"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

6 lý do để kiêng thịt ngày thứ sáu

Có 6 lý do để kiêng thịt ngày Thứ Sáu hàng tuần:


1. Truyền thống ăn cá và không ăn thịt đưa chúng ta trở lại Tàu ông Noe (Noah’s Arche) khi xảy ra Đại hồng thủy 40 ngày đêm, gia đình ông Noe chỉ ăn cá chứ không ăn thịt.

2. Việc thành lập huyền bí của việc sám hối ngày Thứ Sáu là Luca 5, 35: “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay”. Chúa Kitô “bị đem đi” khỏi chúng ta vào ngày Thứ Sáu và chúng ta cũng ăn chay vào những “ngày đó”, nghĩa là các ngày Thứ Sáu. Mỗi Chúa nhật là “Lễ Phục sinh nhỏ”, nghĩa là mỗi ngày Thứ Sáu là một “Thứ Sáu Tuần Thánh nhỏ”. Nếu bạn đi dự tiệc vào Chúa nhật, bạn cần ăn chay ngày Thứ Sáu.

3. Việc kiêng thịt ngày Thứ Sáu đưa chúng ta trở lại thời các Tông đồ. Tài liệu Didache có từ thế kỷ I cho thấy các Kitô hữu ban đầu giữ chay vào các ngày Thứ Tư và Thứ Sáu: “Nhưng đừng ăn chay như những người giả hình, vì họ ăn chay ngày Thứ Hai và ngày Thứ Năm trong tuần. Đúng ra là ăn chay ngày Thứ Tư và ngày Thứ Sáu (Parasceve)”.

4. Thánh Tôma Tiến sĩ (Thomas Aquinas) nói rằng việc kiêng thịt làm giảm ham mê nhục dục. Xin xem Bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae II-II q. 147, a. 8) để biết thêm chi tiết!

5. Người Công giáo bị chê là “người ăn cá”. Hãy mang điều này như huy hiệu danh dự. Hãy ăn cá vào các ngày Thứ Sáu.

6. Chúa Kitô muốn chúng ta ăn chay. Ở Matthêu 6, 17-18, Chúa Giêsu nói: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Ngài nói “Khi ăn chay”, chứ không nói “Nếu ăn chay”. Cho nên, tại sao không cố gắng ăn chay mỗi tuần? Nếu bạn không làm nó thành thói quen, bạn sẽ không bao giờ làm được. Ăn chay ngày Thứ Sáu là việc thực hành được tôn trọng. Điều đó khó và sẽ bất tiện khi bạn phải ăn rau đậu, nhưng điều đó đáng làm!

Nếu bạn thiếu can đảm, hãy nghĩ tới thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng!

Canterbury Tales - Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ)

..............................
Chú thích của cdcghh:

Từ ngữ "Ăn Chay" trong tiếng Việt mang hai nghĩa khác nhau. 

- Người Công Giáo hiểu "ăn chay" theo nghĩa là "nhịn ăn". Khi ăn chay, họ thường chỉ ăn một bữa trong ngày và không ăn vặt trong suốt ngày ăn chay. Ăn chay ở đây mang ý nghĩa "hãm mình", từ bỏ những ham muốn.   

- Người Phật Tử hiểu "ăn chay" theo nghĩa là không "ăn mặn", có nghĩa là không ăn những thức ăn làm từ động vật (kể cả từ các loại côn trùng). Việc ăn chay này xuất phát từ quan điểm "không sát sinh".

Từ ngữ "Fasten" của tiếng Đức mang nghĩa "nhịn ăn". Từ ngữ "vegetarisches Essen" mang nghĩa "chỉ ăn thực vật".

Việc "kiêng thịt" không xuất xứ từ Kinh Thánh, nhưng do Luật Giáo Hội, xuất phát từ suy nghĩ thần học (chẳng hạn như theo thánh Thomas Aquinas). 

Khi thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Tiền Hô) ăn châu chấu thì là ăn chay theo nghĩa "ăn uống đạm bạc", nhưng theo nghĩa của Phật Giáo thì cũng không phải là "ăn chay", vì châu chấu cũng là động vật.

Khi Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày trước khi đi rao giảng, thì là Ngài nhịn ăn 40 đêm ngày.