"Chào Chúa…" được viết năm 2002. Năm đó tại Đức có 8616 người
trở lại với Giáo-hội, so với 113 724 người bỏ Giáo-hội. Nhưng lí-do nào đã làm
cho hơn 8 ngàn người kia trở lại, sau khi đã dứt-khoát rời xa một tổ-chức mà họ
coi là lỗi thời, giả-dối, tội-lỗi, cố-chấp?
Kí-giả Seewald là một trong những kẻ liều-lĩnh kia. Seewald
sinh ra (1954) và lớn lên trong một gia-đình công giáo miền quê gần tỉnh Passau,
miền nam nước Đức. Lúc nhỏ, hăng-hái tham-gia đoàn giúp lễ, cũng có lúc ước-mơ
làm linh-mục. Năm 1968, lúc 14 tuổi, cậu bị phong-trào tả, phản chiến cuốn hút
và dần lao theo cuộc sống phóng-túng của thế-hệ thanh-niên phản-kháng 68 tại Âu
châu. Bỏ đạo, vì đạo chỉ còn là “thuốc phiện của nhân-dân”. Thần-tượng bây giờ
chẳng còn là Chúa, là ông linh-mục, nhưng là những Mao, Ché, Hồ… Bỏ nhà đi thuê
phòng sống chung tập-thể với các đồng chí nam nữ, ngày-ngày đi rải truyền-đơn
hô-hào cách-mạng cải-tạo thế-giới! Năm 1976, anh ra một tờ tuần báo cực tả ở
Passau, nhưng phải đình bản hai năm sau đó. 1981 khởi sự làm kí-giả cho tuần
báo chính-trị Der Spiegel, tờ tuần báo cấp trung nổi tiếng và có lượng ấn hành
cao nhất, nội-dung có hơi-hướng “tả”.
Sáu năm sau, quay sang đầu quân cho tuần
báo Stern, thuộc cánh “hữu”. Năm 1989, khi hay tin nhật báo Süddeutsche Zeitung
(nhật báo trung-dung, có ảnh-hưởng và lượng ấn-hành cao nhất hiện nay, nếu
không kể tờ lá cải Bild) mở phụ trang văn-hoá, Seewald xin đầu quân với tư-cách
kí-giả tự-do và đề-nghị mở một mục “Cầu-nguyện” và được sự hoan-hô hết mình
ngay của Süddeutsche Zeitung. Chàng thanh-niên 35 tuổi nhận mục này với lí-luận
rằng, một người không dính-dáng gì hết với Giáo-hội như anh có thể viết về
những đề-tài tôn-giáo khách-quan và trung-thực hơn. Nhưng rồi, càng tiếp-cận
với các đề-tài tôn-giáo, trong anh dần nẩy lên một tiến-trình tra-khảo nội-tâm
không thể nào cưỡng lại được nữa. Cuối cùng, toà báo uỷ cho anh nhiệm-vụ gặp-gỡ
hồng-i trưởng Bộ giáo-lí đức tin là Ratzinger với một đế-án phỏng-vấn lớn rộng.
Đó là năm 1992. Vì ngôn-từ trao-đổi lần gặp-gỡ đầu tiên này quá nặng giọng
phê-phán chỉ-trích nên hai bên đã không tiến xa hơn. Dù sau đó thỉnh-thoảng
Seewald có ghé thăm Hồng-i và đôi lúc có đi ăn chung, nhưng cả hai vẫn giữ
khoảng-cách cần-thiết.
Tới 1996, câu chuyện dang-dở lại được tiếp-tục. Và kết-quả cuộc phỏng-vấn nhiều ngày với 40
cuộn băng ghi âm là cuốn “Muối Cho Đời” (1996), một thành-công lớn, thuộc loại
bán chạy (bestseller) quốc-tế, đã được dịch ra 23 thứ tiếng (Bản tiếng Việt do
Phong-trào Giáo-dân Việt-nam Hải-ngoại phát-hành tháng 3 năm 2006). “Muối Cho
Đời” cũng là một biến-cố bản-lề cho cuộc đời Seewald. Vào thời-điểm đó, ông đã
bắt đầu nghĩ về Chúa và đã bắt đầu cầu-nguyện. Nhưng cụ-thể bắt đầu từ lúc nào
thì ông không biết. Chỉ biết nhiều cơ-hội nhỏ trong cuộc sống đã khiến ông
thao-thức, nghĩ-suy. Nhưng việc gặp hồng-i Ratzinger, đụng-độ với tư-tưởng và
thấm-thía với những suy-tư của ngài qua cuộc trao-đổi đã là cú đẩy cuối cùng
đưa ông trở về với Giáo-hội. “Ai chỉ muốn đứng xa mà nhìn không thôi thì sẽ
chẳng có được kinh-nghiệm nào hết”, Hồng-i đã nói thế. Ông tương-đắc với
phân-tích của Ratzinger về hình-ảnh Thiên-chúa và thế-giới. Ông nhìn-nhận vị
Hồng-i là một người “xuất-phát từ niềm tin vào đức Kitô để cố-gắng đi tìm sự
thật”. Ông coi ngài là một nhà thần-học lớn của thế-kỉ, hiện ít ai biết tới,
nhưng tầm ảnh-hưởng có thể không thua gì một Tôma đất Aquino trước đây.
Đọc “Chào Chúa…”
người ta có hai cảm-nhận: Seewald vẫn là một tay cách-mạng như xưa,
nhưng đồng thời cũng là một kẻ thành-tâm đi tìm sự thật. Tinh-thần quyết-liệt
vẫn còn, nhưng thay vì với khẩu-hiệu của thế-hệ 68 trước đây: “Hãy đạp đổ những
gì làm hại ta!” (Macht kaputt, was euch kaputt macht!), thì nay những chỉ-trích
cạn tàu của ông mang đầy tính xây-dựng. Ông cho hay, cuộc hành-trình trở về của
ông không bằng-phẳng, chẳng dễ-dàng gì, mà cũng chẳng ghê-gớm gì cho cam. Đó là
một quá-trình lần-mò dài với thao-thức và nghi-hoặc. Thao-thức về mình, về
Thiên Chúa và về lời hứa cứu-độ của Ngài (Những thao-thức đó ta có thể thấy
phần nào qua các câu hỏi và vấn-nạn ông đặt ra cho hồng-i Ratzinger trong “Muối
Cho Đời”). Ông thành-thật khi viết rằng con đường dài trở về ông mới chỉ bước
được đoạn đầu, còn nhiều gian-nan phải bước tiếp. Cái may nơi Seewald là ông
vẫn luôn giữ được óc phê-bình trong cuộc sống, không vì thất-vọng hay bồng-bột
mà để mình buông xuôi, như nhiều thanh-niên cùng thế-hệ. Ông choá mắt về cái
nghịch lí của Kitô giáo: vừa trói-buộc mà đồng thời cũng rất tự-do. Trong cuộc hành-trình
“lột xác” này, ông khám-phá ra rằng đức tin cung-cấp cho ông niềm an-ủi,
thảnh-thơi và thoải-mái, nhưng đồng thời nó đưa ra nhiều đòi-hỏi nơi kẻ tin. Và
rốt cuộc, ông đã đi tới tận cùng cội-nguồn: “Tin không phải là lặn vào vòng
riêng-tư cá-nhân. Mà tin có liên-hệ ít nhiều với văn-hoá, với trách-nhiệm đối
với toàn-thể”. Và ông muốn lưu tặng lại niềm tin này cho hai đứa con trai của
ông, mà cho tới lúc đó chúng sinh ra và lớn lên hoàn-toàn ngoài vòng giáo-dục
tôn-giáo.
Peter Seewald quay 180 độ, trở về say-mê với sứ-điệp
Phúc-âm, với truyền-thống và cả tín-lí của Giáo-hội. Và nhất là say-mê thái-độ
và cung-cách phê-bình thẳng-thắn nhưng xây-dựng của Giáo-hội đối với xã-hội.
Xưa kia, một phần chính vì cung-cách trưởng-giả và chạy theo thời của Giáo-hội
đã khiến ông xa-lìa. Nay ông tiếp-tục cực-lực chống lại khuynh-hướng
thời-thượng đó. Theo ông, nền thần-học
cấp-tiến mà nhiều người ngày nay đeo-đuổi ít ơn-ích cho những kẻ tìm-kiếm đức
tin, nó làm họ khiếp-sợ hơn là dẫn họ tới niềm tin. Ông vui-mừng khi tham-dự
lại những nghi-lễ và được hát lại những bài thánh ca: “Theo tôi, Giáo-hội chẳng
cần gì ngoài các việc làm bác-ái và những nghi-lễ linh-thiêng”. Về những cởi-mở
trong Giáo-hội, ông phàn-nàn: “Giáo-hội từ lâu rồi chẳng còn khả-năng trói-buộc
con người nữa, như con người vẫn hằng tố-cáo Giáo-hội về điều đó. Những lời dạy
của Giáo-hội giờ như nước đổ lá môn”.
Đọc những nhận-định của ông, ta cứ tưởng
như đó là những suy-nghĩ của một chức-sắc cao trong Giáo-hội hay của một cụ già
gần đất xa trời, có nhu-cầu ăn-năn “trước khi về cõi” (chữ của Vũ Cao Quận).
Nhưng không, đó là tâm-tình chân-thành và chín-chắn của một thanh-niên lúc đó
mới trên dưới 45 tuổi đời.
Điều Seewald viết không chỉ là một kinh-nghiệm tu-đức
riêng-tư, nhưng nó cho thấy lối sống và suy-tư của cả một thế-hệ, thế-hệ của
đập-phá truyền-thống, phản-kháng quyền-bính, phản-chứng. Hậu-quả của phong-trào
phản-chứng đó là một Âu châu ngày nay muốn vứt bỏ mọi “xiềng-xích” kitô giáo,
xiềng-xích đã tạo cho họ sức sống và sự liên-kết cộng-đoàn. Đôi khi ông không
kìm nổi tức-giận: Rồi mà coi, khi đã chặt đứt hết mọi giá-trị ràng-buộc Kitô
giáo, xã-hội tân-tiến ngày nay chắc-chắn phải hoảng-hốt vì sẽ thấy mình như đàn
thú không chuồng vì thiếu dây liên-kết! Ông rút ra kinh-nghiệm này, một phần, từ
trách-nhiệm của một người cha gia-đình trong khi giáo-dục hai đứa con.
“Grüß Gott. Als ich wieder begann an Gott zu denken”
[Deutsche Verlags Anstalt, München 2002, 180 trang, giá 19,90 EUR], mới chỉ có bằng tiếng Đức. Ai đọc được, rất
nên tìm đọc. Đọc để vững tin vào con đường mình đang đi. Có nhiều con đường tới
Chúa. Con đường việt-nam. Con đường đức. Con đường của anh, của tôi, của
Seewald...
Nhưng đường nào, dù cá-nhân đến đâu, cũng phải đi với người khác,
cũng phải nhập vào đoàn lữ-hành, nếu không, chẳng bao giờ tới đích. Đặc-biệt những ai nghi-ngờ về sự cần-thiết
của các giá-trị kitô giáo cho xã-hội tân-tiến hôm nay và ngày mai thì rất nên
đọc. Cho tới nay, hiếm có những lập-luận vững-chãi và thuyết-phục như của
Seewald.
Phạm Hồng-Lam