Bài viết trình bày sơ lược về ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh, sau đó phân tích những đặc trưng của “điều răn mới” trong Tin Mừng Gio-an. Bản văn Kinh Thánh dùng trong bài viết được dịch từ bản Híp-ri và Hy Lạp. Trong bài viết, động từ Hy Lạp agapaô dịch là “yêu mến” hay “yêu thương” tuỳ theo âm điệu tiếng Việt.
Bản chất của người môn đệ Đức Giê-su là hoà vào dòng chảy
tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Dòng chảy tình yêu này được
nói đến trong Ga 15,9-10. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “9 Như Cha đã yêu mến
Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. 10
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy,
như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu
của Người.” Dòng chảy tình yêu này chỉ trọn vẹn khi các môn đệ sống điều răn
yêu thương mà Đức Giê-su đã ban tặng: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu
mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (15,12).
I. Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận trong
Cựu Ước
II. Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận
trong Tân Ước
III. Điều răn mới trong Tin Mừng Gio-an
IV. Đặc trưng của điều răn mới
I. Điều răn “yêu mến Đức Chúa” và “yêu thương người thân
cận” trong Cựu Ước
Tin Mừng Mát-thêu (Mt 22,36-40) thuật lại cuộc trao đổi giữa
những người Pha-ri-sêu và Đức Giê-su về hai điều răn trong Cựu Ước như sau: Khi
một người thông luật hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều
răn (entolê) nào trọng nhất?” (Mt 22,36), Đức Giê-su trả lời: “Ngươi phải yêu
mến (agapêseis) Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả lòng dạ của ngươi,
với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi. Đó là điều răn
quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn
ấy, là ngươi phải yêu mến (agapêseis) người thân cận (plêsion) của ngươi như
chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều
răn ấy” (Mt 22,37-40).
Đức Giê-su kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước: (1) Điều răn
yêu mến Thiên Chúa được lấy trong sách Đệ Nhị Luật 6,5: “Hãy yêu mến
(agapêseis) ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ của ngươi, với
tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi.” (2) Điều răn yêu
thương người thân cận được lấy trong sách Lê-vi 19,18b. ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi
yêu thương (agapêseis) người thân cận (plêsion) của ngươi
như chính ngươi” (Lv 19,18). Điều răn này nằm trong đoạn văn Lv
19,11-17 là những quy định có tính cách luân lý mà dân Ít-ra-en phải
giữ, theo như Giao ước đã thiết lập giữa Thiên Chúa và dân qua trung gian ông
Mô-sê (x. Lv 19,1-2).
Tin Mừng Nhất Lãm (Mt
22,36-40 // Mc
12,28-34 // Lc
10,25-28) nhắc lại hai điều răn “Mến Chúa yêu người” trong Cựu Ước, đây là
hai điều răn quan trọng nhất. Tân Ước cũng áp dụng hai điều răn này cho các môn
đệ: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Nhưng câu hỏi đặt ra là
người thân cận là ai? Trong Cựu Ước, “người thân cận” chỉ giới hạn trong
dân Ít-ra-en. “Người thân cận” là đồng bào Ít-ra-en, những người thuộc dân
Chúa. Người ngoại bang không phải là người thân cận của dân Ít-ra-en. Vậy Tân
Ước áp dụng điều răn “yêu thương người thân cận” như thế nào?
II. Điều răn “yêu mến Đức Chúa” và “yêu thương người thân
cận” trong Tân Ước
Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện liên quan đến điều răn
yêu thương ở Lc
10,25-28. Nhưng vấn đề hóc búa đặt ra: “Ai là người thân cận của tôi?” Đây
là câu hỏi rất hay mà các môn đệ Đức Giê-su cần biết. Sau khi người thông luật
nhắc lại điều răn “yêu thương người thân cận như chính mình”, ông đã hỏi Đức
Giê-su: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Câu hỏi khó trả lời
đối với Ki-tô hữu, vì khi chỉ ra ai là người thân cận, cũng có nghĩa là có
người không phải là người thân cận của tôi. Khi truyền thống Cựu Ước định nghĩa
người thân cận là dân Ít-ra-en thì đương nhiên tất cả những người không thuộc
về dân Ít-ra-en bị loại trừ. Dân ngoại không phải là người thân cận của dân
Ít-ra-en.
Đức Giê-su đã trả lời câu hỏi này bằng cách kể dụ ngôn người
Sa-ma-ri nhân hậu (Lc
10,30-35). Sau đó Đức Giê-su hỏi người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba
người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”
(Lc 10,36) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót
đối với người ấy” (10,37a). Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi và hãy làm như
thế” (Lc 10,37b). Lời của Đức Giê-su đảo ngược câu hỏi của người thông luật lúc
đầu. Thay vì Đức Giê-su trả lời câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” thì
Người nói: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác như người
Sa-ma-ri nhân hậu đã làm. Chi tiết người Sa-ma-ri không thuộc dân Do Thái, cho
thấy Đức Giê-su đã mở rộng khái niệm “người thân cận” để áp dụng cho các môn đệ
của Người. Từ nay người thân cận không chỉ giới hạn trong dân Ít-ra-en là dân
được Thiên Chúa tuyển chọn, mà bất kỳ ai cũng có thể là người thân cận của tôi.
Thay vì đặt câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?”, Đức Giê-su mời gọi đặt câu
hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”, nghĩa là tôi đã làm gì để trở thành người
thân cận của người khác?
Như thế, trong Tân Ước, người thân cận là tất cả mọi người,
không phân biệt màu da, chủng tộc. Tân Ước đã áp dụng hai điều răn trong Cựu
Ước và mở rộng nghĩa của từ “người thân cận” đến tất cả mọi người. Để tránh rơi
vào tình trạng phân biệt ai là người thân cận, ai là kẻ đối nghịch, Đức Giê-su
mời gọi các môn đệ: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của mọi người,
nhất là hãy là người thân cận của những người đang gặp hoạn nạn, như nạn nhân
trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc
10,30-35).
Truyền thống Ki-tô giáo đã mở rộng nghĩa của từ “người thân
cận”(plêsion), khi nói “yêu thương người thân cận” là nói đến tình yêu giữa các
môn đệ Đức Giê-su với nhau và tình yêu giữa các môn đệ với tất cả mọi người,
không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc. “Người thân cận” theo nghĩa rộng
là tất cả mọi người. Như thế, “yêu thươngngười thân cận” trong Ki-tô Giáo
có chiều kích phổ quát, không loại trừ ai (xem Mt 5,34;
19,19; 22,39; Mc 12,31; 12,33; Lc 10,27; Rm 13,9; Gl 5,14; Jc 2,8).
III. “Điều răn mới” trong Tin Mừng Gio-an
“Điều răn yêu thương” trong Tin Mừng Gio-an (Tin Mừng thứ
tư) còn gọi là “điều răn mới” (Ga 13,34; 15,12) có ý nghĩa thần học độc
đáo riêng so với điều răn “yêu thương người thân cận” như đã phân tích trên
đây. Tin Mừng thứ tư không nói đến “yêu thương người thân cận (plêsion)”
mà nói đến “yêu thương lẫn nhau” trong điều răn mới. Đức Giê-su nói với các môn
đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến
nhau. 35 Ở điều này mọi người sẽ nhận biết rằng: Anh em là môn đệ của Thầy, nếu
anh em có tình yêu mến lẫn nhau” (Ga 13,34-35).
Điều răn yêu thương này được Đức Giê-su lặp lại lần thứ hai
với những yếu tố mới ở Ga 15,12-13. Người nói với các môn đệ: “12 Đây là điều
răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. 13 Không ai
có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Ga
15,12-13).
Điều răn mới trong Tin Mừng Gio-an mang đậm nét Ki-tô học và
chỉ dành cho các môn đệ vì là “yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương”. Nghĩa
là yêu thương nhau bằng tình yêu mà Đức Giê-su đã dành cho các môn đệ. Yêu
thương như thế thì chỉ có người tin vào Đức Giê-su mới thực hiện được.
Những đặc trưng của điều răn mới được trình bày qua hai ý:
1) Điều răn mới trong liên hệ với Đức Giê-su, nên gọi là đặc trưng Ki-tô học
trong điều răn mới. 2) Điều răn mới trong dòng thời gian, bàn về tương quan
giữa “điều răn cũ” và “điều răn mới”.
1. Ki-tô học trong “điều răn mới”
Điều răn yêu thương trong Tin Mừng Gio-an có nhiều đặc tính Ki-tô học quan trọng: a) Sở hữu điều răn mới: Điều răn mới là của Đức Giê-su và Người ban cho các môn đệ. b) Cách thức yêu thương trong điều răn mới: Yêu thương như Đức Giê-su đã yêu thương.
a. Điều răn mới là của ai và được ban cho ai?
Điểm Ki-tô học thứ nhất liên quan đến người ban điều răn yêu
thương. Đức Giê-su nói rõ: “Đây là điều răn của Thầy” (Ga 15,12). Đây là điều
răn của Đức Giê-su, chứ không phải là điều răn của Đức Chúa. Đúng hơn, đây là
điều răn Đức Giê-su đã lãnh nhận từ Cha của Người (Ga 12,49-50), bây giờ Người
ban điều răn ấy cho các môn đệ. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy ban
cho anh em một điều răn mới:...” (13,34). Điều răn mới này trở thành điều răn
của Đức Giê-su ở 15,12: “Đây là điều răn của Thầy:...” Như thế, lời mời
gọi: “Anh em hãy yêu thương nhau” (13,34; 15,12) là nội dung điều răn
của Đức Giê-su chứ không phải của ai khác. Quy chiếu vào Đức Giê-su như là
“người sở hữu” và “người ban” “điều răn yêu thương” giúp phân biệt tình
yêu trong “điều răn mới” với tất cả các thứ tình yêu khác.
b. Cách thức yêu thương nhau trong điều răn mới.
Vế thứ hai của “điều răn mới”: “...NHƯ Thầy đã yêu thương
anh em” (13,34; 15,12b). Đây là điểm quy chiếu Ki-tô học quan trọng trong điều
răn mới. Từ “như” (kathôs) ở đây có nghĩa thần học, diễn tả “nền tảng” (le
fondement), “nguồn gốc” (l’origine) và “nguồn mạch” (la source) tình yêu của
các môn đệ. Nói cách khác, từ “như” (kathôs) khẳng định tình yêu của Đức Giê-su
dành cho các môn đệ vừa là nền tảng, vừa là nguồn gốc, vừa là nguồn mạch
cho tình yêu thương lẫn nhau giữa các môn đệ. Như thế, tình yêu của Đức Giê-su
“sinh ra” (engendre) liên lỷ tình yêu của các môn đệ. Tình yêu thương lẫn nhau
của các môn đệ chỉ có thể tồn tại trong, nhờ và với tình
yêu của Đức Giê-su.
Mệnh đề thứ hai của “điều răn yêu thương” trong Gio-an: “...như
Thầy đã yêu thương anh em” trở thành yếu tố cấu thành và có tính quyết định cho
mệnh đề thứ nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Nếu không có mệnh đề thứ hai
thì mệnh đề thứ nhất cũng không tồn tại. Mệnh đề thứ hai, vừa chỉ ra cách mà
các môn đệ phải yêu thương (yêu thương như Thầy yêu thương), vừa chỉ ra nền
tảng mà tình yêu của các môn đệ phải dựa vào (tình yêu của Đức Giê-su). Vì thế,
tình yêu thương lẫn nhau của các môn đệ không thể tách khỏi tình yêu của Đức
Giê-su dành cho họ.
“Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” là dấu chỉ tuyệt
hảo để phân biệt “tình yêu” trong “điều răn mới” với các thứ “tình yêu”
khác như “tình yêu của thế gian” (Ga 15,19) và tình yêu của những người yêu mến
bóng tối (3,19)...
Tóm lại, hai nét đặc trưng Ki-tô học của “điều răn yêu
thương”: 1) Điều răn mới là của Đức Giê-su và chính Người ban cho các
môn đệ. 2) Yêu như Đức Giê-su đã yêu, làm cho “tình yêu” trong điều
răn yêu thương khác với mọi thứ “tình yêu” khác.
2. Những cái “mới” trong “điều răn mới” (13,34)
Phần này sẽ tìm hiểu những điều “mới” trong “điều răn mới”
bằng cách: a) Nhìn về quá khứ, trong truyền thống Cựu Ước và b) Nói về điều răn
mới theo các thư Gio-an.
a. “Điều răn mới” so với quá khứ
Tính từ “mới” (kainos) ở Ga 13,34 có thể đánh dấu một
bước ngoặt mang tính quyết định trong lịch sử cứu độ. Khi nói đến “điều răn
mới” giả thiết đã có “điều răn cũ”, theo nghĩa ám chỉ đến điều răn đã có trước
đó. “Điều răn yêu thương” được gọi là “điều răn mới” trong Tin Mừng thứ tư gợi
ý đến điều răn yêu thương trong Cựu Ước. Tân Ước nhắc lại nhiều lần (Mt 5,43;
22,36-49; Rm 13,19; Gl 5,14; Gc 2,8) điều răn “yêu thương người thân cận như
chính mình” trong Lv 19,18-19. Điểm mới của “điều răn yêu thương” trong Tin
Mừng thứ tư so với Lv 19,18 không phải là “tình yêu” nhưng là “đối tượng của
tình yêu”: trong Tin Mừng Gio-an là “Yêu thương lẫn nhau (allêlous)”; trong
sách Lê-vi là “Yêu thương người thân cận (plêsion)”.
Trong truyền thống Cựu Ước, “người thân cận” là các thành
viên của dân Ít-ra-en, dân được Thiên Chúa chọn. Các bản văn Tân Ước mở rộng
nghĩa “người thân cận” đến “tất cả mọi người” (không tin, chưa tin hay đã
tin vào Đức Giê-su). “Người thân cận” theo Ki-tô giáo là mọi người, không phân
biệt màu da, chủng tộc, niềm tin, tôn giáo. Điều mới mẻ trong Tin Mừng
Gio-an là “điều răn yêu thương” (Ga 13,34; 15,12) chỉ liên quan đến các môn đệ,
những người đã tin vào Đức Giê-su.
“Điều răn mới” trong Tin Mừng Gio-an vừa tiếp nối, vừa mới
mẻ so với điều răn yêu thương trong Lv 19,18. “Điều răn yêu thương” trong Tin
Mừng Gio-an tiếp nối điều răn yêu thương trong Cựu Ước, vì “điều răn mới” (Ga
13,34) có cội nguồn trong tình yêu của Chúa Cha dành cho thế gian (3,16) và
tình yêu của Chúa Cha dành cho Đức Giê-su (Ga 15,9). Đồng thời, “điều răn mới”
khác với “điều răn cũ”, vì đối tượng của tình yêu đã thay đổi. Trong Sách
Lê-vi, đối tượng của tình yêu là các thành viên thuộc về dân Chúa (người thân
cận), còn trong Tin Mừng Gio-an, đối tượng của tình yêu là các môn đệ Đức
Giê-su. Như thế có hai điều mới quan trọng: 1) “Yêu mến Thiên Chúa” trong Cựu
Ước (Đnl 6,5) trở thành “yêu mến Đức Giê-su” trong Tin Mừng Gio-an (Ga
14,15-26), 2) “Yêu thương người thân cận” trong dân Ít-ra-en (Lv 19,18) trở
thành “yêu thương lẫn nhau” trong cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su.
Đức Giê-su với tư cách là Con Thiên Chúa, Đấng Chúa Cha sai
đến, Người là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người như Người đã
nói với các môn đệ: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (14,6). Với
sự xuất hiện của Đức Giê-su trong trần gian, bước ngoặt quyết định trong lịch
sử cứu độ đã xảy ra. Từ nay con người chỉ có thể hiệp thông với Thiên Chúa và
đón nhận tình yêu của Thiên Chúa qua trung gian Đức Giê-su. Điều mới mẻ trong
“điều răn mới” là chủ thể ban điều răn là Đức Giê-su và đối tượng của tình yêu
là giữa các môn đệ; còn trong “điều răn cũ”, chủ thể ban điều răn là Đức Chúa
và đối tượng của tình yêu là giữa con cái Ít-ra-en. Sự mới mẻ của “điều răn yêu
thương” trong Tin Mừng thứ tư đánh dấu giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ.
b. “Điều răn mới” là “điều răn cũ” trong các thư Gio-an
Trong truyền thống Gio-an (sách Tin Mừng và ba thư), “điều
răn mới” có một vị trí đặc biệt. Tác giả thư thứ nhất Gio-an nói về “điều răn
mới” trong Ga 13,34 bằng cách chơi chữ giữa “cũ” và “mới”. Tác giả thư thứ nhất
Gio-an viết: “Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới (kainên) tôi
viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ (palaian), mà anh em đã có ngay từ
lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một
điều răn mới tôi viết cho anh em” (1Ga 2,7-8). Trong thư thứ hai Gio-an,
tác giả viết ở 2Ga 5: “Thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà điều này – đây không phải là
một điều răn mới tôi viết ra, nhưng là điều răn chúng ta đã có từ lúc khởi đầu
– đó là: Chúng ta phải yêu thương nhau.” Những kiểu nói: “Điều răn mới”,“điều
răn cũ” và “chúng ta phải yêu thương nhau” ở 1Ga 2,7-8 và 2Ga 5 là
những dấu hiệu cho biết tác giả ám chỉ “điều răn yêu thương” trong Tin Mừng thứ
tư (Ga 13,34; 15,12).
Như thế, vào thời điểm các thư Gio-an được viết ra, điều răn
yêu thương, nói đến trong Tin Mừng Gio-an, vừa “cũ” lại vừa “mới”. Thư thứ
nhất Gio-an được viết trong bối cảnh đặc biệt, khác với bối cảnh của Tin Mừng
thứ tư. Nội dung thư thứ nhất Gio-an cho thấy sự khủng hoảng trầm trọng xảy ra
ngay giữa cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su. Sự khủng hoảng đã nảy sinh do cách
hiểu khác nhau về vai trò của Đức Giê-su. Vấn đề sai lạc Ki-tô học ở đây
là tách rời nhân tính và thiên tính của Đức Giê-su.
Trong bối cảnh đó, tác giả thư thứ nhất Gio-an kêu gọi hiệp
thông và tuân giữ điều răn yêu thương. Điều răn này không phải là điều răn mới,
bởi vì điều răn này đã có ngay từ khởi đầu, khi cộng đoàn đầu tiên được thiết
lập, đó là cộng đoàn các môn đệ được Đức Giê-su trao ban điều răn yêu thương
trong Ga 13,34; 15,12. Vì thế, tác giả thư thứ nhất Gio-an viết: “Điều răn mà
anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu” (x. 1Ga 2,7-8). Thư thứ hai Gio-an cũng dùng
một kiểu nói như trong thư thứ nhất: Đó là điều răn “mà chúng ta đã có từ lúc
khởi đầu” (2Ga 5).
Kiểu nói: “Từ khởi đầu” gợi lại nguồn gốc, lúc mà cộng đoàn
được hình thành. Trong các thư Gio-an, “điều răn yêu thương” đặt nền tảng trên
sự khởi đầu đó. Tác giả thư thứ nhất Gio-an mở đầu bức thư cách long trọng như
sau: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi
đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời sự sống...” (1Ga 1,1). Sự khởi đầu của cộng đoàn Gio-an chỉ về biến
cố “Hy sinh mạng sống” của Đức Giê-su vì tình yêu ở Ga 15,13. Chính biến cố này
đã sinh ra cộng đoàn người tin.
Cách chơi chữ giữa hai tính từ “cũ”, “mới” trong thư thứ
nhất Gio-an cho thấy tác giả thư này đề cao “điều răn mới”. Quả thế, trước hết
tác giả viết: “Đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em... nhưng
là một điều răn cũ” (1Ga 2,7). Tác giả nhắc lại một lần nữa: “Điều răn cũ ấy là
lời mà anh em đã nghe” (1Ga 2,7c); rồi tác giả kết luận cách nghịch lý:
“Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em” (1Ga 2,8a).
Sự nhấn mạnh tính chất “cũ” cho thấy tác giả không nói điều
gì mới mà chỉ nhắc lại điều đã có từ khởi đầu của cộng đoàn người tin. Đó là
“điều răn yêu thương” trong Tin Mừng thứ tư. Tác giả thư thứ nhất dựa vào Tin
Mừng để kêu gọi sự hiệp nhất trong cộng đoàn: “Điều chúng tôi đã thấy và đã
nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp
thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su
Ki-tô, Con của Người” (1Ga 1,3). Sự hiệp thông của cộng đoàn dựa trên sự hiệp
thông mà Đức Giê-su đã trao ban cho các môn đệ.
Với tính từ “cũ”, tác giả thư thứ nhất Gio-an ám chỉ đến
“điều răn yêu thương” trong Tin Mừng, nhưng cuối cùng tác giả lại khẳng định:
“Điều răn cũ” ấy là “Điều răn mới”, bởi vì “điều răn yêu thương” trong Tin Mừng
được gọi là “điều răn mới”. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em
một điều răn mới” (Ga 13,34). Như thế, theo cách trình bày của tác giả thư thứ
nhất Gio-an, “điều răn cũ” là cũ về thời gian, vì đã có ngay từ đầu, còn “điều
răn mới” là tên gọi của “điều răn yêu thương”. “Điều răn mới” là đặc trưng quan
trọng của “điều răn yêu thương”. “Điều răn mới” mà Đức Giê-su đã trao ban ngay
từ đầu là trung tâm của Ki-tô học và Giáo hội học trong các cộng đoàn Gio-an. Theo
cha Jean-Pierre Lémonon: “[Điều răn mới] làm nên hiến chương của thời cuối
cùng, được khởi đầu với cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su” ([Le commandement
nouveau] constitue la charte des derniers temps ouverts par la mort et
résurrection de Jésus” J.-P.LÉMONON, “Agapè dans le Nouveau Testament”,
dans B.-M. DUFFÉ,(dir.), AGAPÈ, sources et interprétation
de la charité, 1999, p. 78.) Như thế, “điều răn mới” trở thành căn tính
(identité) của người môn đệ. “Điều răn mới” làm nên dân mới của Thiên Chúa, và
những ai giữ điều răn này, mọi người sẽ nhận biết họ là môn đệ Đức Giê-su
(13,35).
Trong viễn cảnh này, “điều răn yêu thương” giữa các môn đệ
trong Tin Mừng thứ tư gợi ý đến “điều răn yêu thương người thân cận” giữa những
thành viên của dân được Thiên Chúa chọn (dân Ít-ra-en) trong Cựu Ước (Lv
19,18). Đồng thời, “điều răn yêu thương” trong Tin Mừng thứ tư, khởi đầu một
giai đoạn mới và đứt đoạn với Cựu Ước. Bởi vì “tình yêu” giữa các thành viên
của dân Thiên Chúa chọn trong Cựu Ước nay trở thành “tình yêu” giữa các môn đệ
Đức Giê-su. “Điều răn yêu thương” của Thiên Chúa trong Lv 19,18 nay trở thành
“điều răn mới” của Đức Giê-su trong Ga 13,35; 15,12. Với sự xuất hiện của Đức
Giê-su, “yêu thương người thân cận như chính mình” trở thành “yêu thương nhau
như Đức Giê-su đã yêu thương”. Điều mới mẻ trong “điều răn yêu thương” của
Đức Giê-su là yêu “như Thầy đã yêu thương”. Đặc điểm này cho thấy “Điều răn yêu
thương” trong Tin Mừng thứ tư chỉ dành cho các môn đệ vì tình yêu đó không thể
tách rời khỏi tình yêu của Đức Giê-su dành cho họ.
Kết luận
Qua những phân tích trên về các điều răn: “Yêu mến Thiên
Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình” trong Cựu Ước và trong Tân
Ước, nhất là “điều răn yêu thương” trong truyền thống Gio-an (Tin Mừng và ba
thư), có thể nói đến ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.
Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình
trong Cựu Ước (Đnl 6,5; Lv 19,18).
Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính
mình trong Tân Ước. Trong đó, khái niệm “người thân cận” được mở rộng đến tất
cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.
“Yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương” (điều răn
mới) là điều răn của Đức Giê-su và chỉ dành cho các môn đệ. Đây không phải là
tình yêu khép kín, mà là yêu thương để mọi người nhận ra môn đệ Đức Giê-su (Ga
13,35).
Đặc biệt, điều răn mới trong Tin Mừng Gio-an cho thấy sự nối
kết và đứt đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước. Tân Ước nối kết với Cựu Ước vì “điều
răn yêu thương” mà Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ bắt nguồn từ tình yêu
giữa Đức Giê-su và Chúa Cha (Ga 10,18;
12,49.50; 15,9-10). Tân Ước đứt đoạn với Cựu Ước vì “điều răn mới” đi xa
hơn và mở rộng hơn so với điều răn cũ. Từ nay bất kỳ ai cũng có thể trở thành
môn đệ Đức Giê-su và sống điều răn yêu thương, là điều răn mới Đức Giê-su ban
tặng. Nhờ đó, người môn đệ được hiệp thông trọn vẹn với Đức Giê-su và với Chúa
Cha. Sống điều răn mới là lời chứng có sức thuyết phục về tình yêu của Thiên
Chúa dành cho nhân loại, bày tỏ nơi tình yêu của Đức Giê-su. Có thể đọc thêm
phân tích chi tiết về “Điều răn yêu thương” trong tập sách Tình
yêu và tình bạn trong Ga 15,9-17, tr. 97-180.
Ngày 25 tháng 05 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com