đã trở thành lỗi
thời, tụt hậu. Tư tưởng loại trừ người khác, vừa trái ngược với Tin Mừng của
Chúa Giêsu, vừa đi ngược với xu thế của thời đại.
Trong thông điệp “Caritas in Veritate”, Đức Thánh Cha
Benêđictô XVI đề nghị một sự nối kết, phối hợp rộng rãi các năng lực của mọi
người trên thế giới, để phục vụ sự phát triển toàn diện của con người, và của
toàn thể nhân loại, phục vụ cho nền văn hoá sự sống (x ch.V của Thông điệp
có tiêu đề là “Sự hợp tác của gia đình nhân loại”). Trong xu thế hợp tác
toàn cầu này, Giáo hội Công giáo cống hiến cho thế giới môt học thuyết xã hội,
lành mạnh, hợp thời, dựa trên ánh sáng của lý trí tự nhiên, được soi dẫn bằng
ánh sáng đức tin.
Đức Thánh Cha cho thấy rằng những giá trị đạo đức rất cần
cho sự phát triển toàn diện của con người, ngay cả trên bình diện kinh tế nữa. Nếu
loại trừ “đạo đức” ra khỏi kinh tế, thì kinh tế sớm muộn gì cũng sẽ quay
đầu làm hại rất nhiều người, nhất là những người nghèo khổ, yếu thế, rồi cuối
cùng tự nó cũng suy sụp, như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là một
bằng chứng hùng hồn. Nếu nền kinh tế hiện nay ở nhiều nơi, vẫn còn tiếp tục xây
dựng trên sự dối trá lường gạt, trên giá cả thị trường ảo, không chóng thì chày
sẽ suy sụp một cách thê thảm hơn nữa. Như vậy kinh tế rõ ràng cũng phải dựa
trên sự thật. Dựa trên sự thật chưa đủ, kinh tế còn phải “dựa trên tình yêu
nữa”. Đó là ý nghĩa của “định luật vô cầu” (loi de gratuité), mà Đức Thánh Cha
giới thiệu với mọi người trong thông điệp mới nhất của ngài.
Giáo Hội hợp tác với Chính quyền cũng là để có thể thực hiện
sứ mạng yêu thương và phục vụ mọi người tại đất nuớc Việt Nam.
10. Tôi xin tóm lược bài nói chuyện của tôi bằng hai từ ngữ
chính là “Tình yêu” và “Chân lý”. Tư tưởng và quan điểm Kitô giáo,
thái độ và hành vi của người Kitô hữu, trong bất cứ tình huống nào, cũng đều
phải xây dựng trên Tình Yêu và Chân lý. Chúng ta tin Đạo của chúng ta là “Chân
Lý về Tình Yêu”, là Sự Thật về Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, mạc
khải nơi Đức Giêsu Kitô, là nền tảng và là mẫu mực cho Tình yêu của con người
đối với nhau, đó là “Tình yêu Chân thật”. Tình yêu và Chân lý mời gọi đối
thoại và hợp tác. Tình yêu mời gọi “sự đối thoại của con tim”. Chân
lý mời gọi “sự đối thoại của khối óc”. Xin Chúa Thánh Thần là Trái Tim và Khối
Óc, là Tình Yêu và Thần Trí của Thiên Chúa chỉ cho Giáo Hội tại Việt Nam con
đường Tình Yêu và Chân Lý. Xin Chúa Thánh Thần là Sức mạnh và Quyền năng của
Thiên Chúa giúp chúng ta mạnh dạn dấn bước.
Xin thân ái kính chào mọi người.
Gm Phalô Bùi Văn Đọc
Nguồn WHĐ