ĐỨC TIN, HY VỌNG, TÌNH YÊU
Peter Seewald: Thưa Hồng Y,
có khi nào ngài cảm thấy sợ Chúa không?
Ratzinger: Có lẽ
nói sợ thì không đúng. Qua đức Ki-tô ta biết Chúa là ai rồi. Ngài yêu ta.
Ngài biết ta là người thế nào. Là xác thịt, là tro bụi. Vì thế Ngài chấp nhận
cái yếu đuối của ta.
Nhưng tôi luôn có cái cảm giác nóng bỏng là không chu toàn
ơn gọi của mình, không đáp ứng điều Chúa muốn, và đã không cho đi cái mình có
thể cho và phải cho.
Đã có lần nào Chúa phiền hà ngài hay đã có lúc nào ngài quyết định sai lầm?
Đã có lần nào Chúa phiền hà ngài hay đã có lúc nào ngài quyết định sai lầm?
Chúa không phải là người cảnh sát, mà cũng chẳng phải vị
quan toà chỉ muốn phạt mình. Nhưng, vì đức tin và nhiệm vụ được trao, mỗi ngày
tôi phải xét mình, xem đã làm gì phải hay không phải. Dĩ nhiên tôi cũng thấy có
điều lầm lỗi. Chuyện đó đã có bí tích hoà giải.
Tôi tin rằng người công giáo, trước hết nói chung, có cảm
nhận là được Chúa thứ tha. Hãy xem nghệ thuật Ba-rốc hoặc Rô-cô-cô. Ở đó
toát lên nét tươi vui thanh thoát. Không phải không có lí do mà người ta bảo
dân các nước công giáo điển hình như Í-đại-lợi hay Tây-ban-nha đều có tâm hồn
thanh thản.
Có lẽ cũng có những vùng ki-tô giáo, mà vì lối giáo dục hoặc
quan niệm lệch lạc, đã đề cao sự đe doạ và hình phạt, nhưng bản chất ki-tô giáo
không phải vậy. Theo tôi thấy, nói chung, những ai sống trong niềm tin của Giáo
hội, cuối cùng đều mang cảm nhận được cứu độ: Chúa không để mình hư mất!
Thỉnh thoảng Chúa có
dùng thứ ngôn từ thật cụ thể để nói với ta: „Được, cứ thế mà làm“. Hay: „Này
dừng tay lại, đây là lời cảnh cáo cuối cùng!“ không?
Tiếng Chúa nhỏ nhẹ lắm. Nhưng Ngài cho ta nhiều dấu chỉ. Có
thể khi nhìn lại, ta nhận ra dấu chỉ đó qua bạn hữu, qua một cuốn sách hay qua
một thất bại, thậm chí một tai nạn. Cuộc sống thật ra đầy những dấu chỉ
âm thầm như thế. Với đầu óc tỉnh táo, từ từ ta nhận ra cái toàn thể từ các dấu
chỉ đó, và ta bắt đầu cảm được Chúa đang dẫn dắt ta như thế nào.
Ngài trò chuyện với
Chúa một cách tự nhiên như khi gọi điện thoại?
Cũng có thể nói được như thế, trong mức độ nào đó. Tôi biết
Ngài luôn có đó. Và Ngài dĩ nhiên biết tôi là ai, và tôi là người như thế nào.
Nhất là khi tôi có nhu cầu muốn kêu Ngài tới, muốn tự thông báo và muốn thưa
chuyện với Ngài. Tôi có thể trao đổi với Ngài những chuyện thật đơn giản, thật
riêng tư, thật khó chịu cũng như điều lớn lao. Tôi gặp Ngài dễ dàng, suốt ngày
luôn có thể nói chuyện với Ngài.
Chúa luôn tỏ ra nghiêm
nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?
Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta
một cái và nhắc, này con, đừng coi trọng mình! Hài hước thực ra là một thành
phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu đế í, ta thấy Chúa nhiều lúc
trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hoá vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy
nhìn khía cạnh tươi vui, và đừng quên mặt hài hước của cuộc sống.
Đôi khi Ngài cũng phải
bực bội Chúa?
Dĩ nhiên nhiều lúc tôi cứ loay hoay với câu hỏi: Tại sao
Chúa không giúp tôi nhiều hơn? Đôi khi tôi thấy Ngài khó hiểu. Những khi bất
chợt gặp bực tức, tôi cũng cảm thấy Ngài bí ẩn và xa lạ. Nhưng trực tiếp giận
Chúa, như thế là ta đã kéo Ngài xuống quá thấp. Nhiều khi lỗi nằm chính nơi cơn
giận. Và nếu như cơn giận có lí do, thì ta phải nên tự hỏi, phải chăng Chúa
muốn dùng sự việc hay cá nhân nào đó làm ta giận để nhắn nhủ mình một chuyện gì
quan trọng? Tôi không bao giờ bực chính Chúa.
Mỗi sáng ngài bắt đầu
làm gì?
Trước khi đứng dậy, tôi cầu kinh một lát. Ngày tới sẽ khác,
nếu ta không nhảy bổ ngay vào nó. Rồi đến những việc khác như người ta vẫn làm
lúc sáng sớm, rửa ráy, ăn sáng. Sau đó dâng thánh lễ và đọc kinh nguyện. Hai
chuyện này là công việc chính trong ngày của tôi: Thánh lễ là cuộc gặp gỡ cụ
thể với đức Ki-tô phục sinh, và kinh nguyện là đi vào lời cầu lớn của lịch sử
cứu rỗi. Tôi thích nhất đọc Thánh Vịnh. Đó là lời cầu ngàn năm tiếp nối, và đọc
nó là ta nghe tiếng nói của các giáo phụ. Tất cả những thứ đó là cánh cửa dẫn
con người bước vào một ngày. Rồi tới công việc thường nhật.
Ngài cầu nguyện thường
xuyên?
Các giờ nguyện trong ngày là buổi trưa, theo truyền thống
Giáo hội, lúc đó ta cầu cùng thiên thần Chúa (kinh truyền tin). Buổi chiều có
kinh chiều, và tối có lời kinh tối của Giáo hội. Giữa những giờ kinh đó, khi
cảm thấy cần ơn Chúa, tôi đọc thêm những lần kinh ngắn.
Mỗi sáng ngài cầu kinh khác nhau?
Không, chỉ có một bộ kinh sẵn, đó là một chuỗi lời kinh
ngắn, nhưng đã được kết lại thành một công thức không đổi.
Theo ngài, nên đọc
kinh nào?
Mỗi người, tùy sở thích, có thể chọn cho mình một đôi kinh
trong kho tàng của Giáo hội.
Buổi tối, khi cảm thấy
mình bất an...
... thì tôi khuyên nên lần chuỗi. Ngoài tính chất linh
thiêng của lời kinh, chuỗi còn có tác dụng trấn an tâm hồn. Càng để tâm lập đi
lập lại lời kinh, ta quên đi những í nghĩ làm mình nặng đầu.
Nếu như có chuyện đau
đầu, thì ngài tự giải quyết chúng bằng cách nào?
Tại sao tôi lại được miễn những chuyện đau đầu? Một mặt, tôi
cố đưa chúng vào lời kinh nguyện, và cố bám chắc mình trong các lời kinh đó.
Mặt khác, tôi cố đề ra cho mình một công việc khác, đòi hỏi công sức thực hiện
cao hơn và đồng thời mang lại niềm vui cho mình. Và cuối cùng, nếu chưa hết,
tôi có thể giải toả chúng phần nào qua gặp gỡ bạn bè. Ba yếu tố đó quan trọng.
Tôi tin rằng ai cũng
có lúc cảm thấy mỏi mệt, bị xâu xé, bất lực, và thất vọng cũng như tức giận về
số phận xem ra âm thầm, bất công của mình. Ngài bảo đưa chúng vào kinh nguyện –
đưa bằng cách nào?
Có lẽ nên bắt đầu như ông Gióp. Thoạt tiên mình phải la
Chúa: Tại sao Chúa đối xử với con như thế? Tiếng la của Gióp là một tiếng la
thật, nó cũng nói cho ta biết, là mình có quyền làm như vậy – và ngay cả phải
làm như vậy. Dù Gióp có than trách Chúa thật, cuối cùng Ngài cũng phải cho ông
là có lí. Ngài bảo: Gióp làm đúng, còn những người khác, họ giải thích mọi
chuyện, nhưng đã không nói về Ta một cách đúng đắn.
Gióp nhảy vào cuộc đấu với những lời than trách Chúa. Nhưng
rồi dần dần ông nghe ra tiếng Ngài, và sự việc đã xoay sang một chiều hướng
khác. Nhờ đó, tôi bước ra khỏi tình trạng chỉ cảm thấy bị bách hại mà thôi, và
biết rằng, dù lúc này đây tôi chưa thể hiểu ra tình yêu của Chúa, nhưng tôi có
thể tin tưởng vào nó, và tin rằng, tình trạng đang xẩy ra cho tôi không hẳn là
xấu.
Có lẽ người ta nên
nghiêm khắc hơn đối với những chuyện đau đầu, đừng cho phép chúng lọt vào đầu
thì hơn.
Chẳng ai cấm được chúng. Các quyết định phải lấy, các thất
bại, hiểu lầm, thất vọng... là những thứ con người không thể tránh được, mà cũng
không nên tránh. Các vấn nạn khó khăn còn có tác dụng giáo dục, chúng giúp con
người tập giải quyết vấn đề. Nếu muốn trở nên hoàn toàn như thép hoặc chai
cứng, con người sẽ mất đi tính người và mất khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với
tha nhân. Ông Seneca*, một người theo chủ nghĩa khắc kỉ, đã nói: Đau khổ vì kẻ
khác là chuyện đáng tởm. Nhưng, nếu ta nhìn lên Chúa Ki-tô, ta thấy Ngài là
đấng đã vì ta mà khổ đau, và chính cái đó làm Ngài trở nên cao trọng đối với
ta. Có thể đau vì kẻ khác và có thể bị tổn thương là những thứ cũng thuộc bản
chất của người theo Chúa. Như vậy, mình phải học chấp nhận tổn thương, học sống
với tổn thương, và rốt cuộc phải tìm cách chữa lành chúng.
Nhiều người lúc nhỏ
biết cầu nguyện, tới một lúc nào đó thói quen biến mất. Phải học nói chuyện với
Chúa?
Cái bộ phận dành cho Chúa trong ta có thể bị hư, nó làm cho
ngôn ngữ đức tin mất hết í nghĩa. Vả, ai không còn nghe được thì cũng chẳng còn
nói được, bởi vì câm và điếc đi đôi với nhau.
Cầu nguyện cũng giống như ta học tiếng mẹ đẻ. Càng học, từ
từ mình càng lần ra được ngôn ngữ của Chúa và hiểu Ngài, cho dù Ngài vẫn luôn
ẩn mặt. Và lần hồi chính mình biết ra được cách cầu nguyện và nói chuyện được
với Chúa, bước đầu với những lời trẻ con – trong một í nghĩa nào đó chúng mình
vẫn luôn là trẻ con –, nhưng rồi càng lúc càng có được thứ ngôn ngữ riêng của
mình.
Có lần ngài nói: Ai
chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù…
…bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời
hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình
đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt. Vả
lại, ta cũng chẳng thấy đúng,nếu như ta không phóng tầm nhìn vượt trên những cảm
nhận giác quan trực tiếp.
Có người bảo, có được
đức tin cũng giống như mình có cú nhảy vọt từ ao ra biển. Ngài còn nhớ biến cố
đức tin lớn đầu đời của ngài không?
Nơi tôi, đức tin lớn lên một cách âm thầm. Dĩ nhiên có những
cao điểm, chẳng hạn như qua phụng vụ, qua thần học hay lúc suy tư đào sâu thần
học, mình bỗng gặp được một cái gì mới đưa mình lên và đẩy mình đi xa trong đức
tin. Tôi không thấy mình có được cú nhảy như anh nói. Mà trái lại, tôi như từ
vũng nước cạn dám liều lĩnh dè dặt bước ra, và từ từ cảm được đại dương đang
tới.
Tôi cũng nghĩ, đức tin không bao giờ là cái gì đã hoàn
chỉnh. Mà nó luôn phải được sống và thử thách trong cuộc sống, trong đau khổ,
cũng như trong những niềm vui lớn mà Chúa trao tặng cho ta. Nó chẳng bao giờ
như thể một đồng tiền mình có thể cầm bỏ túi.
MỘT HÌNH ẢNH VỀ CHÚA
Thỉnh thoảng đứa con
trai tôi hỏi: Ba có biết Thiên Chúa như thế nào không?
Có lẽ tôi sẽ trả lời nó: Thiên Chúa giống như đức Giê-su
Ki-tô. Đức Ki-tô cũng đã có lần nói: „Ai thấy tôi thì thấy Cha“. Và nếu như ta
nhìn toàn bộ lịch sử đức Giê-su - khởi đi từ máng cỏ, qua giai đoạn công khai,
những lời giảng giá trị và sống động, cho tới bữa tiệc li, tới thánh giá, phục
sinh và tới lệnh sai đi rao giảng -, ta sẽ nhìn ra phần nào khuôn mặt Thiên
Chúa. Khuôn mặt đó một đàng nghiêm trang và cao cả, vượt lên trên mọi khuôn
thước của chúng ta. Nhưng đồng thời nét tiêu biểu của khuôn mặt đó lại là
thương yêu, chấp nhận, muốn điều tốt lành cho ta.
Cũng có lời dạy, không
nên vẽ cho Thiên Chúa một bộ mặt nào.
Lời dạy đó không còn đúng hẳn, vì chính Thiên Chúa đã tỏ
mình ra cho ta. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nói về đức Ki-tô:
Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. Và nơi Ngài thể hiện mọi điều đã được nói tới
trong việc tạo dựng con người.
Đức Ki-tô là hình ảnh nguyên mẫu của con người. Thật ra,
chúng ta không thể trình bày chính Thiên Chúa trong nét bất tận muôn đời của
Ngài, nhưng chúng ta có thể trình bày Ngài qua hình ảnh chính Ngài đã tỏ ra. Từ
đây, ta không còn tạo ra một khuôn mặt nữa, mà chính Thiên Chúa đã tỏ khuôn
mặt ấy ra. Với khuôn mặt đó, Ngài nhìn ta và nói với ta.
Khuôn mặt đức Ki-tô, dĩ nhiên, không đơn giản là một ảnh
chụp khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng qua khuôn mặt của Đấng bị đóng đinh đó, ta
thấy được toàn bộ tiểu sử, nhất là tiểu sử nội tâm, của đức Giê-su. Khuôn mặt
đó dẫn ta vào một cái nhìn, trong đó các giác quan mở ra và vươn lên cao.
Ta có thể phác hoạ đức
Giê-su chỉ bằng vài nét tiêu biểu không?
Ở đây, ngôn ngữ loài người không đủ. Căn bản mà nói, đức
Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài vừa là Chúa vừa là người. Ngài chính là đấng
không những mang nét tài ba hoặc uy dũng của phàm nhân, mà còn được Thiên Chúa
xuyên chiếu. Có thể nói, khi nhìn đức Giê-su bị banh thây trên thánh giá, ta
thấy được Thiên Chúa như thế nào: là đấng đã tự trao tặng cho ta đến mức độ như
thế.
Đức Giê-su là một
người công giáo?
Điều này hẳn không nói được, vì Ngài vượt trên chúng ta.
Ngày nay người ta có một công thức ngược lại, bảo rằng Ngài là một người
Do-thái, chứ không phải là một ki-tô hữu. Điểm này cũng không đúng hẳn. Về
chủng tộc, thì Ngài là một người Do-thái. Là Do-thái, vì Ngài chấp nhận và sống
theo luật do-thái, và – dù bị chỉ trích – Ngài là một người Do-thái sùng đạo,
vì đã tuân giữ nội qui của đền thánh. Nhưng dù vậy, Ngài đã phá vỡ và vượt lên
trên Cựu Ước – qua sự uỷ quyền của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Đức Giê-su tự coi mình như là một Mai-sen mới và cao hơn.
Mai-sen này giờ đây không còn chỉ có việc giải thích, nhưng là làm mới. Ngài
vượt lên trên cái đã có, và qua đó tạo ra cái mới, nghĩa là mở rộng Cựu Ước ra
cho một dân tộc không còn đóng khung trong Do-thái nữa, nhưng toả ra cả thế
giới và không ngừng lớn rộng. Như thế, Ngài là điểm xuất phát của đức tin, và
là vị mà Giáo hội công giáo biết rằng vị đó muốn mình trở nên như thế, nhưng dù
vậy, Ngài vẫn chẳng phải đơn thuần là một thành phần trong chúng ta.
Bằng cách nào và từ
lúc nào ngài biết được Thiên Chúa muốn gì nơi ngài?
Ý của Thiên Chúa không dừng lại ở một lúc nào cả, thành ra
để hiểu Ngài muốn gì, tôi nghĩ, mình phải luôn học đi học lại. Tuy nhiên, nếu
anh muốn nói tới cái quyết định làm linh mục, cái hướng nền tảng mà tôi đã nhắm
tới, thì đó là một quá trình chín muồi cao độ đã xẩy ra, cũng có khi khá phức
tạp, trong những năm tôi học thần học. Tôi gặp con đường đó nhờ qua việc gần
gũi với Giáo hội, qua các vị thầy linh mục hướng dẫn và bạn đồng hành, dĩ nhiên
qua Kinh Thánh. Khởi đầu là cả một mớ tương giao phức tạp, từ từ với thời gian
mới rõ dần ra.
Nhưng cũng có lần ngài
nói, ngài đã có một „cuộc gặp gỡ thực sự“ với Thiên Chúa khi quyết định chọn
nghề linh mục. Cuộc gặp gỡ đó giữa Chúa với hồng y Ratzinger xẩy ra như thế nào?
Dĩ nhiên không như một cuộc hẹn hò giữa hai con người. Có lẽ
có thể diễn tả nó như có một cái gì chạm tới da mình rồi chạy vào nung đốt lòng
mình. Rồi mình thấy là sự việc giờ đây không thể khác đi được, thật đơn giản,
đó là con đường đúng. Không phải là một gặp gỡ theo nghĩa giác ngộ thần bí. Nó
không nằm trong lãnh vực kinh nghiệm, để mình được phép ba hoa về nó. Nhưng có
thể nói, toàn bộ cuộc vật lộn đó đã dẫn tôi tới một nhận thức rõ ràng và thúc
bách, mà thâm tâm tôi coi đó là ý Chúa muốn.
„Thiên Chúa đã yêu bạn
trước“, đó là lời dạy của đức Ki-tô. Và Ngài yêu bạn bất chấp nguồn gốc và giá
trị của bạn. Phải hiểu lời đó như thế nào?
Nên hiểu lời đó từng chữ như đã viết, và tôi cũng cố hiểu
như vậy. Bởi vì đó quả thật là động lực sống lớn cho chúng ta, và cũng là niềm
an ủi mà chúng ta cần. Mà ta luôn cần những thứ đó.
Ngài đã yêu tôi trước, trước khi chính tôi có thể yêu. Tôi
sở dĩ được tạo thành, là chỉ vì Ngài đã biết và đã yêu tôi trước. Như vậy, như
Heidegger* nói, không phải ngẫu nhiên mà tôi bị ném vào thế giới và phải
lần mò trong đại dương cuộc sống này, nhưng đã có một nhận thức, một ý tưởng và
một tình yêu đi trước. Tình yêu đó có mặt nơi nền tảng hiện hữu của tôi.
Điều quan trọng cho mỗi người, cái làm cho cuộc sống họ trở
nên đáng trọng, là biết rằng mình được yêu. Một cá nhân có thể thắng vượt được
hoàn cảnh nghiệt ngã, khi người đó biết rằng có ai đó đang chờ mình, có người
thương mình, cần mình. Chúa đã có đó và yêu tôi. Và đó là cái nền khả tín tôi
dựa trên đó mà sống, và cũng từ nền đó tôi hoạch định cho chính cuộc đời mình.
..................................
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên
Chúa và Trần Thế - Tin và Sống
trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển
ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott
und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“