"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Truyện Cổ Tích Chưa Ðược Kể


Sau khi nhấp miếng trà, cụ chậm rãi đặt chiếc ly sành nhỏ xuống mặt bàn đen bóng màu gỗ gụ, bắt đầu câu chuyện:
- Ngày xửa ngày xưa...

Cụ mới bắt đầu có thế, lũ trẻ đã thiu thiu ngủ. Cụ dừng lại không kể nữa. Duy nhất còn đứa bé tò mò xin cụ đừng vì lũ trẻ kia mà bỏ dở. Hai ông cháu bên buổi chiều tháng tư, rù rì tâm sự với nhau. Rồi cụ chết đi, câu truyện truyền lại cho đứa trẻ duy nhất ấy. Cũng may, vì thế mà hôm nay còn dấu tích câu truyện này.

Ðứa bé đó rồi cũng đến ngày thành cụ già. Ngày nọ, cụ già thứ hai này cũng lập lại y chuyện xẩy ra hơn ba phần tư thế kỷ về trước. Ðặt ly trà xuống chiếc khay, cụ bắt đầu:
- Ngày xửa ngày xưa...

Mới bắt đầu có thế, cụ nghĩ đến ngày còn bé như mấy đứa trẻ đây, lũ trẻ ngày xưa đã ngủ hết nên không đứa nào biết được câu truyện u uẩn kỳ thú này, chỉ riêng chú bé là chính cụ được biết thôi, cảm động, cụ rưng rưng nước mắt. Lũ trẻ thấy cụ khóc, chẳng đứa nào hiểu gì, chúng cùng nhau cười rồi kéo nhau chạy. Còn lại một đứa tật nguyền thấy cụ khóc, nó thương cụ ở lại kiên nhẫn nghe. Dĩ nhiên cụ già rồi cũng chết đi. May mắn nhờ đứa ốm yếu ấy mà câu truyện không bị tuyệt tích. Ðứa bé thấy câu truyện ly kỳ, nó ngày ngày ôn lại để nhớ. Sinh ra đời tật nguyền, trí kém, nó phải phấn đấu lắm mới nhớ được câu truyện. Ngày nào cũng phải tự kể cho mình nghe kẻo sợ quên mất. Rồi một ngày kia cũng già theo thời gian. Ðến lúc biết mình gần đất xa trời, cậu nhỏ tàn tật ngày xưa ấy, bây giờ là cụ già chống gậy đỡ từng ngày. Trước khi chết không bao lâu, cụ già thứ ba này gọi đám trẻ lại, kể cho chúng nghe câu truyện năm xưa.
- Ngày xửa ngày xưa...

Cụ mới bắt đầu tới đấy thì đã có đứa bỏ đi. Lũ trẻ này lạ lắm, chúng không thể hiểu mấy tiếng "ngày xửa ngày xưa" là gì, đối với bọn trẻ này, chúng tưởng cụ nói ngôn ngữ của người chết. Mỗi đứa xách theo đôi giầy có bánh xe, gắn vào chân, chúng chạy vù vù như gió làm cụ chóng mặt. Câu truyện hay quá. Cụ tiếc vì có khi câu truyện tuyệt tích mất. Chỉ còn lại có đứa cháu ngoại bị bố bỏ, thấy cụ tật nguyền là hay ở bên cạnh mà săn sóc cho cụ. Qua đứa này, cụ kể hết từng chi tiết cho nó nghe.

Rồi Cụ chết đi. Có đứa cháu ngoại là người biết gốc gác câu truyện thôi. Ðến khi đứa cháu ấy về già thì tính sơ qua mà đã ngót ngót hai trăm năm chứ đâu ít ỏi gì. Thời gian đi mau thế đấy. Thấm thoát mới có mấy chữ "ngày xửa ngày xưa" mà đã hai thế kỷ đi qua.

* * *

Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có mấy cha con lái buôn từ phương Bắc xuống phương Nam làm ăn. Họ sống bằng nghề làm xiệc. Mỗi cha con quẩy một đôi gánh tòong teng. Búa, liềm, khóa tay, xích sắt đủ thứ để diễn trò. Có mấy con chó, cặp khỉ, hai con gà trống cho đá nhau, cặp rồng và mấy cặp rắn. Phương Nam hiền hòa, dân chúng đa số nghề nông, ở thành từng làng. Mấy cha con cứ tuần tự đi hết làng này đến làng khác. Mỗi nơi dăm ba bữa, diễn xong trò thì kéo nhau đi. Chẳng có trò gì ra trò, nhưng dân quê phương Nam thấy thế là lạ mắt lắm rồi. Chỗ nào đông đúc làm ăn được, cha con họ dừng chân lâu hơn. Họ cũng chỉ ở lâu vừa đủ, nghề nghiệp mà, không bao giờ tham lam ở chỗ nào lâu quá, cho dù có làm ăn được, họ sợ ở lâu dân chúng sẽ học mất nghề. Chịu khó chông gai, rày đây mai đó, dân chúng chỗ nào cũng là khách mới, nên đến đâu cũng có người vỗ tay.

Vùng quê mà. Xích sắt, để cho người xem khóa tay hẳn hoi rồi lão chỉ trùm tấm khăn đỏ lên, múa một vòng là người xem có thể hoa mắt, lão gỡ xích ra lúc nào không hay. Búa liềm sáng choang, khách xem thử chém thì cây chuối lớn như đầu người cũng đứt ngọt, thế mà lão chém bùm bụp vào mấy đứa con không đứa nào bị sao cả. Dân quê cứ lè lưỡi ra kinh ngạc. Nhiều người tin rằng cha con họ có bùa ngải. Lão ta biết tâm lý đám nhà quê lắm. Thỉnh thoảng lim dim nói dăm ba câu thần chú, nói mà làm như cố ý không cho người khác biết. Lão làm ra có vẻ che che, đậy đậy. Ấy thế mới ăn tiền. Dân chúng càng tin cha con lão có phép mầu. Chuyện ma quỷ bùa ngải lúc bấy giờ đắt khách lắm. Chả mấy người không tin có những chuyện hoang tưởng ấy. Mấy cha con Bắc phương biết rõ yếu tố dân phương Nam, cứ đấy mà móc túi tiền. Cũng có những tay thông minh, lăm le muốn cắp nghề. Nhưng đó chỉ là chuyện hão, lão luyện, giang hồ tứ phương thì sao mà qua mặt lão già được.
Ở vùng kia có hai làng xích mích nhau, một bên họ Lê, một bên họ Trần rồi thù hận mãi về sau. Một bên trồng bắp, một bên trồng lúa. Lão lái buôn mớm tí mồi, bày mưu cho bên trồng lúa thuê người từ xa đến mua hết râu bắp ngô của làng bên. Giá bao nhiêu cũng mua, dân chúng đua nhau vặt hết râu bắp đem bán. Ai ngờ khi cái bắp không còn râu che chở, nó không lớn lên được. Ðến ngày mùa, một ruộng bắp lèo tèo được vài cái. Mất mùa, dân chúng làng trồng bắp đói khốn khổ, phải làm công vay nợ cho dân làng trồng lúa. Dân bên trồng lúa khoái lắm vì thấy mình thông minh vượt bực. Bây giờ giàu có, làm chủ, có kẻ hầu người hạ. Mối hận ấy sâu lắm. Bên trồng bắp phải tìm cách mà rửa nhục.

Lão lái buôn lại bày trò khác, cha con lão xui bên trồng ngô gởi người phương xa đến mua móng chân trâu. Lợi quá, có mấy cái móng mà bán được bao nhiêu con bạc. Dân làng trồng lúa cậy hết móng chân trâu mà bán. Ðến mùa rét, trâu không cày được, lăn ra mà chết. Cứ thế, người cày thay trâu. Dân bên trồng bắp cười đến nôn ruột vì đã trả thù được. Bên nào cũng tự nhận là thông minh cực kỳ nên cả hai đều khốn khổ, đói rách lầm than.

Lão lái buôn cứ quẩy đôi gánh toòng teng giả ngu giả điếc, bị dân phương Nam gọi là lão già dốt nát. Về sau, mãi mãi về sau, con cái dân phương Nam bao giờ cũng nhận mình thông minh hơn người. Dân nào chê họ dốt là chết ngay. Thích khen lắm. Lão lái buôn xúi giục, bày mưu cho mấy tay trưởng làng thôi, rồi giấu mặt. Dân cứ tin rằng thông minh kia, mưu chước nọ là của làng mình chứ ai hay là do chính lão lái buôn kia bày trò. Con cái họ cũng cứ tin là họ thông minh. Vì thông minh nên họ không bao giờ tự đặt vấn đề. Thông minh, thế tại sao họ không giàu có? Thông minh, thế tại sao lại cứ triền miên nghèo đói hết đời cha đến đời con? Họ không cần biết, hễ mà được khen là thông minh thì hài lòng rồi. Về sau, ai muốn gì của con dân phương Nam thì cứ bảo là họ thông minh nhất, thế nào cũng được việc. Chuyện gì cũng có nguồn gốc cả đấy.

Cặp rồng và rắn của tay lái buôn cứ như yêu tinh. Chúng làm đủ trò. Tinh khôn quỷ ma. Lúc ấy dân phương Nam nhà nào cũng nuôi rồng, không có rắn. Hồi đó người phương Nam chỉ nói "rồng tiên" chứ không nói "rồng rắn" như bây giờ. Tại sao bây giờ lại nói là "rồng rắn"? Câu chuyện khá dài dòng. Cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó. Hồi đó làng nào cũng có từng bầy rồng. Mùa hội, rồng bay khắp trời Nam, cứ như lụa đào trong gió xuân. Dân Nam nuôi rồng để múa hội. Các ngày hội làng là chiêng, trống, cồng âm vang lưng trời. Trai gái làng này đối tài mưu lược làng kia. Vui lắm chứ không như bây giờ. Hội hè liên miên. Dân phương Nam thích đàn ca múa hát. Mỗi kỳ hội là dăm ba ngày, có khi cả tháng. Ðời sống thong thả, thư thái, an hòa. Vì thế nhà ai, làng nào cũng có rồng. Hồi ấy không có vẽ rồng, khắc rồng như bây giờ. Nhất là không ai làm rồng giả bằng giấy. Vì có nhiều rồng thật. Ðêm rằm là trai thanh, gái lịch cưỡi rồng vờn trăng cứ như tiên bay lượn. Ðẹp lắm. Vui lắm. Thanh bình bốn bể.

Tay lái buôn từ phương Bắc đem theo cặp rắn và rồng để làm xiệc. Về sau này, bao nhiêu đời nghiên cứu mà cũng không rõ là con rồng của tay lái buôn kia có là rồng thật hay chỉ là con rắn già. Những nhà chuyên môn tìm hiểu không đồng ý với nhau. Rồng tại sao nó trườn như rắn? Rồng phương Nam chỉ bay và nhào lộn. Muốn đi là bay mà tới. Nhưng con rồng của lão lái buôn cứ trườn dưới đất không ngại sâu bọ, đất dơ. Nó làm nhiều trò rất thông minh, kỳ tài, dân chúng xem biểu diễn mà mát mắt, không ai mà không say mê con rồng của tay lái buôn. Chỉ có điều nó không thanh tao thôi. Phe nghiên cứu dốt thì kết luận đơn giản rằng đấy chỉ là con rắn già, không phải rồng, kết luận vậy là dễ nhất! Phe muốn tỏ ra mình là nhà nghiên cứu trí thức thì nói đấy là rồng thật, nhưng sống chung với rắn, được huấn luyện để làm trò với rắn nên nó pha máu rắn. Chả biết bên nào đúng, nhưng câu chuyện là thế.
Như truyện đã kể, rồng phương Nam chỉ nuôi để chơi vui trong ngày hội. Từ khi lão lái buôn phương Bắc tới, đem theo con rồng kia, nhiều dân làng quê thấy hay quá, thuê lão lái buôn dạy cho con rồng của làng mình cũng biết trườn, biết làm trò. Chẳng mấy chốc, những con rồng phương Nam cũng học nhiều trò mới như con rồng của lão lái buôn. Từ làm trò đến học cách đấu nhau. Từ những ngày ấy, mỗi ngày hội là đem rồng ra đấu, dân chúng đứng chung quanh vỗ tay gào thét cổ võ. Ngày xưa, có hội là cưỡi rồng ca múa. Nghệ thuật múa rồng đòi nhiều tài năng, muốn ca múa phải tập luyện, mỗi kỳ hội làng là một bức tranh văn hóa không dễ vẽ đâu. Nói rằng dân phương Nam quanh năm ăn chơi, không có nghĩa là biếng nhác làm việc. Ăn chơi với vũ điệu, với văn chương thi ca, hát hò quan họ là cả một công trình đấy. Cho nên phải nói đời sống của họ là một vũ điệu mới đúng. Chẳng hạn như bay với rồng mà thả con diều. Diều phải lên cao, mà diều phải đón gió cho tiếng sáo xuống trần. Cả là một nghệ thuật tinh vi. Từ khi lão lái buôn dạy cho đá rồng thì dân chúng thích trò chơi mới này, không phải tập tành gì, chỉ việc đứng chung quanh sân đình mà xem rồng đá nhau thôi. Vỗ tay quá trời. Rồng đá tóe máu, có con chết đứt đầu. Càng vỗ tay.

Lão huấn luyện cho rồng biết vờn rắn. Hai con thi tài lừa nhau xem con nào gian xảo hơn. Con nào lừa được con kia là thắng cuộc. Các ngày hội sôi động hơn xưa, khác xưa nhờ những cuộc đấu rồng. Rồng lối xóm đấu với nhau, đấu vui rồi đấu ăn thua quyết liệt. Qua làng đó, làng bênh cạnh cũng vui lây, lão lái buôn lại phải đi huấn luyện những con rồng khác. Hắn đi khắp nơi để huấn luyện. Cuộc chơi càng ngày càng tàn bạo. Bây giờ đá rồng đã lan khắp cả. Ðể vui hơn, ngày hội họ thi đá rồng làng này với làng kia. Rồng họ này đấu với rồng họ kia. Rồng Nam đấu với rồng Bắc. Muốn thắng thì phải có rồng hay, thế là họ tranh nhau mời cha con lão lái buôn huấn luyện. Bây giờ, mấy cha con lão không phải làm xiệc kiếm sống nữa. Không bao giờ cha con lão dạy hết nghề. Làng nào trả nhiều vàng bạc thì lão tới. Một thời gian ngắn, cha con lão gánh không biết bao nhiêu vàng về quê cũ.

Vàng bạc nhiều, lòng tham nổi lên, cha con lão cãi nhau, đánh nhau rồi giải tán gánh xiệc. Mỗi người một giang sơn, tranh nhau gây thanh thế. Vàng bạc mà. Thế là bao nhiêu miếng võ độc ác đưa nhau truyền cho rồng phương Nam. Bây giờ rồng phương Nam mới có cơ hội học nghề thực thụ. Lão già trấn thủ một giang sơn. Mỗi đứa con một vùng. Người nào cũng đem hết mưu mô để thanh thế mình là bậc thầy. Ðến kỳ hội năm, làng nào cũng hồi hộp không biết rồng nào thắng trong cuộc tranh tài. Cứ như thế mấy mươi năm cho đến khi cha con lão lái buôn rủ nhau về quê cũ, phương Bắc.

Sau này, con cháu dân phương Nam tìm về cội nguồn, nghiên cứu kỹ lại gia phả mới khám phá ra câu chuyện ly kỳ. Nhớ nhé, lão là lái buôn thì chỗ nào có vàng bạc, châu báu là lão tới. Lão là tay xiệc, huấn luyện cho rồng rắn làm trò, là bậc thầy làm trò thì chính lão phải biết làm trò. Cái chuyện cha con lão cãi nhau rồi giải tán gánh xiệc chỉ là một trò xiệc thôi! Cha con lão giả vờ để dân làng phương Nam đua nhau mời cha con lão, cung phụng cha con lão dạy rồng cho riêng làng mình. Cha con lão nháy nhau cười dân làng phương Nam đến đứt ruột mà dân phương Nam cứ tưởng bở. Một ngày nọ, cha con lão cùng nhau ngược phương Bắc về quê với không biết bao nhiêu châu báu mà dân làng phương Nam cất giữ từ thời tổ tiên.

* * *

Kể đến đây, cụ già chảy nước mắt. Hai đứa cháu ngồi nghe im lặng thương cụ quá. Cụ nghẹn ngào không kể tiếp được, cụ nấc lên rồi gục đầu tắt thở.
Hai đứa cháu mơ hồ hiểu chuyện vì sao suốt đời cụ cứ băn khoăn khổ sở. Về sau hai đứa cháu ghi lại câu chuyện rồi lần mò đi tìm tiếp những đoạn cuối để chắp nối lại. Sau này, sống ở Phương Tây mà chúng là những nhà nghiên cứu lỗi lạc nhất về Phương Ðông. Mỗi đứa đem theo một dòng họ, chia làm hai, một tìm về hướng Bắc, một xuôi hướng Nam. Với những phương pháp khoa học cực kỳ tinh vi, hai đứa cháu của cụ già kia đào lên những tháng ngày của mấy trăm năm về trước. Vệ tinh trên trời tìm chụp lại các bóng hình quá khứ. Các làn sóng vi âm chạy trong lòng đất. Rồi một ngày kia, thời gian cũng lại đến, tất cả đều già. Bên tách trà nhỏ, hai nhà nghiên cứu ấy thành hai cụ già, họ chậm rãi kể truyện cho các cháu của họ nghe:

Ngày xửa ngày xưa... Chắc có một cuộc đánh nhau ghê gớm lắm. Các cháu có biết không, cụ tìm được nhiều dấu vết, cụ kể các cháu nghe. Câu chuyện tính cho đến nay chắc là ba, bốn trăm năm rồi. Sông ngòi thay đổi, nước lũ trên rừng soi mòn, lụt lội làm thay đổi quá nhiều, phải công khó lắm mới ghép nối lại được. Chắc chưa đủ đâu. Cụ kể, mai mốt có đứa nào đi tìm tiếp, viết cho xong câu truyện.

Những bộ xương người đào được ở hướng Bắc đa số đều có đeo một thẻ đồng khắc hình dấu chữ Hồ. Còn những bộ xương hướng Nam khắc dấu in hình chữ Ngô. Xương thì giống nhau. Khảo nghiệm cho biết một trăm phần trăm là cùng một nguồn gốc. Dĩ nhiên các cháu biết đó, nếu mà đánh nhau thì xương phải lẫn lộn chứ. Ðúng như vậy, lẫn lộn cả hai thẻ đồng các cháu ạ. Có khi bộ xương khắc dấu Hồ nằm lẫn bộ xương mang dấu Ngô. Như là hai bộ xương đang vật lộn với nhau. Rất nhiều như thế. Khắp cả. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, không biết cơ man nào mà đếm. Chính vì vậy mà người ta cho rằng có cuộc chiến tranh rất dữ dội.

Cụ không kể chuyện ma đâu, chuyện có thật đấy. Trong một tối kia, ở chân rặng núi, oan hồn người chết khóc ngất. Tiếng khóc kỳ lạ ai oán ghê lắm. Bên cánh rừng nọ, xình từ cái hồ nông nước gẳn lên mùi thối xác người. Ghê lắm. Nhặng bay đàn đàn, bầy bầy, o e trên những xác người chặt cụt chân tay. Ghê lắm. Ghê lắm. Có ba người không quần áo gì cả, bị lột trần truồng trói ôm vào ba gốc cây bỏ đói. Ngày thứ nhất, một người bị vặn đầu từ từ cho đến khi đứt mà chết. Ghê quá. Ghê quá. Cái cổ cứng vậy sao mà vặn đứt được. Thế mà vặn được đấy. Hai mắt lồi lên. Càng vặn nó càng lồi. Sau cùng nó rớt ra ngoài. Ðầu mà, đỉnh cao trí tuệ mà. Ðến ngày thứ hai. Người kế tiếp. Không bị bịt mồm gì cả, cứ để thế cho la hét. Ghê quá. Họ lấy dao khoét hậu môn rồi kéo hết ruột ra. Ghê quá. Tiếng la đinh tai, buốt thấu óc. Vì thế dân phương Nam vẫn nói, "đau như cắt ruột." Cái gì cũng phải có nguyên cơ, nguồn cội. Lũ trẻ nhỏ la lên. Cụ kể chuyện ma! Ghê quá! Ghê quá! Cụ kể chuyện ma! Không đứa nào dám nghe.

Cụ già biết nói ra không đứa nào tin. Như chuyện hoang đường. Sự thật làm người ta sợ. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nó còn đó không bao giờ phai màu. Chỉ có điều ai không dám nghe hay không muốn nghe thì đừng nghe thôi. Lũ nhỏ không tin chuyện có thật. Chúng bảo là cụ kể chuyện ma. Ðến khi cụ đem cái máy thu hình quá khứ ra bấy giờ chúng mới kinh hoàng. Máy móc điện tử thần kỳ, khi những tín hiệu tìm thấy xương người dưới đất, chỉ việc báo cho cái máy vệ tinh ở trên trời là chúng nó phóng những tia vi điện vô cùng mầu nhiệm tìm bắt tất cả những gì liên quan đến bộ xương ấy. Với máy móc như thế thì làm sao mà giấu được quá khứ.

Các cháu đừng sợ, không có ma quỷ gì cả, họ là những con người như các cháu. Xem lại những hình ảnh ấy mà thương họ. Các cháu có biết họ là ai không? Là tổ tiên của các cháu đấy! Các cháu sợ tổ tiên của mình à? Với những chiếc máy này không còn gì giấu kín được nữa. Các cháu sống thế nào thì mai sau lịch sử ghi lại y như thế. Không thể giấu được. Kinh Thánh bảo không có gì giấu kín mà không bị tỏ lộ ra. Ðúng như thế.

- Thưa cụ, thế những người giết họ là ai? Là người đeo dấu chữ H hay chữ N.
- Cụ không cho các cháu biết được. Cụ muốn các cháu thử tự tìm xem.
Một đứa khác lại hỏi:
- Thưa cụ, làm sao mà họ thù ghét nhau như thế?
- À, chuyện này mới dài, cụ cũng để xem cháu nào tìm được lý do.

Hai câu hỏi ấy cụ biết chứ, mà đau lòng quá không trả lời nổi. Cụ thấy chính mình cũng sợ sự thật. Kinh Thánh nói sự thật sẽ giải phóng chúng con. Bây giờ chạm sự thật, cụ thấy linh hồn buồn quá. Khi Ðức Kitô bị đóng đinh, tổng trấn Philatô cũng hỏi câu hỏi ấy: Sự thật là gì. Cụ ngưng câu chuyện không kể tiếp nữa.

Mấy đứa bé tò mò tiếp tục hỏi chuyện nhau. Hai đứa ra chiều thông minh:
- Tao biết làm sao tụi nó đánh nhau rồi!
- Mày không được gọi là "tụi nó", cụ đã chẳng bảo họ là tổ tiên của mình đó sao.
- Ừ, đúng rồi, tao biết làm sao tổ tiên chúng ta đánh nhau, tại họ dạy cho bày rồng đánh nhau đấy, lúc nào cũng muốn rồng nhà mình thắng, rồi rồng làng mình phải thắng, nên họ mới thù nhau. Ai cũng muốn rồng làng mình là vua.
- Nhưng mà tao biết họ dạy cho rồng đánh nhau là ngày xửa ngày xưa, có một ông lái buôn từ phương Bắc...
- Nhưng mà làm sao ông lái buôn lại dạy cho tổ tiên ta đem rồng của mình ra đấu nhau?
- Ờ.. ờ.. tao không biết!

Ðể trả lời câu hỏi ấy, sau này một đứa đem hết đời mình tìm kiếm. Thế là mất mấy trăm năm sau con cháu phương Nam mới có câu trả lời. Nhưng rồng của dân phương Nam không còn là rồng như ban đầu nữa, nó không biết bay, nó thích trườn dưới đất, quanh co, mưu mô nhưng không hút nước phun lên trời như rồng ngày xưa. Rồng của những vương quốc lân bang bơi lộn vùng vẫy ngoài khơi sóng nước Thái Bình Dương, tranh đua với trời, hưởng phúc lộc thiên nhiên mây gió trời ban. Rồng phương Nam chỉ loanh quanh trên bờ, nhiều con lộn xuống biển, ôi! chết không biết bao nhiêu là cơ man.

Sau bao năm tìm kiếm, hai đứa cháu đến thăm cụ. Những ngày cuối đời, cụ thao thức, buồn lặng lẽ trong hồn, cụ hỏi:
- Tại sao rồng chung quanh bơi khắp Thái Bình Dương, còn rồng dân phương Nam thì không?

Ðứa cháu của cụ thành một nhà nghiên cứu lỗi lạc, bảo cụ rằng:
- Trải qua mấy trăm năm, bây giờ gọi là rồng chỉ vì gốc tích ngày xưa thôi, theo nghiên cứu thì rồng phương Nam hết chất rồng rồi.

Cụ già sửng sốt. Ngạc nhiên kinh hoàng hỏi:
- Thế.. thế là rắn mất rồi sao?

Cụ già run lên. Ðứa cháu nhìn cụ không biết phải làm gì. Rung toàn thân người, cụ nấc lên rồi chết.

Ðứa cháu, nhà nghiên cứu lỗi lạc, nhớ lại ngày xưa cụ không dám trả lời khi nó hỏi: "Làm sao họ ghét nhau thế." "Bên nào có dấu chữ H, bên nào chữ N." Bây giờ ông ta hiểu, cụ sợ sự thật không dám trả lời. Cũng như bây giờ, chính ông ta chỉ nói cho cụ biết là rồng phương Nam hết chất rồng rồi, chứ không dám trả lời hẳn câu hỏi của cụ vậy bây giờ là rắn rồi sao. Ông ta nhủ thầm, lại tới phiên mình sợ sự thật. Còn lại hai người, ông ta quay sang hỏi người bạn cũ, kẻ mà lúc nhỏ ngồi nghe cụ kể chuyện rồi sau đó hai đứa đã đua tài trí thức xem ai biết nhiều, ông hỏi:
- Bây giờ có cách nào làm cho rồng dân phương Nam trở thành rồng thật mà ganh đua với các rồng lân bang được không?

Người bạn năm cũ thản nhiên trả lời bằng một câu tiếng ngoại quốc: "I DON'T KNOW. I DON'T CARE." Rồi bỏ đi.

Còn lại một mình. Ông cũng không biết rồi đây có cách nào rồng phương Nam bay lộn hào hùng như rồng thật của mấy trăm năm về trước nữa không hay là hết chất rồng thật mất rồi. Ông ta cặm cụi ghi lại tất cả nối kết của mấy đời các cụ xưa đang kể mà chết ngang chừng, thành một câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu bằng mấy chữ: Ngày xửa ngày xưa...

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(trích từ: "Tiếng Gọi Phía Bên Trong")