"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hy vọng và bình an


Kinh Thánh kể rằng khi chúa Giêsu ra đời, các thiên thần đã tới hát lên: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Những người thiện tâm chắc phải là những người dễ đạt được tấm lòng bình an hơn những người không lo chăm bón, tưới tẩm hạt giống thiện. Tại sao chúng ta vẫn muốn nguyện cầu cho những người thiện tâm được bình an hơn nữa? Có lẽ vì tự thân phận nhỏ nhoi của con người chính chúng ta không có cái thước đo tuyệt đối về điều thiện; Vì thế không thể tự mình phán đoán lòng mình được bình an thật hay chưa.

Một người dữ mà hành động ác chắc chắn gây đau khổ cho người khác. Nhưng một người nghĩ rằng mình thiện mà lòng không sáng suốt thì khi hành động sai lầm có thể còn gây đau khổ gấp trăm, gấp ngàn, gây thêm khổ đau cho hàng triệu người khác. Mà không thể sáng suốt được, nếu trong lòng không đạt cảnh bình an. Nếu như tham dự vào niiềm vui mùa Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh có thể giúp cho mỗi người chúng ta bình an hơn, thì đó là một ơn sủng lớn, cho cả nhân loại.

Trong thế kỷ vừa qua loài người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng mà những người khởi xướng thường bắt đầu với khát vọng hướng về điều thiện; nhưng kết quả lại mang lại thêm nhiều khổ đau hơn là mang lại an vui, hạnh phúc. Có những người tự coi mình là có thiện chí, rồi cầm dao xách súng đi giải phóng mọi người, khăng khăng bắt cả xã hội phải để cho mình giải phóng. Họ gây tàn hại như những bạo chúa khát máu. Bởi vì tự trong lòng họ, chính họ không bình an.

Khi đọc Kinh Hòa Bình chúng ta thấy những lời cầu nguyện cho chính mình có khả năng đem tình yêu thương vào nơi oán thù, đối đãi với nhau với tấm lòng khoan dung, tha thứ. Khoan dung, tha thứ là cách biểu lộ tình yêu thương cụ thể, có cách nào khác tốt hơn không?

Đối với mỗi cá nhân, tập được đức khoan dung là điều khó. Nếu chúng ta có tôn giáo, tin tưởng ở một con đường cứu rỗi, chúng ta có thể nhìn ngẫm tấm gương của Chúa Giêsu, của Phật hay các vì thánh nhân khác, để tập sống đức khoan dung của các ngài, tập cho đến nhập tâm. Lúc đó chính lòng mình cũng bình an.

Nhưng vượt trên các cá nhân, cả tập thể, một gia đình, một nước, một xã hội, thì phải làm gì để thể hiện đức khoan dung?

Chắc có nhiều cách lắm. Loài người đã thử nghiệm nhiều phương pháp sống với nhau sao cho an lành. Có lúc phương pháp này đem lại kết quả tốt một thời gian, rồi lại sinh ra các biến chứng tai hại, phải tìm ra phương pháp khác. Cho đến thế kỷ 18, và kéo dài cho tới bây giờ, một cách sống chung mang lại nhiều kết quả tốt là chế độ dân chủ tự do.

Có nhiều thứ đáng nói về đặc tính của một chế độ dân chủ tự do, nhân ngày Giáng Sinh hãy nêu lên một đặc điểm, là trong một xã hội dân chủ tự do người ta có thể sống khoan dung với nhau. Dù mỗi cá nhân chưa tu tập đủ để sống khoan dung trong chính đời sống hàng ngày của mình; nhưng các định chế tự do dân chủ bảo đảm đức khoan dung được thể hiện trong pháp luật.

Chế độ dân chủ tự do đặt trên giả thiết rằng loài người rất phức tạp, mỗi người một ý, một sở thích, và quyền lợi thế nào cũng có lúc xung khắc. Không những thế, ngay cả khi mọi người đều đồng ý với nhau về các giá trị chung, như công bằng, bác ái, tự do, trật tự, hòa hợp, vân vân, thì ngay trong hệ thống giá trị đó, cũng có nhiều xung khắc, có lúc xã hội cũng phải lựa chọn giá trị này mà hy sinh giá trị khác. Khi nào thì chúng ta thấy tự do là điều tối quan trọng? Khi nào thì chúng ta phải hy sinh bớt tự do để sống hòa hợp và trật tự hơn? Khi nào thì việc thực hiện công bằng sẽ làm chúng ta thui chột tấm lòng bác ái? Biết bao nhiêu thứ giá trị chung của nhân loại tự chúng cũng xung đột; loài người phải chọn liều lượng gia giảm cho thích hợp với từng xã hội, từng thời điểm, từng nền văn hóa khác nhau.

Muốn sống được với nhau an lành thì loài người phải đặt ra một số quy tắc cho việc lựa chọn chung. Trong lịch sử đã có những vị minh quân đóng vai quyết định cho tất cả thần dân, nhiều người đã tạo được các triều đại bình an, thịnh vượng. Nhưng sau khi họ chết đi rồi, không có gì bảo đảm là con cháu họ sẽ tiếp tục những triều đại vàng son khác. Ông Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Sử Trung Quốc đã nhận xét rằng trong các triều đại ở Trung Hoa có quá nhiều vị hoàng đế tàn bạo hay bất lực, nếu so sánh thì thấy thời Đế quốc La Mã có nhiều hoàng đế anh minh kế tiếp nhau nhiều hơn. Tại sao? Vì các hoàng đế Trung Hoa theo chế độ cha truyền con nối. Trong khi đó một thời đế quốc La Mã các vị hoàng đế phải được nguyên lão nghị viện bầu cử. người Trung Hoa nếu may mắn thì “gặp được” ông vua con tốt như ông vua bố; mà hiện tượng này có xác suất rất thấp. Nói theo sử gia Will Durant thì người dân phải chịu một canh bạc của di truyền học. Người La Mã chia quyền chọn hoàng đế cho nhiều người cùng quyết định. Họ không phải những người hoàn toàn, nhưng có nhiều người tham dự thì cũng tăng xác suất cho việc họ chọn được một minh quân! Đến khi người La Mã cũng chơi trò cha truyền con nối ở ngôi hoàng đế thì dân chúng lại phải gánh chịu trò đỏ đen của số mệnh!

Cho đến nay chế độ dân chủ tự do có những quy tắc tương đối hữu hiệu nhất để người dân một nước cùng với nhau lựa chọn kẻ cầm quyền. Nhờ thế tạo được bình an cho xã hội dễ hơn. Chế độ dân chủ đã định chế hóa đức khoan dung cho mọi người, nhờ thế mà tấm lòng khoan dung của mỗi người cũng dễ nẩy nở hơn. Chúng ta đã sống qua thế kỷ 20 với những người mơ mộng tính đem lại hạnh phúc cho muôn dân bằng cách bắt người ta xếp hàng vào trại cải tạo! Chính những người lãnh tụ đó, như Stalin, Mao Trạch Đông, như Pol Pot, trong lòng họ không bình an. Ví thử họ biết đem yêu thương vào nơi oán thù, biết khoan dung, tha thứ, thì người dân chắc may mắn được nhờ.

Chúng ta không thể đem đời sống cả xã hội làm trò đen đỏ. Cần phải ấn định các thủ tục, các quy tắc sống chung để xã hội được bình an, bảo đảm đức khoan dung được thể hiện, nghĩa là chấp nhận các ý kiến đối lập. Và sau cùng, đặt ra một luật chơi, để cho người dân bỏ phiếu tự do lựa chọn! Người dân có thể nhầm; mà sau mỗi cuộc bầu cử thì bên thua phiếu thường kết luận là bên đa số đã chọn lầm. Nhưng ít nhất dân chúng không sợ trở thành nạn nhân của các bạo chúa tiếm quyền, hay những người tưởng mình có từ tâm nhưng làm toàn những việc tác hại.

Trong ngày Giáng Sinh này có lẽ chúng ta nên nói về hy vọng nhiều hơn là ôn lại những quá khứ đen tối. Từ mấy chục năm gần đây phải nói rằng chế độ dân chủ tự do đã được đem ra áp dụng ở nhiều nước hơn. Các chế độ độc tài cũng cứ phải mạo danh dân chủ. Năm 1947 trên thế giới có khoảng 39 nước có thể coi là theo chế độ dân chủ tự do; năm 1970 có được 40 nước. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, con số đã tăng vọt lên. Năm 2007 có tới 123 quốc gia đang áp dụng thể chế dân chủ, gồm 58% dân số trên trái đất. Theo đà này thì chúng ta có thể tin trong thế kỷ 21 loài người sẽ sống khoan dung với nhau hơn, lòng người sẽ bình an hơn.

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: LamHong.org