Dẫn nhập
Phân tích thuật chuyện và cấu trúc sử dụng lối tiếp cận đồng
đại (approche synchronique), vì thế phương pháp này lấy bản văn làm trọng tâm
và xem bản văn như một tổng thể có ý nghĩa. Khi áp dụng phân tích thuật chuyện
và cấu trúc vào Tin Mừng Gio-an, tác giả G. S. Sloyan viết: “Chúng ta có thể
thoáng thấy lịch sử của cộng đoàn Gio-an qua cửa sổ Tin Mừng, nhưng mục đích của
tác giả sách Tin Mừng trước tiên không phải là lịch sử mà là một câu chuyện
tường thuật” (G. S. SLOYAN, What are They Saying about John?, New
York, Mahwah, Paulist Press, 1991, p. 5).
Phương pháp thuật chuyện và cấu
trúc lấy bản văn làm dữ liệu để phân tích và xem bản văn như một bức tranh để
chiêm ngắm hay một toà nhà để thăm viếng. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc
giúp độc giả quan sát chính bức tranh hay toà nhà văn chương để tìm ra ý nghĩa
của các chi tiết trong bức tranh hay trong toà nhà ấy. Xem mục “Tiếp cận lịch
đại và tiếp cận đồng đại” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 14-16.
Để áp dụng hiệu quả phương pháp phân tích thuật chuyện và
cấu trúc, cần phân biệt giữa “sự thật bản văn” và “sự thật lịch sử”. Sự thật
lịch sử phức tạp và huyền nhiệm. Sự thật này vượt ra khỏi tầm tay của độc giả,
bởi vì độc giả chỉ có trong tay bản văn mà thôi. Cho dù bản văn phản ánh một số
chi tiết lịch sử, nhưng bản văn và lịch sử là hai thực tại khác nhau, không
trùng khớp với nhau. Mục đích của phân tích thuật chuyện và cấu trúc là đi tìm
ý nghĩa của câu chuyện được kể lại trong bản văn chứ không đi tìm lịch sử. Tìm
hiểu lịch sử là việc làm của các nhà sử học.
Phân biệt “sự thật lịch sử” và “sự thật bản văn” giúp độc
giả không dẫm chân lên lãnh vực sử học và chú tâm vào việc tìm hiểu ý nghĩa của
bản văn.
Phần sau đây sẽ trình bày ba mục:
1) Phân biệt thực tế lịch sử với tình tiết trong bản văn.
2) Phân biệt nhân vật lịch sử và nhân vật trong bản văn.
3) Phân biệt “tác giả, độc giả thực sự” và “tác
giả, độc giả tiềm ẩn”.
Đây là những đóng góp độc đáo của lối phân tích thuật chuyện
và cấu trúc vào việc tìm hiểu bản văn Kinh Thánh.
1. Phân biệt thực tế lịch sử với các tình tiết trong bản văn
Phân biệt thực tế lịch sử với những gì được thuật lại trong
bản văn là điều quan trọng. Đây là hai thực tại có liên hệ với nhau, nhưng
chúng hoàn toàn khác nhau. Sự phân biệt này giúp độc giả tránh được những bối
rối, khi thấy cùng là một sự kiện, nhưng các sách Tin Mừng thuật lại với những
chi tiết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn và không thể dung hoà được với nhau.
Chẳng hạn, các sách Tin Mừng đều nói về phép lạ hay dấu lạ
Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều. Trình thuật “Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều” được
thuật lại trong các sách Tin Mừng ở Mc 6,30-44; 8,1-19; Mt 14,13-21; Lc
9,10-17; Ga 6,1-13. Có nhiều chi tiết khác nhau trong các trình thuật. Khi so
sánh trình thuật “Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều” trong Tin Mừng Mác-cô và trong
Tin Mừng Gio-an, độc giả sẽ thấy nhiều chi tiết khác nhau. Trong đó, điểm khác
biệt đáng chú ý là: Theo trình thuật Mc 6,30-44, sau khi Đức Giê-su làm phép lạ
bánh hoá nhiều, Người trao cho các môn đệ và các môn đệ cho phân phát cho dân
chúng ăn. Ý tưởng này được nhấn mạnh, vì trước khi làm phép lạ, Đức Giê-su nói
với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Người thuật chuyện
cho độc giả biết: Đức Giê-su thực hiện lời nói trên (Mc 6,41) khi kể rằng: “Người
(Đức Giê-su) cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời chúc tụng
bẻ bánh ra và trao cho môn đệ [của Người] để các ông dọn ra cho họ” (xemTin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt). Khác với Tin Mừng Mác-cô,
Tin Mừng Gio-an trình bày dấu lạ bánh hoá nhiều cách khác: Chính Đức Giê-su
phân phát cho đám đông ăn. Ga 6,11 cho biết: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, tạ ơn,
trao cho những người ngồi đó. Cá, Người cũng làm như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ
ý” (xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba thư, Hy Lạp – Việt).
Nếu không phân biệt thực tế lịch sử với bản văn, độc giả sẽ
bối rối vì không biết trình thuật của Tin Mừng Mác-cô hay của Tin Mừng Gio-an
đúng với thực tế lịch sử. Trước đây, các nhà Kinh Thánh đã đưa ra những giả
thuyết để trả lời cho câu hỏi này, nhưng không đạt được sự đồng thuận vì thiếu
những bằng chứng có sức thuyết phục để khẳng định trình thuật của Tin Mừng nào
(Mác-cô hay Gio-an) đúng với thực tế lịch sử hơn. Hơn nữa, giả như biết được
Tin Mừng nào đúng với thực tế lịch sử hơn thì cũng chẳng ích lợi bao nhiêu cho
việc tìm hiểu ý nghĩa của bản văn.
Tìm hiểu Kinh Thánh theo hướng này có nguy cơ làm nghèo sự
phong phú của bản văn và có thể dẫn đến việc coi trọng bản văn này hơn bản văn
khác, vì nghĩ rằng bản văn này phản ánh đúng lịch sử hơn bản văn kia. Việc phân
biệt “thực tế lịch sử” với “sự thật trong bản văn” giải thoát độc giả khỏi
những khó khăn trên đây để đi tìm giá trị mặc khải trong tất cả các bản văn
Kinh Thánh. Độc giả sẽ thấy rằng: Cả hai trình thuật Đức Giê-su hoá bánh ra
nhiều (trong Tin Mừng Mác-cô và trong Tin Mừng Gio-an) đều quan trọng. Mỗi
trình thuật trình bày một khía cạnh mặc khải về vai trò của Đức Giê-su và vai
trò của các môn đệ.
Khi viết sách Tin Mừng, các tác giả đã dựa vào những gì Đức
Giê-su thực hiện trong cuộc đời công khai. Về mặt lịch sử, có thể khẳng định
Đức Giê-su đã thực hiện phép lạ bánh hoá nhiều. Nhưng các chi tiết lịch sử của
biến cố này vượt khỏi sự nắm bắt của độc giả, bởi vì các tác giả sách Tin Mừng
không thuật lại biến cố như báo chí tường thuật sự kiện. Mục đích của các tác
giả sách Tin Mừng khi kể lại câu chuyện là nhằm chuyển tải cho một cộng đoàn cụ
thể (cộng đoàn Mác-cô, cộng đoàn Gio-an...) những thông điệp chứa đựng trong
bản văn với mục đích là giúp động đoàn hiểu giáo huấn của Đức Giê-su và sống
niềm tin của họ.
Phân tích thuật chuyện và cấu trúc cố gắng tìm ra những
thông điệp chứa đựng trong bản văn, chứ không đi tìm thực tế lịch sử đằng sau
câu chuyện. Lựa chọn về phương pháp này giúp độc giả nhận ra sự phong phú của
bản văn qua những khía cạnh mặc khải phong phú trong từng bản văn. Chẳng hạn, trình
thuật bánh hoá nhiều trong Tin Mừng Mác-cô nhấn mạnh đề tài: “Sự cộng tác của
các môn đệ vào sứ vụ của Đức Giê-su”, vì Người trao cho các ông nhiệm vụ phân
phát bánh cho dân chúng. Còn Tin Mừng Gio-an lại nhấn mạnh đến căn tính của Đức
Giê-su qua việc chính Người cho dân chúng ăn. Đức Giê-su của Tin Mừng Gio-an
cho dân chúng ăn, vì chính Người là bánh từ trời xuống và chính Người ban sự
sống cho thế gian. Trong phần diễn từ về bánh sự sống (Ga 6,25-59), Đức Giê-su
khẳng định với đám đông đã chứng kiến dấu lạ bánh hoá nhiều: “32A-men, a-men,
Tôi nói cho các ông: Không phải Mô-sê đã cho các ông bánh bởi trời, nhưng chính
Cha của Tôi cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực,33vì bánh của Thiên Chúa
là bánh xuống từ trời, và ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,32-33).
Tóm lại, phân biệt thực tế lịch sử với bản văn, và đi tìm ý
nghĩa của câu chuyện được kể lại chứ không đi tìm thực tế lịch sử, cho phép độc
giả đọc ra được những điểm thần học quan trọng trong cả hai trình thuật bánh
hoá nhiều trong Tin Mừng Mác-cô và trong Tin Mừng Gio-an.
2. Phân biệt “nhân vật lịch sử” và “nhân vật trong bản văn”
Từ phân biệt thực tế lịch sử với các tình tiết được thuật
lại trong bản văn như trên, dẫn đến phân biệt các nhân vật lịch sử với các nhân
vật trong bản văn. Cũng tương tự như sự rộng lớn và huyền nhiệm của thực tế
lịch sử so với các chi tiết trong bản văn, sự thật về các nhân vật lịch sử cũng
rộng lớn, huyền nhiệm và bí ẩn hơn so với những gì được thuật lại trong bản văn.
Chẳng hạn, nhân vật Giu-đa được thuật lại trong bốn sách Tin
Mừng cho độc giả biết một số chi tiết về con người Giu-đa lịch sử. Nhưng vẫn
còn đó một khoảng cách lớn lao giữa nhân vật lịch sử và nhân vật trong bản văn.
Nhân vật lịch sử có những chuyển biến nội tâm trong từng khoảng khắc, nên vượt
ra khỏi sự nắm bắt của độc giả. Bởi vì cái độc giả có trong tay là một số chi
tiết về nhân vật trong bản văn chứ không phải là nhân vật lịch sử. Phân tích
thuật chuyện và cấu trúc giới hạn lãnh vực nghiên cứu trong bản văn. Nói cách
khác, phân tích thuật chuyện và cấu trúc không có thẩm quyền nói về lịch sử.
Hãy để các nhà sử học nghiên cứu nhân vật lịch sử, còn nhiệm vụ của phân tích
thuật chuyện và cấu trúc là tìm hiểu nhân vật văn chương, đó là nhân vật được
thuật lại trong bản văn.
Mỗi đoạn văn trình bày các nhân vật với những chi tiết khác
biệt. Có thể lấy nhân vật Giu-đa làm ví dụ. Mỗi sách Tin Mừng vẽ lên khuôn mặt
nhân vật Giu-đa với những đường nét khác nhau. Chẳng hạn, sau khi nộp Đức
Giê-su và thấy Người bị kết án thì Giu-đa hối hận đem ba mươi đồng bạc trả lại
cho các thượng tế và kỳ mục. Chi tiết này chỉ được thuật lại trong Tin Mừng
Mát-thêu (Mt 27,3). Trong Tin Mừng Gio-an, nhân vật Giu-đa được trình bày với
nhiều nét đặc trưng khác so với Tin Mừng Nhất Lãm.
Có thể kể năm đặc điểm của nhân vật Giu-đa trong Tin Mừng
Gio-an:
(1) Nhân vật Giu-đa trong bản văn Gio-an thường được gọi là
“người sẽ nộp Đức Giê-su”. Kiểu nói này mở đầu (Ga 6,60-71) và kết thúc câu
chuyện về Giu-đa (Ga 13,1-32).
(2) Nhân vật Giu-đa được đề cao khi Giu-đa được gọi là “Một
người trong Nhóm Mười Hai”, nhưng nhân vật này lại có liên hệ với quỷ và Xa-tan
(Ga 6,70-71; 13,2.27).
(3) Sự hiện diện cũng như sự vắng mặt của Giu-đa trong nhóm
các môn đệ là dấu hiệu sự khủng hoảng trong nội bộ nhóm các môn đệ về lòng
trung tín đối với Thầy. Vì Giu-đa là một người trong Nhóm đã nộp Thầy và đã rời
khỏi Nhóm (Ga 13,30).
(4) Trong đoạn văn Ga 13,1-32, Giu-đa là một nhân vật không
có cảm xúc, không nói một lời nào, Ga 13,1-32 mở đầu bằng chi tiết: “Quỷ gieo
vào lòng Giu-đa ý định nộp Đức Giê-su” (Ga 13,2) và kết thúc câu chuyện với
việc “Xa-tan nhập vào Giu-đa (Ga 13,27). Những chi tiết này cho thấy chính quỷ
và Xa-tan đứng sau việc Giu-đa nộp Thầy.
(5) Cuối cùng Giu-đa rời khỏi bữa ăn, đi ra ngoài, lúc đó
trời đã tối (Ga 13,30). Giu-đa đi vào “đêm tối” để thực hiện ý định “đen tối”
của thế lực “bóng tối”. (Xem phân tích về nhân vật Giu-đa trong bài viết: “cấu trúc”, “nhân vật”, “thời gian” và “không gian” trong Ga
13,1-32).
Các chi tiết riêng của Tin Mừng Gio-an về nhân vật Giu-đa
trên đây gợi lên những ẩn ý sâu xa về thần học. Trong đoạn văn Ga 13,1-32, nhân
vật Giu-đa không bày tỏ cảm xúc, không nói lời nào, nhưng mau mắn hành động:
“Sau khi nhận lấy miếng bánh, ông ấy [Giu-đa] đi ra ngay lập tức. Lúc đó, trời
đã tối” (13,30). Những chi tiết trong đoạn văn Ga 13,1-32 liên quan đến Giu-đa
đã làm cho nhân vật này trở thành công cụ của quỷ, công cụ của Xa-tan. Nếu như
khi những người Do Thái tìm giết Đức Giê-su là họ đang làm công việc của quỷ
(Ga 8,44) thì khi Giu-đa nộp Đức Giê-su, ông ấy cũng đang thực hiện công việc
của quỷ và là người thuộc về quỷ.
Đây là nét đặc trưng của nhân vật Giu-đa trong Tin Mừng
Gio-an. Nhân vật Giu-đa được thuật lại như trên có ý nghĩa đối với độc giả. Bản
văn gợi đến hoàn cảnh của cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I và qua đó là cộng
đoàn người tin qua mọi thời đại. Trong hoàn cảnh cộng đoàn bị bách hại, có thể
đã xuất hiện những thành viên trong cộng đoàn nộp Thầy, nộp anh em mình. Như
Giu-đa là “một trong Nhóm Mười Hai”, có thể một số môn đệ Đức Giê-su đã trở
thành công cụ của quỷ và làm công việc của quỷ. Như thế, nhân vật Giu-đa trở
thành lời cảnh báo cho từng thành viên trong cộng đoàn, đồng thời mời gọi độc
giả đừng trở thành công cụ của quỷ, nhưng hãy lắng và thực thi giáo huấn của
Đức Giê-su. Trong hoàn cảnh bị thử thách, người môn đệ hãy xác tín vào tình yêu
Đức Giê-su dành cho mình (Ga 13,1) và tin là Đức Giê-su đã chiến thắng thế lực
đen tối (Ga 16,33), nhờ đó người môn đệ có thể trung tín với Thầy cho đến cùng.
Xem phân tích nhân vật Giu-đa trong bối cảnh khủng hoảng của các môn đệ, trong Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, tr.
80-91.
3. Phân biệt “tác giả, độc giả thực sự” và “tác
giả, độc giả tiềm ẩn”
Trong chiều hướng phân biệt thực tế lịch sử với bản văn,
phân tích thuật chuyện và cấu trúc phân biệt “tác giả và độc giả thực sự” với
“tác giả và độc giả tiềm ẩn”. (Xem mục “tác giả thực sự” và “tác giả tiềm ẩn” trong bài viết “Ba
phương pháp phân tích, ba cách đặt câu hỏi” cũng như các khái niệm về “tác
giả” và“độc giả” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 37-41.
Thông thường một tác phẩm xuất hiện là do một hay nhiều tác
giả viết ra cho một nhóm độc giả nào đó. Tác giả viết ra tác phẩm là những con
người cụ thể trong lịch sử, nên gọi là “tác giả thực sự”. Độc giả mà “tác giả
thực sự” nhắm đến, gọi là “độc giả thực sự”. Chẳng hạn, bốn sách Tin Mừng được
biết ra bởi các tác giả được linh hứng. Các tác giả đã sống vào thế kỷ I là các
“tác giả thực sự” đã viết các sách Tin Mừng cho “những độc giả thực sự”. Họ là
cộng đoàn Mát-thêu, cộng đoàn Mác-cô, cộng đoàn Lu-ca và cộng đoàn Gio-an. Đây
là những cộng đoàn đã cưu mang và đón nhận sách Tin Mừng được viết ra cho họ.
Họ là những “độc giả thực sự” của sách Tin Mừng.
Tương tự như “nhân vật lịch sử”, “tác giả thực sự” và “độc
giả thực sự” là đối tượng nghiên cứu của ngành sử học. Cuộc đời của “tác giả
thực sự” và “độc giả thực sự” này rộng lớn và phong phú hơn rất nhiều so với
những chi tiết thuật lại trong bản văn. Để giới hạn lãnh vực và phạm vi nghiên
cứu, phân tích thuật chuyện và cấu trúc lấy bản văn làm đối tượng để tìm hiểu,
nên các lối phân tích văn chương này chỉ có thể nói tới “tác giả tiềm ẩn” và
“độc giả tiềm ẩn”. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc không chú trọng đến “tác
giả thực sự” và “độc giả thực sự” mà tập trung tìm hiểu “tác giả tiềm ẩn” và
“độc giả tiềm ẩn”.
“Tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn” là những khái niệm
giúp hiểu bản văn. “Tác giả tiềm ẩn” là hình ảnh tác giả được xây dựng lên bằng
những chi tiết và những đặc điểm trong bản văn. Chẳng hạn, “tác giả tiềm ẩn”
của Tin Mừng Gio-an thích kiểu hành văn “hiểu lầm” và “châm biếm”; thích sử
dụng một số từ ngữ đặc thù, như chỉ dùng từ “dấu lạ” mà không dùng từ “phép
lạ”; chỉ dùng từ “môn đệ” chứ không dùng từ “tông đồ”; thích dùng ngôn ngữ biểu
tượng như “ánh sáng”, “bóng tối”, “ở lại” trong ai đó v.v…; thích dùng diễn từ
sau các dấu lạ v.v… Tất cả những đặc tính này được rút ra từ bản văn và có thể
kiểm chứng trong bản văn. Càng đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta càng biết hơn rõ
khuôn mặt của “tác giả tiềm ẩn”.
“Độc giả tiềm ẩn” là độc giả được giả thiết là hiểu được
những gì “tác giả tiềm ẩn” muốn nói qua bản văn. Vì thế, càng đọc bản văn chúng
ta càng xích lại gần với “độc giả tiềm ẩn”, nhờ dần dần hiểu được những ẩn ý mà
“tác giả tiềm ẩn” muốn nói. Độc giả ngày nay, chưa phải là “độc giả tiềm ẩn” mà
đang cố gắng đứng vào vị trí của “độc giả tiềm ẩn” nhờ phân tích và tìm hiểu ý
nghĩa bản văn.
Kết Luận
Sự phân biệt giữa lịch sử và bản văn như trên là yếu tố nền
tảng trong cách phân tích thuật chuyện và cấu trúc. Tôn trọng lãnh vực nghiên
cứu sử học và khai thác bản văn như một bức tranh, một toà nhà để tìm hiểu ý
nghĩa của nó là đóng góp độc đáo của phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào
việc học hỏi và tìm hiểu Kinh Thánh hiện nay. Có thể xem những bài viết khác
trong mục: “Phương Pháp và kỹ thuật hành văn Kinh Thánh”./.
Ngày 01 tháng 04 năm 2012.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com