Bản viết của Phạm Hồng Lam
Chú giải của L.Cadière
NGƯỜI TÂY PHƯƠNG ĐẶT CHÂN LÊN ĐẤT VIỆT NAM
Âu và Á châu cùng ở trên cựu lục địa, từ đời thượng cổ đã
giao thông với nhau, việc giao thông đó không phải thường thường có luôn. Sử
Tàu chép: năm 166 (sau Thiên Chúa giáng sinh) đã có những lái buôn La Mã, mà
người Tàu gọi là sứ thần, đến triều đình Trung Quốc sau khi qua nước ta. Đến
năm 226, trong đời Tam quốc, lại có một lái buôn La Mã đến thủ đô quận Giao
chỉ, viên thái thú quận đó cho thủ hạ đưa người này đến kinh đô nước Ngô vì lúc
đó đất Giao chỉ thuộc về Đông Ngô cai trị.
Đến thế kỷ 13, vì quân Mông Cổ sang xâm lược Âu châu, đến tận miền Trung Âu, nên Đức Giáo Hoàng [1] mới phái người sang Tàu để điều đình với các vua Mông Cổ [2]. Năm 1271, hai người trong họ Polo ở thành Venise là Nicolo và Mattéo đã sang Trung Quốc đến tận kinh đô của nguyên Thế Tổ tức Hốt Tất Liệt. Lại đến năm 1275, Marco Polo [3] là con Nicolo cùng cha và chú lại do đường bộ qua miền Cận Đông và Trung Á, cao nguyên Parmir sang nước Tàu đến kinh đô của Hốt Tất Liệt hồi đó là Cambaluc ở gần Bắc Kinh. Marco Polo rất được Nguyên chúa tin dùng, giao cho nhiều công việc trọng đại. Khi thì Marco Polo ở trong triều giúp các việc chính trị và hành chính, khi thì được vua phái đi sứ ở các miền Hoa trung, Hoa nam cùng Vân Nam và các nước lân cận Trung Hoa như Chiêm Thành, Ba Tư, có khi lại được cử làm tổng trấn một tỉnh lớn. Chắc hẳn trong khi từ Vân Nam sang Chiêm Thành, viên “sứ thần Mông Cổ”, Marco Polo, có đi qua nước Việt Nam vì trong cuốn “Thế giới kỳ quan” (Les Merveilles du monde) Marco Polo cũng có nói qua xứ Bắc Kỳ. Sau 17 năm ở Tàu, ba người trong họ Polo mới có dịp về Âu Châu.
Năm 1291, Nguyên Thế Tổ sai ba người này đi đường bể đưa
một công chúa Mông Cổ sang Ba Tư để gả cho vua Mông Cổ ở xứ Ba Tư là Arghoun
vừa mới góa vợ. Marco Polo từ giã Nguyên chúa và mang theo thư của ngài gửi cho
Đức Giáo Hoàng và vua các nước Pháp, Anh cùng Castille rồi xuống tàu qua bể
Trung Quốc, Ấn Độ dương đến Ormuz (Ba Tư). Marco Polo chắc hẳn có ghé lại kinh
đô Đồ Bàn của người Chàm và vì ngược gió nên phải dừng ở bờ bể Sumatra trong
năm tháng. Khi Marco Polo đưa công chúa Mông Cổ đến nơi thì vua Ba Tư đã chết,
người con vừa lên nối ngôi lại thay cha lấy công chúa. Ba người trong họ Polo
từ Ba Tư đi đường bộ Tanris, Azerbeidjan và Trébizonde đến Constantinople và
năm 1295 mới về đến Venise. [4]
Đến thế kỷ 15, ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb) mới dùng địa bàn chỉ nam [5] định đi qua Đại Tây Dương để tìm đường thuỷ sang Ấn Độ, nhưng lại tìm thấy A-mỵ-lợi-gia (Amérique) tức Tân Thế giới [6]. Năm 1497, người Bồ Đào Nha (Portugal) là ông Vasco de Gama đi vòng qua Hải Vọng giác (Cap Bonne Esperance) ở phía nam Phi châu sang Ấn Độ Dương vào đất Ấn Độ. Năm 1521, lại có người Tây Ban Nha (Espagne) là Magellan đi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đến quần đảo Phi luật tân. Chính nhà thám hiểm này đã đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên và tìm ra eo biển Magellan ở phía Nam Mỹ châu, nhưng sau ông bị giết ở Phi luật tân.
Từ đó về sau người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha và người Hà Lan mới tranh nhau sang Á Đông lấy đất thuộc địa và mở cửa hàng buôn bán ở nhiều nơi. Năm quý hợi (1563) về đời Gia Tĩnh nhà Minh, người Bồ Đào Nha đến đất Áo Môn (Macao) ở bờ bể nước Tàu. Năm mậu thìn (1568), người Tây Ban Nha sang chiếm quần đảo Phi luật tân. Năm 1596, người Hà Lan lấy đất Chà-và (Java) làm thuộc địa. Về sau dần dần người Bồ Đào Nha, người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây mới đến Ấn Độ.
Ngay từ thế kỷ 15, 16, người Âu châu đã biết bờ bể của nước ta, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 17 thì người Tây phương mới bắt đầu giao thiệp với người Việt Nam ta. Lẽ tự nhiên là những người Âu đã ở cõi Á Đông trong hồi đó để chân lên đất Việt Nam trước tiên. Người Bồ Đào Nha thì từ Áo Môn đến trong khi có gió mùa đông bắc, người Tây Ban Nha từ Manille đến, người Hà Lan từ Chà-và và người Pháp và người Anh thì từ Ấn Độ sang. Người Âu châu bắt đầu tiếp xúc với người nước Nam ở xứ Đàng Trong (Cochinchine) trước [7], rồi sau mới dần dần ra Bắc. Chỗ người Âu đến buôn bán và mở cửa hàng trước hết là ở Hội An (Faifo), một nơi người Tàu và người Nhật đã đến từ trước. Mỗi lần đến, họ đem nhiều hàng hóa đến bán, rồi lại mua các sản vật của nước ta chở về nước.
Các chúa Nguyễn cai trị trong Nam hồi đó đang đánh nhau với chúa Trịnh, tưởng có thể lợi dụng được người Âu giúp mình đánh kẻ thù, nên tiếp đãi họ rất tử tế, lại cho phép được thương đi lại buôn bán. Chúa Nguyễn hay giao thiệp với người Bồ Đào Nha. Một người nước đó tên là Jean de la Croix năm 1614 (?) đã đến ở gần Huế mở lò đúc súng tại đấy, ngày nay vẫn gọi là Thợ Đúc hay là phường Đúc [8] và được chúa Sãi cho phép mở nhà thờ và tiếp giáo sĩ trong nhà [9]. Về việc đóng tàu, thì người Đàng Trong cũng học người Âu Châu nhiều. Có sách lại nói chính nhờ người Bồ Đào Nha giúp đỡ, nên quân chúa Nguyễn mới thắng nổi quân Trịnh.
Sau đó ít lâu người Tây phương mới đến Bắc Kỳ và các tàu của người Âu châu mới vào cửa Thái Bình và cửa Luộc.
Người Bồ Đào Nha không lập nhà buôn ở trong xứ, chỉ vào khoảng hai tháng décembre và janvier thì tàu buôn của họ từ Áo Môn đến Bắc Kỳ chỉ ở lại ít lâu để bán hàng hóa và mua các sản vật trong xứ để chở về. Khác với người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Pháp lại xin phép mở hiệu buôn ở Phố Hiến hay là Phố Khách gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay. Người Anh và người Hà Lan lại được phép mở cả hiệu buôn ở phố bờ sông kinh đô Kẻ Chợ tức Hà Nội ngày nay. Người Hà Lan được phép mở hiệu buôn từ năm 1637 dưới đời vua Lê Thần Tôn và chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Đến năm 1672, đời vua Lê Hi Tôn chiếc tàu Zant của người Anh do Andrew Parrick làm hạm trưởng, mới đến Bắc Kỳ, có cả người lái buôn tên là William Gifforp và năm người làm cho công ty Ấn Độ của người Anh cũng đáp tàu đến. Chúa Trịnh Tạc cho phép người Anh ở Hiến Nam.
Về người Pháp thì từ năm 1669 mới có tàu của Pháp vào xin mở cửa hàng ở Phố Hiến. Mấy năm sau 1682, lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Xiêm La sang đem phẩm vật và thư của vua Louis XIV dâng vua Lê Hi Tôn và chúa Trịnh.
Ở miền Nam, năm 1686, có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù lao Côn Lôn. Đến hơn 50 năm sau, 1749, lại có một người Pháp là Pierre le Poivre vừa là giáo sĩ, vừa là một công chức ở đảo France, vừa là nhà buôn do công ty Ấn Độ của người Pháp phái sang xứ Đàng Trong để giao thiệp, gây tình thân thiện và mở thêm một đường thông thương mới cho người Pháp. Pierre Poivre trước đã từng có ở bên Tàu. Ngày 29 tháng tám 1749, ông đáp tàu Machault đến Hội An (Faifo). Poivre ở Hội An ít lâu rồi đi đường bộ đến Thuận Hóa vào yết kiến Võ vương để dâng lễ vật và thư xin thông thương. Võ vương tiếp P.Poivre rất tử tế và cho phép được đi lại buôn bán. Nhưng về sau vì công ty Ấn Độ của Pháp bãi đi và nhiều việc khó khăn khác nên việc thông thương cũng không thể tiếp tục được.
Các công ty thương mãi của người Âu lập ra hồi đầu thập thất thế kỷ vẫn để ý đến nước Việt Nam và việc mở mang sự buôn bán với nước ta, nhưng sau cả người Anh và người Hà Lan đã mở cửa hàng cũng phải bỏ đi, có lẽ là vì việc buôn bán ở ta hồi đó không được lợi lắm.
Trong các người Anh đến Nam kỳ về hồi cuối thế kỷ 17, nên kể đến Thomas Bouyear là người đã đến kinh đô Thuận Hóa vào năm 1695 dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu hay là Quốc chúa niên hiệu là Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế, người Âu thường gọi là Minh Vương, vị chúa Nguyễn thứ sáu. Người Anh này cũng đem phẩm vật đến dâng chúa Nguyễn để điều đình việc thông thương; nhưng sau cuộc điều đình không có kết quả mấy.
Đồng thời với các tàu buôn Âu châu, ngay từ thế kỷ 16 đã có một vài giáo sĩ Tây phương đến xứ ta; nhưng cũng chỉ đến, rồi ở ít lâu lại cùng đi với các tàu đó. Bước sang đầu thế kỷ thứ 17, số giáo sĩ sang nước ta mới càng ngày càng nhiều, việc truyền giáo mỗi ngày mỗi thịnh và số giáo dân trong nước ở Bắc Kỳ cũng như ở trong Nam càng ngày càng nhiều thêm. Trong số các giáo sĩ không những là người Âu châu mà lại có cả các giáo sĩ và các thầy giáo lý người Nhật Bản… vì đạo Thiên Chúa bắt đầu truyền từ giữa thế kỷ 16 và đã có hồi rất thịnh hành ở xứ đó.
Xem thế ta biết rằng các giáo sĩ đi truyền đạo sang Á Đông không phải đã đến nước ta trước hết.
Người Việt Nam ta vốn tính tình nhã nhặn, trung hậu, không hề có ý ác cảm với người ngoài như các giáo sĩ và các người Tây phương đầu tiên đã công nhận. Vì thế mà khi các giáo sĩ mới vào nước ta đều được dân ta tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến các vua quan nước ta, trong hồi bấy giờ cũng có ý muốn thân thiện với người ngoại dương, để bắt chước những điều khôn ngoan của họ, để mở mang việc buôn bán trong nước và có khi cũng để lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào việc mình. Nhưng về sau chỉ vì nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc mà gây nên một mối nghi kỵ giữa người ngoài và người Việt Nam ta.
Hồi đó cả các giáo sĩ và các nhà buôn Tây phương vẫn thường bị coi là những kẻ do thám hoặc những người đưa đường dẫn lối cho các nước thực dân Âu châu, có ý muốn dòm dõi nước ta.
Đạo Thiên Chúa thì bị coi lầm là một tà đạo, có thể làm hại đến thuần phong mỹ tục và những tập quán cổ truyền trong nước; còn những kẻ theo đạo thì cũng bị người khác cho là những kẻ đã đi ngược với luân thường đạo lý, có thể làm đảo lộn trật tự cựu truyền và lay chuyển cả nền tảng luân lý và có thể đưa nước nhà đến sự nguy vong. Một ít việc bất ngờ xảy ra và một số người ghen ghét, đố kỵ hoặc cạnh tranh về vấn đề tôn giáo lại càng giúp cho mối ngờ vực đó tăng thêm, để đến nỗi đã phải gây ra bao cảnh thê thảm, bao cuộc xung đột lưu huyết như ta đã thấy.
Cũng do mối nghi kỵ đó mà sau này gây nên nhiều vấn đề chính trị và tôn giáo có quan hệ đến cuộc giao thiệp của nước ta với các nước Âu châu và đến vận mệnh cả một dân tộc hơn 20 triệu người ở trên bán đảo Ấn độ China này.
Chú thích:
[1] Giáo hoàng Nicolas IV. Lúc ấy nước ta thuộc về đời vua Trần Nhân Tôn Thiệu Bảo, bên Tàu thuộc về đời nhà Nguyên vua Thế Tổ.
[2] Dân Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã thâu nhập cả Á châu, phá tan Nga, đi đến trung tâm Âu Châu và trận đại thắng ở Lignitz (1241) đã đem dân Mông Cổ lên làm bá chủ một phần lớn ở cựu lục địa.
[3] Marco Polo sinh tại thành Venise (Ý) năm 1254, sau mấy năm làm thượng quan cho Hoàng đế nhà Nguyên, Marco Polo trở về tổ quốc, và đến năm 1325 ông chết tại Venise.
[4] Do người Tàu biết dùng từ 1000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, sau dạy cho người Ả Rập và đến thế kỷ 13 người Ả Rập mới truyền cho người Âu châu.
[5] Sau 24 năm sống ở nước Trung Quốc, lúc ấy Venise với Gênes đương kịch liệt cạnh tranh để dành ngôi bá chủ ở Địa Trung Hải.
[6] Cha dòng Dominicô Diègo Déza làm phụ cánh cho Infant de Castille đã giúp Christophe Colomb một cách đắc lực trong việc này. Tối ngày 11 rạng ngày 12 Octobre 1492, đoàn tàu Kha Luân Bố tới đảo Guanahamt.
[7] Gaspard de Santa Crux tới Cần Cao năm 1550 (theo Déb.du Christ par Bonifacy).
[8] Ở Dương Xuân Hạ, hiện nhà thờ phường Đúc là nhà thờ xưa nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và có lẽ cứ theo anh Thanh Tịnh, là nhà thờ đầu tiên của Hội Thánh dựng nên ở đất Đàng Trong. Nhà thờ này năm 1905 Đức cha Lý và cố Kính đã tu bổ lại.
Ở tại họ thợ Đúc ngày 30 Novembre 1835 cố Du (Joseph Marchaud) đã chịu xử bá đao. Chính tại chỗ nhà thờ Thợ Đúc, ngày 23 Octobre 1833 ông đội Paul Bường xin chịu chém, nhưng đoàn lính dẫn ông thấy trời tối (lúc ấy vào khoảng 8 giờ) bèn ngừng lại trước nhà con gái ông… rồi hạ đao. Hiện nay có hai cái bia của Đức cha Gaspar xây ghi nhớ hai nơi các thánh tử đạo.
[9] Chuyện người thợ đúc Jean de la Croix sẽ kể rõ sau. Người lái Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha này đến Thuận Hóa từ năm nào sử không chép rõ, nhưng có lẽ là sau năm 1614 như cuốn Nam sử của C.Maybon đã chép.
Phạm Hồng Lam