Trước những thông tin dồn dập hàng ngày trên báo đài,
internet về đủ loại vụ án, đủ loại bạo động, đặc biệt là những cú ra chiêu
tuyệt tình của những sát thủ máu lạnh, sử dụng côn đồ để hành hung những người vô
tội chỉ biết một đời phục vụ và làm việc thiện, những chiến tranh và những
chuẩn bị và kích động chiến tranh của “trục ác”, của những kẻ độc tài tham
quyền cố vị…, chúng ta có cảm tưởng như quyền lực của sự dữ, “mầu nhiệm ác tà”
đang mặc sức tung hoành.
Tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, nhất là qua suy gẫm Mầu
nhiệm Phục sinh, thì đó chẳng qua chỉ là những cú giãy chết của tên Đại Ác Tà.
Xin mời các bạn hãy cùng đọc với chúng tôi tư tưởng của Đức Chân phước Gioan
Phaolô về Mầu nhiệm Ác tà, được diễn tả trong Sứ điệp Hoà bình năm 2005, là sứ
điệp hoà bình cuối cùng của ngài, được viết mấy tháng trước khi ngài được Chúa
gọi về.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
(Nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới 01.05.2005)
Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.
Vị đại Tông Đồ đưa ra một sự thật nền tảng: hòa bình là
thành quả của một cuộc chiến lâu dài và cam go chỉ có thể thắng khi sự dữ bị
điều thiện đánh bại. Khi ta xem xét thảm cảnh các cuộc xung đột huynh đệ tương
tàn trong các vùng khác nhau trên thế giới, và những đau khổ, bất công khôn
xiết do những cuộc xung đột đó gây ra, lựa chọn duy nhất thực sự có tính xây
dựng, như Thánh Phaolô đưa ra, là anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết
với điều lành (x. Rm 12,9).
Hòa bình là một điều thiện phải được đề cao bởi điều thiện: đó
là điều thiện hảo cho cá nhân, cho gia đình, cho quốc gia và cho toàn nhân
loại; thế nhưng đó là điều cần phải được duy trì và vun trồng bởi những quyết
định và những hành động được linh hứng bởi điều thiện. Ta có thể đánh giá cao
chân lý sâu sắc trong một lời khác của Thánh Phaolô:“Đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17).
Con đường duy nhất thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn dĩ ác báo ác là chấp nhận lời
Thánh Phaolô “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng
ác” (Rm 12,21).
Sự dữ, điều thiện và tình yêu
2. Từ ban đầu, nhân loại đã biết đến thảm cảnh của sự
dữ và đã cố gắng nắm bắt tận gốc rễ và giải thích các nguyên nhân của sự dữ. Sự
dữ không phải là lực lượng phi nhân cách, tất định nào đó đang tác oai tác quái
trong thế giới. Đó là kết quả sự tự do của con người. Tự do, phân biệt con
người với mọi thụ tạo khác trên trái đất, luôn hiện diện nơi trung tâm thảm
kịch sự dữ. Sự dữ luôn luôn có một tên gọi và một khuôn mặt: tên
gọi và khuôn mặt của những người nam nữ chọn lựa sự dữ một cách tự do. Sách
Thánh dạy rằng ở buổi bình minh của lịch sử nhân loại, Ađam và Evà đã phản
nghịch chống Thiên Chúa, và Abel bị giết bởi Cain, anh mình (x. St 3-4).
Đây là những lựa chọn sai lầm đầu tiên, được tiếp nối bởi vô số các lựa chọn
sai lầm khác theo dòng các thế kỷ. Mỗi một lựa chọn này có một chiều
kích luân lý nội tại, liên quan đến những trách nhiệm cá nhân cụ thể và mối
liên hệ căn bản của mỗi người với Thiên Chúa, với tha nhân và với toàn bộ tạo
thành.
Ở mức sâu nhất, sự dữ là một sự khước từ bi đát những
đòi hỏi của tình yêu (1). Mặt khác, sự thiện luân lý được sinh từ tình
yêu, tự thể hiện như tình yêu và hướng về tình yêu. Tất cả điều này cách riêng
hiển nhiên đối với các Kitô hữu, là những người biết rằng việc tham gia vào
cùng một Nhiệm Thể Đức Kitô đặt họ vào một mối quan hệ đặc thù không chỉ với
Chúa nhưng còn với các anh chị em của mình. Nếu ta tìm cách rút ra tất cả các
hệ luận, thì lôgích của tình yêu Kitô giáo, là lôgích trong Phúc âm xác lập
trọng tâm điều thiện luân lý, đi cho đến chỗ yêu thương cả kẻ thù: “Kẻ thù
ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống” (Rm 12,20).
“Ngữ pháp” của luật luân lý phổ quát
3. Nếu nhìn vào hiện tình thế giới, ta không thể không
ghi nhận sự lan tràn tác quái các thể hiện nhiều vẻ của sự dữ trên bình
diện xã hội và chính trị: từ sự rối loạn trật tự xã hội đến các cuộc nổi dậy và
chiến tranh, từ sự bất công đến các hành vi bạo động và chém giết. Để vạch ra
được con đường giữa những lời kêu gọi đối nghịch giữa thiện và ác, gia đình
nhân loại cần khẩn cấp bảo vệ và tôn trọng gia sản chung các giá trị luân
lýđược chính Thiên Chúa ban. Vì lý do này, Thánh Phaolô khích lệ tất cả những ai
quyết tâm chinh phục sự dữ bằng sự thiện hãy trở nên cao thượng và vô tư
trong việc nuôi dưỡng lòng quảng đại và hòa bình (x. Rm 12,17-21).
Mười năm trước, khi đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hiệp
quốc về nhu cầu cùng nhau dấn thân phục vụ hòa bình, tôi có đề cập đến “ngữ
pháp” của luật luân lý phổ quát(2), mà Giáo hội kêu gọi hướng đến trong nhiều
giáo huấn của mình về chủ đề này. Bằng cách gợi hứng về các giá trị và các
nguyên tắc chung, luật này đoàn kết nhân loại với nhau, mặc dù khác biệt về văn
hóa, và luật này là bất biến: “Giữa những trào lưu ý tưởng và tập tục, luật tự
nhiên vẫn tồn tại và còn giúp chúng phát triển nữa. Về cơ bản, những luật diễn
tả luật tự nhiên vẫn luôn có giá trị. Dù có chối bỏ cả đến những nguyên lý của
luật tự nhiên, người ta cũng không thể hủy diệt nó, không thể gạt nó khỏi lòng
người; nó luôn tái xuất hiện trong đời sống của những cá nhân và của các xã
hội” (3).
4. Ngữ pháp chung này của luật luân lý đòi
ta phải luôn luôn dấn thân và có trách nhiệm bảo đảm cho đời sống các cá nhân
và các dân tộc phải được tôn trọng và thăng tiến. Dưới ánh sáng này, phải cực
lực lên án các sự ác có tính chất xã hội và chính trị đang xâu xé thế giới, đặc
biệt những tội ác được kích động bởi những bùng nổ bạo lực. Tôi nghĩ ngay
đến lục địa thân yêu Châu Phi, nơi vẫn còn tiếp diễn các cuộc xung đột đã
gây bao đau thương cho hàng triệu nạn nhân. Làm sao mà không khỏi nhắc đến tình
trạng rất nguy hiểm của Palestine, miền Đất của Đức Giêsu, nơi
chưa thể nối kết những người con của vùng đất này đi đến sự hiểu biết lẫn nhau,
vẫn còn bị xâu xé bởi một cuộc xung đột hàng ngày được nuôi bằng các hành vi
bạo lực và báo oán? Và phải nói gì đây về hiện tượng bạo lực khủng bố đáng
lo ngại, dường như đang đẩy toàn thế giới đến một tương lai sợ hãi và thống
khổ? Cuối cùng, làm sao mà không nghĩ đến với sự ray rứt sâu xa về thảm
kịch đang diễn ra tại Iraq, đã gây ra các tình huống bấp bênh và bất an cho tất
cả?
Để đạt đến thiện ích hòa bình, phải có một sự nhìn nhận rõ
ràng và có ý thức rằng bạo lực là một sự dữ không thể chấp nhận được và không
bao giờ giải quyết được các vấn đề. “Bạo lực là điều dối trá, vì bạo lực đi
ngược lại sự thật của đức tin chúng ta, sự thật của nhân loại chúng ta. Bạo lực
hủy diệt điều nó tuyên bố bảo vệ: phẩm giá, sinh mạng, tự do của con người” (4).
Cần phải có một nỗ lực lớn để đào tạo lương tâm và giáo dục thế hệ
trẻ về điều thiện bằng cách chủ trương nền nhân bản toàn diện và
liên đới mà Giáo hội loan báo và đề cao. Đây là nền tảng cho một trật tự
xã hội, kinh tế và chính trị tôn trọng phẩm giá con người, tự do và các quyền
căn bản của mỗi cá nhân.
Thiện ích hòa bình và công ích
5. Để thăng tiến hòa bình bằng cách chinh phục sự dữ
bằng điều thiện, cần phải đặc biệt chú ý đến công ích (5) và về
những hàm ý xã hội và chính trị của công ích. Khi công ích được đề cao ở mọi
cấp độ, hòa bình được thăng tiến. Không một cá nhân nào có thể nào thành toàn
bản thân mà không chú ý gì đến bản chất xã hội của mình, nghĩa là, biết sống
“với” và sống “cho” tha nhân? Công ích liên quan mật thiết đến cá nhân đó. Công
ích liên quan mật thiết đến mọi biểu hiện về bản chất xã hội của cá nhân đó:
gia đình, các nhóm, các hiệp hội, các thành phố, các vùng miền, các quốc gia,
và cộng đồng các dân tộc và các nước. Mỗi người, về một mặt nào đó, được
kêu gọi hãy hoạt động vì công ích,thường xuyên mưu tìm thiện ích của tha nhân
như thể mưu tìm thiện ích cho chính mình. Trách nhiệm này, cách riêng, thuộc về
các nhà cầm quyền chính trị ở mọi cấp, vì họ được mời gọi để tạo ra một tổng
hợp các điều kiện xã hội cho phép và bồi dưỡng trong con người sự phát triển
toàn diện nhân vị của con người (6).
Do đó, công ích đòi hỏi sự tôn trọng và thăng tiến toàn diện
con người và những quyền căn bản của con người, cũng như đòi hỏi sự tôn trọng
và thăng tiến các quyền của các quốc gia trên bình diện hoàn vũ. Về phương diện
này, Công đồng Vatican II nhận định rằng “Sự lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt
chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể thế giới, vì thế công ích […] ngày
nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và
nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu
và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng
công ích của toàn thể gia đình nhân loại” (7). Thiện ích của toàn nhân loại,
bao gồm các thế hệ tương lai, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế thực sự, mà mỗi quốc
gia phải đóng góp phần của mình vào (8).
Một số quan điểm giản lược về nhân loại có khuynh hướng
trình bày công ích như một tình trạng an sinh kinh tế-xã hội thuần
tuý thiếu mục đích siêu việt, qua đó làm cho công ích trống rỗng ý nghĩa sâu xa
nhất của nó. Tuy nhiên, công ích có một chiều kích siêu việt, vì
Thiên Chúa là cùng đích của tất cả các tạo vật của Người (9). Người Kitô hữu
biết rằng Đức Kitô đã chiếu đầy đủ ánh sáng trên phương thức làm thế nào để đạt
được công ích thực của nhân loại. Các cuộc hành trình trong lịch sử hướng đến
Đức Kitô và ở trong Người tìm thấy được cùng đích của lịch sử: vì Đức
Kitô, qua Đức Kitô và cho Đức Kitô, mọi thực tại nhân loại đều có thể được dẫn
đến sự thành toàn viên mãn trong Thiên Chúa.
Thiện ích hòa bình và việc sử dụng các của cải thế giới
6. Vì thiện ích hòa bình có liên hệ chặt chẽ với sự
phát triển của tất cả các dân tộc, nên những yêu cầu luân lý cho việc sử
dụng các của cải trái đất luôn phải được xem xét đến. Công đồng Vatican II
đã nhắc rất đúng rằng “Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất
thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được
tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật
công bằng là luật đi liền với bác ái” (10).
Là một thành viên của gia đình nhân loại, mỗi người trở nên công
dân của thế giới, với những bổn phận và quyền lợi đi kèm, vì tất cả nhân loại
được hợp nhất bởi một nguồn gốc chung và có cùng một phẩm giá cao trọng.
Vừa mới được thụ thai, một đứa trẻ đã có những quyền của mình, đứa trẻ đáng
được chăm sóc và quan tâm; và một người nào đó phải có bổn phận cung cấp những
điều này cho nó. Việc lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, việc bảo vệ những
người thiểu số, trợ giúp các người di cư và tỵ nạn, việc vận dụng tình liên đới
quốc tế đối với những người đang cần giúp đỡ không gì khác hơn là các áp dụng
nhất quán nguyên tắc công dân thế giới.
7. Thiện ích hòa bình ngay nay cần được xem là có liên
hệ mật thiết với những thiện ích mới xuất phát từ tiến bộ trong khoa
học và kỹ thuật. Những thiện ích này, áp dụng nguyên tắc của cải thế giới là
của chung cho mọi người hưởng dùng, cũng cần đượchướng tới phục vụ những nhu
cầu căn bản của con người. Những sáng kiến thích hợp trên bình diện quốc tế có
thể đem đến sự thực hiện đầy đủ và thực tiễn nguyên tắc của cải là chung cho
mọi người hưởng dùng bằng cách bảo đảm cho tất cả – cá nhân và các quốc gia –
những điều kiện căn bản để thông phần vào việc phát triển. Điều này có thể thực
hiện được một khi các rào cản và các độc quyền đặt nhiều dân tộc sang bên lề bị
loại bỏ (11).
Thiện ích hòa bình sẽ được bảo đảm tốt hơn nếu cộng đồng
quốc tế lĩnh lấy trách nhiệm lớn hơn đối với những điều được gọi chung là ích
lợi công cộng. Đây là các thiện ích mọi công dân đương nhiên được hưởng, không
cần phải đã được lựa chọn một cách có ý thức hoặc đóng góp về một phương diện
nào đó. Đó là trường hợp, chẳng hạn như trên bình diện quốc gia, về các thiện
ích như hệ thống tư pháp, hệ thống quốc phòng và mạng lưới xa lộ và đường sắt.
Trong thế giới chúng ta, hiện tượng toàn cầu hóa gia tăng có nghĩa là ngày càng
có nhiều các lợi ích công cộng mang tính toàn cầu, và kết quả lànhững quan tâm
chung đang gia tăng hàng ngày. Ta cần nghĩ ngay đến cuộc chiến chống nghèo
đói, công cuộc thăng tiến hòa bình và an ninh, mối quan ngại về sự biến đổi khí
hậu và việc chận đứng bệnh tật. Cộng đồng quốc tế cần đáp trả đối với các quan
tâm chung này bằng một mạng lưới rộng hơn các hiệp định tư pháp nhằm điều
chỉnh việc sử dụng các lợi ích công cộng và được gợi hứng bởi các nguyên
tắc phổ quát về công bình và liên đới.
8. Nguyên tắc của cải thế giới là chung cho mọi người
hưởng dùng cũng làm cho ta có thể thực hiện được một cách tiếp cận hiệu quả hơn
trước thách đố của sự nghèo đói, cách riêng khi ta nghĩ đến cảnh nghèo
cùng cực mà hàng triệu người vẫn đang sống. Cộng đồng quốc tế, ở buổi đầu ngàn
năm mới, đã đặt ra ưu tiên giảm số người nghèo đói xuống còn phân nửa vào năm
2015. Giáo hội ủng hộ và khuyến khích cam kết này và mời gọi tất cả những ai
tin vào Đức Kitô hãy chứng tỏ, một cách thực tế và trong mọi lĩnh vực, một
tình thương ưu tiên cho người nghèo (12).
Thảm kịch nghèo vẫn còn liên hệ mật thiết với vấn đề nợ
nước ngoài của các nước nghèo. Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh
vực này, vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Mười lăm năm trước đây, tôi
kêu gọi công luận chú ý đến sự kiện nợ nước ngoài của các nước nghèo “có liên
hệ mật thiết với một loạt những vấn đề khác như đầu tư nước ngoài, hoạt động
đúng đắn của các tổ chức quốc tế lớn, giá nguyên vật liệu, vân vân” (13). Những
bước tiến gần đây nhằm giảm nợ, tập trung chủ yếu vào nhu cầu của người nghèo,
chắc chắn đã cải thiện chất lượng sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì
một số yếu tố, sự tăng trưởng này về mặt định lượng vẫn chưa đủ, đặc biệt khi
ta xét đến các mục tiêu thiên niên kỷ. Các nước nghèo vẫn còn bị nằm trong một cái
vòng luẩn quẩn: thu nhập thấp và tăng trưởng thấp giới hạn các khoản tiết kiệm
và, đến lượt mình, các khoản đầu tư yếu và việc sử dụng không hiệu quả các
khoản tiết kiệm lại chẳng tạo ra đà tăng trưởng.
9. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố và chính
tôi đã tái khẳng định, phương tiện duy nhất thực sự có hiệu quả để các Nhà Nước
xử lý vấn đề trầm trọng đói nghèo là cung cấp cho họ các tài nguyên cần thiết
qua viện trợ tài chính nước ngoài – công và tư – được cấp với
những điều kiện hợp lý, trong khuôn khổ các quan hệ thương mại quốc tế được
điều chỉnh bởi công bình (14). Nhu cầu cấp thiết là một sự động viên về
luân lý và kinh tế, một sự động viên một mặt tôn trọng những hiệp định đã được
lập cho các nước nghèo, nhưng mặt khác nhằm rà soát lại những hiệp định mà kinh
nghiệm cho thấy có vẻ là cái gánh quá nặng trên các nước nghèo. Về mặt này, cần
đưa ra một động lực mới Viện trợ Công cho Phát triển, và nên thăm dò các
hình thức mới về tài trợ cho phát triển, dù cho có các khó khăn đến đâu (15).
Một số chính phủ đã xem xét cẩn thận các cơ chế đầy hứa hẹn cho chiều
hướng này; các sáng kiến có ý nghĩa này cần được thực hiện trên tinh thần chia
sẻ đích thực trong sự tôn trọng nguyên tắc bổ trợ. Việc quản lý các nguồn
tài chính dành cho việc phát triển các nước nghèo cũng cần sự tuân thủ chặt chẽ
các thực hành quản lý tốt, cả về phía nước cấp viện và nước tiếp nhận viện trợ.
Giáo hội khuyến khích và đóng góp vào các nỗ lực này. Thiết tưởng cũng cần nêu
nên sự đóng góp đáng kể của nhiều cơ quan Công giáo cho công cuộc viện trợ và
phát triển.
10. Cuối Đại Năm Thánh 2000, trong Tông Thư Khởi
Đầu Ngàn Năm Mới của tôi, tôi đã đề cập đến nhu cầu khẩn thiết về một sự
sáng tạo mới trong tình bác ái (16) để truyền bá Tin Mừng hy
vọng cho thế giới. Nhu cầu này được thấy rõ khi ta xem xét bao vấn đề khó
khăn đang án ngữ trên đường phát triển ở Châu Phi: vô số các cuộc xung đột
vũ trang, các dịch bệnh gây ra bởi cái nghèo cùng cực, và sự bất ổn chính trị
dẫn đến tình trạng mất an ninh tràn lan. Đây là những thảm trạng đòi hỏi một
hướng đi mới ở tận gốc rễ cho Châu Phi: có một nhu cầu về việc xác lập những
hình thái mới của liên đới, ở các cấp độ song phương và đa phương, thông
qua một sự cam kết mang tính quyết tâm hơn về phía tất cả, với niềm xác
tín hoàn toàn rằng sự an sinh của các dân tộc Châu Phi là một điều kiện không
thể thiếu được cho việc đạt được công ích toàn cầu.
Mong sao các dân tộc Châu Phi trở thành các chủ thể chính
tạo lập tương lai và phát triển nền văn hóa, dân sự, xã hội và kinh tế của
mình! Mong sao Châu Phi thôi là người nhận viện trợ, và trở thành một tác nhân
có trách nhiệm trong cuộc trao đổi có tính thuyết phục và sinh hoa kết quả! Để
đạt đến mục đích này, cần phải có một nền văn hóa chính trị mới, đặc biệt trong
lĩnh vực hợp tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn khẳng định rằng việc không tôn
trọng các lời hứa đã được lặp đi lặp lại trong dự án Viện trợ Công cho
Phát triển, vấn đề vẫn chưa giải quyết về các khoản nợ lớn nước ngoài của các
nước Châu Phi và việc không ban cho các nước này sự cứu xét đặc biệt trong các
quan hệ thương mại quốc tế, đã tạo nên các trở ngại lớn lao cho hòa bình; các
vấn đề này phải được xem xét và giải quyết một cách khẩn cấp. Ngày nay, hơn bao
giờ hết, điều kiện mang tính quyết định để mang lại hòa bình cho thế giới là
việc nhìn nhận sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước giàu và các nước nghèo, cho
đến nỗi “sự phát triển hoặc là sẽ được chia sẻ ở mọi vùng khắp thế giới hoặc sẽ
trải qua một tiến trình thoái bộ ngay cả tại các khu vực được ghi dấu là đã
tiến bộ không ngừng” (17).
Tình trạng phổ quát của sự dữ và niềm hy vọng Kitô giáo
11. Đối diện với nhiều thảm trạng hiện diện trên thế
giới, người Kitô hữu tuyên xưng với niềm tín thác khiêm hạ rằng chỉ có Thiên
Chúa mới có thể làm cho các cá nhân và các dân tộc chiến thắng được sự dữ và
đạt đến điều thiện. Qua sự chết và phục sinh của mình, Đức Kitô đã cứu ta và đã
chuộc ta “bằng một giá” (1Cr 6,20;7,23), đã đoạt được ơn cứu độ cho mọi
người. Với sự trợ giúp của Người, mọi người có thể chiến thắng sự dữ bằng
điều thiện.
Dựa trên xác tín rằng sự dữ sẽ không phải là kẻ chiến thắng,
người Kitô hữu nuôi dưỡng một niềm hy vọng bất khả chiến bại, duy trì
những nỗ lực của mình để thăng tiến công lý và hòa bình. Mặc dù có những tội cá
nhân và tội xã hội ghi dấu trên toàn bộ hoạt động của con người, niềm hy vọng
thì luôn đem đến một xung lực mới đối với việc dấn thân cho công lý và hòa
bình, cũng như đối với niềm tin vững chắc về khả năng xây dựng một thế
giới tốt đẹp hơn.
Mặc dầu “mầu nhiệm của sự gian ác” (2 Th 2,27)
hiện diện và tác quái trong thế giới, ta không được quên rằng nhân loại, đã
được cứu chuộc, có khả năng chống lại nó. Mỗi tín hữu, được tạo dựng giống hình
ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bởi Đức Kitô, “Đấng cách nào đó đã liên kết
chính mình với mỗi người” (18), có thể hợp tác vào chiến thắng của sự thiện.
Tác động của “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất” (x Kn 1,7). Do đó, các
Kitô hữu, đặc biệt các anh chị em giáo dân, không thể chôn kín niềm hy vọng của
mình trong thẳm sâu tâm hồn, nhưng phải diễn tả ra qua các cấu trúc cuộc sống
trần gian của họ trong sự hoán cải liên tục và trong cuộc chiến “với những bậc
thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph
6,12)(19).
12. Không một người nam nữ thiện chí nào có thể từ bỏ
cuộc đấu tranh chiến thắng sự dữ bằng điều thiện. Cuộc chiến này chỉ có thể có
hiệu quả với vũ khí tình yêu. Khi điều thiện chiến thắng sự dữ, tình yêu
thắng thế và nơi đâu tình yêu thắng thế, nơi đó có hòa bình. Đây là giáo huấn
của Tin Mừng, được Công đồng Vatican II lập lại: “Luật căn bản cho sự hoàn
thiện của con người, và do đó, cho sự chuyển hóa thế giới, là điều răn mới của
yêu thương” (20).
Điều này còn đúng trong các bầu khí xã hội và chính trị. Về
phương diện này, Đức Giáo hoàng Lêô thứ XIII viết rằng những ai có trọng trách
giữ gìn hòa bình trong các mối quan hệ giữa các dân tộc cần nuôi dưỡng trong
chính họ và nhóm lửa nơi những người khác “lòng bác ái, là hiền thê và là hoàng
hậu của tất cả mọi nhân đức” (21). Người Kitô hữu phải là những chứng nhân đầy
thuyết phục của chân lý này. Người Kitô hữu phải chứng tỏ qua cuộc sống của
mình rằng tình yêu là động lực duy nhất đem đến sự viên mãn cho cá nhân và xã
hội, là động lực duy nhất hướng dẫn dòng lịch sử theo con đường thiện hảo và
hòa bình.
Trong suốt năm nay được dành đã kính Thánh Thể,
nguyện xin mọi con cái nam nữ của Giáo hội tìm thấy nơi bí tích cao cả của
tình yêu suối nguồn của mọi hiệp thông: hiệp thông với Đức Giêsu Đấng Cứu
Chuộc và, trong Người, hiệp thông với mọi người. Qua cái chết và sự phục sinh
của Đức Kitô, Đấng hiện diện một cách nhiệm tích trong mỗi buổi cử hành Thánh
Thể, ta được cứu khỏi sự dữ và được ban cho khả năng thực thi điều thiện. Qua
cuộc sống mới do Đức Kitô ban, ta có thể nhận ra nhau là anh em, chị em của
mình, mặc dù mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch, và văn hóa. Nói tóm lại, qua
việc thông phần vào cùng một bánh và cùng một chén, ta đi đến nhận thức rằng ta
là “gia đình của Thiên Chúa” và rằng cùng với nhau, ta có thể đưa ra các
đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng một thế giới dựa trên các giá trị
công lý, tự do và hòa bình.
Từ Vatican,
8 tháng 12 năm 2004.
GIOAN
PHAOLÔ II
Đan Quang
Tâm dịch
CHÚ THÍCH
(1) Về
phương diện này, Thánh Augustinô nhận xét rằng “hai tình yêu đã hình thành hai
thành phố: yêu mình, đưa đến khinh chê Thiên Chúa, đã làm nảy sinh thành phố
tại thế; tình yêu Thiên Chúa, khinh chê chính mình, làm nảy sinh thành phố trên
trời” (De Civitate Dei, XIV:28).
(2) X. Diễn
văn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân Kỷ niệm 50 năm của Liên hiệp quốc (5/10/1995),
3: Insegnamenti XVIII/2 (1995), 732.
(3) Sách
Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1958.
(4) Gioan
Phaolô II, Bài giảng tại Drogheda, Ireland (29/9/ 1979), 9: AAS 71 (1979),
1081.
(5) Công
ích thường được hiểu rộng rãi như là “tổng hợp các điều kiện sống của xã
hội cho phép các tập thể và cá nhân đạt đến sự thành toàn của mình một cách
hoàn toàn hơn và nhanh chóng hơn”. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Vui
Mừng và Hy Vọng, 26.
(6) X.
Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417.
(7) Hiến
chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, 26.
(8) X.
Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 421.
(9) X.
Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991),
844.
(10) Hiến
chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, 69.
(11) X.
Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991),
837.
(12) X.
Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80
(1988), 572.
(13) Diễn
văn trước các Tham dự viên của Tuần Lễ Nghiên Cứu tại Giáo Hoàng Học Viện về
Khoa Học (27/10/1989), 6: Insegnamenti XII/2 (1989), 1050.
(14) X.
Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 56-61: AAS 59
(1967), 285-287; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis,
33-34: AAS 80 (1988), 557-560.
(15) X.
Gioan Phaolô II, Sứ điệp Gửi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa
bình: L'Osservatore Romano, 10/7/2004, p. 5.
(16) X. Số
50: AAS 93 (2001), 303.
(17) Gioan
Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 17: AAS 80
(1988) 532.
(18) Công
đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, 22.
(19) Công
đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Ánh Sáng Muôn Dân, 35.
(20) Hiến
chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, 38.
(21) Thông
điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII 11 (1892), 143; X.
Bênêđictô XV, Thông điệp Pacem Dei: AAS 12 (1920), 215.
Bản dịch của Đan Quang Tâm