LẠY CHA CHÚNG CON
Peter Seewald: „Kinh
Lạy Cha“ là lời cầu duy nhất đức Ki-tô đã dạy cho môn đệ, và từ 2000 năm nay,
kinh này là phần không thể thiếu trong thánh lễ. Kinh này – cũng như kinh tin
kính, như các bộ tộc Is-ra-en, như số các tông đồ và số hình sao trên trời – có
tất cả 12 câu. Và 12 câu này lại gồm đúng 7 lời cầu. Hẳn phải có một bí ẩn lớn
trong đó?
HY Ratzinger: Có
phải gồm 12 câu hay không, tôi không biết. Và trong bản bằng tiếng Hi-lạp cũng
có số câu như vậy hay không, lại là một chuyện khác nữa. Nếu quả như vậy, thì
đây là một cấu trúc khá đặc biệt. Ta có hai kinh Lạy Cha, một theo Lu-ca và một
theo Mát-thêu. Quả thật hay, khi toàn bộ nội dung và thứ tự mong ước được gói
trọn trong bảy lời cầu, và mỗi chữ đều mang một í nghĩa sâu xa.
Kinh Lạy Cha chẳng bao
giờ trở nên cổ hủ…
Không biết có bao nhiêu tác giả đã viết về kinh đó, vì mỗi
người có một cảm nhận riêng. Vì thế, cũng như lời Chúa và kinh Tin kính, kinh
này một mặt mang một hình thù bất biến, nhưng mặt khác nó luôn mới, vì là nguồn
cho những cảm nghiệm bất tận, nó luôn đẩy ta đi tới. Ta không bị trói vào quá
khứ cứng đơ, nhưng kinh Lạy Cha là một vùng đất đầy khám phá, trong đó chính
mỗi người cũng có thể tìm ra cho mình những điều mới.
Tại sao Giáo hội cầu
kinh đó hàng ngày trong thánh lễ? Phải chăng vì đó là lời kinh do đức Ki-tô dạy?
Có lẽ chỉ một lí do đó thôi cũng đã đủ rồi. Đó là lời kinh
nguồn cội, mà ta cùng đức Ki-tô cầu nguyện nhiều nhất và đúng đắn nhất. Đại
giáo chủ Grê-gô-ri-ô viết trong một lá thư, kinh Lạy Cha trong thánh lễ mang
tầm quan trọng nền tảng, vì rốt cuộc đó là kinh do chính đức Ki-tô dạy. Ngài
nói thêm, kinh đó cao trọng hơn bất cứ một kinh nào do con người lập, và cũng
quan trọng hơn những lời kinh phụng vụ.
Một chỗ trong kinh Lạy
Cha: “và đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Tại sao một Thiên Chúa nhân từ
lại muốn cho chúng ta sa chước cám dỗ? Có phải đây là một lỗi dịch thuật? Sư
huynh Roger, người sáng lập phong trào Taizé, một cộng đoàn đại kết ở Pháp, đề
nghị nên cầu như vầy: “và đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Người ta đã thắc mắc nhiều về chuyện trên. Tôi biết, thủ
tướng Đức Adenauer đã ép hồng i Frings phải xét lại câu đó. Chúng tôi vẫn luôn
nhận được thư đề nghị nên đổi theo hướng trên. Dịch đúng chữ phải là “đừng dẫn
chúng con vào chước cám dỗ”. Đâu là í nghĩa của câu này?
Những người cầu xin biết rằng Chúa chẳng ép mình vào đường
xấu. Ở đây, có thể nói họ khẩn cầu Ngài đi với họ trong cơn cám dỗ. Thư thánh
Gia-cô-bê nói rõ, Thiên Chúa trắng ngần không một vết nhơ chẳng cám dỗ ai cả.
Nhưng Chúa có thể thử thách chúng ta – như trường hợp Ab-ra-ham - để chúng ta
trưởng thành hơn, để chúng ta đối diện với hố thẳm của mình, và để rồi lại đưa
ta về bên Ngài. Như vậy, chữ “cám dỗ” cũng có nhiều tầng í nghĩa. Rõ ràng Chúa
chẳng bao giờ dẫn ta vào đường xấu. Nhưng có thể Ngài không cất đi khỏi ta
những cám dỗ, Ngài muốn giúp và dẫn ta, như đã nói, qua thử thách.
Ta cầu Ngài đừng để ta sa chước cám dỗ, đừng để ta đi vào
đường xấu, đừng thử thách ta quá sức; cầu Ngài ra tay giúp đỡ sự yếu hèn của
ta, để ta khỏi mất Ngài.
Nghĩa là vẫn để nguyên
câu đó?
Theo tôi nên để nguyên. Mà cũng không có việc nghiêm cấm
chuyện dịch theo các lời đề nghị như kiểu của sư huynh Roger Schütz. Tuy nhiên,
theo tôi, vì lòng khiêm tốn, cứ để nguyên như vậy và gắng đi vào chiều sâu của
lời kinh thì tốt hơn.
NGUYÊN TẮC CHA – CON
“Không ai biết
Con hơn Cha, và không ai biết Cha hơn Con”, thánh sử Mat-thêu viết như thế. Rõ
ràng tính cách Cha của Thiên Chúa cũng giống như một thứ chìa khoá giúp ta hiểu
về các thế hệ hoặc về sự trở thành và sự qua đi. Các tông đồ bảo Chúa Cha là
“nguồn và cùng đích mọi sự”, chỉ có trong Ngài ta mới hiểu được chính mình.
Phải chăng quan hệ này, một cách nào đó, đã được khắc sâu vào cuộc sống như một
nguyên tắc?
Trước hết, điều có lẽ quan trọng với tôi, là phải làm sao
nêu bật lên nét đặc thù của quan hệ Cha – Con thật đặc biệt này. Câu “không ai
biết Cha ngoài Con, không ai biết Con ngoài Cha” trước hết nói lên một quy luật
nhận thức tổng quát. Câu đó có í nói rằng chỉ có những gì giống nhau mới nhận
ra nhau. Không thể nhận ra Chúa, nếu không có sự tương đồng nội tâm với Ngài.
Thật ra, chỉ có Chúa mới có thể nhận ra Ngài mà thôi. Con người được phép nhận
ra Chúa, chỉ khi họ được Chúa đưa vào một quan hệ thân thuộc với Ngài, và khi
nơi con người có được nhiều tương đồng với Ngài giúp họ có thể nhận ra Ngài. Và
đức Giê-su nói tiếp: “Không ai có thể nhận ra, ngoài kẻ mà Cha muốn mạc khải
cho”. Nói cách khác: Nhận thức chỉ xẩy ra khi cả hai đều muốn.
Phải chăng quan hệ Cha
– Con [của Chúa] cũng không phải là một mối liên hệ tiêu biểu cho cuộc sống con
người?
Có thể nói được đó là một quan hệ tiêu biểu. Trước hết, đó
chỉ là một thứ khung ngôn ngữ và suy tư, một chút hé mở từ xa nhằm giúp ta hiểu
được một chút về Thiên Chúa – mà vẫn luôn biết rằng, như công đồng Laterano thứ
4 nói, giữa ta với Chúa cái khác nhiều hơn gấp bội lần tất cả những cái giống.
Nhưng mặt khác, có lẽ không thể dùng quan hệ Cha – Con làm hình ảnh tương đồng
giúp ta hiểu từ xa cái bí ẩn bên trong của Chúa, nếu như trong quan hệ đó không
ẩn chứa một vết tích nào của Thiên Chúa. Quan hệ Cha – Con đặc biệt này là một
mối quan hệ uyên nguyên của con người. Đây là một quan hệ cho đi, nhận vào và
trao trả lại. Nếu ta bắt đầu từ đây cứ triết lí tiếp, tất nhiên ta sẽ đề cập
tới toàn bộ câu hỏi về gia đình nhân loại, và như thế chắc chắn ta sẽ gặp phải
giới hạn. Nhưng đúng là ngón trỏ bàn tay ta có thể vươn lên trời được bao
nhiêu, thì quan hệ rất đặc biệt kia cũng vươn xa được tới đó.
Thời đại tân tiến ngày
nay đang gặp khủng hoảng về vai trò làm cha. Một khi vai trò làm cha mất, í
niệm quyền uy cũng đổ theo. Và xem ra một số lớn kiến thức cũ cũng mất hoặc bị
gạt bỏ đi một cách oan uổng. Xem ra, một cách nào đó, người ta không còn dễ
dàng tin vào những gì lưu truyền. Làm như thế, nói một cách bóng bẩy, là người
ta hất luôn cả đứa con khi đổ chậu nước tắm.
Lời xưa có viết, Thiên
Chúa đã trao cho các bậc làm cha một sứ mạng. Và quả thật, xưa nay việc chuyển
tiếp gia sản đã diễn ra trong quan hệ cha con; việc chuyển tiếp này hầu như
luôn là một diễn tiến căng thẳng, một cuộc chiến đấu, trong đó một phía phải được
thuần hoá và được lãnh đạo, trong đó cần có phản kháng để mới lớn lên được.
Nhà tâm lí Erich Fromm
đã có lần phân biệt tình cha và tình mẹ như thế này: Tình mẹ, theo ông, là
đương nhiên. Tình đó được trao tặng cho người khác. Nó gần như là một thứ tình
đui mù. Và tình này không đòi hỏi một bổn phận luân lí nào. Tình cha, trái lại,
là một tình yêu có điều kiện. Đó là một tình yêu người ta có thể sinh lợi cho
mình, nếu họ cố gắng sống theo quy luật.
Đó là những vấn nạn thâm sâu về mặt nhân chủng. Việc chuyển
tiếp đời sống, khôn ngoan và kinh nghiệm xẩy ra như thế nào? Những quan hệ nguồn
cội giữa cha mẹ và con cái, giữa cha với con trai, giữa mẹ với con gái hệ tại ở
đâu? Chúng nói cho ta biết cái gì về bí ẩn Thiên Chúa, cái gì không? Trước hết,
một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, có một chuỗi bất tận cái không giống
trong tương quan giữa ta với Chúa, rằng có cái giống nhưng lại xuất hiện hoàn
toàn khác, và vì vậy ta phải vô cùng thận trọng trong việc dùng các hình ảnh
tương đồng và trong những ứng dụng. Càng hiểu về con người, về quan hệ cha với
con trai, về tương quan mẹ với con, ta càng nhờ đó có thể hiểu thêm chút gì về
Thiên Chúa. Chẳng hạn như ta sẽ hiểu rằng Thiên Chúa cũng có một mối tình mẹ
con với ta, cho dù – như đã nói – ta không dùng chữ “mẹ” đối với Ngài trong lời
cầu kinh.
Về quan điểm của Erich Fromm mà tôi quả không biết, tôi thấy
rất hay và đáng suy gẫm. Nhưng phải nói ngay, tôi không đồng í với tất cả những
điều anh nêu. Tôi nghĩ rằng tình mẹ trước hết là một mối tình tự nhiên - là vì
bà mang con trong lòng, đó là máu thịt của bà -, nhưng đó không chỉ là sự thiết
thân hay tình yêu do quy luật sinh lí mà thôi. Bà còn có trách nhiệm cung cấp
cho con mình cả thể lí lẫn tình yêu để nó có thể thành người.
Tôi tin rằng trong đó đã có sẵn một yêu sách đạo đức rồi.
Làm mẹ chẳng bao giờ chỉ là một diễn tiến thuần sinh lí, nhưng đó cũng là một
diễn tiến tinh thần. Mẹ mang con trong lòng, sinh nó ra và phải trải
qua một quá trình cọ xát tinh thần với con. Đây là một quá trình có sự tham
gia toàn bộ con người của mẹ.
Quan hệ giữa cha và con trai rõ ràng khác và rắc rối hơn.
Một nhà thần học đã nói, ngày nay ta phải thay chuyện người con đi hoang bằng
chuyện các người cha đi hoang. Cha thường bỏ hết thì giờ cho nghề nghiệp và
công việc, hơn là để í tới con, thường nghĩ tới năng xuất nhiều hơn là nghĩ tới
tặng phẩm Trời cho và tới những bổn phận mình phải có đối với tặng phẩm đó.
Nhưng mất vai trò cha cũng có nghĩa là con bị thiệt hại. Nhìn vào các thần
thoại ngoại giáo, chẳng hạn trong câu chuyện về thần Zeus, ta thấy quan hệ ở
đây được trình bày như là bất thường, bất nhất và độc đoán: Người cha ở đây tuy
có sức mạnh và uy quyền, nhưng thiếu trách nhiệm cần thiết, ông dùng quyền
nhiều hơn lí và tình. Còn người cha trong Cựu Ước thì khác hẳn, nhất là người
cha trong dụ ngôn của đức Giê-su lại càng khác: Ở đây có sự đồng cân giữa quyền
và trách nhiệm, vừa có lí có tình, quan hệ đặt trên niềm tin chứ không trên sợ
hãi. Thiên Chúa là cha có nghĩa là Ngài hướng đến ta, đón nhận ta vào lòng
Ngài, khiến ta có thể lấy tình yêu con cái mà đối xử với Ngài. Thiên Chúa là
cha có nghĩa là Ngài đề ra khuôn thước và cũng sửa phạt ta một cách khắt khe,
nhưng khắt khe đó đồng nghĩa với yêu thương và luôn đặt nền trên tha thứ. Câu
chuyện người con đi hoang trong Tân Ước qua lời kể của đức Giê-su có lẽ cũng là
một hình ảnh đánh động nhất về tư cách làm cha của Thiên Chúa.
Câu chuyện đó, như vậy, trở thành khuôn thước cho vai trò
làm cha của ta, để ta tu chỉnh theo nó. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Kinh
Thánh không phải là để cho ta phóng chiếu nhìn lên, nhưng ngược lại: Từ trên
cao Ngài nói xuống cho ta biết vai trò làm cha thật sự ra sao, và ta có thể và
nên đóng vai trò đó như thế nào với nhau.
..................................
Trích từ: Joseph
Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống
trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển
ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott und die Welt – Glauben und Leben in
unserer Zeit“
Kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy Lạp