10 điểm Suy Niệm về sứ điệp Ðức Mẹ La Vang do Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trình bày. Sứ điệp 10 điểm này gồm: 5 điểm thánh hoá bản thân
và 5 điểm phục vụ Giáo hội và Xã hội.
1- Bí quyết cầu nguyện.
2- Tinh thần ấu thơ.
3- Mầu nhiệm Thánh giá.
4- Hoàn Toàn Của Mẹ.
5- Phục vụ người nghèo.
6- Xây dựng Hội thánh.
7- Thánh hoá gia đình.
8- Ðoàn kết hiệp nhất.
9- Loan báo Tin Mừng.
10- Chứng nhân Hy-vọng.
Kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La-vang là một biến cố
lịch sử quan trọng đối với Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Sự kiện nầy đã được
Toà Thánh công nhận và năm 1961 Nhà thờ La-vang đã được nâng lên bậc Vương cung
Thánh đường; La-vang trở thành Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.
Gợi lại biến cố lịch sử về Ðức Mẹ hiện ra, là để tiếp nhận
một sứ điệp quan trọng cho Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Nếu ta chỉ mừng kỷ
niệm ấy với một cuộc Ðại hội thì dù đông đảo, tốt đẹp mấy cũng chưa đủ. Chúng
ta phải đào sâu, suy niệm và thực hiện sứ điệp ấy mới đúng ý Ðức Mẹ và lúc ấy
sứ điệp Ðức Mẹ La-vang mới thực sự là một mùa xuân mới cho Giáo hội và Ðất nước
Việt Nam.
Dựa vào những dữ kiện được rao truyền về Ðức Mẹ đã hiện ra
cách đây 200 năm tại vùng rừng núi hẻo lánh La-vang, nơi ẩn lánh của những
người Công giáo Việt Nam đang "chịu khốn nạn vì Ðạo Ngay".
Dựa vào những lời kinh của ông bà ta ngày xưa cầu nguyện
cùng Ðức Mẹ La-vang, và cách ông bà ta hiểu biết và sống sứ điệp ấy,để mời gọi
người Việt Nam Công giáo hôm nay tích cực thánh hoá bản thân, phục vụ Xã hội và
Giáo hội,
Tôi xin giới thiệu bản kinh cầu nguyện cùng Ðức Mẹ La-vang,
và tóm lược mười Sứ-điệp của Mẹ
1- Bí Quyết Cầu
Nguyện
Khi chúng ta chạy đến cùng Ðức Me, việc trước tiên Ðức Mẹ
dạy là hãy đến đây cầu nguyện.
Cha ông chúng ta trong những ngày chịu bắt bớ, đã cùng nhau
cầu nguyện, kết hiệp liên lỉ với Chúa; và trong bầu khí cầu nguyện đó, Ðức Mẹ
đã đến cầu nguyện với họ, khích lệ họ.
Trong kinh cầu nguyện với Ðức Mẹ La-vang, cha ông chúng ta
đã đọc:
"Cho con một dạ
kính tin
Kính thờ một Chúa hết
tình thảo ngay...
Nầy con quỳ gối cúi
đầu
Trước bàn thờ Mẹ xiết
bao ước nguyền".
Nguy hiểm lớn nhất là chúng ta quên cầu nguyện, đôi khi vì
quá ham hoạt động, hoặc vì quá lo vận động, mưu mô quyền thế...
Cầu nguyện là thể hiện cuộc sống Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho
chúng ta trong phép rửa tội; cầu nguyện là nuôi dưỡng lòng yêu thương người bên
cạnh mình.
Cầu nguyện đạt đến mức cao độ khi tham dự Thánh-thể; tất cả
chúng ta cùng Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu lên Thiên Chúa để được gặp gỡ Chúa Cha,
gặp gỡ cộng đoàn con người trong sự sống Chúa Thánh-thần.
Năm 1961, khi nhà thờ La-vang được nâng lên bậc Vương cung
Thánh đường, Bề trên giáo phận Huế đã tổ chức chầu Mình Thánh suốt ngày tại
Trung tâm Thánh Mẫu La-vang. Trung tâm Thánh Mẫu La-vang trước hết là Trung tâm
cầu nguyện.
Cầu nguyện là nguồn sức mạnh mãnh liệt nhất trên trần gian
nầy, đưa chúng ta đến gần bên Chúa, nối kết chúng ta với mọi người.
Chuyên tâm cầu nguyện, tham dự các phép Bí tích đó là
Sứ-điệp đầu tiên của Mẹ La-vang.
- Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy
móc tự động có thể làm hơn con.
- Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt
động.
- Con hãy cầu nguyện luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói:
"Hãy cầu nguyện không ngừng".
- Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính
là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi
con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha
của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con". Không
cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.
- Con tìm bạn để an ủi, nâng đõ con khỏi cô đơn. Sao con
không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất
cứ nơi nào?
- Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức
tin, phản bội Hội thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính:
họ bỏ cầu nguyện từ lâu.
- "Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ lời
Chúa": Thánh thể, Thánh kinh, Thánh nguyện. Nếu không, con không có sự
sống Thần linh. (ÐHV, ch 7 - Cầu nguyện)
2- Tinh Thần Thơ Ấu
Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố Thánh nữ Têrêxa Hài đồng
Giêsu là Tiến sĩ Hội Thánh vì linh đạo tinh thần thơ ấu rất được mộ mến trong
thời đại nầy. Linh đạo đó thấm nhuần cuộc sống đạo của cha ông chúng ta, đặc
biệt trong những ngày tháng gặp thử thách:
"Lạy ơn Ðức Mẹ
La-vang
Xin nghe con mọn thở
than mấy lời".
Sống tinh thần khiêm tốn để nhận biết Thiên Chúa là Chúa và
là Cha của mình. Mẹ Maria là gương mẫu về tinh thần khiêm hạ nầy:
"Vâng, tôi đây là
nữ tì của Chúa, xin vâng..." (Lc. 1, 38).
"Phận nữ tì hèn
mọn, Người đoái thương nhìn tôi" (Lc. 1,48).
Và Chúa Kitô đã không làm gì khác ngoài việc thực hiện ý Cha
Ngài; Ngài dạy dỗ chúng ta:
"Ai không đón
nhận nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì chẳng được vào" (Lc. 18, 17).
- Người mồ côi được sung túc phú quí là người hạnh phúc,
nhưng không phải là người con hạnh phúc. Nghèo khó mấy mà có cha yêu, mẹ mến là
người con hạnh phúc. Con có ý thức con là đứa con vô cùng hạnh phúc vì làm con
Chúa Cha, con Mẹ Maria không?
- Bé con lầm lẫn bao nhiêu lần, cha mẹ cứ thương và biết đứa
bé không có lòng xấu. Nó dốc lòng mãi và nó sa ngã mãi. Không hề gì ! Chỉ thiện
chí của nó. Mặc dù cha mẹ nó yếu đuối không làm gì được. "Con đừng dại nữa
nghe con!" - "Dạ" - "Con có thương ba má ngàn lần không?"
- "Có" - "Vạn lần không?" - "Có" - "Triệu
lần không?" - "Có". Chúa chỉ cần thiện chí của con. Ơn Chúa sẽ
giúp con.
- Con mệt mỏi, con cầm trí lâu không được, con chán nản.
Miễn con yêu mến Chúa là đủ. Một đứa bé chơi trước mặt cha mẹ, ngồi trên chân
cha mẹ, hay nhìn cha mẹ, hoặc ngủ ngon lành, cha mẹ cũng sung sướng nâng niu
nó.
- Tâm hồn trẻ thơ ở đây không phải là thơ ngây. Nhưng là yêu
thương không giới hạn. Phó thác cho cha mẹ tất cả, cha mẹ bảo gì, làm tất cả,
theo cha mẹ, bỏ tất cả, tin tưởng cha mẹ hơn tất cả. Hùng dũng, vững vàng, xứng
đạo làm con của người Kitô hữu.
- Những công tác lớn lao nhất của con nào đáng gì đối với
Chúa toàn năng, thế mà cả những việc nhỏ mọn nhất của con cũng có thể là những
kỳ quan, vì Chúa thấy lòng con. Chúa yêu thương con, như lòng cha mẹ hạnh phúc
khi thấy đứa bé bước một bước, bập bẹ một tiếng.
- Nghe nói phó thác tất cả trong tay Chúa, con đừng lo sợ.
Không khó đâu! Mặc dù con không biết Chúa Kitô đưa con đi đâu, Ngài dành những
gì bất ngờ cho con, chỉ tin Chúa là Cha của con, chừng ấy đủ rồi. (ÐHV, ch 30 -
Ðứa con Hạnh Phúc)
3- Mầu Nhiệm Thánh
Giá
Ðức Mẹ La-vang dạy ông bà ta: "Các con hãy vui lòng chịu gian khổ"
Người Kitô hữu chúng ta có một ngọn cờ, một huy hiệu, và hơn
thế nữa có sức mạnh ban ơn cứu độ đó là Thánh-giá Chúa Giêsu Kitô.
Khổ đau gắn liền với cuộc sống con người: khổ vì đói, khát,
đau yếu, thao thức, sợ hãi, xao xuyến, vì thiếu tự do, chịu đựng bất công, bị
nhục mạ và tột cùng là khổ vì đối diện với cái chết.
Thánh giá, khổ đau của Chúa biến khổ đau con người chúng ta
trở nên sức mạnh thần thánh, Thánh giá là nguồn hy vọng độc nhất của ta.Vì khổ
nạn gắn liền với Phục sinh, do đó người Công giáo không bao giờ mất hy vọng.
Mẹ ở dưới chân Thánh-giá, Mẹ ở bên cạnh cha ông chúng ta
trong những ngày bắt bớ cách đây 200 năm tại La-vang, Mẹ đem Chúa lại cho chúng
ta trong cuộc đời vất vả của kẻ lữ hành trên đường hy vọng.
- Bão tố quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng
không thể nhổ được cây Thánh giá đã cắm vào lòng đất. Ðừng tiếc những cành kia,
dù không gió cũng gẫy, không gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại.
- Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết cho
Ngài, và cũng có một số người quyết giết chết Ngài. Sao con muốn mọi người yêu
con? Sao nao núng khi có người ghét con?
-Trong cơn tử nạn, Chúa đem theo những Tông đồ Ngài yêu
thương riêng: Phêrô, Gioan, Giacôbê.
Con sợ Chúa thương không?
- Trong gian khổ có điều con nên tránh:
* Ðừng điều tra "tại ai"? Hãy cám ơn dụng cụ nào
đó Chúa dùng thánh hoá con.
* Ðừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Ðức Mẹ : là
nơi con tâm sự trước hết.
* Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc hận thù. Bỏ quên
đi, không nhắc lại bao giờ và nói Alleluia!
- Ðau khổ nhất là do những người phải thông cảm và có phận
sự bênh vực con gây nên.
Hãy hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên
Thánh giá: "Lạy cha, sao Cha bỏ con!" -- Con phản đối: "Bất
công!" - Lòng con tức tối trước việc xảy đến gây khổ tâm cho con. Hãy nghĩ
lại xem: Chúa Giêsu đã làm gì nên tội mà phải chịu đóng đinh?
Như thế có công bình không?
- Hoa hồng, hoa huệ tốt thơm, rực rỡ bao lâu -- phân tro màu
mỡ biến thành hương sắc. Việc tông đồ cũng tiến mạnh khi gian khổ được đổi
thành yêu thương. (ÐHV.ch 29 - Gian khổ)
4- Hoàn Toàn Của Mẹ
"Hoàn toàn của Mẹ" là khẩu hiệu của Ðức Gioan
Phaolô II. Khẩu hiệu đó đã hướng dẫn tất cả sinh hoạt tông đồ mục vụ của đời
Ngài. Ngài là Giáo Hoàng của Ðức Mẹ. Ðức Mẹ đã sử dụng Ngài làm bao nhiêu việc
lạ lùng cho Hội Thánh và nhân loại trong 20 năn nay. Ngài đã chọn khẩu hiệu này
theo tinh thần của Thán Maximilanô Kolbe: "Hoàn toàn tuyệt đối, vô điều
kiện đối với Ðức Mẹ."
"Rày con dâng tấm
lòng nầy
Mọi niềm mến Mẹ từ rày
về sau."
Ông Thoàn và 30 giáo dân bị bắt xin được đưa đến xử và được
chết trên nền nhà thờ Ðức Mẹ vừa bị đốt cháy. Ðức tin của họ đi đôi với lòng
mến Ðức Mẹ.
"Lòng con rày chỉ
ước ao.
Chết trong tay Mẹ
phước nào lớn hơn."
Làm Kitô hữu, chúng ta là chi thể của Chúa Giêsu Kitô. Thiên
Chúa đã chọn Mẹ để cưu mang Chúa Giêsu Kitô, làm Mẹ nuôi nấng dạy dỗ Chúa lúc
ấu thơ, bước đi theo Chúa trong sứ mạng rao giảng công khai và ở cùng Chúa bên
cạnh Thánh Giá, cũng như lúc Chúa Giêsu sống lại.
Cha ông chúng ta đã chọn Mẹ Maria làm Mẹ mình trong suốt
cuộc đời sống đạo. Chúng ta hôm nay nghe lại lời của thiên thần nói với Thánh
Giuse:
"Ngươi đừng sợ
nhận Maria. Ðấng được sinh ra từ cô ấy là do Chúa Thánh Thần" (Mt.
1,20). Chúng ta cần ở với Mẹ để cuộc sống đức tin Kitô giáo được lớn lên, đi
vào cuộc sống cụ thể, yêu thương phục vụ con người xã hội như Chúa đã hiến cuộc
sống Ngài vì yêu thương.
Mẹ nghèo khó, nhưng Mẹ ban cho ta kho tàng trọng nhất: Chính
Chúa Giêsu.
- Không có Mẹ, dù mọi người lo lắng bảo đảm đến đâu em bé
cũng không đi theo. Nhưng đi với Mẹ, băng rừng, vượt suối, đói rét, em vẫn đi. Trong
cuộc chiến bao nhiêu bà mẹ chết rồi, con vẫn la lết nằm một bên. Trên đường hy
vọng, con nắm tay Mẹ Maria, có Mẹ, đã cho con rồi, con không cô đơn, Mẹ là "Nguồn
sống, là nguồn an vui, là hy vọng của chúng con."
- Ðứa con có bệnh tật, xấu xí, người Mẹ vẫn thương yêu. Dù
con nguội lạnh, tội lỗi, phản bội, con hãy phó mình trên tay Mẹ. "Chúa
Giêsu trối: "Ðây là Mẹ con!" Nỡ nào Mẹ bỏ con.
- Muốn biết Mẹ con tốt đẹp chừng nào, con hãy nhớ Mẹ là Mẹ
Chúa Ngôi Hai, cao cả, toàn năng. Phúc cho con chừng nào vì Ngài cũng là Mẹ của
con. Nếu không phải Chúa Giêsu nói, con không thể hiểu được.
- Nhìn Mẹ Maria, làm như Mẹ Maria, con sẽ nên thánh.
- Mấy lời vắn tắt diễn tả cuộc đời Mẹ con. Với tâm tình
thánh thiện, hãy ghi vào lòng mà suy niệm và bắt chước:
"Này là tôi
tá": Ecce
"Con xin
vâng": Fiat
"Linh hồn con
ngợi khen Chúa": Magnificat.
- Chuỗi Mân Côi là dây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ
niệm, con đường hy vọng của mẹ: âu yếm như Bê Lem, khắc khoải như Ai cập, trầm
lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc
Chúa giảng, đâu khổ bên Thánh Giá, vui mừng lúc phục sinh, tông đồ bên thánh
Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một.
Ðừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ,
trong Mẹ.
- Không qùa gì quý bằng quà mà lòng Mẹ Maria tặng chúng ta:
Chúa Giêsu, món quà quý nhất. Chính lòng Ðức Mẹ cũng quý nhất vì "Giêsu
con lòng bà".
- Mẹ Maria không chỉ nhìn Chúa Giêsu, Mẹ nhìn Isave, nhìn
Gioan, nhìn đôi tân hôn ở Cana.
Con hãy có cái nhìn của Mẹ: Nhìn Chúa, nhìn người.
5- Phục Vụ Người
Nghèo
Chúa là gia nghiệp, chưa đủ cho con sao?
Chúa Giêsu đã nói: "Thánh
thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khổ".
Ðức Mẹ đã đến với ông bà ta, những người nghèo khổ nhất,
không nhà cửa, không của cải, chạy vào La-vang:
"Những người
nghèo khổ tật nguyền
Cầu liền đặng đã, xin
liền đặng vui".
Mẹ Maria đã hiện ra để an ủi những người gặp cơn thử thách,
khốn đốn, tị nạn tại La-vang cách đây 200 năm, như Mẹ đã từng xin Chúa Giêsu,
con Mẹ giúp cho gia đình mở tiệc cưới Cana đang thiếu rượu. Mẹ đã tiếp đón
những mục đồng nghèo khổ đến lạy Chúa mới sinh ra tại Be-lem. Mẹ vừa hay tin
chị họ là bà Elisabeth vào tuổi già, đang gặp buổi khó khăn vì vừa có thai,
liền cấp tốc lên đường giúp đỡ...
Chúa Giêsu, con Mẹ đã tìm đến những người bệnh tật, khổ đau
để chữa lành, an ủi; đã sát cánh với những người có cuộc sống tinh thần nghèo
khổ, những người bị xã hội lên án để cứu vớt, bênh vực, và giúp thoát cảnh nghèo
đói.
Mẹ La-vang là Mẹ của những người túng thiếu, tật nguyền, là
người Mẹ dẫn đàn con Kitô hữu Việt Nam đại độ thực thi liên đới, phục vụ người
nghèo.
Nguy cơ lớn, nếu Giáo hội đứng về phía quyền thế, giàu sang
-- xa rời người nghèo khổ bị áp bức.
- "Nghèo nơi con ở, nghèo trong áo con mặc, nghèo trong
đồ con ăn, nghèo trong đồ con dùng, nghèo trong việc con làm" (Cha
Chevrier).
- Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa
của cải cách anh hùng.
Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con sử
dụng, của người nghèo.
- Thanh bần ghen ghét, thanh bần chỉ trích, thanh bần uất
hận, không phải là thanh bần Phúc Âm.
- "Hội thánh của người nghèo" không phải để làm
cho dân chúng nghèo mãi, nhưng với nỗ lực thăng tiến cuộc đời của dân chúng về
mọi phương diện.
- Khó nghèo không phải là không có của; đó là khốn khổ,
thiếu thốn. Khó nghèo trước tiên là tập dùng của cho đúng. Một cốc Cà phê, một
cốc bia! Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy
nó. Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô
danh. (ÐHV, ch 17 - Thanh bần)
6- Xây Dựng Giáo Hội
Ðức Mẹ nhắn nhủ ông bà chúng ta tại La-vang "Hãy xây
dựng một Thánh đường". Thánh đường ở đây có nghĩa là Giáo hội. Chúa Giê su
cũng bảo Thánh Phanxicô Assisi: "Hãy đi xây dựng Thánh đường".
Mẹ là Mẹ của Giáo hội, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô, là
đầu mà Giáo hội là chi thể. Mẹ đã được Chúa Giêsu trên Thánh-giá phó thác để lo
lắng cho môn đệ của Ngài.
Khi con cái Việt Nam, vì đức tin vào con Mẹ mà gặp phải cảnh
khốn đốn, Mẹ đã đến ủi an. Mẹ đã làm cho La-vang thành nơi tụ họp những người
con của Giáo hội Việt Nam, tụ họp để tôi luyện lại cuộc sống đức tin, thực thi
các ơn ích của Phép Rửa tội, nhắc nhở nhau bổn phận làm nên giáo hội, canh tân
cuộc sống cộng đồng, phục vụ người nghèo khổ.
Hãy trở nên "những viên gạch sống động" của một
giáo hội luôn tin tưởng vào Ðức Kitô và được thúc đẩy bởi ân sủng nơi Mẹ Maria
và thánh cả Phê-rô, một giáo hội luôn cầu nguyện và tìm kiếm những dấu chỉ của
thời đại và ưu tiên phục vụ người nghèo khổ.
Hội Thánh
- Một thân thể: Hội thánh;
- Một lãnh tụ: Ðức Thánh Cha;
- Một nguyện vọng: mọi người nên một.
"Phêrô, con là
đá, Ta xây Hội thánh Ta trên đá nầy , và cửa hoả ngục mở tung không thắng
nổi!"
Hai mươi thế kỷ qua, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến
động, nội công ngoại kích, lắm giai đoạn đến mức tuyệt vọng, nhưng "Hội
thánh Chúa" không phải hội của loài người.
- Ðừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội thánh, vì đó là nhiệm
thể Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô; không gìết Chúa Kitô được nữa, người
ta phá Hội thánh.
- Nhiều người chê cách tổ chức của Giáo triều La mã.
Tôi đồng ý rằng Giáo triều La mã không trọn lành, nhưng tôi
xin họ xem thử chính nước họ có hoàn hảo hơn không? Hơn thế, còn phải phân
biệt, giáo triều là một cơ quan, không phải là Hội thánh.
- Có người hễ nghe nói đến Hội thánh là chỉ trích giáo triều
ù lì, nhà thờ tốn tiền, nghi thức rườm rà... Hội thánh đâu phải giáo triều, nhà
thờ, nghi thức, hiểu như thế là sai lạc quá! Hội thánh là toàn thể dân Chúa
đang tiến về Nước Trời.
- Ðừng nói Hội thánh đã canh tân rồi, phải nói Hội thánh
liên lỉ canh tân.
- Hội thánh được sinh ra trên Thánh giá, Hội thánh lớn lên
bằng tiếp tục thương khó Chúa Giêsu đến tận thế. Con lầm lạc, nếu tin vào tiền
bạc, ngoại giáo, quyền thế, vận động...
- Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý lịch, có thứ
công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận hạng "Công
giáo trăm phần trăm", "Công giáo vô điều kiện", "họ đã bỏ
mọi sự và theo Người".
- Trong Hội thánh mọi người được mời gọì và có bổn phận nên
thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội thánh.
"Không ai có Thánh Thần mà chống lại Ðức Kitô."
- Hội thánh của giới trẻ,
- Hội thánh của giới già,
- Hội thánh của trí thức,
- Hội thánh của lao động.
- Hội thánh của người nghèo,
- Hội thánh của người giàu,
- Hội thánh của da vàng,
- Hội thánh của da đen.
- Hội thánh của phụ nữ.
- Hội thánh của nam giới,
- Hội thánh của tất cả,
- Hội thánh chấp thuận tất cả,
- Hội thánh không kỳ thị ai.
Kỳ thị và chia rẽ không có chỗ trong Hội thánh. (ÐHV, ch 12
- Hội thánh)
7- Thánh Hoá Gia Ðình
Ông bà ta cầu nguyện:
"Lại xin Ðức Mẹ
xuống ơn
Giữ gìn cha mẹ nhà con
yên hàn.
Xin cho nước trị dân
an".
Mẹ có một gia đình, gọi là gia đình thánh, vì ở nơi tổ ấm
Nazareth thánh Giuse, Ðức Mẹ và Chúa Giêsu đã biến khung cảnh sống của mình làm
nơi cư ngụ của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ba mươi giáo dân, nam nữ già trẻ, cũng hy sinh mạng sống
trên nền nhà thờ La-vang, là chứng nhân cuộc sống gia đình thánh thiện của ông
bà ta.
Ngày nay khủng hoảng gia đình không phải là việc của nước
nào, xứ nào khác, nhưng đi vào xã hội Việt Nam chúng ta.
Gia đình là thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta. Chúng
ta hãy biến gia đình trở nên mái ấm của nguyện cầu và tình thương ở đó Mẹ Maria
là mẫu mực và là kẻ trung gian. Gia đình chúng ta phải là cái nôi sự sống và
tình yêu được nuôi dưỡng, thăng tiến và ấp ủ.
"Xin cho nước trị
dân an".
Tổ quốc là đại gia đình. Bốn chữ "nước trị dân an"
diễn tả quá đầy đủ. Nếu không có chính phủ tốt, không phát triển, không có công
bình thì làm sao dân an được!
Mẹ La-vang, Mẹ đã đưa Chúa Kitô, con Mẹ, vào dân nước chúng
ta. Noi gương Mẹ, mỗi một Kitô hữu tận tâm yêu thương đồng bào mình, phát triển
văn hoá dân tộc, đóng góp sức lực của mình dấn thân phục vụ công ích để thăng
tiến cuộc sống người dân, tạo phú cường, thịnh vượng, và an vui cho cộng đồng
xứ sở. Nhiều lần Ðức Thánh Cha quả quyết: "Người công giáo Việt Nam là
những công dân tốt, chung sức xây dựng tổ quốc". Ðức Hồng y R. Etchegaray
giảng: "Anh chị em hãy hãnh diện làm người công giáo, làm người Việt
Nam".
Gia đình, tế bào của Hội Thánh
- Ðôi bạn đối với nhau, cũng như đối với con cái, sống tất
cả tình yêu của Chúa Giêsu đối với mọi người.
-Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả
can đảm, tin tưởng và quảng đại.
- Ðòi hỏi biến đổi mà không yêu thương làm cho bạn mình bất
mãn
- Yêu thương mà không đòi hỏi biến đổi: hạ giá bạn mình.
- Tình yêu không mù quáng: Thấy yếu đuối của người yêu và cố
gắng gánh vác. Thấy khả năng của người yêu và tế nhị khơi dậy.
- Con hãy tin rằng: đời sống gia đình công giáo là một
"lối tu đức" riêng biệt.
- Gia đình là tế bào của Hội thánh, nói cách khác, là một
Hội thánh cỡ nhỏ (Ecclesiuncula), ở đó Chúa Giêsu hiện diện, sinh sống, chết,
phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể.
(ÐHV, ch 19 - Gia đinh)
Phát Triển
- Phát triển không phải là chỉ cho ăn, cho mặc, cũng không
phải chỉ phát cày, phát cuốc, đào giếng, đào mương.
- Phát triển là thăng tiến con người toàn diện, là làm cho
họ sống "xứng người hơn"
- Món quà tuyệt hảo mà con có thể tặng người giúp việc con
không phải là chiếc áo đẹp, đôi giày tốt, cái đồng hồ quí, nhưng là Tình người,
tình anh em mà con âm thầm tặng họ qua các cử chỉ nhỏ nhặt suốt ngày.
- Ðại hoạ không chỉ là đói khát, khốn khó của các dân tộc
nghèo khó. Ðại hoạ chính là sự vô ý thức của các dân tộc nô lệ và bóc lột. (ÐHV,
ch 25 - Phát triển)
Dấn thân
- Mức độ dấn thân: "Thí mạng" như Chúa Giêsu.
- Con đừng nghĩ dấn thân là lao mình vào những hoạt động
hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu nghĩa dấn thân sâu hơn. "Theo gương Chúa,
yêu thương đến mức độ quên mình hoàn toàn vì người khác, để hiệp nhất với kẻ
khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công."
- Con có phải là hạng người công giáo ngoan đạo, sống quanh
quẩn phòng thánh và con đã hoá nên "nửa thần, nửa thánh, nửa người"
không?
Hãy theo Chúa Giêsu: Thiên Chúa thật và người thật đến với
trần gian.
Xin con hãy "nhập tịch" làm người lại.
Chúng ta dùng danh từ phân biệt đạo và đời, hồn và xác,
nhưng các yếu tố ấy không thể tách rời nhau được, nó bó kết lẫn nhau trong lòng
Con Chúa: Chỉ có một cuộc sống; chỉ có một lịch sử; đạo, đời, hồn, xác
đều liên hệ mật thiết. (ÐHV, ch 26 - Dấn thân)
8- Ðoàn Kết và Hiệp
Nhất
Hãy sống chúc ngôn của Chúa Kitô: "Xin cho họ nên
một" bằng cách cổ võ công lý, hoà bình và phát triển để xây dựng một xã
hội nhân đạo hơn, bằng cách kiên trì và thành tâm theo đuổi việc đối thoại giữa
các tôn giáo.
Ðoàn kết và hiệp nhất đòi hỏi hy sinh, quên mình, nâng tâm
hồn mình lên để yêu nhiều hơn nữa, thật sự tha thứ, biết ơn và quảng đại.
Chúa Giêsu đã dạy rằng "khi Con người bị treo lên thì
mọi người được kéo lên cùng Ngài". Cơn thử thách của giáo hội, xã hội Việt
Nam hôm nay đang bách hại tâm hồn con cái Việt Nam đó là hận thù chia rẽ. Chúng
ta lắng nghe Sứ-điệp đoàn kết hiệp nhất của Ðức Mẹ La-vang, Mẹ đã quy tụ mọi
người lương giáo về nơi rừng núi ấy, để kiến tạo lại quê hương và canh tân giáo
hội. Gương đoàn kết của người xưa là tấm bia không bao giờ mòn: Bô lão các làng
lân cận, dâng hiến đất đai để xây đền thờ Bà bên Ðạo.
"Dập dìu kẻ tới
người lui,
Trong Nam ngoài Bắc
mọi người giáo lương".
- Sống huynh đệ rất đẹp, Chúa bảo: "Ðâu có hai hay ba
người hiệp nhau vì danh Thầy, có Thầy ở đó", Chúa biết khó nên Ngài đòi
con số tối thiểu, Ngài không đòi hơn "hai hay ba".
- Chúa chỉ bắt các Tông đồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó
kiếm: "Người ta sẽ lấy dấu nầy mà biết các con là môn đệ Thầy: Các con
thương yêu nhau".
- Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù
ghét ở đó có hoả ngục.
- Lấy lý do giúp đỡ, khuyên bảo anh em, con dò chuyện bên
nầy, đem nói bên kia, đó là "Bác ái tình báo".
- Con chủ trương phải đối thoai, nhưng con không chấp nhận
ai nói trái ý con. Ðó là "đối thoại có chương trình và giới hạn" hay
nói đúng hơn : hai người độc thoại.
- Con không thiếu khuyết điểm. Sao con tức tối và tấn công
khuyết điểm của anh em?
- Con phải nói được cách thành thực rằng: "Tôi không
xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người
bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn xem họ là anh em
tôi".
- "Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở" , Lời Chúa rất là
thấm thía! Con hãy đối xử với mọi người khác nhau, kính trọng từng tâm hồn.
Ðừng xem con người như một con số, một khối lượng, cộng là ra đáp số!
- Ðừng đê hèn nói xấu người vắng mặt. Hãy nói như lời con
được ghi âm, hành động cử chỉ con như được chụp hình. (ÐHV, ch 31 - Bác ái)
9- Sứ Ðiệp Tin Mừng
Ông bà ta đã sống và mang đức tin vào trong văn hoá Việt
Nam, khắp các thôn xóm hẻo lánh. Chúng ta hãy tiếp tục xây dựng Văn hoá của Sự
sống, Văn hoá của Tình thương, Văn hoá của quyền Con người.
"Xin cho nước trị
dân an,
Nơi nơi nghe tiếng
Phúc-âm giảng truyền".
Mẹ đã dẫn lối những vị truyền giáo đến với cha ông chúng ta.
Mẹ đã hiện diện trong những lời cầu xin của những thầy giảng, những cộng đồng
Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, Mẹ thúc đẩy nhiều thanh niên, thiếu nữ qua nhiều
thế hệ hiến thân vì Phúc-âm...
Vào năm 1961, Bề trên Giáo phận Huế đã dành khoảng đất bên
trái đền thờ La-vang để khởi công xây dựng Trung tâm Truyền giáo Mẹ La-vang. Và
chương trình gửi các nữ tu Việt Nam truyền giáo qua quốc gia Lào cũng đã bắt
đầu thực hiện lúc ấy.
"Hôm nay, chúng ta phải hoàn thành sứ-mệnh đem Tin Mừng
đến cho thế giới. Chúng ta phải cam kết sống vai trò chứng tá tình yêu của Ðức
Kitô, cộng tác với tất cả anh chị em chúng ta để biến đổi xã hội xứng đáng với
phẩm giá con người".
Ðời sống trần gian với ngọn lửa đức tin:
- Xem hành động của con, phản ứng của con, đã biết đức tin
của con sống động hay là "đức tin nhãn hiệu".
- Sự cứu rỗi nhân loại không phải là một "tổ
chức", mà là một "mầu nhiệm", mầu nhiệm Chúa
Giêsu chịu chết sống lại.
- Tông đồ là thánh hoá môi trường bằng môi trường: lao động
là tông đồ của lao động, học sinh là tông đồ của học sinh, bộ đội là tông đồ
của bộ đội...
- Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới.
"Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" và
Ngài ban cho Hội thánh lễ Hiện xuống mới.
- Các thánh không ai giống ai, tinh tú trên trời, không có
cái nào giống cái nào. Nhưng các thánh đều giống nhau một điểm: Các ngài dìễn
tả lại cuộc đời Chúa Giêsu.
- Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận
chịu "tử đạo" bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu
thương và bền chí như Phêrô và Gioan "Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã
được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa".
- Kẻ thù khốc hại nhất của đời tông đồ con không phải là kẻ
ngoại thù: chính bản thân con có thể thành tên gián điệp làm việc cho cả hai
bên: Thiên Chúa và ma quỷ.
Thời đại giáo dân
Bao lâu chưa động viên được toàn lực Dân Chúa ý thức và hành
động, các từng lớp xã hội nầy chưa thể thấm nhuần Phúc âm được. Bí quyết công
cuộc tông đồ trong thời đại ta: Tông đồ Giáo dân!
- Không có linh mục nào không xuất thân từ chủng viện, không
có tông đồ giáo dân nào không xuất thân từ khoá huấn luyện, con hãy xác tín
điều đó!
- Ðường lối của tông đồ thời đại ta:
* Ở giữa trần gian
* Không do trần gian
* Nhưng cho trần gian
* Với phương tiện của trần gian (ÐHV, ch13 - Ðức tin)
10- Chứng Nhân Hy
Vọng
Phép lạ La-vang, là cảnh hoang vu, rừng núi nay trở thành
nhà tinh thần của những Kitô hữu Việt Nam: Chúng ta quay về đó để hâm nóng lòng
nhiệt thành sống đạo, đi đến để cầu nguyện, nhớ đến để tin tưởng, hy vọng và
lên đường phục vụ quê hưong và Giáo Hội.
Chúng ta tuyên xưng với mọi người Sứ-điệp Hy-vọng của Mẹ
La-vang
"Hãy tin tưởng
vào Mẹ, hãy chịu đựng thử thách trong hoan hỉ vì Mẹ đã nhận lời con. Từ nay ai
đến chốn nầy kêu cầu Mẹ sẽ được toại nguyện".
Thời đại nầy gặp một thách đố lớn nhất: Hy vọng
- Nhiều người không biết hy vọng vào đâu, họ không biết sau
cuộc đời nầy họ sẽ thế nào? Mặc dù hưởng thụ bao lạc thú, đầy ắp tiền của, họ
vẫn không hy vọng. Số người tự tử ở các nước phát triển rất cao.
Con phải trả lời được cho mọi người về niềm hy vọng trong
con.
- Người công giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống
giữa thối nát và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng.
- Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là Mẹ say trần
gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi.- Trên Thánh giá, Chúa
nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: Yêu thương, đau khổ
và luôn luôn hy vọng.
- Có hạng "Công giáo đợi chờ", khoanh tay mong đợi
niềm hy vọng đến.
- Có hạng người "Công giáo thụ động", "trốn
tránh vô trách nhiệm".
Họ chỉ biết "nhìn lên" để kêu cứu, mà không biết
"nhìn tới" để tiến, "nhìn quanh" để chia sẻ, gánh vác.
Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ không hay!
- Làm một cuộc cách mạng: Ðừng đem đời người công giáo xa
lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Ðẩy người công giáo
mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường.
- Chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường
dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời
sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời hy vọng
do mỗi phút hy vọng. (ÐHV, ch 36 - Hy vọng)
Cầu nguyện cùng Ðức
Mẹ La-Vang
(như ông bà ta ngày xưa)
„Lạy ơn Ðức Mẹ La-vang
Xin nghe con mọn thở
than mấy lời,
Mẹ là Mẹ thật Chúa
Trời
Mà Mẹ cũng thật Mẹ
loài người ta
Cúi xin xuống phước hà
sa
Ðoái xem con cái thiết
tha khẩn cầu.
Nầy con quỳ gối cúi
đầu
Trước bàn thờ Mẹ xiết
bao ước nguyền:
Cho con một dạ kính tin
Kính thờ một Chúa hết
tình thảo ngay;
Rày con dâng tấm lòng
nầy
Một niềm mến Mẹ từ nầy
về sau;
Lòng con rầy chỉ ước ao
Chết trong tay Mẹ
phước nào lớn hơn.
Lại xin Ðức Mẹ xuống
ơn
Giữ gìn cha mẹ nhà con
yên hàn;
Xin cho nước trị dân an
Nơi nơi nghe tiếng Phúc
âm giảng truyền;
Những người nghèo khổ
tật nguyền
Cầu liền đặng đã, xin
liền đặng vui.
Dập dìu kẻ tới người
lui
Trong Nam ngoài Bắc
mọi người giáo lương.
Nay con từ biệt thánh
đường
Thân tuy cách đó, dạ
thường mến đây.
Chốn nầy, ngày nầy,
hội nầy
Lòng nầy ghi tạc dám
phai đá vàng.
Lạy ơn Ðức Mẹ La-vang
Xin nghe con mọn thở
than mấy lời.
A-men.“
+ Hồng Y
Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận
Nguồn: Radio Veritas