VATICAN. Thứ bẩy 11-2-2012 sắp tới là Ngày Thế Giới các bệnh
nhân lần thứ 20, năm nay được cử hành với chủ đề "Hãy đứng lên và đi; đức
tin của con đã cứu con!" (Lc 17,19). Trong thời gian qua, ĐTC đã cho công
bố sứ điệp của ngài để hướng dẫn suy tư và việc cử hành ngày này, đồng thời
ngài mời gọi các tín hữu nêu cao giá trị của các bí tích chữa lành là bí tích
Hòa giải và bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau đây là bản dịch nguyên văn sứ điệp
của ĐTC.
Nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân, mà chúng ta sẽ cử hành
ngày 11-2-2012, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn tái biểu lộ sự gần gũi tinh
thần với tất cả các bệnh nhân đang ở nơi điều trị hoặc được chăm sóc trong gia
đình, bày tỏ với mỗi người mối quan tâm và lòng quí mến của toàn thể Giáo Hội.
Khi quảng đại và yêu thương đón nhận mỗi sinh mạng con người, nhất là những
người yếu đuối và bệnh tật, tín hữu Kitô biểu lộ khía cạnh quan trọng trong
chứng tá Tin Mừng của mình, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã cúi mình trên những
đau khổ thể lý và tinh thần của con người để chữa lành họ.
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với 10 người phong cùi, được
thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Luca (Xc Lc 17,11-19), đặc biệt là lời Chúa
nói với một người trong số họ: "Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu
con!", giúp ta ý thức tầm quan trọng của đức tin đối với những người đang chịu
đau khổ và bệnh tật mà đến gần Chúa. Trong cuộc gặp gỡ Chúa, họ có thể thực sự
cảm nghiệm rằng "ai tin tưởng thì không bao giờ lẻ loi!" Thực vậy,
trong Con của Ngài, Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cho những lo âu và đau khổ
của chúng ta, nhưng Ngài gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng chúng và
Ngài mong ước chữa lành tâm hồn chúng ta một cách sâu xa (Xc Mc 2,1-12).
Đức tin của người phong cùi duy nhất, khi thấy mình được
chữa lành, đầy kinh ngạc và vui mừng, không như những người khác, đã lập tức
trở lại gặp Chúa Giêsu để biểu lộ lòng biết ơn; đức tin ấy cho chúng ta thấy
rằng sức khỏe được phục hồi là dấu chỉ một điều quí giá hơn so với sự khỏi bệnh
thể lý, là dấu chỉ ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Kitô; điều
ấy được biểu lộ qua lời Chúa Giêsu: "Đức tin của con đã cứu con". Ai
ở trong đau khổ và bệnh tật mà kêu cầu Chúa, thì chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ
không bao giờ bỏ rơi họ, và cả tình yêu của Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu,
tình yêu này chính là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của
Chúa". Như thế, sự lành bệnh thể xác, diễn tả ơn cứu độ sâu xa, tỏ cho
thấy tầm quan trọng của con người đối với Chúa, trong toàn thể linh hồn và thân
xác của họ. Vả lại, mỗi bí tích diễn tả và thực hiện sự gần gũi của chính Thiên
Chúa, Đấng theo một thể thức hoàn toàn nhưng không, "đánh động chúng ta
qua những thực tại vật chất... mà Ngài dùng chúng, biến chúng thành những
phương thế để chúng ta và Ngài gặp gỡ nhau" (Bài giảng, Thánh lễ làm phép
Dầu, 1-4-2010)
Nghĩa vụ chính yếu của Giáo Hội chắc chắn là loan báo Nước
Thiên Chúa, "nhưng chính việc loan báo này phải là một tiến trình chữa
lành: ".. băng bó các vết thương của tâm hồn tan nát" (Is 61,1)"
(Ibid.). Vì thế, sự liên kết giữa sức khỏe thể lý và sự canh tân những sâu xé
trong tâm hồn giúp chúng ta hiểu rõ hơn "các bí tích chữa lành".
2. Bí tích Thống Hối thường ở trung tâm suy tư của các vị
Chủ Chăn trong Giáo Hội, chính vì tầm quan trọng của bí tích này trong hành
trình đời sống Kitô, xét vì "toàn thể giá trị của Sự Thống Hối hệ tại trả lại
chúng ta cho ơn thánh của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Ngài trong một tình
bạn thân mật và cao cả" (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, 1468). Giáo
Hội, khi tiếp tục loan báo ơn tha thứ và hòa giải mà Chúa Giêsu làm vang dội,
không ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng. Giáo
Hội lập lại lời kêu gọi của thánh Phaolô Tông Đồ: "Nhân danh Chúa Kitô..
chúng tôi là những sứ giả: qua chúng tôi chính Thiên Chúa nhắn nhủ. Nhân danh
Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em: hãy hòa giải với Thiên Chúa" (2 Cr
5,20). Trong cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu loan báo và làm cho lòng từ bi của
Chúa Cha hiện diện. Ngài đến không phải để lên án, nhưng để tha thứ và chữa
lành, để mang lại hy vọng cả trong tình trạng tăm tối nhất của đau khổ và tội
lỗi, để trao ban sự sống đời đời; vì thế, trong Bí tích Thống Hối, trong
"y dược của phép giải tội", kinh nghiệm về tội lỗi không làm nảy sinh
tuyệt vọng, nhưng gặp gỡ Đấng là Tình Thương tha thứ và biến đổi (Xc Gioan
Phaolô 2, Tông Huấn hậu THĐGM "Hòa giải và Thống Hối", 31).
Thiên Chúa, "giàu lòng xót thương" (Ep 2,4), như
người cha trong dụ ngôn của Tin Mừng (Xc Lc 15,11-32), không khép kín tâm hồn
đối với một người con nào, nhưng Ngài chờ đợi họ, tìm kiếm, tìm đến với họ tại
nơi mà sự phủ nhận tình hiệp thông khép kín họ trong sự cô lập và chia rẽ, kêu
gọi họ tụ tập quanh bàn ăn của Ngài, trong vui mừng của đại lễ tha thứ và hòa
giải. Những lúc đau khổ, khi mà bệnh nhân dễ bị cám dỗ rơi vào tình trạng nản
chí và tuyệt vọng, có thể biến thành một thời điểm ân phúc, giúp họ trở về với
chính mình, và như người con hoang đàng, nghĩ lại cuộc sống của mình, nhìn nhận
những lỗi lầm và thiếu sót, nhớ nhung vòng tay ấp ủ của người Cha, và tái khám
phá con đường về Nhà Cha. Trong tình yêu thương bao la, Ngài luôn tỉnh thức
canh chừng cuộc sống chúng ta, chờ đợi chúng ta để trao tặng cho mỗi người con
trở về cùng Ngài hồng ân hòa giải trọn vẹn và niềm vui mừng".
3. Khi đọc Phúc Âm, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu luôn tỏ ra
đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Không những Ngài sai các môn đệ đi
săn sóc các vết thương (Xc Mt 10,8; Lc 9,2; 10,9), nhưng Ngài còn thiết lập cho
họ một Bí tích đặc biệt: bí tích Xức dầu bệnh nhân. Thư của Thánh Giacôbê làm
chứng về sự hiện diện của cử chỉ bí tích này trong cộng đồng Kitô đầu tiên (Xc
5,14-16): Với việc Xức dầu bệnh nhân, kèm theo lời cầu nguyện của các linh mục,
toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa đã chịu đau khổ và được vinh
hiển, để Ngài thoa dịu những cơ cực và cứu vớt họ, Giáo Hội cũng khuyên họ hãy
kết hiệp trong tinh thần với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, để góp
phần vào thiện ích của Dân Chúa.
Bí tích ấy đưa chúng ta đến chỗ chiêm ngắm hai mầu nhiệm về
Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đứng trước con đường Chúa Cha đã chỉ cho Ngài, con
đường khổ nạn, cử chỉ tột đỉnh của tình thương, và Ngài đã đón nhận con đường
ấy. Trong giờ thử thách đó, Ngài là Đấng trung gian, "mang trong mình,
nhận lấy đau thương và khổ nạn của thế giới, biến nó thành tiếng kêu lên Thiên
Chúa, đưa đau khổ tới trước mắt và trong tay của Thiên Chúa, và qua đó mang đau
khổ thực sự vào thời điểm cứu chuộc" (Lectio divina, Cuộc gặp gỡ hàng giáo
sĩ Roma, 18-2-2010). Nhưng "Núi Cây Dầu .. cũng là nơi từ đó Ngài lên cùng
Chúa Cha, vì thế đó là nơi cứu chuộc... Hai mầu nhiệm này về Núi Cây Dầu cũng
luôn luôn "tác động" trong dầu bí tích của Giáo Hội.. dấu chỉ lòng
nhân từ của Thiên Chúa Đấng động đến chúng ta" (Bài giảng, Thánh Lễ làm
phép Dầu, 1-4-2010). Trong việc Xức Dầu bệnh nhân, có thể nói chất liệu bí tích
dầu được ban cho chúng ta "như dược phẩm của Thiên Chúa.. thuốc này giờ
đây làm cho chúng ta chắc chắn về lòng từ nhân của Ngài, nó phải củng cố và an
ủi chúng ta, nhưng đồng thời, vượt lên trên thời kỳ bệnh tật hiện nay, hướng
chúng ta về sự chữa lành chung kết, là sự sống lại (Xc Gc 5,14" (Ibid.).
Ngày nay, Bí tích này đáng được để ý hơn, trong suy tư thần
học, cũng như trong hoạt động mục vụ cho các bệnh nhân. Khi đề cao nội dung
kinh nguyện phụng vụ được thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của con người
với bệnh tật, và không những vào lúc cuối đời mà thôi (Xc Sách Giáo Lý Công
Giáo, 1514), Bí tích Xức Dầu bệnh nhân không thể bị coi là một bí tích
"hạng nhỏ" so với các bí tích khác. Sự quan tâm và chăm sóc mục vụ
cho các bệnh nhân, một đàng là dấu chỉ sự dịu hiền của Thiên Chúa đối với người
đang đau khổ, và đàng khác mang lại lợi điểm tinh thần cho cả các LM và toàn
thể cộng đoàn Kitô, với ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất,
chính là làm cho Chúa Giêsu" (Xc Mt 25,40).
4. Về "các bí tích chữa lành", thánh Augustinô
khẳng định: "Thiên Chúa chữa lành tất cả các bệnh tật của con". Vì
thế, con đừng sợ: tất cả bệnh tật của con sẽ được chữa lành.. Con chỉ cần để
cho Ngài chữa lành con và đừng đẩy xa bàn tay của Ngài" (Giải thích về
Thánh Vịnh 102,5: PL 36,1319-1320). Đó là những phương thế quí giá của ân thánh
Chúa, giúp các bệnh nhân ngày càng trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm sự chết
và phục sinh của Chúa Kitô". Cùng với hai Bí tích này, tôi muốn nhấn mạnh
tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể. Khi được lãnh nhận trong lúc bệnh tật,
Thánh Thể góp phần đặc biệt vào công trình biến đổi ấy, liên kết người được
nuôi sống bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu với hy tế Ngài tự hiến dâng lên Chúa
Cha để cứu độ mọi người. Toàn thể cộng đoàn Giáo Hội và nhất là các giáo xứ, hãy
quan tâm đảm bảo cơ hội cho những người, vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác, không
thể đến nơi thờ phượng, được thường xuyên rước lễ. Như thế những anh chị em ấy
có thể củng cố mối quan hệ với Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, với cuộc
sống của họ được dâng hiến vì tình yêu Chúa Kitô, tham dự vào sứ mạng của chính
Giáo Hội. Trong viễn tượng ấy, điều quan trọng là các LM phục vụ tại các nhà
thương, các dưỡng đường và tại tư gia của các bệnh nhân, hãy cảm thấy mình thực
sự là những người phục vụ các bệnh nhân, là dấu chỉ và là phương tiện của lòng
từ bi Chúa Kitô, cần được biểu lộ cho mọi người đang chịu đau khổ (Sứ điệp nhân
Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 18, 22-11-2009).
Sự trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa
Kitô, cũng được thực hiện qua việc rước lễ thiêng liêng, việc làm này có một ý
nghĩa rất đặc biệt khi Thánh Thể được ban và đón nhận như của ăn đàng. Trong
thời điểm ấy của cuộc sống, những lời của Chúa càng âm vang một cách quyết liệt
hơn: "Ai ăn Mình Thầy và uống Máu Thầy thì có sự sống đời đời và Thầy sẽ
cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6,54). Thực vậy, Thánh Thể, nhất
là như của ăn đàng, theo định nghĩa của thánh Ignatio thành Antiokia, là
"phương dược bất tử, là thuốc chống lại sự chết" (Thư gửi các tín hữu
Ephêsô, 20: PG 5,661), là bí tích chuyển tiếp từ sự chết đến sự sống, từ trần
thế này đến cùng Chúa Cha, Đấng chờ đợi mọi người trong thành Jerusalem thiên
quốc.
5. Chủ đề sứ điệp này nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần
thứ 20, "Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu con!", cũng liên
hệ tới Năm Đức Tin sắp tới, sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012, là dịp thuận tiện và
quý giá để tái khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để đào sâu nội dung đức
tin cũng như để làm chứng đức tin trong đời sống thường nhật (Xc Tông thư Porta
fidei, 11-10-2011). Tôi muốn khuyến khích các bệnh nhân và những người đau khổ
luôn tìm thấy một chiếc neo chắc chắn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự
lắng nghe Lời Chúa, bằng kinh nguyện bản thân và các bí tích, trong khi tôi mời
gọi các vị Mục Tử ngày càng sẵn sàng cử hành các bí tích cho các bệnh nhân. Noi
gương Vị Mục Tử Nhân Lành và trong tư cách là những người dẫn dắt đoàn chiên đã
được ủy thác, các linh mục hãy tràn đầy vui mừng, ân cần đối với những người
yếu đuối nhất, những người đơn sơ và tội nhân, biểu lộ cho họ lòng từ bi vô
biên của Thiên Chúa với những lời đầy hy vọng" (Xc S. Augustino, Lettera
95, 1: PL 33, 351-352) (SD 3-1-2012)
Tôi tái bày tỏ lòng biết ơn của tôi và của Giáo Hội đối với
những người hoạt động trong thế giới sức khỏe, cũng như các gia đình, nhìn thấy
nơi những người thân của mình Khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu, vì trong khả
năng nghề nghiệp và trong thinh lặng, tuy nhiều khi không nêu đích danh Chúa
Giêsu, họ vẫn biểu lộ Ngài một cách cụ thể (Xc Bài giảng, Thánh lễ làm phép
Dầu, 21-4-2011).
Chúng ta hãy hướng lên Đức Maria, Mẹ Từ Bi và là Sức Khỏe
của các bệnh nhân, cái nhìn đầy tín thác và kinh nguyện của chúng ta; Ước gì
lòng cảm thông từ mẫu của Mẹ, - được sống cạnh Chúa Con sinh thì trên Thánh
Giá, - tháp tùng và nâng đỡ đức tin và đức cậy của mỗi bệnh nhân và người đau
khổ trên con đường chữa lành các vết thương thể xác và tinh thần.
Tôi cam đoan nhớ đến tất cả mọi người trong kinh nguyện,
trong khi tôi ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mỗi người.
Vatican ngày 20 tháng 11 năm 2011, Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ.
Biển Đức 16, Giáo Hoàng.
Nguồn: radiovaticana