"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Lòng thương xót của Chúa



Ngày 30/04/2000, Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II tuyên bố thiết lập lễ Divina Misericordia (Divine Mercy) vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Từ đó phong trào này phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Hàng tháng tại những xứ lớn, dù trưa hay chiều, có đến cả ngàn, cả vạn người tham dự. Lễ này có nhiều cách gọi trong tiếng Việt: Lòng thương xót Chúa, lòng Chúa xót thương, lòng Chúa thương xót. Tại Sài Gòn tên gọi “Lòng thương xót Chúa” phổ biến hơn, nhưng cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” của Giáo Phận Sài Gòn thì ghi là “Lòng thương xót của Thiên Chúa”. Chúng ta thử xem xét ý nghĩa của những tên gọi này.

1. Nguồn gốc

Năm 1931, Thánh Faustina Kowalska được thấy Chúa hiện ra và được đặt làm sứ giả Chúa để phổ biến lòng nhân từ của Chúa cho nhân loại qua nhật ký đời tư của chị thánh. Nhật ký này được phổ biến khắp nơi. Sứ điệp này nhấn mạnh lòng Chúa yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt người tốt kẻ xấu.
Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II muốn mọi tín hữu luôn  kính nhớ lòng yêu thương của Chúa, nên Ngài đặt tên cho lễ này là Divina Misericordia (Divine Mercy).

2.  Nghĩa của thuật từ Divina Misericordia

2.1. Divina là giống cái của divinus, cùng nghĩa với  tiếng Anh divine. Nghĩa là tt. Của / thuộc về (1) _Thiên Chúa, _ thần linh. (2) _ nhà chiêm tinh. (3) _ người hoàn thiện. (4) _ bậc đế vương.

2.2. Misericordia thì hơi khác với tiếng Anh mercy. Nghĩa là dt. (1) Lòng trắc ẩn (2) Lòng từ bi. (3) Lòng nhân từ. (4) Lòng thương xót. Mà tiếng Anh mercy nghĩa là: dt. (1) Lòng thương, lòng nhân từ, lòng từ bi: For mercy's sake (vì lòng thương). (2) Lòng khoan dung: To beg for mercy (xin khoan dung, xin dung thứ). (3) Ơn, ơn huệ. (4) Sự may mắn, hạnh phúc, điều sung sướng: It was a mercy it did not rain (thật may mà trời không mưa); That's a mercy! (thật là một hạnh phúc!).

3.  Nghĩa của những chữ „lòng thương xót Chúa“

3.1. Lòng (Nôm), nghĩa là: dt. (1) Những bộ phận trong bụng của con vật giết thịt, dùng làm thức ăn (nói tổng quát):Lòng lợn; cỗ lòng; xào lòng gà. (2) (kết hợp hạn chế) Bụng con người: Ấm cật no lòng; trẻ mới lọt lòng (vừa mới sinh). (3) Tâm địa, coi là biểu tượng của mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần: Đau lòng; bận lòng; cùng một lòng. (4) Chỗ giữa: Lòng suối; đào sâu vào lòng đất.(5) Trong vòng tay:ôm con vào lòng. (6) Gầm: Lòng cầu. (7) Tròng: Lòng trắng trứng. (8) Tên cá nhỏ nước ngọt: Lòng tong. tt.(9) Quanh co: Lòng vòng. trt. (10) Thả dài xuống: Lòng thòng.

3.2. Thương có 35 chữ Hán, chữ 愴gần nghĩa trong thuật từ thương xót, chữ này còn có âm là sảng có nghĩa là đt. (1) Xót xa. Pht. (2) Buồn sầu (cổ văn): Thương nhiên lệ hạ (đau lòng sa nước mắt).
Nghĩa Nôm: đt. (1) Yêu; trìu mến nhiều: Thương người như thể thương thân. (2) Xót xa: Thương tình. (3) Tổn hại: Nhà thương.

3.3.  Xót (Nôm): đt. (1) Da non gặp chua hay mặn; ngứa ngáy; xốn: Xót con mắt. (2) Thương sâu xa: Xót ruột. (3) Tiếc: Xót vì mất tiền. (4) Nhớ: Xót người tựa cửa hôm mai.

3.4. Chúa (Nôm): dt. (1) Người đúng đầu cai quản: Vắng chúa nhà, gà bới bếp (tng.); chúa sơn lâm. (2) Người có quyền như vua: vua Lê chúa Trịnh. (3) Đấng tối cao: Thiên Chúa. tt. (4) Tài giỏi: Hắn đánh bóng bàn chúa lắm. pht. (5) Rất, hết sức (nói về mấy loại dở): ông ta chúa ghét thói nịnh bợ.

4. Tìm hiểu về quan hệ từ “của”

“Của” là liên từ biểu thị quan hệ sở thuộc giữa chính thể (thành tố chính) với bộ phận của chính thể (thành tố phụ). Trong tiếng Việt, quan hệ từ không có vai trò bắt buộc như ở nhiều ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, cần lưu ý:

4.1. Không nên cho rằng giữa chính thể và bộ phận của nó lúc nào cũng có thể tùy tiện ghép thêm hay giản lược quan hệ từ. Trong chừng mực nhất định vẫn có sự khác nhau giữa việc có mặt và vắng mặt của quan hệ từ:

- Về mặt ý nghĩa: Quan hệ từ giúp xác định rõ ràng thêm mối quan hệ ý nghĩa giữa chính thể và bộ phận.
Ví dụ:  - Người Công Giáo Việt Nam thế kỷ 21.
           - Người Công Giáo của Việt Nam thế kỷ 21.
          - Người Công Giáo Việt Nam của thế kỷ 21.

- Về mặt tổ chức: Quan hệ từ làm cho bộ phận tách ra được khỏi chính thể và do đó làm tăng thêm tính độc lập của nó đối với chính thể.
Ví dụ:  - Chiếc áo Đức Mẹ.
           - Chiếc áo của Đức Mẹ.

4.2. Trường hợp vắng quan hệ từ và trường hợp không thể sử dụng quan hệ từ:
- Nếu thành tố phụ kết hợp gián tiếp với thành tố chính thì từ ghép diễn tả ý nghĩa quan hệ và lúc ấy có thể sử dụng hoặc không cần sử dụng quan hệ từ. Người ta gọi đây là trường hợp từ ghép có hai biến thể.
Ví dụ: 
Có thể nói
Hoặc nói
 Giám mục của giáo phận
 Giám mục giáo phận.
Đức tin của Hội Thánh
 Đức tin Hội Thánh.

- Nếu thành tố phụ kết hợp trực tiếp với thành tố chính thì từ ghép diễn tả ý nghĩa đặc trưng và lúc ấy không thể sử dụng quan hệ từ.
Ví dụ: 
Có thể nói
Không thể nói
 Giám mục phụ tá
 Giám mục của phụ tá
 Đức tin tông truyền
 Đức tin của tông truyền

4.3.Vì những lý do đó, trước khi sử dụng loại từ ghép có hai biến thể cần phải cân nhắc cẩn thận để chọn lựa biến thể nào cho thích hợp.

- Ví dụ: Khi muốn diễn tả ý nghĩa quan hệ, ta nói: Linh mục của dòng này; Cái tính yếu đuối củaanh ấy; Giáo lý của Công Giáo; Lòng thương xót của Chúa.
- Ví dụ: Khi muốn diễn tả ý nghĩa đặc trưng, ta nói: Linh mục dòng; Cái tính yếu đuối con người; Giáo lý Công Giáo; Lòng thương xót Chúa (= Thiên Chúa có lòng thương xót).

5.  „Lòng thương xót Chúa“ hay „Lòng Chúa xót thương“?
Thương xót (đt.): Đau thương và xót xa vì nỗi bất hạnh của người khác. “thương xót” là từ ghép láy nghĩa [1], gồm hai thành tố có ý nghĩa tương tự với nhau: “thương” và “xót”, là hai yếu tố đồng loại, bình đẳng (chỉ cần một yếu tố cũng tạm đủ), thuộc loại có trật tự bấp bênh, chưa cố định, nên có thể hoán chuyển vị trị lẫn nhau mà không đổi nghĩa: thương xót = xót thương (Ví dụ: yêu thương, hận thù, tranh đấu, đơn giản, hoán cải...).

Lòng thương xót (dt.): Lòng cảm thấy đau thương và xót xa vì nỗi bất hạnh của người khác. “lòng thương xót” là từ ghép phụ nghĩa [2], vì “lòng” (chỉ về sự vật) và “thương xót” (chỉ về hành động), là hai thành tố không cùng loại với nhau. Trong đó, “lòng” là thành tố chính, quyết định tính chất của tổ hợp từ, còn “thương xót” là thành tố phụ, bổ sung ý nghĩa cho “lòng”. Do đó, không thể thay đổi trật tự của hai thành tố này. Có thể nói: Lòng thương xót = lòng xót thương; nhưng không thể nói:thương xót lòng.

Lòng Chúa (dt.): Chỉ về “nội tâm” của Thiên Chúa hay để nhấn mạnh chính Thiên Chúa. “Lòng Chúa” là từ ghép phụ nghĩa, gồm hai thành tố có ý nghĩa khác biệt nhau: “Chúa” là thành tố chính, trực tiếp, nòng cốt; “Lòng” là thành tố phụ, có vai trò hạn định ý nghĩa “Chúa”.

“Lòng Chúa thương xót”: cũng là một từ ghép phụ nghĩa có kết cấu danh từ + động từ, gọi là quan hệ “danh-động”. Trong đó: “Lòng Chúa” là thành tố chính, “thương xót” là thành tố phụ, có vai trò hạn định ý nghĩa “lòng Chúa”. Cụm từ này có thể dùng để diễn tả ý nghĩa đặc trưng của “lòng Chúa” là “(hay) thương xót”. Nhưng nếu dùng để dịch thuật từ “Divina Misericordia” thì không sát nghĩa.

“Lòng thương xót Chúa” là từ ghép phụ nghĩa. “Lòng thương xót của Chúa” có thể xem là một danh ngữ [3] hay một đoản ngữ [4].

6. Kết luận

Có người đề nghị thay động từ “thương xót” bằng tĩnh từ “nhân từ” để tránh cách hiểu “lòng (ai đó) thương xót Chúa”. Nhưng như chúng tôi đã giải thích ở trên, cách hiểu như thế thì không chính đáng. Mặt khác, theo chúng tôi “lòng thương xót Chúa” - gồm các chữ Việt (chữ thương tuy có gốc Hán nhưng cũng đã hóa Nôm) thì hay hơn là “lòng nhân từ Chúa” vừa Hán vừa Việt.

Cụm từ “lòng thương xót Chúa” thường được dùng như một danh ngữ, chứ không dùng như một câu. Do đó không thể hiểu đây là một câu. Khi nói “lòng thương xót Chúa” thì người ta hiểu là “lòng thương xót của Chúa” tức là một danh ngữ, chứ không phải là một câu: “lòng (chủ từ) thương xót (động từ) Chúa (thuộc từ)” vì thế không thể hiểu là: “(có) lòng thương cảm đối với Chúa” [5]... Tương tự khi nói: “10 điều răn Đức Chúa Trời” thì người ta hiểu là: “10 điều răn của Đức Chúa Trời” chứ không hiểu là: “10 điều (chủ từ) ‘răn (dạy, bảo)’ (động từ) Đức Chúa Trời (thuộc từ)”...

Tuy nhiên, để tránh sự hiểu lầm đối với những người bình dân chưa nắm vững tiếng Việt, thì việc dụng cụm từ “lòng thương xót của Chúa” là rõ nghĩa và chính xác hơn cả.

LM. Stêphanô Huỳnh Trụ

Ghi chú:

[1] Từ ghép láy nghĩa là kiểu từ ghép trong đó các thành tố trực tiếp có vai trò bình đẳng với nhau và có ý nghĩa láy nhau: (a). Hoặc vì chúng có ý nghĩa tương tự nhau: hư vô, tranh đấu, binh lính; (b) Hoặc vì chúng có ý nghĩa cặp đôi nhau: thanh danh, vĩnh viễn; (c) Hoặc vì chúng có ý nghĩa ngược nhau: thị phi, thành bại.
[2] Từ ghép phụ nghĩa là kiểu từ ghép trong đó có một thành tố trực tiếp đứng làm nòng cốt rồi bên cạnh ghép thêm một thành tố khác, đứng làm thành tố phụ. Ví dụ: Hải quân, nồng độ, thí điểm, vĩnh biệt, vô ích...
[3] Danh ngữ:Kết cấu ngữ pháp trong đó danh từ là yếu tố trung tâm, quy tụ xung quanh một số yếu tố phụ khác.
[4] Đoản ngữ: Tổ hợp từ có quan hệ chính phụ.
[5] Từ đó đã có người đặt câu hỏi: Ai thương xót ai? Chúa thương xót chúng ta, hay chúng ta thương xót Chúa?...


Nguồn: Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin