"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chính trị theo mạc khải Kitô giáo


Chính trị là một từ ngữ đa dạng và hàm hồ. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến một sinh hoạt có tổ chức mà mục đích là phục vụ cho thiện ích của xã hội, hoặc có những nhóm đặc thù hiện diện trong xã hội nhắm đến công ích. Cứu cánh và nội tại của chính trị là công ích của toàn dân tộc và tất cả mọi nhóm.

Một sinh hoạt chính trị tốt nhằm cho con người được sống trong tự do và liên đới xứng với phẩm giá con người, đồng thời thể hiện được công lý và hòa bình trong xã hội. Kết quả tốt nhất mà sinh hoạt xã hội phải đạt tới là thiết lập một công quyền nhằm thăng tiến tự do. Dĩ nhiên, tự do ở đây không thể hiểu như là tự do và quyền lợi của cá nhân, mà tự do trong xã hội có tổ chức, trong đó tự do cá nhân được thể hiện, như tình liên đới và công bằng nhắm tới thiện ích của người khác nữa.

Để cho công quyền được thiết lập nhằm thăng tiến tự do trên mọi qui mô, cần phải có sự hỗ tương giữa chính trị và mọi sinh hoạt khác của con người, như văn hóa, kinh tế, gia đình và tôn giáo, mà vẫn bảo đảm và tôn trọng tự do cá nhân.

- Mạc khải kitô giáo nói gì về chính trị?
- Đâu là trách nhiệm của kitô hữu trong sinh hoạt chính trị?
- Đâu là những câu hỏi mà có niềm tin không thể tránh né?

Thoạt nhìn qua, chúng ta có cảm tưởng như Tin Mừng có tính cách phi chính trị. Chúa Giêsu không hề là một chính trị gia, Ngài cũng chẳng trao quyền hành chính trị cho các tông đồ và môn đệ của Ngài. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được trong Tin Mừng bất cứ một đoạn nào nói đến đường hướng chính trị mà Chúa Giêsu vạch ra cho các môn đệ. Chúng ta cũng hề đọc được một nơi nào nói rằng các môn đệ được kêu gọi để tổ chức thành một đảng phái chính trị bên cạnh những đảng phái khác.

Tuy nhiên, sứ điệp của mạc khải thiết yếu là một sứ điệp giải phóng. Sứ điệp giải phóng ấy cũng có giá trị đối với lãnh vực chính trị, đối với nguy cơ của quyền lực chính trị. Điều này được thấy rõ trong Cựu ước. Toàn bộ Cựu ước là một quyển sách mang màu sắc chính trị. Điển hình nhất là cuộc của dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đây hẳn là một biến cố chính trị. Sách các tiên tri là một tiếng kêu than của những người bị những thế lực chính trị đàn áp bóc lột. Bên cạnh những tố cáo về tình trạng bất công do các thế lực chính trị gây nên, Cựu ước còn hàm chứa những lời hứa về một vương quốc thịnh vượng và thái bình. Vương quốc ấy sẽ không còn theo gương các đế quốc, nhưng sẽ là một đầy tớ phục vụ các dân tộc.

Khi loan báo về nước Chúa, Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh có tính cách về chính trị, nhưng Ngài khẳng định rõ ràng nước Chúa không hề dính dáng với bất cứ quyền lực chính trị nào. Một trong những đề tài chính yếu của Tin Mừng là cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những kẻ có quan niệm về Đấng Mêsia chính trị. Chúng ta thấy rõ điều đó ngay trong đoạn Tin Mừng trường thuật về cơn cám dỗ của Ngài. Ma quỷ muốn biến Chúa Giêsu thành một thủ lĩnh chính trị.

Mong đợi một nước Israel hùng cường, và sự lãnh đạo một anh quân, đó là tâm thức chung của người Do thái đương thời với Chúa Giêsu. Ngài quả là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến, nhưng để tránh khỏi mọi hiểu lầm, Chúa Giêsu đã không cho phép các môn đệ công khai tôn vinh Ngài dưới danh hiệu Đấng Mêsia hay Đức Kitô. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng Mêsia, Chúa Giêsu đã nghiêm cấm các ông loan báo tước hiệu ấy. Thật ra, ngay cả Phêrô cũng không am hiểu tường tận tước hiệu Mêsia ấy, chính vì thế khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, ông đã can gián Ngài. Phêrô can gián Chúa Giêsu, bởi vì trong đầu óc của ông Chúa Giêsu là Đấng Mêsia hoàn toàn theo ý thế tục, nghĩa là một nhà chính trị tài ba. Cũng vì thế, Chúa Giêsu đã tự quở trách ông rất nặng lời: “Hỡi satan, hãy xéo khỏi mắt Ta, ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, ngươi suy nghĩ như loài người, chứ không phải suy nghĩ Thiên Chúa”.

Nhiều lần, người ta có cảm tưởng rằng kẻ thù chính của Chúa Giêsu là những Biệt phái. Thật ra, Chúa Giêsu đã làm tất cả để thuyết phục họ, và cuối cùng một số đón nhận Tin Mừng và tin ở sự sống lai của Ngài. Kẻ thù cuồng tín nhất của Ngài là giai cấp thống trị, gồm đa phần những người thuộc phái Sađốc, những người không tin sự sống lại và sự sống bên kia cõi chết, cho nên chỉ tìm ơn cứu rỗi trong cuộc sống trần thế, tức lãnh vực chính trị mà thôi.

Trong Tin Mừng của ngài, thánh Luca dường như muốn cố gắng chứng minh rằng dân Do thái nói chung phải gánh chịu cái chết của Chúa Giêsu. Phải gánh chịu tất cả là giới lãnh đạo tôn giáo, bởi vì chính họ đã cấu kết nhà cầm quyền La Mã để loại trừ Chúa Giêsu. Hành động như thế, các nhà lãnh đạo đã tự hạ xuống hàng những chính trị gia.

Chúa Giêsu không tự nhận và cũng chẳng cư xử như một nhà chính trị, thế nhưng, Tin Mừng không hề dửng dưng trước những biến cố chính trị.

(Trích trong tập „Những vấn đề lớn của Kitô hữu trong thế giới hôm nay“, Radio Veritas, 1998)