Hình: "Frieden" của Dhyana
“Vinh
danh Thiên Chúa trên trời
Bình
an dưới thế cho loài người Chúa thương”
Sau ngày 30-04-1975, khi tiếng súng ngừng
hẳn, hai miền Nam Bắc thống nhất, hoà bình về trên quê hương Việt Nam, ai cũng
nghĩ từ đây chiến tranh, hận thù chém giết không còn, mọi người sẽ được sống
trong cảnh “thái bình thịnh trị”. Thế nhưng thực tế không phải như thế. Thời
gian gần đây người dân luôn sống trong nơm nớp lo âu. Những băng đảng giang hồ
thanh toán nhau bằng súng đạn giữa ban ngày trong thành phố như trong phim xã
hội đen mà dân lành dễ bị “tai bay vạ gió”. Những cuộc chém giết lạnh lùng để
đòi nợ, để trả thù, để dằn mặt không chút xót thương, đôi khi nạn nhân lại là
những người hoàn toàn vô tội bị chết oan. Chỉ vì tranh chấp nhà cửa ruộng đất,
vì ghen tuông, vì đồng tiền mà chồng đốt chết vợ, con chém chết cha, cháu đánh
chết bà. Chạy xe thì lo gặp tai nạn vì bị rớt xuống những “hố tử thần”, vì
những tài xế xay xỉn chạy ẩu, vì gặp đám quái xế “đi bão”. Trời mưa thì sợ chết
vì rò rỉ điện, vì cây rớt, vì sụp hố. Trong nhà ngoài phố đâu đâu cũng thấy bạo
lực, hận thù, chết chóc.
Giữa tháng 11-2010, một nhóm học sinh lớp
10 trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) đang trên đường đi học về thì bị một nhóm
thanh niện khác chận lại, dùng lưỡi lê đâm chết tại chỗ em Đặng Hoàng Tiến (15
tuổi) ngay gần khu vực cổng trường. Hung thủ là học sinh trường Nam Sài Gòn,
khai đâm chết Tiến là do xích mích chuyện tình ái.
Cách đây một năm, tại trường THCS Tân Bình,
do tranh dành bạn gái, một học sinh lớp 8 tên Lê Công Hoàng đã đánh nhau và
dùng dao thủ sẵn đâm Minh gục ngay giữa sân trường. Hoàng tiếp tục đâm trọng
thương 2 học sinh khác vào can ngăn trước sự chứng kiến của hàng trăm học sinh,
giáo viên, giám thị…
- Chiều 06-12, anh Nguyễn Đức Lộc (28 tuổi)
cùng bạn là Châu Đoàn Vũ (26 tuổi) đi dự tiệc sinh nhật bạn ở tỉnh Bình Dương,
khi chạy xe máy đến ấp Bình Đường 2, xã An Bình, huyện Dĩ An thì va chạm với
nhóm “choai choai” đi đường dẫn đến đánh nhau. Hậu quả, Lộc bị chém chết tại
chỗ, Vũ bị thương nặng (Báo Thanh Niên
08-12-2010).
- Trần thị Bích Trâm (23 tuổi, Kiên Giang)
bị công an huyện Nhà Bè bắt giữ để làm rõ hành vi giết người. Do mâu thuẫn gia
đình, Trâm dùng dao đâm chết chồng là anh Nguyễn Thành Công (24 tuổi) tại nhà
trọ xã Phước Kiểng, Huyện Nhà Bè (Báo Tuổi Trẻ 10-12-2010).
Bao lâu nay hoà bình vẫn luôn là khát vọng
thâm sâu nhất của nhân loại. Ai cũng mong mỏi hoà bình, nhưng dường như con
người chẳng bao giờ được sống trong an bình, lúc nào cũng lo sợ chiến tranh và
bạo lực. Hegel đã phải chua xót nhận xét rằng: “Lịch sử nhân loại là một núi sọ hay một thung lũng đầy xương khô. Những
thời kỳ hạnh phúc chỉ là những trang giấy trắng!" Hòa bình ơi!
Từ Việt Nam nhìn ra thế giới, ta thấy nhận
xét của Hegel quả không sai. Trong thế kỷ 20, hai cuộc thế chiến đã tiêu diệt
hơn 50 triệu sinh mạng. Năm 1945, trái bom nguyên tử đầu tiên thả xuống
Hiroshima chỉ trong vài phút đã tàn sát hàng trăm ngàn thường dân vô tội. Sau
thế chiến II, hơn 20 triệu người đã bị chết thảm khốc trong 150 cuộc chiến.
Những cuộc chiến ngày càng bùng nổ với mức độ tàn phá ghê gớm và thảm khốc hơn
bởi những vũ khí tinh vi hủy diệt hàng loạt do chính con người chế tạo ra để
hủy diệt con người.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời với nỗ lực
xây dựng nền hòa bình trên hành tinh này với lời cam kết: "Chúng tôi, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết
tránh cho các dân tộc thảm họa chiến tranh". Thế nhưng từ đó đến nay,
súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, và máu vẫn chảy. Thế giới đang lo sợ cuộc chiến tranh
nguyên tử giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên mà hậu quả thật khôn lường. Hiểm hoạ
chiến tranh hạt nhân luôn ám ảnh và đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Hoà bình vẫn là mơ ước ngoài tầm tay với,
vì nỗ lực của các quốc gia giải quyết những tranh chấp và xung đột bằng đối
thoại và bất bạo động dường như phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ
mạnh. Hoà Bình ơi!
Giáo Hội Công Giáo cũng miệt mài tìm kiếm
nền hòa bình đích thực cho nhân loại. Năm 1920, Đức Bênêdictô XV ban hành thông
điệp “Hoà Bình của Thiên Chúa” (Pacem Dei). Từ năm 1939 đến 1957, qua các Sứ
Điệp Giáng Sinh, Đức Piô XII luôn kêu mời các nhà lãnh đạo các quốc gia trên
thế giới hãy kiến tạo một nền hòa bình đích thực trên hành tinh này và cùng
nhau xây dựng một thế giới liên đới công bằng. Năm 1963, Đức Gioan XXIII ra
thông điệp "Hoà Bình Trên Thế Giới" gởi đến tất cả những người thành
tâm thiện chí trên thế giới để kêu gọi các quốc gia xây dựng một nền hoà bình
chống lại chiến tranh. Năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng
"Công Lý và Hòa Bình", và từ năm 1968, lập ra ngày "Hoà Bình Thế
Giới" cử hành vào ngày mồng một tháng giêng hàng năm. Đức Gioan Phaolô II
đã tổ chức những buổi "cầu nguyện liên tôn" cho hoà bình tại Assisi
và đưa ra sáng kiến "Ăn Chay vì Hoà Bình". Năm 1986, ăn chay để kêu
gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Năm 1993 và 1994, ăn chay cho hòa bình tại
Bosnia. Năm 2001, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới sau biến cố 11-9
tại Hoa Kỳ.
Muốn có được nền hòa bình đích thực, con
người không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ quân bị, thực
thi công lý, nhưng còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình
yêu thương, được thể hiện qua lòng biết lòng xót thương nhau như Chúa đã dạy : “Phúc
cho ai biết xót thương người thì sẽ được Chúa xót thương”. Hai quốc gia không
gây hấn nhau, không xâm phạm chủ quyền của nhau, nhưng không quan hệ với nhau,
không giúp đỡ nhau thì mới dừng lại ở mức thực thi công lý. Tôi không làm thiệt
hại gì ai, không lỗi đức công bằng với ai, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm đến
ai, “sống chết mặc bay” thì tôi vẫn còn phải đấm ngực vì “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và …những điều
thiếu sót”!
Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn
tả mối tương quan giữa lòng thương xót và công lý như sau: "Lòng thương xót đích thực là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh
công lý. Nếu công lý tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người
liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và
chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót, mới
có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót Kitô giáo là hiện
thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người, và do đó cũng là
hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý
cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên sự bình đẳng do công lý mang
lại chỉ giới hạn ở lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng
thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính
con người, với phẩm giá riêng của mỗi người".
Trong sứ điệp "Ngày Hòa Bình Thế Giới"
năm 1998, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắc đến mối tương quan giữa
công lý và lòng xót thương: "Công lý
vừa là một nhân đức luân lý vừa là một khái niệm pháp lý. Ðôi khi công lý được
biểu thị như một người mắt bít kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của nó là sáng suốt
và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến kích một
sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá
hủy, đưa tới hòa giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó,
công lý bén rễ trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa
nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc
ác".
Đúng như thế, khi “công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”
và có nguy cơ châm ngòi cho những cuộc chiến. Những bữa tiệc buffet linh đình cả
trăm đô, những lễ đài nguy nga hàng trăm triệu, những lễ hội với sân khấu lộng
lẫy hoàng tráng tiêu tốn bạc tỉ, những món quà lưu niệm cho lễ hội được tính
bằng vàng…tất cả sự hoang phí đó được biện minh là để lo cho lợi ích chung, là
của ân nhân tự nguyện đóng góp, đâu có bóc lột của ai, đâu có vi phạm công lý.
Trong khi đó những người dân nghèo thấp cổ bé họng chỉ được đứng vòng ngoài
nhìn những lễ hội một cách thòm thèm mà xót xa cho sự tốn kém lãng phí. Những
nạn nhân lũ lụt bởi “thiên tai” hay “nhân tai” đang mòn mỏi trông chờ từng gói
mì, lon gạo, bịch quần áo cũ mà vẫn chưa có. Nếu bớt đi những chi phí không cần
thiết mang nặng tính khoa trương trong những lễ hội đạo cũng như đời để làm
công việc bác ái, để xây những trường học, bệnh viện, mái ấm cho trẻ mồ côi,
người khuyết tật, già neo đơn, để làm những cây cầu cho vùng nông thôn, để giúp
học bổng cho các sinh viên học sinh hiếu học. Nếu làm được như vậy thì những lễ
hội mới mang được ý nghĩa đích thực, mới để lại dấu ấn cho người tham dự lẫn
người không được mời tham dự! Bằng không, người tổ chức và người tham dự lễ hội
đã trở thành “lạnh lùng-vô cảm” vì đã tách “công lý” khỏi “lòng thương xót”.
Không đóng góp chia sẻ vật chất, thậm chí cũng không chia sẻ mất mát tinh thần,
không dành ra ít phút tưởng niệm, tưởng nhớ những nạn nhân lũ lụt, mà vẫn nhởn
nhơ vui chơi ăn uống ca hát nhảy múa trong những lễ hội thì lòng xót thương quả
là món hàng quý hiếm trong thời đại này.
Tôi không đụng chạm ai, cũng đừng ai đụng
đến tôi. Tôi không làm thiệt hại ai mà cũng chẳng giúp đỡ ai. Tiền của tôi muốn
làm gì tôi làm. Tôi phải lo cho anh em tôi, gia đình tôi, hội đoàn tôi, nhà thờ
tôi, giáo xứ tôi. Cũng đúng thôi. Thế nhưng còn đồng bào tôi, giáo hội tôi thì ai
lo? Đồng bào và giáo hội đó cũng là của tôi mà. “Công lý tách khỏi lòng thương xót sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”
Đức cố Gioan Phaolô II đã nhận định thật chính xác và chua xót.
Thượng Hội Đồng các Giám Mục về "Công
Lý Trong Thế Giới Hôm Nay" đã xác quyết: "Không thể tách rời công lý và tình yêu Kitô giáo đối với tha
nhân. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công lý, nghĩa là việc
nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân; đồng thời công lý chỉ đạt
tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là
hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và anh em của Ðức Kitô, người Kitô hữu nhìn
thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa, và yêu sách tuyệt đối về công lý
cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa".
Chính vì tin tưởng vào xác quyết đó mà có một
giáo xứ ở thành phố khi mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, cha xứ đã kêu gọi giáo
dân trong xứ đóng góp để xây dựng một ngôi nhà nguyện cho anh em dân tộc ở vùng
sâu vùng xa thay vì làm cuốn “kỷ yếu” hay ăn uống tiệc tùng tốn kém. Chính vì
“nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa” mà hàng ngàn người tham dự
thánh lễ và giờ cầu nguyện lòng thương xót mỗi chiều thứ năm tại một xứ đạo đã
chắt chiu hàng tuần để chuyển hàng trăm tấn gạo đến cho đồng bào lũ lụt Miền
Trung, tặng quà Noel cho bệnh nhân trại phong ở Bắc Ninh, người khuyết tật ở
Thái Bình và hàng ngàn học bổng cho sinh viên học sinh nghèo hiếu học. Chính vì
thấy “yêu sách tuyệt đối về công lý cũng
như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa” cho nên một vài xứ đạo đã
có những phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mái ấm cho người già neo đơn,
thăm viếng và chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cũng như
ngoài giáo xứ, nhất là nơi vùng sâu vùng xa. Ước mong những đốm lửa này được
lan rộng hơn nữa.
Chúa
Kitô được Isaia loan báo là “một trẻ thơ đã
chào đời để cứu ta. Một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền
bính trên vai. Danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người
Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẻ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa
bình vô tận…" (Is 9, 5-6).
Đức Kitô, vị thủ lãnh có đầy “dũng mãnh” và
“quyền bính trên vai” nhưng không thống trị, áp bức người dân bằng quyền lực, bằng
lý lẽ của kẻ mạnh. Vị thủ lãnh ấy không phải là “ông vua con một cõi” muốn gì
là giáo dân phải vâng phục, phải chấp hành bất chấp điều ấy có hợp tình hợp lý
hay không. Trái lại vị thủ lãnh đó “đã chào đời để cứu ta”, đã đối xử với người
dân như “người Cha muôn thuở” chứ không như vua chúa quan liêu hống hách với bề
tôi. Đó là vị “thủ lãnh hoà bình” chứ không phải thủ lãnh chỉ lo củng cố địa vị
ngai vàng của mình, đi gây hấn, gây ảnh hưởng, gây thù chuốc oán, gây tang thương
chết chóc cho dân lành.
Vị thủ lãnh hoà bình đó “là bình an của
chúng ta” và “đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù
ghét. Nhờ thập gía, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong
một thân thể duy nhất; trên thập gía, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến
loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-16). Chính vị thủ
lãnh hoà bình đó đã giao hòa loài người với Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người mà làm cho muôn vật được hoà
giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,19-20).
Bình an chỉ có được khi ta biết xót thương
người vì cảm nghiệm chính ta luôn được Chúa xót thương, dù ta có tội lỗi yếu
hèn thế nào đi chăng nữa. Bình an chỉ có được từ lòng xót thương. “Thương người
như thể thương thân”. Thương xót con người trầm luân trong đau khổ mà tôi không
chất thêm khổ đau cho họ nữa. Tôi tập nhường nhịn, tha thứ, không chấp nhất,
không xô xát, to tiếng, chen lấn giành giật. Tâm tôi có được bình an khi không
còn bị xao động bởi những ham muốn, háo danh, ganh tỵ, ghen ghét, muốn hơn người.
Làm sao tôi có được bình an khi chung quanh
tôi còn bao người đau khổ cùng cực? Làm sao xã hội gọi là bình an khi người ta
vẫn sống dửng dưng vô cảm trước khổ đau của đồng loại, khi tiêu tốn lãng phí
trong những lễ hội mà không chạnh lòng nghĩ tới đồng bào mình đang sống trong cảnh
màn trời chiếu nước ? Chính lòng xót thương thúc đẩy tôi dấn thân đi chia sẻ,
làm việc bác ái, vun đắp an vui, giúp con người sống hòa bình với chính mình và
với tha nhân. Đó chính là cách thực hiện lời mời gọi của vị chủ chăn giáo phận
“chung sức xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương” để “bước
theo Chúa Kitô sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng.”
Muốn “xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và
văn minh tình thương” thì lời “Kinh Hoà Bình” của Thánh Phanxicô Assisi, giáo
huấn của Ðức Kitô, và đặc biệt là “Bài Giảng Trên Núi” phải trở thành kim chỉ
nam, thành hiến chương cho cuộc sống của những người đi xây dựng hoà bình theo
chân vị “thủ lãnh hoà bình” là Đức Kitô:
"Phúc
cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc
cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc
cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc
cho ai khát khao nên công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.
Phúc
cho ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc
thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc
cho ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ" (Mt. 5,3-10).
“Tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn “thiên
hạ bình” thì trước tiên “thân phải tu”. Tu tập để có lòng thương xót, có từ
tâm.
“Tình
yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương
xót, mới có thể trả con người về lại với chính mình.”
Không có tình yêu và lòng thương xót thì
bao giờ mới có hoà bình?
Lm. Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể
Lm. Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể